Nguyễn Văn Thạnh
Bài 7: Giải quyết chủ nghĩa Mackeno để thúc đẩy XHDS
Nhiều người quan tâm đến tình hình đất nước đều cảm thấy bất lực, bởi
lẽ xã hội đang trên đà thối nát, rất nhiều vấn đề cần chung tay, chung
sức nhiều người mới giải quyết được, trong khi xung quanh giới trẻ thì
cắm đầu vào việc cá nhân: học hành, chơi game, café, trung niên thì vội
vàng kiếm tiền mưu sinh, già cả thì thu mình trong nhà cùng con cháu.
Căn bệnh vô cảm còn gọi là Mackeno (mặc kệ nó) như một bệnh mãn tính ở
xã hội Việt Nam.
Nhiều người tặc lưỡi xem nó như một thói xấu của người Việt, có từ
thời khai thiên lập địa (một nhà học giả còn dày công tìm hiểu về nguồn
gốc văn hóa, lịch sử cư trú để chứng minh điều này) và kết luận rằng nó
là dân tộc tính, không thay đổi được.
Dưới góc nhìn của tôi, căn bệnh Mackeno có ba nguyên nhân: một là con
người muốn an toàn, không muốn dính vào điều rắc rối, nguy hiểm; hai là
người ta thấy không có lợi lộc gì cho bản thân khi làm việc đó; ba là
người ta nhìn thấy vấn đề quá lớn, quá phức tạp, không thể làm được nên
không tham gia.
Chúng ta thử phân tích, tìm hiểu căn bệnh Mackeno dưới góc nhìn này.
1. Sợ hãi, tránh điều nguy hiểm là bản năng con người:
Chúng ta mạnh miệng lên án người thờ ơ, vô cảm nhưng có bao giờ ta tự
hỏi tại sao họ vô cảm không? Suy ngẫm, ta dễ dàng thấy một nguyên nhân
lớn chi phối là họ sợ gặp rắc rối, sợ liên lụy, sợ mất việc, sợ người
thân khổ,…?
Suy cho cùng, chúng ta là một sinh vật, chúng ta có nhu cầu bảo toàn
sự sống như muôn loài. Ngoài bản năng bảo tồn sự sống, chúng ta là một
sinh vật có tình cảm. Đến loài vô thức như chó, gà,… còn dũng mãnh bảo
vệ con huống chi con người (ai bị gà mẹ đá khi đang nuôi con thì biết).
Lẽ tự nhiên, tình yêu cộng đồng, tổ quốc, nhân dân không thể mạnh hơn
tình yêu ruột thịt, tình yêu gia đình: con cái, bố mẹ, anh em, vợ
chồng,… được. Đó là lẽ tự nhiên thuộc về bản chất của con người.
Bản năng sống tự nhiên, con người sẽ né tránh điều nguy hiểm cho mình
và cho gia đình mình. Đặt tay lên tim, suy nghĩ thật lòng mình, hẳn
chúng ta sẽ đồng ý với nhận định trên.
Để mọi người tích cực tham gia việc chung, chúng ta không thể chỉ kêu
gào, lên gân tinh thần. Chúng ta cần thấu hiểu điều này ở mỗi con
người, để có góc nhìn và giải quyết vấn đề một cách thấu đáo và khoa
học.
Chúng ta lên án thờ ơ nhưng cộng đồng không làm gì khi một nhà báo
trẻ lên tiếng vì lương tâm và điều đúng thì bị mất việc. Anh còn vợ trẻ,
con thơ, ai nuôi, ai chăm lo cho họ khi anh mất việc? Những nhà báo còn
lại, thấy gương thảm của anh sẽ biết thân mà im miệng.
Chúng ta lên án thờ ơ nhưng khi một cô giáo khuyên học trò nên lên
mạng vào các trang diễn đàn để mở mang hiểu biết liền bị sa thải, đuổi
dạy. Cuộc sống cô hiện nay thế nào? Gia đình cô sống ra sao? Không ai
quan tâm, không ai biết?
Chúng ta lên án vô cảm nhưng khi một cô giáo dũng cảm làm luận án
thạc sĩ về một nhóm xuất bản không chính thống (nhóm mở miệng) thì bị
đuổi việc nhưng chúng ta lại thinh nín.
Chúng ta lên án vô cảm nhưng lại thờ ơ ngồi xem một chủ quán café “giải thiêng” (café Cộng) bị thanh tra, bị đánh tơi bời.
Tôi có thể kể ra vô vàng những ví dụ như thế. Tại sao chúng ta không
làm gì bảo vệ người lên tiếng mà chỉ chăm chăm kêu gào vô cảm? Tôi thấy
rất nhiều người giàu có luôn miệng kêu gào vô cảm nhưng không bao giờ
cho đi một đồng để giúp người lên tiếng bị nạn. Thật là nghịch lý trong
tư duy.
Thuốc đặc trị bệnh Mackeno là cộng đồng hãy chung tay bảo vệ người
lên tiếng, người đi tiên phong đóng góp cho sự nghiệp dân chủ hóa đất
nước. Người có của góp của, người có công góp công. Khi một người tiên
phong an toàn trong vòng tay cộng đồng thì lớp lớp người sẽ dấn thân.
2. Người ta chưa thấy trách nhiệm, quyền lợi của mình trong công việc chung.
Mỗi ngày, dù trời mưa gió, dù nắng nóng, dù bụi khói tắt đường, ngập
đường,… nhưng hàng triệu con người vẫn ùn ùn đi làm, trong số đó không
biết bao nhiêu ông bố bà mẹ chịu đựng gian truân với niềm hy vọng cho
con sau này có tương lai, sau này sung sướng đỡ khổ hơn. Họ chỉ nghĩ đơn
giản là có tiền, có của cho con là con ấm thân sung sướng chứ nào có
biết sự liên đới từng cá nhân đến vận mệnh đất nước. Chúng ta cần làm
sao để những bậc bố mẹ khả kính này biết rằng dù cho con biệt thự nhưng
trong một đất nước tan nát thì đời con cũng không yên ổn: không hiểm họa
“Lê Văn Luyện” thì đường xá đầy rẫy ổ gà ổ voi, không đường ổ gà ổ voi
thì thực phẩm ô nhiễm, không khí ô nhiễm cũng gây hại cho con.
Chủ nghĩa Mackeno xuất phát từ tình yêu thương gia đình, lo sợ gia
đình liên lụy, khổ sở thì chúng ta phải dùng chính tình thương yêu
thương này để chữa trị căn bệnh đó. Hãy nói về tình yêu thương, nói về
tương lai con cái, nói về tương lai chung để các bậc bố mẹ biết rằng
quan tâm đến chính trị, chiến đấu chống cái ác, tranh đấu cho nền dân
chủ là tranh đấu cho một tương lai bền vững cho con cháu. Không có dân
chủ thì không có tương lai dù có của tiền nhiều như núi.
Hàng triệu sinh viên nếu biết rằng họ sẽ bị thất nghiệp, không có
tương lai trong một đất nước nát bét vì chính trị tồi thì chúng sẽ quan
tâm đến chính trị. Chúng ta phải làm sao cho giới trẻ biết tham gia,
quan tâm chính trị cũng là xây dựng tương lai cho mình, nó quan trọng
không kém gì việc cố gắng học tốt.
Khi con người ý thức được tương lai mình, quyền lợi mình gắn với
những công việc chung thì chủ nghĩa Mackeno sẽ mất dần đất sống.
3. Người có lý trí sẽ biết viễn kiến công việc:
Trong cuộc sống, chúng ta thấy một điều, người có lý trí và thực dụng
thường lượng định công việc ở tính hiệu quả. Nếu thấy công việc đầy rủi
ra và không hiệu quả họ sẽ lượng định chi phí cơ hội quá cao và họ
không làm. Rất nhiều phong trào, dự án dân chủ không được tổ chức tốt,
sát với thực tế, khả thi, gần như chúng được phát động bỡi những người
giàu đầu óc tưởng tượng, lý tưởng nên không thu hút được người thực
dụng, có lý trí. Thay vì nghĩ lại công việc tổ chức và dự án chính trị
được đưa ra thì chúng ta lại lên án sự thờ ơ, vô cảm.
Dân chủ là một quá trình lâu dài, có rất nhiều việc phải làm, nó
tương tự như việc xây dựng một tòa nhà cao tầng. Chúng ta cần một công
trình sư với bản thiết kế rõ ràng, chỉ huy làm những việc cụ thể có khả
năng làm được trong từng thời điểm cụ thể. Có như vậy mới huy động sức
của đám đông của mọi thành phần tham gia vào công trình chung.
4. Lời kết
Chủ nghĩa Mackeno sinh ra từ bản chất con người là muốn sống an toàn
cho mình và cho người thân thì phải đi từ bản chất con người mời giải
quyết được. Chúng ta cần “khai dân trí” để người dân thấy được trách
nhiệm cá nhân trong cộng đồng, thấy được tương lai mỗi cá nhân gắn với
tương lai đất nước. Điều mà từ lâu người Mỹ xem như một tín điều là “lợi
ích riêng được nhận thức đúng”. Và trên hết cộng đồng phải chung ta bảo
vệ những người lên tiếng, đấu tranh cho bất công; bảo vệ, ủng hộ không
chỉ bằng lời hay chót lưỡi đầu môi mà phải bằng hành động thực tế.
XHDS ra đời, lớn mạnh trên cơ sở những cá nhân tự nguyện liên kết
nhau để tranh đấu cho một điều tốt đẹp gì đó. Nó còn mãi là đứa trẻ sơ
sinh nếu chủ nghĩa Mackeno còn thống trị dân tộc VN.
Để XHDS có thể lớn mạnh thành chàng trai cường tráng, gánh vác sứ
mệnh kiến tạo nền dân chủ nặng nề sắp tới, việc đầu tiên phải làm là
chúng ta hãy chung tay giải quyết chủ nghĩa Mackeno.
Nguyễn Văn Thạnh
Bài tiếp: Quyền con người đi trước lót nền cho XHDS.