Đinh Việt
Đó là khẳng định chắc nịch của đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng tại
phiên thảo luận (hôm qua) về việc bỏ phiếu tín nhiệm cho những chức danh
do Quốc hội/ Hội đồng nhân dân các cấp bầu.
Nghe, thật khoái cái màng nhĩ!
Khổ nỗi, với 3 mức : Tín nhiệm cao. Tín nhiệm thấp. Và, Tín nhiệm thì
đào đâu ra không tín nhiệm để mà…nghỉ, thưa đồng chí Tổng Bí thư!
Ai cũng hiểu Tín nhiệm thấp nghĩa là vẫn còn tín nhiệm. Nếu lượng
hóa như việc chấm điểm học trò thì 5/10 là thấp so với điểm 7, 8, 9,
nhưng vẫn lên lớp như thường, không những không phải thi lại, và càng
không phải nghỉ (theo cách nói của TBT Nguyễn Phú Trọng).
Chả nhẽ đồng chí TBT lại có thể lẫn lộn khái niệm tín nhiệm thấp với
không tín nhiệm… nên mới phang như thế? Hay là, sâu xa đồng chí Nguyễn
Phú Trọng muốn Quốc hội chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm ở 2 mức: 1/ Tín
nhiệm. 2/ Không tín nhiệm. Cái mà tất cả các quốc gia dân chủ đều làm
thế, chỉ làm thế. Nói gọn hơn, dễ hiểu hơn, với nội hàm đầy đủ là bỏ
phiếu bất tín nhiệm.
Đơn giản thế thôi mà ta cứ loay hoay cho đến mãi tân thập niên thứ 2
của thế kỷ 21cơ quan Lập pháp của Nhà nước ta, nhà nước của dân, vì dân,
do dân, Nhà nước XHCN dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản phương tây (
lời bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan) mới bắt đầu thử bỏ phiếu tín
nhiệm các chính khách (năm 2013) bằng một cách không giống ai: Tín nhiệm
cao/Tín nhiệm/Tín nhiệm thấp.
Với 3 mức như thế, chưa bỏ, dân chúng đã biết tất cả đều đạt tín
nhiệm. Vậy thì, bỏ phiếu làm gì cho mất thì giờ. Diễn kịch à? Tất nhiên
ai chẳng biết cuộc đời là một sân khấu. Chẳng thế mấy chữ sân khấu chính
trị đã có trong các loại từ điển từ đời nảo đời nào. Chính trị nào mà
chẳng phải diễn. Chỉ có điều các bác nhà mình diễn dở ẹo. Mấy người muốn
xem, muốn nghe?
Những người quan tâm theo cách” gái góa lo việc triều đình” thì chỉ
thương mấy ông mấy bà bên Hành pháp (Chính phủ). Ông Thủ tướng, ông Giáo
dục, bà Y tế, ông Ngân hàng, ông Giao thông Vận tải… bạc mặt vì công
việc, mỗi ngày làm việc 15, 17 giờ đồng hồ. Bố mẹ ốm, vợ yếu, con đau
chẳng thấy mặt đâu. Ngày lễ, ngày tết càng bận, hết tuyến đường này đến
xa lộ kia, hết cầu thép này, dây văng nọ …đến cầu treo tận Tây Bắc, Tây
Nguyên để học trò, cô giáo không phải chui túi ny lông qua sông…vân vân
và vân vân. Thế mà phiếu tín nhiệm thấp lại nhiều. Trong khi các ông các
bà bên Lập pháp, Tư pháp, bên Đảng, chủ yếu trong phòng máylạnh/máy ấm,
chân đút gầm bàn. Họp, thảo luận rồi sửa lỗi chính tả các văn bản, nghị
quyết (đa số càng sửa càng sai, càng sai càng sửa, nhưng rồi, sửa đâu
sai đấy). Và, sau hết là chém gió…theo cách không biết 100 năm nữa nước
ta có tiến được lên chủ nghĩa xã hội không, nhưng mà…Cố gắng, cố
gắng…Thi đua, thi đua…Tiến lên hàng đầu …Để bảo vệ hòa bình thế giới..
Những người như thế, chính khách loại như thế, phiếu tín nhiệm lại rất cao, hơn hẳn bên Chính phủ.
Thế mới càng biết các đại biểu của dân (nghị sĩ) rất sáng suốt. Sáng
suốt đến mức người làm nhiều được đánh giá thấp, người làm ít lại được
đánh giá cao, thậm chí rất cao (liệu có chuyện chạy phiếu?)
Chỉ tiếc, có người không được có tên trong danh sách để QH bỏ phiếu
tín nhiệm, người lúc nào cũng đau đáu với sự nghiệp xây dựng CNXH, đấu
tranh không mệt mỏi để giữ gìn tình đoàn kết giữa các Đảng cộng sản anh
em và phong trào cộng sản quốc tế, nhất là với những người đồng chí “Sơn
thủy tương liên/Lý tưởng tương đồng/Văn hóa tương thông/Vận mệnh tương
quan.
Tại sao chưa bổ sung người này vào danh sách?
Có tên trong danh sách, chắc chắn số phiếu tín nhiệm của các đồng chí đó sẽ rất cao.
Cao. Thấp. Không cao không thấp. Bỏ phiếu như thế thì nên bỏ đi cho
đỡ mất thời gian, tiết kiệm ngân sách (tiền ngân sách là tiền dân). Mỗi 1
ngày, 1 giờ tại nghị trường QH đâu phải ít thóc.
Hãy học tập các quốc gia khác đi trước ta hàng trăm năm. Đừng “sáng
tạo” nữa. Lòng vòng mãi chỉ khổ dân. Đồng thời với việc bỏ phiếu bất tín
nhiệm, thì rất cần có văn hóa từ chức nơi các chính khách Việt Nam. Tư
duy lỗi thời, lúc nhớ lúc quên, lẫn lộn thì phải từ chức ngay.