Carl Thayer
Nguyễn Quốc Khải chuyển ngữ
Nguyễn Quốc Khải chuyển ngữ
Vào cuối năm nay, cán cân sức mạnh hải quân trên biển Đông sẽ bắt đầu thay đổi khi Việt Nam tiếp nhận những chiếc tầu ngầm loại Kilo tấn công đầu tiên. Những chiếc tầu ngầm của Việt Nam được thiết kế cho mục đích trinh sát và tuần tra, chống tầu ngầm và chống tầu thủy. Bốn chiếc tầu ngầm còn lại theo dự đoán sẽ được chuyển giao vào 2016.
Việt Nam đã đặt mua sáu chiếc tầu ngầm chạy bằng diesel loại Project 636 Kilo vào tháng 12 2009. Tầu ngầm loại Kilo có trọng lượng nước rẽ 3,000-3,950 tấn với tầm xa 9,600 km và lặn sâu tối đa 300 thước. Tầu ngầm này mang theo một thủy thủ đoàn gồm 52 người. Tầu ngầm của Việt Nam theo dự đoán được trang bị với thủy lôi hạng nặng 533M và hỏa tiễn chống tầu thủy 3M54 Klub-S với tầm đạn 300 km.
Việc chế tạo chiếc tầu ngầm đầu tiên, HQ Hà Nội, bắt đầu vào tháng Tám 2010 tại xưởng đóng tầu Admiralty tại St. Petersburg. HQ Hà Nội hạ thủy vào một năm sau và đã đầu chạy thử ngoài biển vào tháng 12 2012. Chương trình huấn luyện thủy thủ đoàn bắt đầu vào tháng 1 năm nay. Việc chế tạo chiếc tầu ngầm thứ hai, HQ Hồ Chí Minh, bắt đầu vào tháng 9 2011. Nó được hạ thủy vào tháng 12 2012, trang bị vào tháng 1 và hoàn tất việc chạy thử trên biển vào tháng 4. Thủy thủ đoàn bắt đầu được huấn luyện vào tháng 7. Chiếc tầu ngầm thứ ba của Việt Nam, HQ Hải Phòng, theo lịch trình sẽ được hạ thủy vào cuối năm nay. Vỏ của chiếc tầu ngầm thứ sáu của Việt Nam được đặt tại xưởng đóng tầu Admiralty vào tháng 2.
Vào tháng 5 2012, Việt Nam và Nga đã nâng sự hợp tác chiến lược đã có lâu dài giữa hai nước lên mức toàn diện. Nga bán vũ khí, kỹ thuật, và huấn luyện quân sự là trọng điểm của mối quan hệ này. Theo Giác Thư về sự Hợp Tác Hải Quân, hai phía thiết lập một nhóm làm việc chung để hoạch định phương thức hợp tác hải quân vào năm 2013. Nga và Việt Nam cũng đã ký kết nghị định thư về sự hợp tác kỹ thuật quân sự cho đến 2020.
Vào năm nay, Nga và Việt Nam đã trao đổi những cuộc viếng thăm của hai bộ trưởng quốc phòng và đã đạt dược thỏa hiệp về bán võ khí, chuyển giao kỹ thuật quân sự và dịch vụ lâu dài. Thí dụ vào tháng 2, Việt Nam và Nga đã ký một hợp đồng về việc bán thêm hai khu trục hạm loại Gepard. Vào năm 2011, Việt Nam đã tiếp nhận hai khu trục hạm loại Gepard. Những chiến hạm mới sẽ được trang bị với hệ thống đẩy tân tiến và máy móc cho mục tiêu chống tầu ngầm.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Tướng Sergei Shoigo đã làm một cuộc thăm viếng làm việc tại Hà Nội vào tháng 3 theo lời mời của đối tác Việt Nam là Tướng Phùng Quang Thanh. Tại cuộc họp báo chung, họ đã thông báo một thỏa hiệp về tiếp tục thăm viếng của các giới chức cao cấp, hợp tác về kỹ thuật quân sự, huấn luyện quân sự chuyên môn, dối thoại quân sự hàng năm ở cấp phụ tá bộ trưởng và bán thêm vũ khí. Nga cấp trên 100 học bổng quân sự hàng năm; theo thỏa hiệp này, Nga đồng ý tăng số học bổng và mở rộng lãnh vực huấn luyện cho nhân viên Việt Nam. Hai bộ trưởng quốc phòng cũng đồng ý hợp tác trong khuôn khổ hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng.
Tướng Shoigo viếng thăm Vịnh Cam Ranh nơi các kỹ sư quân sự Nga đang xây cất những cơ sở tiếp liệu và bảo trì cho những tầu ngầm loại Kilo của Việt Nam. Tướng Shoigo thúc dục Việt Nam xây cất một khu vực nghỉ mát năm sao tại Cam Ranh cho nhân viên quân sự Nga, đặc biệt là những thủy thủ đoàn của những chiến hạm Nga tham dự những công tác trừ hải tặc từ Mũi Nhọn Phi Châu (Horn of Africa) trở về. Tướng Shoigo cũng kêu gọi Việt Nam đơn giản hóa thủ tục cho chiến hạm Nga sử dụng những cơ sở dịch vụ tại Cam Ranh.
Bộ Trưởng Quốc Phòng của Việt Nam, Tướng Thanh, đã làm một cuộc viếng thăm đáp lễ Nga vào tháng 8. Hai bộ trưởng quốc phòng đã đạt được một thỏa hiệp về một giác thư năm năm, bao gồm trao dổi những phái đoàn quân sự ở mọi cấp bậc, đối thoại hàng năm về chính sách, chiến lược quốc phòng, hợp tác kỹ thuật quân sự, huấn luyện chuyên môn cho sĩ quan và những cấp bậc khác của Việt Nam, và việc bán vũ khí trong tương lai (phẩm chất, giá cả, và dịch vụ). Theo giác thư này, Nga sẽ nâng cấp, biến thành dạng kỹ thuật số, và trợ giúp bảo trì võ khí và những hệ thống vỏ khí bán cho Việt Nam.
Hai bộ trưởng cũng thảo luận thiết lập một nghiệp vụ bảo trì, kiểm tra toàn bộ và sửa chữa võ khi và đạn dược thời Liên Sô của Việt Nam. Tướng Shoigo một lần nữa nêu lên vấn đề dơn giản hóa thủ tục cho phép chiến hạm Nga viếng thăm Cam Ranh để sửa chữa và bảo trì và cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi và giải trí.
Theo thông báo, mười ngày sau chuyến viếng thăm của Tướng Thanh, Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá $450 triệu để mua thêm 12 chiếc phi cơ phản lực đa năng Sukhoi Su-30MK2 được trang bị với hỏa tiển chống tầu thủy. Những phi cơ này sẽ được chuyển giao làm ba đợt, mỗi lần 4 chiếc trong 2014-2015. Trước đây Việt Nam đã mua 20 phi cơ của Nga.
Lực lượng tầu ngầm mới của Việt Nam, cộng với những phi cơ phản lực Su-30 mua thêm, sẽ tăng cường khả năng bành trướng sức mạnh của Việt Nam vào những lãnh hải của biển Đông và gia tăng khả năng kiểm tra và ngăn chặn đối phương xâm nhập vào lãnh thổ và lãnh hải của mình.
Nguồn: "With Russia’s Help, Vietnam Adopts A2/AD Strategy", Carl Thayer, The Diplomat