Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

ASEAN và Việt Nam thời biển động


Trong liên quan với vụ việc Giàn khoan HD-981 thời gian vừa qua, Việt Nam lại một lần nữa gặp phải một thất bại ngoại giao đáng kể. Mặc dù chính phủ Việt Nam tuyên truyền qua báo chí trong nước là những tuyên bố mạnh mẽ của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar ngày 11.5.2014, lên án việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào sâu lãnh hải Việt Nam, kêu gọi các nước ASEAN lên tiếng phản đối Trung Quốc và đề nghị đưa các nội dung liên quan tới tranh chấp trong Biển Đông vào tuyên bố chung của hiệp hội, đã gặp được đồng thuận và ủng hộ của các nhà lãnh đạo của tổ chức khu vực này, nhưng sự thực mà ai cũng biết là trong tuyên bố chủ tịch, các nước ASEAN chỉ  “biểu thị các quan ngại đặc biệt trước các diễn biến trong Biển Đông” và “kêu gọi các bên… thực hành tự kiềm chế, không dùng tới đe dọa hay sử dụng vũ lực, và giải quyết tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình theo các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982.”, hoàn toàn không đả động một lời tới Trung Quốc. Các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tuy sau đó có đưa ra một tuyên bố riêng về Biển Đông, nhưng lời lẽ thì không khác gì mấy lời lẽ của tuyên bố chủ tịch trên.

Thất bại này là thời điểm để Việt Nam cân nhắc lại một cách có tính phê bình quan hệ của mình với ASEAN; mà trước hết là xem xét lại những sai lầm, thiếu sót và sao nhãng của bản thân để thu được những bài học bổ ích và xác định hướng đi cho thời gian tới.
Những căng thẳng trong Biển Đông tầm cỡ như vụ việc Giàn khoan HD-981 từ trước tới nay có nhiều và phản ứng chung của các nước ASEAN từ trước tới nay vẫn vậy, vẫn là chung chung, không có tuyên bố rõ ràng, dứt khoát gì đặc biệt. Nhiều nước ASEAN vẫn luôn nêu cao quan điểm không can thiệp vào công việc nội bộ, từ chối không đưa các vấn đề song phương vào các chính sách, tuyên bố chung.
Điển hình gần đây nhất là vụ đụng độ trực tiếp giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough kéo dài từ tháng 4 tới khoảng tháng 7 năm 2012 với kết quả là Trung Quốc chiếm kiểm soát thực sự bãi cạn này và những vùng biển xung quanh và tiếp theo là việc Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (international Tribunal for the Law of the Sea). ASEAN thực chất đã hoàn toàn im lặng trong thời gian vụ việc xảy ra. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 tại Phnom Penh 2-3.4.2012 và sau đó tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN vào ngày 29.5.2012, các quốc gia thành viên đã không đưa ra bất kỳ một tuyên bố hay thông cáo nào ủng hộ nước thành viên của họ là Philippines. Tiếp sau đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 họp vào các ngày 9-13.7.2012, khi Philippines đòi hỏi tuyên bố chung phải phản ánh các cuộc tranh luận quanh vấn đề tranh chấp giữa nước này và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, Việt Nam muốn tuyên bố chung nói đến các vùng đặc quyền kinh tế EEZ thì do mâu thuẫn trong nội bộ ASEAN, nhất là quan điểm chống đối của nước giữ ghế chủ tịch Campuchia, hội nghị này kết thúc mà không đưa ra được kỳ một thông cáo chung nào, một sự việc lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử 45 năm của tổ chức này.
Đó là thái độ phản ứng của ASEAN nói chung. Còn thái độ phản ứng chính thức của Việt Nam là như thế nào? Rất đáng tiếc là cũng không có gì đặc biệt, lời lẽ của  Việt Nam có thể nói là hết sức chung chung và không thể ngoại giao hơn, “Việt Nam hết sức quan ngại tới vụ việc Scarborough và kêu gọi các bên tham gia cần thực hành kiềm chế và giải quyết các xung đột một cách hòa bình dựa trên nền tảng của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông, nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn biển tại Biển Đông và khu vực.” (Xem Scarborough Shoal dispute of ‘concern’ trên Việt Nam News ngày 26.4.2012)
Tuyên bố chính thức của các nước ASEAN khác trước vụ việc này cũng chẳng có gì hơn, nếu không nói là còn xấu hơn. Thí dụ như Malaysia, tuy lúc đầu có tuyên bố “ủng hộ kêu gọi của Philippines cho một giải pháp hòa bình” (nhấn mạnh được bổ sung) trong tranh chấp Scarborough với Trung Quốc theo luật pháp quốc tế (xem Malaysia too wants peace in Panatag Shoal trên Inquirer), thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, trước việc Trung Quốc tăng cường tuần tra hải giám Biển Đông, nước này đã cho các nước ASEAN biết rằng họ có thể làm việc riêng với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trong Biển Đông, không cần để ý tới yêu sách (chủ quyền) của các nước khác. “Chỉ vì các anh có kẻ thù không có nghĩa là kẻ thù của các anh cũng là kẻ thù của tôi.” (Xem Malaysia Splits With Asean Claimants on China Sea Threat trên Bloomberg ngày 29.8.2013.)
Chỉ cần xem xét vụ việc trên cũng thấy Việt Nam không nên và không thể mong đợi ủng hộ gì hơn từ phía ASEAN. Hơn nữa, hoàn toàn không có gì là quá đáng khi nói Việt Nam cũng không có tư cách gì để đòi hỏi một sự ủng hộ cao hơn. Mặt khác, có thể thấy ASEAN càng ngày càng hiện hình rõ là một tổ chức khu vực không có gì là hùng mạnh, có thế lực đáng kể, cả về mặt kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao, nếu không muốn nói là lỏng lẻo và yếu kém.
Vài nét sơ lược về hội nhập của Việt Nam vào ASEAN
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào tháng 7 năm 1995, nhưng việc “đi lại” giữa hai bên đã bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước, sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975.
Trong cuốn Hồi ức và Suy nghĩ của Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng ngoại giao Việt Nam, người ta có thể đọc thấy: “Nể sợ sức mạnh quân sự và ý chí kiên cường của Việt Nam, mặt khác lo ngại mối đe dọa từ nước Trung Hoa khổng lồ tăng lên một khi Mỹ rút khỏi Đông Nam Á, đồng thời lại có yêu cầu phát triển kinh tế, các nước ASEAN sốt sắng bình thường hóa cải thiện quan hệ với Việt Nam.” Nhưng “… (Việt Nam) làm cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức khu vực này…”
Các tài liệu phân tích nước ngoài về thời kỳ này nói chung là thống nhất với nhận xét của ông Trần Quang Cơ. Tuy có khác biệt nhất định trong quan điểm, xu hướng nói chung của năm nước sáng lập ASEAN, đặc biệt là Malaysia, là quan tâm tới việc lôi kéo Việt Nam vào tham gia ASEAN. Vào tháng 2 năm 1973, tức là chỉ vài tuần sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27.1.1973, sau một hội nghị đặc biệt của ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên đã ra tuyên bố chung thể hiện rõ mong muốn mở rộng hiệp hội. Trong các Hội nghị Thượng đỉnh của ASEAN  các năm 1976 và 1977, các nước thành viên đều biểu thị sẵn sàng phát triển quan hệ có thành quả và hợp tác hai bên cùng có lợi với các nước khác trong khu vực, nhắm định trước hết là tới Việt Nam. Động cơ ASEAN muốn lôi kéo Việt Nam về phía mình trước hết gồm có động cơ an ninh, sau là động cơ kinh tế.
Cần nhắc lại ở đây là một trong những lý do chủ yếu dẫn đến sự ra đời của ASEAN là lo ngại trước sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á. Hai thế lực cộng sản chính ở Đông Á và Đông Nam Á lúc đó là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam không phải là đối tượng để họ lo ngại chính, nỗi lo sợ lớn nhất là Trung Quốc. Điều này không chỉ xuất phát từ sức mạnh nổi trội của Trung Quốc mà còn vì những chính sách hung hãn của nước này. Tất cả năm nước sáng lập ASEAN đều phải đối đầu với thực trạng Bắc Kinh tìm cách điều động các nhóm cộng sản, trong đó có nhiều nhóm của Hoa kiều, đột nhập vào lãnh thổ, sau đó thâm nhập vào đời sống chính trị, xã hội các nước này. Quan hệ của các nước ASEAN, đặc biệt là Indonesia và Philippines, với Trung Quốc vì thế xấu đi một cách nghiêm trọng từ những năm cuối thập kỷ 1960.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Nam Việt Nam, tuy có những e dè nhất định trước quốc gia có định hướng cộng sản Việt Nam, các nước ASEAN có tính toán rằng nếu Việt Nam trở thành thành viên ASEAN, nghiễm nhiên nguy cơ đe dọa của nước cộng sản này sẽ không còn nữa; hơn thế nữa, Việt Nam sẽ trở thành rào cản vững chắc phía Bắc trước tiềm năng bành trướng của Trung Quốc (một sứ mệnh Việt Nam đã đảm nhiệm trong nhiều thế kỷ). Vì Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo ở Bán đảo Đông Dương nên việc nước này hội nhập vào ASEAN sẽ làm cho vai trò, thế lực của tổ chức này sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, ASEAN còn có quan tâm lớn tới thị trường Việt Nam và các cơ hội đầu tư vào nước này.
Việt Nam đã từ chối không tham gia ASEAN. Sau khi không bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam định hướng vào Liên bang Xô-viết. Thời kỳ từ năm 1978 tới năm 1989 thực chất là thời kỳ các nước ASEAN hiệp lực, có hợp tác với Trung Quốc ở mức nhất định, đối phó với Việt Nam sau Chiến tranh Biên giới Tây Nam, với việc Việt Nam đem quân vào Campuchia tháng 12.1978. Từ thời điểm này trở đi và sau thất bại ngoại giao, Việt Nam dần dần rơi vào thế cô lập, chỉ có quan hệ đáng kể  với Liên bang Xô-viết, và tình trạng này kéo dài mãi tới đầu thập kỷ 1990. Sau khi Liên bang Xô-viết tan rã, Việt Nam rơi vào thế hoàn toàn cô lập, khủng hoảng kinh tế trầm trọng và tìm cách bằng mọi giá thoát ra khỏi tình thế bi đát này. Năm 1992, Việt Nam biểu thị sự quan tâm gia nhập ASEAN và sau các đợt đàm phán, trở thành thành viên chính thức của tổ chức khu vực Đông Nam Á này vào tháng Bảy năm 1995. Tuy nhiên, tuyên bố chính thức về ý định gia nhập ASEAN của Việt Nam chỉ được đưa ra sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, để tránh nước này phật ý.
Vì các lý do tương tự như những lý do trong các năm 1970 đã nêu ở phần trên, các nước ASEAN đồng tình và chào đón ý tưởng hội nhập của Việt Nam. Thực chất là ASEAN và Việt Nam đều cần đến nhau để tăng đối trọng trong quan hệ của họ với “người khổng lổ” Trung Quốc. Việt Nam không gặp phải cản trở gì lớn trong quá trình thương thuyết hội nhập. Tuy nhiên, nước này hình như lại quá hài lòng với vai trò thành viên trong ASEAN, không có nhiều nỗ lực tìm kiếm, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ, ở mức độ sâu sắc, với các quốc gia khác trên thế giới.
Một tổ chức khu vực nhiều phần yếu kém
Trong so sánh tương đối với các chức khu vực khác trên thế giới, ASEAN được cho là một tổ chức lỏng lẻo và có phần yếu kém. Trong bài viết có tiêu đề “Thất bại của ASEAN” (The Failure of ASEAN) đăng trên The Chicago Journal of Foreign Policy ngày 21.1.2014, tác giả Tommie Thompson có những đánh giá hết sức xác đáng:
“… khác với các tổ chức khu vực khác như Liên minh châu Âu hay Liên đoàn Ả-rập, ASEAN thiếu một khung cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Một phần, đó là do quá khứ lịch sử khác biệt của các dân tộc Đông Nam Á. Khác với châu Âu hay Trung Cận Đông, các nước Đông Nam Á có lịch sử phát triển dân tộc, cơ cấu nhà nước, bản sắc văn hóa khác nhau; các yếu tố dẫn đến việc thành lập của ASEAN là một quá khứ thuộc địa chung và vị trí gần gũi, chứ không phải là thống nhất văn hóa hay các mối quan tâm lợi ích chung rõ ràng (xin cân nhắc các mối quan tâm lợi ích khác biệt của các nước Đông Nam Á với các hình thức nhà nước khác nhau, từ dân chủ tới độc tài quân sự triệt để).
Hiện nay, các giá trị của nhóm ASEAN, được gọi là ‘Con đường ASEAN’, nhấn mạnh vào chủ nghĩa tự nguyện và tự quyết – ban đầu, thậm chí một tuyên bố công khai không đồng tình với một hay nhiều thành viên khác cũng không được cho phép đưa ra. Mặc dù điều này có thể bảo vệ các nước Đông Nam Á trước một kiểm soát kiểu gia trưởng từ phía một tổ chức siêu dân tộc, điểm mà họ lo ngại do quá khứ lịch sử thuộc địa, nó khiến tổ chức này trở nên vô tác dụng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực có ý nghĩa quan trọng. Mục đích chính của điều này, ít nhất là về mặt thực tế, là bảo vệ chủ quyền dân tộc. Một thí dụ: trong những năm 1970, nhằm theo đuổi hội nhập kinh tế, với tuyên bố Vùng Hòa bình, Tự do và Trung lập ZOPFAN, ASEAN tập trung vào việc cắt giảm ảnh hưởng của phương Tây. Hơn nữa, cơ cấu tổ chức của ASEAN về cơ bản khác với cơ cấu tổ chức của các tổ chức khu vực khác ở chỗ là nó hoạt động như một diễn đàn không chính thức hơn là một trường đàm phán. Cách thức này dựa vào các đồng thuận yếu lỏng, thậm chí còn kém mạnh mẽ so với các thỏa thuận không ràng buộc của Liên Hiệp Quốc được tăng cường hiệu lực bởi ‘các chuẩn mực quốc tế’, làm cho cộng tác chung trở thành bất khả thi. Nhiều nước, tuy vậy, ý thức được vấn đề này và theo đuổi các cuộc cải tổ, nhưng quan tâm lợi ích đối kháng từ các nước khác như Indonesia – một nước luôn đề cao ý tưởng không can thiệp – ngăn cản những thay đổi như vậy.
Các vấn đề khu vực hiện nay làm hiện rõ sự cộng tác lỏng lẻo trong nội bộ ASEAN. Một thí dụ: những nước liên quan tới tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông đã quyết định không dùng ASEAN để giải quyết các vấn đề ngoại giao thay cho đàm phán riêng; ban đầu các nước ASEAN có yêu sách (chủ quyền) cho rằng ASEAN phải cho ra một đối trọng với yêu sách (chủ quyền) của Trung Quốc, nhưng sau đó họ ý thức được rằng các nước thành viên không liên quan tới tranh chấp này khó có thể ủng hộ ý tưởng này – điềunày thể hiện thất bại của ASEAN trong việc tăng cường thống nhất khu vực. Một vấn đề khác, cấp bách hơn, là khói mù (haze). Từ những năm 1990, toàn bộ Đông Nam Á phải đương đầu với nạn khói mù tràn khắp, chủ yếu là do kỹ thuật canh nông đốt nương làm rẫy của Indonesia. Thiếu một khung tổ chức mạnh hơn, Indonesia sẽ không có động cơ chấm dứt kỹ thuật triệt phá này, yếu tố này sẽ tạo ra các yếu tố ngoại thị kinh tế và y tế, sức khỏe trong vùng.
Cần phải làm gì đây? Một loạt các cải cách là cần thiết, nhưng những cải cách quan trọng nhất gồm có một phương cách để các nước thành viên phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ và một điều khoản ép buộc tuân thủ mạnh hơn – họ (các nước thành viên ASEAN) phải coi nhẹ bớt đi nguyên tắc không can thiệp của mình, cả về mặt triết lý lẫn thực tiễn. Điều này có thể thực hiện được, thí dụ như bằng cách sử dụng các phương tiện trừng phạt kinh tế truyền thống, cho từ chối tuân thủ hay cho phép các nước thành viên được công khai phê phán các nước thành viên khác.” (Hết trích dẫn)
Ngay giới phân tích trong các nước ASEAN cũng có đánh giá ASEAN là yếu kém. Thí dụ như Phó giáo sư  Eduard C Tadem tại khoa Ngiên cứu châu Á trường đại học Philippines Diliman nhấn mạnh: “Với danh nghĩa là một cộng đồng, ASEAN hiện là một thất bại, khi ý niệm chủ quyền dân tộc đang tiếp tục làm xói mòn hội nhập, trong lúc bản sắc riêng của hiệp hội vẫn đang chưa tinh kết.” (Xem bài viết Asian as a group is a failure, academic insists trên The Nation Multimedia ngày 24.8.2013).
Về mặt hội nhập kinh tế, năm 2003 ASEAN đã đưa ra một kế hoạch đầy hoài bão xây dựng cái gọi là Cộng đồng Kinh tế ASEAN tới năm 2015. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB thì có khả năng rất cao là mục tiêu này sẽ không đạt được đúng hạn, và các nước thành viên hiệp hội này sẽ còn có nhiều việc phải làm sau năm 2015. (Xem cuốn The ASEAN Economic Community: A Work in Progress do ADB xuất bản tháng 12 năm 2013.)
Nói thêm ở đây là có một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng yếu kém, “mỗi người một ngả” trong ASEAN: đó là tổ chức này thiếu một hay một hai quốc gia hùng mạnh, thực sự nổi trội, có khả năng cộng tác chặt chẽ với nhau, đóng vai trò lực liên kết và đầu kéo cho cả nhóm. Ngay cả Liên minh châu Âu, một tổ chức khu vực được cho là có cơ cấu tổ chức chặt chẽ hơn nhiều như đã nói tới ở trên, nhưng do cũng dùng nguyên tắc đồng thuận hoàn toàn trong việc đưa ra quyết định cho nhiều vấn đề quan trọng, nên đã nhiều lần rơi vào tình thế “điêu đứng”, bế tắc (thí dụ như trong vấn đề khủng hoảng nợ nần của Hy Lạp), và khó có thể ra khỏi nếu không có ý chí quyết tâm, động thái quả quyết của các nước đầu tầu là Đức, Pháp và sau này có thêm Ba Lan. ASEAN chưa có được điều này.
Thiếu sót trong đa dạng hóa các mối liên kết chặt chẽ, có chiều sâu
Như đã có nhắc tới ở trên, sau khi tạm thoát khỏi tình trạng hoàn toàn cô lập vào đầu thập kỷ 1990, gia nhập ASEAN vào tháng Bảy năm 1995, có thể thấy Việt Nam hoặc là không có nhiều nỗ lực, hoặc là không thành công trong việc tìm cách xây dựng, mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ đặc biệt, sâu sắc hơn với các quốc gia trên thế giới. Tuy Việt Nam ngay sau đó đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ và có tăng cường đáng kể quan hệ với Liên minh châu Âu, nhưng các quan hệ này là hạn chế và phần lớn chỉ trong lĩnh vực kinh tế và chút ít trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, hoàn toàn không có gì là đặc biệt. Quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc tuy có lên cấp nhưng cũng chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế và đầu tư. Những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh quan hệ với Liên bang Nga, đồng minh trước đó của mình, hai nước có ý định thiết lập quan hệ cộng tác chiến lược, nhưng bề sâu hiện thời của quan hệ này không đủ để giúp Việt Nam tăng thêm sức lực, thấy tự tin hơn, củng cố được chỗ đứng của mình trong khu vực và trên trường quốc tế.
Có thể là Việt Nam đã thấy quá hài lòng khi có được tư cách thành viên trong ASEAN và quan hệ rộng khắp mọi mặt với ban đầu là 5, sau là 9 nước còn lại của hiệp hội này. Và có thể đã quá trông mong vào ASEAN, hy vọng quá trình hội nhập sẽ được tiến triển theo chiều sâu với tốc độ nhanh. Điều này đáng tiếc không xảy ra. Vì thế, về bản chất, quan hệ hiện nay của Việt Nam với các nước thành viên ASEAN là những quan hệ tiêu chuẩn trong khuôn khổ lỏng lẻo, thiếu đoàn kết của tổ chức này. Tức là ngay cả trong các nước thành viên ASEAN gần gũi nhất, Việt Nam không có được những quan hệ, liên kết thực sự chặt chẽ, sâu đậm – chứ chưa nói tới quan hệ chiến lược hay liên minh – để có thể có chỗ dựa, hay ít hơn là giúp đỡ, hoặc ít nhất là ủng hộ mạnh mẽ.
Nhìn rộng ra nữa khỏi khu vực ASEAN thì thấy càng “trống trải” với Việt Nam. Vì thế, Việt Nam thực sự vẫn cô độc, tình thế này càng hiển hiện rõ khi “có sự”, khi chúng ta phải đối đầu với các vấn đề nan giải, những thách thức vượt quá sức lực hạn chế và tầm vóc quốc gia bé nhỏ của mình. Các vụ việc liên tiếp trên Biển Đông, mới đây nhất là vụ giàn khoan HD-981, cũng như còn nhiều vụ việc chắc chắn sẽ xảy ra ở khu vực này chỉ làm cho thực trạng này thêm hiện hình rõ hơn và thêm bi đát.
Hướng đi bắt buộc
Không thể bác bỏ được ảnh hưởng to lớn của ASEAN cho sự phát triển của Việt Nam trong những năm trước đây. Điều này chắc chắn sẽ còn đúng trong nhiều năm tới.
Việc ASEAN không thỏa mãn được các đòi hỏi và mong đợi của Việt Nam không có nghĩa là Việt Nam nên thờ ơ với tổ chức này. Các mặt hạn chế, yếu kém hiện nay của Hiệp hội các nước Đông Nam Á là kết quả của các thiếu sót của tất cả các nước thành viên tham gia. Vì thế, Việt Nam phải cùng các nước thành viên trong khu vực Đông Nam Á gắng sức đẩy mạnh các công cuộc cải cách và nâng cấp tổ chức khu vực này của mình. Không còn cách chọn lựa khác, các nước ASEAN, trong đó có và trước hết là Việt Nam, phải từng bước tăng cường hợp tác một cách trung thực, chân thành, thẳng thắn hơn, đoàn kết hơn, biết đặt lợi ích chung  lớn hơn của cộng đồng lên trên các lợi ích, các quan tâm dân tộc nhiều hơn.
Mặt khác, Việt Nam phải đánh giá lại quan hệ có “bề sâu” quá mức của mình với Trung Quốc. Đồng thời chọn lựa, thiết lập và xây dựng các quan hệ thực sự có bề sâu với một số quốc gia khác, có thể là trong khu vực hoặc ngoài khu vực, có thể trước hết là với các quốc gia có chung các mối quan tâm hàng đầu. Quan hệ như vậy đòi hỏi ở mức độ cao hơn thái độ thực sự chân thành, trung thực, rõ ràng, nhất quán, dám mạnh dạn đương đầu với các mối đe dọa, nguy hiểm. Liên kết có bề sâu, nếu cần, sẽ đặt nền móng cho quan hệ chiến lược hay liên kết liên minh, cả trong an ninh và quốc phòng, quân sự. Đã đánh mất nhiều cơ hội, Việt Nam hiện nay không có nhiều thời gian cho việc này.
Không thể nói là giới lãnh đạo Việt Nam đã không ý thức được sự cần thiết phải có các quan hệ, liên kết sâu sắc. Chắc chắn là họ biết rõ, nhưng đã gặp quá nhiều khó khăn và cản trở để thực hiện các bước đi có kết quả. Các lý do chính có thể kể đến là quan hệ quá “đặc biệt” với Trung Quốc và chế độ chính trị cũng quá “đặc biệt” nốt của Việt Nam hiện nay, khiến giới lãnh đạo các nước, dù có quan tâm thực sự, cũng bị “bó tay bó chân”, không có được sự ủy thác, ủng hộ cần thiết của người dân nước họ. Không còn khả vọng nào khác trong tình thế cấp bách hiện thời, hai tảng đá chặn đường này đòi hỏi một cách giải quyết dứt khoát và táo bạo.
Thời gian vừa qua (lại một lần nữa) rộ lên ý kiến cho rằng Việt Nam phải nắm lấy vai trò lãnh đạo ASEAN, dẫn dắt tổ chức này đối đầu, chống lại áp lực hung hãn mọi mặt từ Trung Quốc, rằng ý tưởng như thế đã được Mỹ ủng hộ từ hậu trường. Đây là một ý tưởng huyễn hoặc, đầy ảo tưởng.
Xét theo khía cạnh năng lực, Việt Nam không có đủ điều kiện để lãnh đạo ASEAN, cả về kinh tế lẫn quân sự, xã hội. Sau hơn hai thập kỷ có tốc độ tăng trưởng đáng kể, chúng ta mới chật vật ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập thấp, vào được nhóm thu nhập trung bình thấp, ngay sau đó tốc độ tăng trưởng giảm sút đáng kể. Tính theo sức mua tương đương PPP (cách tính cho Việt Nam có các con số đẹp hơn) thì thu nhập đầu người của Việt Nam đang ở sát mức trung bình cho cả nhóm ASEAN, xếp thứ 4 từ dưới lên, hơn được ba nước Myanmar, Campuchia, Lào; xếp theo tổng giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân GDP thì Việt Nam đứng 5, cũng từ dưới lên, hơn được ba nước trên và Brunei . Xét theo chỉ số phát triển con người HDI thì Việt Nam cũng chỉ ở mức trung bình của ASEAN. (Xem Members states of the Association of Southeast Asian NationsList of ASEAN countries by GDP (nominal) trên Wikipedia). Như vậy, về khía cạnh sức mạnh và trình độ phát triển kinh tế, xã hội rõ là Việt Nam không có đủ năng lực lãnh đạo và chắc cũng chẳng có nước nào chịu chấp nhận vai trò lãnh đạo của Việt Nam. Xét theo khía cạnh quân sự thì Việt Nam có thể được coi là có quân đội khá mạnh, nhưng cũng chẳng có gì quá nổi trội. Chúng ta hiện nay không có đủ năng lực dù là chỉ để “giữ nhà”.
Xét theo khía cạnh uy tín, yếu tố tiếp theo mà người lãnh đạo phải có, thì thấy ý tưởng dẫn đầu ASEAN đối đầu với Trung Quốc còn không hợp lý hơn. Uy tín của Việt Nam có thể nói là ở dưới đáy trong những năm vấn đề Campuchia kéo dài; từ những năm 1990, nó chỉ được cải thiện chút ít, nhưng không đảm bảo được cho Việt Nam có tiếng nói đáng kể dù chỉ trong khu vực. Thử nhìn thái độ của Campuchia hay Thái Lan là thấy được. Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc diễn biến ra sao, Việt Nam “đi đêm” với Trung Quốc thế nào, các nước ASEAN đều biết rõ, vậy họ có chấp nhận để Việt Nam lãnh đạo đối chọi với Trung Quốc không? Một nước không dám, dù chỉ là lên tiếng ủng hộ một nước khác trong cùng hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn như chính mình có đủ tư cách lãnh đạo không?
Cứ giả sử được cho cơ hội để lãnh đạo ASEAN thì không biết Việt Nam sẽ thu được những ích lợi gì trong tương lai, nhưng trước mắt, với 10 thành viên đang mỗi người một ngả, ai cũng khăng khăng bám chặt lợi ích của riêng mình, có thể giẫm đạp lên lợi ích của nước khác, lại luôn giơ cao tấm bảng không can thiệp vào công việc nội bộ thì đây là một công việc còn khó hơn là “dời non lấp bể”, ngoài sức tưởng tượng của một quốc gia thành viên. Nó trước tiên sẽ rút cạn kiệt mọi nguồn lực, sức lực, trí tuệ của Việt Nam. Nếu có ai tặng cho vai trò lãnh đạo ASEAN, Việt Nam cũng không nên ôm vào. Đó là “món quà của người Danaans”, đem lại nhiều tai họa và phiền muộn hơn là giá trị thực sự.
Việt Nam hoàn toàn chưa có sức mạnh “cứng” cũng như sức mạnh “mềm” cần thiết. Phải chờ ít nhất  10-20 năm nữa Việt Nam mới có thể nghĩ đến ý tưởng này.
Cái Việt Nam cần lúc này không phải là lãnh đạo ai đó mà là bình lặng, dồn mọi tâm trí, sức lực vào công cuộc cải tổ, xây dựng đất nước, chăm lo đến đời sống, quyền lợi của người dân. “Hữu xạ tự nhiên hương”, một khi Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có tiềm lực kinh tế, quân sự dồi dào, người dân được đảm bảo chắc chắn các nhu cầu, quyền lợi cơ bản thì tự khắc Việt Nam sẽ có được vị thế xứng đáng.
© 2014 Trần Hoàng & pro&contra

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"