Hoàng Tâm Nguyên
Dân Luận: Như chúng tôi đã đưa tin, gia đình thấy giáo Đinh Đăng Định đã nộp đơn Đề Nghị Miễn Chấp Hành Án Phạt Tù đối với ông Đinh Đăng Định vì bệnh hiểm nghèo, nhưng mới chỉ được phía trại giam xác nhận là đã nhận được và hứa sẽ trả lời bằng văn bản.Hiện nay tình trạng sức khỏe của thầy giáo Đinh Đăng Định cực kỳ suy sụp. Bác sĩ nói thầy Định đã có thể ăn cháo nhão, nhưng thầy ăn được rất ít. Da dẻ thầy trở nên nhăn nheo, tóc bạc phơ hết, trông rất tiều tụy.Hôm nay bác sĩ bệnh viện 30/4 có mời một bác sĩ bên Bệnh Viện Ung Bướu sang khám bệnh. Bác sĩ nói rằng thầy Định phải ăn uống bồi bổ cho đủ sức khỏe trong khoảng 4-6 tuần sau phẫu thuật để tiếp tục tiến hành hóa trị. Có điều là cho đến bây giờ phía gia đình vẫn chưa biết được tình trạng ung thư của thầy Định đang ở giai đoạn nào. Bệnh viện chỉ thông báo rằng thầy Định bị ung thư, và đã di căn đến các hạch trong cơ thể!
Sắp tới đây, ngày 21/10 là kỷ niệm tròn 2 năm ngày thầy Định bị bắt giữ. Sau hai năm trong tù mà sức khỏe thầy Định đã trở nên thế này, gia đình sợ rằng ông không thể chịu đựng được 4 năm còn lại. Mong ước duy nhất của gia đình là thầy Định được trả tự do trước thời hạn, để gia đình có thể tìm cách chạy chữa.Phó giám đốc trại giam An Phước có tiếp xúc với gia đình và hứa sẽ giải quyết trường hợp này. Nhưng ông này cũng đồng thời đe dọa gia đình rằng ít tiếp xúc với bên ngoài thôi, không ai cứu được thầy Định đâu. Mặc dù bệnh nặng nhưng thầy Định vẫn bị công an giám sát chặt chẽ, người nhà không được mang điện thoại hay ba lô tới gần để nói chuyện, và luôn có người ngồi cạnh nghe cuộc nói chuyện giữa gia đình và thầy Định.Hơn lúc nào hết gia đình thầy Định cần có sự ủng hộ từ dư luận trong và ngoài nước. Rất mong độc giả Dân Luận quan tâm tới trường hợp này!
Vào ngày 09/09/2013, từ nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương, ông Đinh Đăng Định được đưa cấp cứu vào bệnh viện ở Sài Gòn; đến ngày 13/09/2013, công an mới thông báo sự việc này cho thân nhân ông Định biết.
Theo lời bà Đặng Thị Dinh, vợ ông Định, từ hồi bị bắt ở Đắc Nông, ở trại tạm giam ông Định đã bị xuất huyết dạ dày và ói ra máu. Bà Dinh còn cho biết: “Anh ấy có xin đi khám bệnh nhưng trại giam không cho”. Mỗi lần ông Định lên cơn đau thì trại An Phước chỉ cho đi khám ở bệnh viện huyện ở gần đấy và lấy thuốc về điều trị.
Việc ông Định phải nhập viện mổ là ngoài dự kiến của công an trại giam An Phước. Vì ông Định đau đến mức không chịu được nên trại giam mới cho đưa xuống Sài Gòn kiểm tra để lấy phác đồ về điều trị. Song khi nhập xuống bệnh viện 30 tháng 4, bác sỹ chẩn đoán là có khối u trong dạ dày, 80% là u ác tính nên phải mổ gấp. Trước ca mổ, ông Định không thể ăn uống và sống nhờ các ống truyền dịch. Tại bệnh viện 30 tháng 4, ông Định được giam riêng và bị năm cán bộ công an giám sát. Bệnh viện 30 tháng 4 thuộc quận 5, Sài Gòn; trực thuộc Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, là bệnh viện đa khoa của lực lượng Công an ở các tỉnh phía Nam.
Khi biết sự việc, gia đình ông Định rất muốn chuyển người nhà đến một bệnh viện chuyên điều trị bệnh ung bướu nhưng công an trại giam An Phước không đồng ý và họ khẳng định, ông ấy chữa trị ở bệnh viện 30 tháng 4 là tốt nhất.
Từ cuối năm 2007, với một tấm lòng trăn trở với đất nước, ông Định tận mắt chứng kiến những cánh rừng Tây Nguyên đầu nguồn bị tàn phá, những hậu quả lâu dài mà việc khai thác mỏ Bauxite gây ra cho người dân nơi ông ấy sinh sống. Ông Đinh Đăng Định đã đơn độc đi đến từng nhà người dân để nói cho họ hiểu về tai họa do các công trường Trung Quốc gây ra trên mảnh đất của họ. Ông Định cảnh báo với người dân về dự án bauxite phá hoại chừng 8% diện tích đất Đắc Nông, tương đương ¼ diện tích thành phố Sài Gòn (bao gồm tất cả những quận huyện ngoại thành). Ông Đinh Đăng Định là người có chữ ký thứ 629 (tính đến 18/10/2010) vào Bản kiến nghị dừng dự án Bauxite Tây Nguyên đã phát trên website Bauxitvn.
Bất chấp những lời đe dọa và sự trả thù tăm tối của nhà cầm quyền, ông Định vẫn can đảm lên tiếng cho sự thật; tố cáo sự nguy hại của dự án Bauxite Tây Nguyên mà đảng CS VN coi là "một chủ trương lớn của Đảng". Tiếng nói của ông có trọng lượng trong quần chúng vì ông Định là một thầy giáo dạy hóa cấp III, từng tốt nghiệp Cử nhân Hóa học Đại học tổng hợp Hà Nội. Cải thiện chất lượng cuộc sống luôn là mong muốn của những con người có lương tâm tại xứ sở nhiệt đới này, một trong những việc làm cấp thiết là bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.
Ông Định bị nhà cầm quyền bắt giam từ tháng 10/2011 và quy kết vào điều 88 BLHS tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước XHCN”. Trong phiên xử sơ thẩm hồi tháng 8/2012, ông Định đã tự biện hộ cho mình và khẳng định là ‘không có tội’ nhưng tòa án đã dựa vào những bài viết phản đối dự án khai thác bauxite và những bài viết chỉ trích chính quyền khác của ông để kết mức án là 6 năm tù giam. Như nhiều người Việt Nam khác không chấp nhận sự đọa đày của chế độ cộng sản toàn trị, ông Định đã cố gắng phấn đấu vì đồng bào của mình. Trong một quốc gia, công dân chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình trong các việc làm trượng nghĩa thì có lẽ chính thể của quốc gia ấy đang trên đà diệt vong.
Đến cuối năm 2012, với một phiên tòa phúc thẩm trong vòng 45 phút, tòa án đã không chấp nhận lý lẽ tự bào chữa của ông Định và giữ y mức án là 6 năm tù. Tại phiên tòa, ông Định tiếp tục bày tỏ quan điểm dân chủ đa nguyên, đòi sửa điều 4 Hiến pháp, đòi phi chính trị trong giáo dục, đề cao xã hội dân chủ. Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương, phần tự bào chữa của bị cáo về Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Tuyên ngôn về nhân quyền đã bị tòa cắt ngang vì cho rằng “đó là suy nghĩ của riêng ông Định và không phù hợp”. Ngoài ra tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư có đưa ra được bằng chứng kết án sai, cụ thể là ông Định đã bị bắt giam từ tháng 10/2011, tòa án lại lấy những bài viết được phổ biến trên internet vào tháng 12/2011 để kết án ông. Đây rõ ràng là bằng chứng ngụy tạo, nhưng tòa án này đã không công nhận.
Lòng yêu nước đôi khi như hư vô mờ mịt, xa tít tận chân trời; đôi khi chẳng đem lại cho nhưng con người can đảm sự bảo hộ tối thiểu, cũng không cung cấp cơm ăn áo mặc. Nhưng có những con người cảm nhận rất rõ, họ dám đứng lên để khẳng định và bảo vệ sự thật – họ đáng là những tấm gương cho đời trân trọng. Những người này không nghĩ đến công trạng, đến tiền đồ, trong lòng chỉ đau đáu đến lợi ích nước nhà… Ông Đinh Đăng Định là một điển hình.
Sau khi phiên tòa kết thúc, ông Định được đưa trở lại xe tù thì công an đã đẩy ông ấy vào thùng xe, xô ông ngã và lấy dùi cui đập vào đầu. Mọi việc diễn ra công khai, bất chấp tiếng kêu cứu của con gái ông Định cùng với sự có mặt của hàng trăm công an nổi lẫn chìm trong khuôn viên tòa án tỉnh Đắc Nông. Chẳng hiểu những nhân viên công lực này đã dựa vào đâu mà hiếp đáp công dân ?! Họ đã trắng trợn phủ nhận nguyên tắc quyền lực của nhà nước là do dân chúng cấp, nhằm để các quan chức dùng quyền này phục vụ lợi ích nhân dân. Tưởng cũng nên nhắc lại, tình trạng đau dạ dày của ông Định đã xuất hiện từ thời điểm này [1].
Sau khi bản án được công bố, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chứcTheo dõi nhân quyền đã lên tiếng: “Lẽ ra ông ấy không thể bị bắt bởi vì tất cả những gì ông ấy làm là thực hiện quyền cơ bản là tự do bày tỏ ý kiến” ông Phil Robertson nói, “Đinh Đăng Định giống như một con cờ domino bị đánh đổ trong một chiến dịch có hệ thống của chính quyền Việt Nam nhằm bịt miệng những người dám chỉ trích bằng cách nhốt họ trong lao tù trong thời gian dài.” [2]. Trong một chế độ toàn trị, quyền tự chủ vận mệnh cá nhân chỉ còn là một mơ ước rất xa xôi.
Lòng yêu nước của người dân Việt tuy lớn nhưng thường phân tán, nên những nỗ lực kiên trì vì cộng đồng như ông Đinh Đăng Định rất đáng được trân trọng. Trên khắp cõi Việt Nam, nhiều công dân khao khát được sống trong một nhà nước có công lý và biết tôn trọng nhân quyền, song dám thể hiện thành các hoạt động hữu ích cụ thể – vẫn còn là các con số khiêm tốn, kể cả trong giới trí thức. Trong bối cảnh cần nhiều khích lệ trên, ông Đinh Đăng Định là một hình ảnh tiêu biểu của chính nghĩa hóa thân vào những tiếng nói cho sự thật.
Trước cơn nguy kịch của cha mình, Thúy An – người con gái thứ hai của ông Định bộc bạch: “Em rất ủng hộ việc bố em làm. Ở quê em, nhiều người dân cũng chứng kiến như bố em. Nhưng chỉ có một mình bố em lên tiếng thôi. Em rất mong mọi người cũng như công luận quan tâm và lên tiếng cho hoàn cảnh của bố em”. Theo tin mới nhất chúng tôi nhận được, gia đình đã nhận được thông báo của bác sĩ sau khi mổ lấy khối u, xác nhận là ông Định đã bị ung thư chạy đến các hạch, chưa lan đến gan phổi. Ông Đinh Đăng Định năm nay 50 tuổi.
Thế sự vô thường, phận người long đong. Có lẽ con đường ông Đinh Đăng Định mong muốn thực hiện vẫn còn chưa tới đích, song tinh thần chấp nhận dấn thân cho một tương lai Việt Nam tốt đẹp hơn rất đáng cho những người khác suy gẫm. Giữa cơn bệnh thập tử nhất sinh như vậy, nhà ông Định lại không giàu có… Nếu gọi là tài sản thì trong căn nhà đơn sơ ấy có một tấm bảng đen nhỏ, một giá sách khá nhiều sách – của chủ nhân vốn là một thầy giáo. Trước đây, mọi sinh hoạt của gia đình này trông cậy vào tiền lương đi dạy học của ông Định. Sau ngày ông ấy đi tù, mọi chi phí tiêu dùng lệ thuộc vào người vợ – một nhân viên tạp vụ ở trường học. Bà Đặng Thị Dinh vừa dành dụm tiền nuôi sống bản thân và các con ăn học, rồi phải trích ra đi thăm nuôi chồng ở tù mỗi tháng. Trong bối cảnh một tỉnh lẻ cao nguyên, gia đình ông ấy đang bộn bề trăm nỗi lo toan.
Bản thân một trí thức dám dấn thân, công khai đưa các chính kiến dân chủ và ái quốc ra trước công luận – đến mức phải chịu cảnh tù đày gian truân như ông Đinh Đăng Định – hiện rất cần sự quan tâm và giúp đỡ của những tấm lòng hào hiệp và yêu chuộng chính nghĩa.
Hoàng Tâm Nguyên
[1]Đinh Đăng Định ‘quyết không nhận tội’ – BBC ngày 20 tháng 11, 2012.
[2]Đinh Đăng Định ‘hạn chế về nhận thức’ – BBC ngày 21 tháng 11, 2012.