Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

BCT hãy làm gương đoàn kết thống nhất.

Bùi Tín BCT hãy làm gương đoàn kết thống nhất
Từ xa tôi chân thành góp ‎ý kiến với 16 vị trong Bộ Chính trị – thường gọi là Bêcêtê. BCT, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản VN, tự nhận có quyền lãnh đạo toàn diện và duy nhất đất nước và nhân dân, mặc dầu nó không hề nhận được một lá phiếu bầu nào của người dân. Đây là điều phi lý rõ ràng, trái ngược hẳn với Dân chủ và Pháp quyền do người đứng đầu Chính phủ cam kết với toàn dân trong bản Thông điệp đầu năm 2014.
Nhiều người trong BCT gần đây đã lên tiếng về nguy cơ của đất nước ở biển Đông, kêu gọi toàn dân đoàn kết thống nhất, biểu thị lòng yêu nước, còn kêu gọi sự ủng hộ của toàn thế giới.
Lẽ ra BCT phải cùng nhau thảo luận dân chủ, thuyết phục nhau cho ra lẽ, lắng nghe tiếng nói của nhân dân, nhất là của trí thức nước ta, đạt được nhất trí thật cao, 16 người như môt. Thế nhưng BCT đã không làm được như thế.
BCT tự phơi bày sự thiếu đoàn kết nhất trí giữa tình hình khẩn cấp. Người cầm đầu chính phủ ăn nói mạnh mẽ nhất, còn nói rõ ‎ý định đưa TQ ra kiện trước tòa án quốc tế, hồ sơ đã sẵn sàng. Chủ tịch Quốc hội có vẻ lưỡng lự nhưng do sức ép mạnh của một số đại biểu đang họp đã cao giọng hơn một chút, trong khi Chủ tịch nước có vẻ như tránh né vấn đề quốc gia đại sự này.

Đáng trách nhất là tướng Phùng Quang Thanh, ủy viên BCT, ra trước cuộc họp quốc tế ở Singapore đã đọc diễn văn, trả lời báo chí quốc tế một cách yếu ớt, thái độ nhu nhược, không có khí thế chiến đấu. Ông lý giải cuộc khủng hoảng ở biển Đông, theo phía VN nhìn, chỉ là một cuộc xung đột thường có trong mọi gia đình. Ông Thanh làm cho người nghe hiểu rằng sẽ hòa giải qua song phương, còn nhìn chung là quan hệ Việt – Trung vẫn tốt đẹp như trước.
Trong BCT cần chỉ ra người phụ trách ngành tuyên huấn Đinh Thế Huynh và bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã tỏ ra nhu nhược. Báo chí nhà nước chỉ được lên án TQ có mức độ vừa phải, các cuộc biểu tình vẫn bị kiềm chế, sự đàn áp dân xuống đường chống bành trướng vẫn diễn ra, đặc biệt là ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Thiện Nhân được cử ra chăn dắt Mặt trận Tổ quốc cũng tỏ ra thiếu nhiệt tâm chống bành trướng. Do đó các hội đoàn thành viên Mặt Trận vẫn nằm im không lên tiếng trước hiểm họa từ phương Bắc.
Còn 2 bà phụ nữ trong BCT là Tòng Thị Phóng và Nguyễn Thị Kim Ngân đều im hơi kín tiếng, khác hẳn các blogger nữ trẻ như Huỳnh Thục Vy, Đoan Trang hay nhà văn Võ Thị Hảo, nghệ sỹ Kim Chi.
Xem ra cuộc thảo luận trong BCT chưa thật sự ngả ngũ. Tất cả còn tùy thuộc ở thái độ đấu tranh của quần chúng nhân dân, bên cạnh những thư ngỏ, tuyên ngôn, kiến nghị thật đông đảo người tham gia, còn cần hành động xuống đường của quần chúng đông đảo hơn nữa, thái độ của giới trí thức thật quyết liệt, buộc BCT phải hiểu rõ lòng dân thực sự là mạnh mẽ ra sao, từ đó mới xoay chuyển được tình thế nhập nhằng hiện nay .
Sự chia rẽ trong BCT là một hiện tượng hiển nhiên. Do quyền lợi các phe nhóm khác nhau, tranh giành nhau đặc quyền đặc lợi thêm gay gắt khi Đại hội XII sắp tới.
Những người trong BCT có ‎ý ngả theo lòng dân hãy ra sức thuyết phục những người còn phân vân lưỡng lự, rằng lúc này là thời điểm quyết định, thuận theo ‎ý ‎dân thì đảng CS, BCT sẽ có thể tồn tại; đi ngược lòng dân thì có thể mất hết sạch tất cả quyền lực lẫn của cải, như trong mọi bão táp cách mạng của nhân dân quật khởi.
Nhóm thức thời trong BCT hãy ra sức tạo nên một đa số trong BCT, nghĩa là trên 9 trong 16 người.
Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng có thể thuyết phục vì vừa qua ông ta bị ép buộc đọc nguyên từng chữ bản văn được BCT duyệt kỹ, còn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sửa, duyệt lần cuối và k‎‎‎ý tên. Ông Trọng là con người bảo thủ, giáo điều bậc nhất hiện nay. Ông Thanh chỉ là cái loa của BCT, thật ra là của ông Trọng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ như được các ông Lê Hồng Anh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Hà Văn Dụ tán đồng, có thể tranh thủ thêm ông Phùng Quang Thanh, ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Thiện Nhân và cả bà Kim Ngân. Đa số trong BCT này có thể làm nên việc lớn. Có thể bẻ lái sang con đường Dân chủ và Pháp quyền do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra trong Thông điệp đầu năm nhưng chưa hề được thực hiện.
Đa số BCT có thể đề xuất với Ban chấp hành Trung ương một cuộc họp đặc biệt bàn về hướng đi này.
Đây là lối thoát gọn, nhanh, ít xáo trộn xã hội nhất.
Và như vậy để sớm mở đường cho Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh lên đường sang Washington gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ một cách nhẹ nhàng phấn chấn. Nếu không sẽ thành một sơ xuất ngoại giao kỳ quặc (gaffe diplomatique). Ông Minh đã gọi điện thẳng cho ông Kerry để yêu cầu phía Hoa Kỳ ủng hộ VN, lên án TQ có hành động xâm phạm vùng biển VN, và Hoa Kỳ đã lập tức mạnh mẽ lên tiếng. Ông Kerry còn mời ông Minh sang ngay Washington để bàn sâu thêm về biển Đông và cả quan hệ Mỹ – Việt. Vậy mà 1 tuần lễ trôi qua rồi người ta vẫn ngóng chờ. Chỉ vì BCT còn cãi nhau. Tựu trung cãi nhau trong mỗi người. Vì nhân dân hay vì chủ nghĩa cá nhân .
Rõ ràng BCT đã tỏ ra bạc nhược trước họa bành trướng đã hiển nhiên. Lập trường chính thức của Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Âu, Úc, Hoa Kỳ còn mạnh mẽ và rõ ràng hơn thái độ chính trị của BCT ở Việt Nam.
Hưởng ứng lập trường kiên quyết ngăn chặn bành trướng của toàn thế giới dân chủ, VN có thế và lực tăng lên gấp bội, cả về quốc phòng và về kinh tế – tài chính, xã hội và đời sống, một cuộc đột biến lịch sử.
BCT hãy suy nghĩ kỹ về trách nhiệm của mình trong tình thế nước sôi lửa bỏng ở biển Đông và hãy đoàn kết nhất trí như chính BCT đã kêu gọi toàn dân đoàn kết nhất trí, một lòng kiên định chống bành trướng và ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
Một BCH chia rẽ nghiêm trọng với một Tổng Bí thư bạc nhược là thảm họa của đảng CS, cũng là châm ngòi cho một cuộc cách mạng nhân dân khó tránh khỏi.
Blog Bùi Tín (VOA)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"