Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Chiến tranh tại Irak: Nguy cơ hình thành nhà nước Sunistan cực đoan

Tú Anh
Vùng gạch chéo thuộc tầm ảnh hưởng của Tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông.
Xuất hiện trên chiến trường Syria vào mùa xuân 2013, cách nay đúng một năm, tổ chức thánh chiến Hồi giáo mang tên Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông đã nhanh chóng phát triển. Cuộc tấn công của lực lượng võ trang thuộc hệ phái Sunni chống chính phủ Bagdad của phe Shia có khả năng làm nước Irak tan vỡ thành ba mảnh: Sunni, Shia và Kurdistan.
Trong vòng một tuần lễ, cuộc tấn công của phiến quân Sunni Irak dưới danh xưng Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông đã làm cho quốc gia Irak, sáng sinh từ đống tro tàn của đế chế Otttoman năm 1920, và độc lập năm 1930, chia thành ba khu vực.
Phía Tây Bắc do phe thánh chiến ước lượng từ 10 ngàn đến 15 ngàn quân kiểm soát. Phía đông, lực lượng võ trang của sắc tộc Kurdistan khẩn cấp bung ra bảo vệ vùng dầu hỏa Kirkouk, thủ phủ của khu tự trị sau khi quân đội chính phủ Irak bỏ chạy. Còn ở phía nam, chính phủ Maliki và đại bộ phận quân đội và an ninh Irak thuộc hệ phái Shia thiết lập hàng rào phòng thủ bảo vệ phần còn lại của lãnh thổ. Thanh niên Irak được giáo trưởng hệ phái Shiakêu gọi cầm súng chống phe Sunni.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: trước hết Nhà nước Irak và Trung Đông do ai chỉ huy? Mục tiêu chiến lược của phe Sunni cực đoan này là gì? Tại sao quân đội Irak, ít nhất là các đơn vị trấn giữ phía bắc tan rã nhanh chóng và hệ quả địa lý chính trị trong tương lai?

Lời giải đáp là một chuỗi nguyên nhân và hậu quả trùng trùng của chính sách kỳ thị của phe Shia do thủ tướng Maliki đại diện, bất chấp mọi khuyến cáo đưa đến sự hình thành của Nhà nước hồi giáo Irak và Trung Đông.
Abu Bakr Al-Baghdadi, một Ben Laden mới nhưng độc hiểm hơn Al Qaida
Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông là tên mới của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Irak do Abu Bakr Al-Baghdadi lãnh đạo, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại Syria trước khi quay súng bắn sau lưng các lực lượng kháng chiến ôn hòa và Al Nostra của Al Qaida để tạo sức mạnh riêng.
Thoạt đầu, chiến binh của Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông được phe đối lập Syria ủng hộ nhiệt tình. Nhưng sau đó, hành vi bắt cóc thủ tiêu người không cùng phe đã làm tan rã liên minh chống nhà độc tài Bachar al Assad. Ngay Al Qaida tại Syria cũng là nạn nhân của Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông.
Trong khu vực tây bắc Irak, lãnh địa của hệ phái Hồi giáo Sunni, quân đội Irak tan chảy như nước đá gặp mặt trời. Lực lượng thánh chiến Sunni tiến như chẻ tre, chiếm kho vũ khí đạn dược, chiến xa, trực thăng võ trang. Sau khi chiếm thành phố lớn thứ hai của Irak, chiến binh Sunni kéo quân tiến về thủ đô Bagdad cách đó 100 cây số về phía nam. Qua đoạn băng thu sẵn, Abu Bakr Al-Baghdadi lãnh tụ của Nhà nước Irak và Trung Đông thúc giục tiến chiếm thủ đô.
Theo các chuyên gia, tổ chức thánh chiến cuồng tín này được sản sinh từ Al Qaida và chiến dịch quân sự Anh-Mỹ năm 2003, lật đổ nhà độc tài Irak Saddam Husein. Tuy nhiên, người cha tinh thần của tổ chức không phải là Ben Laden mà là Abu Mussab Al- Zarkaoui, một kẻ tội phạm người Jordanie. Sau một thời gian trốn sang Afghanistan, đến 2002 nhân vật này về ẩn náo tại miền bắc Irak.
Khi liên quân Anh-Mỹ tiến vào Irak, quân đội Saddam Hussein thua trận nhưng đây là cơ hội để Abu Mussab Al- Zarkaoui ra tay. Tuy chỉ là cán bộ thừa hành của Al Qaida, nhưng Abu Mussab Al- Zarkaoui đã nhanh chóng cầm đầu chiến tranh chống « quân ngoại xâm ». Hàng loạt vụ khủng bố tự sát bằng xe bom nhắm vào quân nhân Mỹ, nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc, phóng viên quốc tế, doanh nhân và chủ nhân mới của Irak, chính trị gia theo hệ phái Shia đa số nhưng bị Saddam Husein trấn áp suốt ba thập niên.
Một hành động của Zarkaoui để « tạo uy tín » và gây chấn động công luận quốc tế là vụ đích thân ông ta chặt đầu doanh nhân Mỹ Nicolas Berg năm 2004. Một đặc điểm khác của Zarkaoui, và khác với Al Qaida, là ông ta thảm sát hàng loạt người Hồi giáo Shia với những đợt khủng bố bằng xe bom. Hành động này rất được lòng một bộ phận công luận Ả Rập Xê Út, vốn xem hệ phái Shia là bọn « khùng điên ».
Tuy nhiên, đầu não của Al Qaida nhất là bác sĩ Ai Cập Ayman Al-Zawari, bất bình chiến lược cực đoan này vì lo sợ hệ quả chia rẽ hàng ngũ Hồi giáo. Al Qaida ra lệnh cho Abu Mussab Al- Zarkaoui phải ngưng khủng bố người Shia Irak nhưng Zarkaoui bất chấp.
Đến năm 2006, Abu Mussab Al- Zarkaoui bị Không lực Mỹ oanh kích chết tại Dyala, quê hương của Abu Bakr Al-Baghdadi. Những năm kế tiếp, lực lượng thánh chiến do hành động cực đoan cuồng tín lộ ra khi chiếm Fallouja năm 2004 bị dân cư địa phương tẩy chay. Trong khi đó thì quân đội Mỹ và các lực lượng sắc tộc theo hệ phái Sunni thân Mỹ, quân đội Irak mới thành lập lại, tấn công ráo riết làm cho phe thánh chiến gần như tan hàng chỉ còn vài trăm quân.
Al Qaida liền điều một « ủy viên chính trị » bí danh Abu Hamza Al Mujaher đến Irak phối hợp với một thân hào người Irak lãnh đạo tổ chức và đặt tên Nhà nước Hồi giáo Irak. Thế nhưng đến tháng 4 năm 2010, hai lãnh đạo này bị oanh kích chết. Abu Bakr Al-Baghdadi lên cầm cương tổ chức võ trang, tuy lực lượng suy yếu, nhưng gồm những tay súng quen với chiến trường.
Tiếp theo đó, Mỹ rút quân, chính quyền Maliki tóm thâu quyền lực về tay phe Shia, kỳ thị người Sunni, và nạn tham nhũng đã tạo ra mảnh đất mầu mỡ cho tổ chức Nhà nước Irak phát triển lực lượng. Khi phong trào đòi dân chủ tại Syria biến thành nội chiến thì Nhà nước Irak đưa chiến binh sang Syria, đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông, công khai hóa mục tiêu chiến lược thành lập một quốc gia hồi giáo Sunni bao trùm phần lớn Irak và Syria.
Sức mạnh của Abu Bakr Al-Baghdadi là chỉ chém giết mà không bao giờ nói. Giới tình báo Tây phương chỉ có tấm ảnh bán thân duy nhất của lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông. Trong khi Ben Laden quay phim dàn dựng kịch bản tuyên truyền thì Abu Bakr Al-Baghdadi im lặng tạo ra một thứ huyền thoại kích thích giới trẻ bất mãn xã hội.
Do vậy, khi Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông tham chiến tại Syria thì hàng hàng tình nguyện quân từ bốn phương, Châu Âu, Úc, vùng Vịnh, Kavkaz đổ về gia nhập phong trào thánh chiến xuyên quốc gia thay vì theo lực lượng kháng chiến Quân đội Syria Tự Do do Tây phương yễm trợ hay tổ chức Mặt trận Al Nostra, bàn tay nối dài của Al Qaida tại Syria.
Theo đài truyền hình song ngữ Pháp-Đức Arte, tổ chức khủng bố này có từ 7000 quân tại Syria và 6000 tại Irak. Trong số này, có chiến binh Hồi giáo người Đức, Anh, Pháp và các nước Châu Âu khác.
« Chiến thuật của Stalin: chống thù nhưng giết bạn »
Trên chiến trường, Abu Bakr Al-Baghdadi chứng tỏ là một nhà chiến lược lợi hại. Quân của ông ta tránh giao tranh với quân đội Syria nhưng thừa cơ hội đánh úp Al Nostra và giành quyền kiểm soát biên giới hầu tạo ra một hành lang an toàn nối với…Irak.
Bị ám ảnh bởi kinh nghiệm 10 năm trước tại Irak vừa bị quân Mỹ tấn công vừa bị các đơn vị võ trang Sunni chống Al Qaida, Abu Bakr Al-Baghdadi áp dụng chiến thuật « tiêu thổ », thanh toán tất cả những người cùng chiến đấu chống Damas nhưng thuộc các tổ chức khác kể cả Al Qaida. Một nhà ngoại giao Tây phương nhận định: phương pháp của phe này là phương pháp của lực lượng cộng sản theo xu hướng Stalin trong chiến tranh Tây Ban Nha, tức là thanh toán lực lượng của Đệ tứ quốc tế và phe vô chính phủ thay vì đánh kẻ thù chính là nhà độc tài Franco ».
Khủng bố Hồi giáo mạnh vì quân đội Irak suy yếu
Theo phóng viên Céline Hennion của nhật báo Le Monde, chính sự tan hàng rã ngũ của quân đội Irak đã giúp cho lực lượng thánh chiến Hồi giáo tiến quân như gió lốc. Nguyên nhân đầu tiên là do chính quyền của thủ tướng Irak Maliki.
Không rõ có phải để trả thù hệ phái Sunni thiểu số trấn áp hệ phái Shia đa số suốt 100 năm hay không, hay do tâm lý nghi kỵ, Thủ tướng Maliki,cầm quyền đến nhiệm kỳ thứ ba, đã loại trừ người Sunni ra khỏi các chức vụ quan trọng trong quân đội. Biện pháp thanh trừng này làm cho lực lượng võ trang quốc gia suy yếu thêm.
Sai lầm thứ hai là chính phủ Irak từ đầu năm nay không phát lương cho lực lượng Sahwa, theo hệ phái Sunni, nhưng chống khủng bố từng chứng minh hiệu năng tiêu diệt Al Qaida ở các thành phố phía bắc.
Nhưng đối với các đối thủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama thì lỗi đầu tiên là do chính quyền đảng Dân chủ đã quyết định rút quân quá sớm trong khi quân đội Irak chưa đủ kinh nghiệm để đối đầu với một chiến trường rộng lớn.
Ngược lại, nhiều chuyên gia độc lập cho rằng căn nguyên nguồn cội là quyết định sai lầm của Tổng thống George W Bush. Khi lật đổ xong Saddam Husdein, toàn quyền Mỹ Paul Bremer đã xóa sổ quân đội Irak, giải thể các đại đơn vị, loại hết sĩ quan của đảng Baas. Sau đó, Hoa Kỳ chi ra hơn 25 tỷ đôla để thành lập quân đội mới. Không ít sĩ quan đảng Baas gia nhập Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông tạo vây cánh cho phe cực đoan.
Nguy cơ chia cắt lãnh thổ
10 năm khủng bố bạo lực đã làm hàng chục ngàn người chết và đào sâu hố phân cách giữa hai cộng đồng cùng tôn giáo nhưng khác hệ phái.
Ngày nay, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông trở thành đảng Sunni của Irak, và đã thành công « thánh chiến hóa » người dân trong vùng họ kiểm soát như Taliban đã làm ở vùng dân cư Pachtounes ở Afghanistan và Pakistan.
Nếu quân đội Irak không tái chiếm được miền bắc đã mất thì Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông sẽ thiết lập được một quốc gia mới mà giới phân tích gọi là Sunistan, chỉ gồm toàn dân cư thuộc hệ phái Sunni. « Quốc gia » này bao trùm phần lớn lãnh thổ của hai nước Irak và Syria.
Cách thức đối xử tàn bạo của Abu Bakr Al-Baghdadi ở Syria và ở những vùng mới chiếm đóng tại Irak như xử tử hàng ngàn binh sĩ Shia không cho phép lạc quan.
Một chuyên gia dầu khí có uy tín quốc tế, bà Ruba Husari phân tích: Hoa Kỳ đã phá bỏ các định chế chính trị quân sự của Irak, nhưng Thủ tướng Makiki mới là người đánh mất toàn vẹn lãnh thổ. Tương lai chính trị, kinh tế và dầu hỏa của Irak tùy thuộc vào khả năng của các thành phần chính trị người Sunni và Shia bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước khi con tàu bị đắm. Tuy nhiên, chuyên gia này tỏ ý hoài nghi khả năng này nhất là ở phía đông bắc, người Kurdistan Irak đã khai thác thời cơ tung dân quân võ trang kiểm soát toàn lãnh thổ tự trị mà từ lâu nay họ muốn độc lập.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia quốc tế không nghĩ là Irak sẽ bị tan vỡ. Arthur Quesney thuộc viện Nghiên cứu Cận Đông của Pháp cho là các nhà hoạt động Hồi giáo Sunni kể cả phiến quân thật ra là những người có tinh thần dân tộc. Họ sử dụng chiêu bài tôn giáo để đòi hỏi quyền lợi chính trị, kinh tế tương xứng chứ không có ý chia cắt lãnh thổ.
Mỹ làm được gì?
Hy vọng cuối cùng của chính quyền Irak là hỏa lực của Mỹ. Nhà ngoại giao Brett McGurk, được gửi sang Bagdad khẩn cấp để điều nghiên tình hình và tìm cách giúp Maliki lôi kéo một bộ phận sắc tộc thuộc hệ phái Sunni thân Mỹ trợ lực cho chính phủ.
Ba năm sau khi triệt thoái toàn bộ 180 ngàn quân về nước vì Irak từ chối ký hiệp ước hợp tác song phương (Afghanistan cũng chưa chịu ký với Mỹ thỏa thuận tương tự) liệu Hoa Kỳ sẽ phải trở lại Irak? Chuyên gia Mỹ Brian Katulis cho rằng thế nào Washington cũng có biện pháp nhưng với cá tính thận trọng của chủ nhân Nhà Trắng, khó dự đoán hành động từ phía Hoa Kỳ.
Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đại tướng Martin Dempsey xác nhận Irak đã chính thức kêu gọi Mỹ yểm trợ không lực. Tuy nhiên, trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ, tướng Martin Dempsey thẩm định chính chế độ Bagdad tự gieo gió gặt bão. Từ bao nhiêu năm nay, bất chấp khuyến cáo của Mỹ, chế độ Maliki đã khinh rẻ một bộ phận lớn dân chúng. Hệ phái Sunni bị loại ra khỏi các chức vụ quan trọng. Bagdad cũng không thực tâm hợp tác với lãnh đạo hệ phái Sunni và lãnh đạo Kurdistan. Nhiều sĩ quan bất mãn đã làm « tay trong » cho thánh chiến Hồi giáo. Cấp chỉ huy vắng mặt, binh sĩ cầm súng để làm gì?
Giúp Mỹ: Iran và Syria nhập cuộc cứu nguy Irak?
Theo chuyên gia Mỹ Brian Katulis, Hoa Kỳ chỉ có thể phản ứng “bên lề” bằng cách củng cố sức mạnh cho những nước có thể bị thánh chiến khuynh đảo như Jordanie và vùng Kurdistan tự trị. Một giải pháp chiến lược cấp vùng bao gồm cả Iran và Syria cần phải được tính tới.
Phải chăng đây là một trong những giải pháp mà Tổng thống Mỹ dự kiến khi ông tuyên bố « không loại trừ giải pháp nào » trừ đưa quân tác chiến trên bộ.
Những tuyên bố của Teheran, nơi hệ phái Shia nắm quyền như ở Irak, sẵn sàng giúp láng giềng chận làn sóng thánh chiến cực đoan vang lên như tiếng vọng từ Washington, kêu gọi Iran nỗ lực giúp Irak. Báo chí quốc tế trong đó có Le Monde xác nhận tướng Iran Qassem Suleimani, chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm Al-Qods của vệ binh Hồi giáo Iran đang có mặt tại Bagdad.
Từ Damas, tổng thống Bachar al-Assad, nhà độc tài mà Washington muốn lật đổ nhưng bị Nga chận lại vào phút chót, cũng lên tiếng đề nghị hợp tác chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông.
Trong khi đó thì Israel, trong bài bình luận trên đài phát thanh quân đội, tỏ ý lo ngại động thái tiến gần lại nhau giữa Hoa Kỳ và Iran. Chưa biết mỗi bên sẽ khai thác tình hình Irak như thế nào để giành nhiều lợi thế nhất từ địa lý chiến lược, tài nguyên và sống còn chính trị?
Chỉ có Trung Quốc, rút kinh nghiệm mất cả chì lẫn chài ở Libya, tuyên bố sẽ bỏ hết đầu tư chạy về nước nếu Bagdad bị tấn công.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"