Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Tướng Giáp, ngôi sao vằng vặc đã lặn, và những người còn lại?

Nguyễn Thanh Hà
Tướng Giáp thọ đến 103 tuổi, cũng là tuổi thọ rất ít người Việt Nam đạt tới. Nhưng tuổi thọ của ông kết thúc bằng sự ra đi vĩnh viễn thì lại khắc sâu sự đột ngột, sự nuối tiếc, sự ràng buộc và tấm gương của ông làm mọi tầng nhân dân cả trong nước và trên thế giới trào lên niềm xúc động chân thành, sự thương nhớ khôn nguôi.
Hiện tại, người dân Việt Nam nói chung đang đứng trước những thử thách vô cùng lớn lao khi vận mênh của toàn dân tộc đang năm trong tay "toàn trị" và họ đang cố công tìm cách xây dựng một thế chế dân chủ phù hợp sự tiến triển của thời đại. Họ bận làm bận ăn, bận lo con cái gia đình, không có nhiều thì giờ "xuống đường" hoặc tham gia hội họp.
Ở quê tôi, triệu tập được một cuộc họp dân vô cùng khó khăn. Chắc chắn ở Hà Nội và nhiều thành phố khác cũng vậy Nhưng trước sự ra đi của Tướng Giáp, ánh hào quang của tài trí đức độ của Người tạo nên một lực hút vô cùng to lớn. Không có một ai đứng ra tổ chức, không có một người cầm cờ, không ai ra chỉ thị, không ai "tăng cường vận động", "tăng cường lãnh đạo" mà mấy ngày qua, trên đường phố mang tên Hoàng Diệu dân đến nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dòng người đủ cả nam phụ lão ấu, người trí thức, anh xe ôm, cháu sinh viên học sinh, đồng chí cựu chiến binh, bà con bán hàng rong, ông cụ bán hàng nước hè phố...không ai bảo ai, không tổ chức nào tổ chức, đã rồng rắn ngày đêm, người mang hoa, người cầm nắm hương, người mang theo nhạc cụ, người mang theo bài thơ, lặng lẽ, lặng lẽ nối đuôi nhau trong im lặng, trong tiếng nấc nghẹn ngào, trong nước mắt tuôn trào.

Người dân muốn bày tỏ lòng mình chỉ còn một cách đến nhà riêng thắp hương tưởng nhớ đến vị Tướng của nhân dân. Sức hấp dẫn thần kỳ nào đã quy tụ hàng nghìn, hàng vạn người dân đau xót vĩnh biệt Người, dù gần như tất cả đều không quan hệ họ hàng máu mủ gì với Ông. Có người đã thức giấc từ nửa đêm để rồi ba giờ sáng đã có mặt trên đường Hoàng Diệu hòa vào dòng người tưởng như bất tận vào viếng vị Tướng của nhân dân.
Đây là một điều không bình thường, trong sự bình thường của nhân dân. "Nghĩa tử là nghĩa tận" Nhưng nghĩa từ đối với từng nhân vật khác nhau.
Nhân đây, tôi chợt nhớ đến hồi Bác Hồ ra đi. Ngày 1 tháng 9- năm 1969, tôi được Thủ trưởng cơ quan giao nhiệm vụ lên Tân Trào, nơi Bác chủ trì đại hội quốc dân dẫn đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, để viết bài về Bác. Mưa rất to. Chúng tôi gồm hai người, tôi và anh Đức Như, phóng viên nhiếp ảnh, dùng xe mô tô cơ quan lên Tân Trào. Đến Tỉnh ủy Tuyên Quang trời gần sáng, chúng tôi được Văn phòng tỉnh ủy điều cho một xe com-măng-ca lên Tân Trào và chứng kiến gần như cả làng Tân Trào đều khóc Bác, mặc dù chưa có thông báo chính thức. Vấn đề là Cụ Hồ đã ở đây, cụ Hồ lãnh tụ của Đảng, của dân tộc đã về Hà Nội đọc Tuyên ngôn Độc lập, đã lãnh đạo đất nước chiến thắng hai đế quốc to...
Và đến ngày 10-9, mấy vạn, có thể là mấy chục vạn người Hà Nội đổ về Quảng trường Ba Đình truy điệu bác Hồ trong ngập tràn nước mắt tiếc thương...Mấy hôm nay, trên đường Hoàng Diệu và trong khuôn viên Nhà riêng Tướng Giáp, hàng nghìn, hàng vạn nhân dân, nam phụ lão ấu, đến dâng hương tưởng niệm, kính viếng người hiền tài của lịch sử ! Đó là lòng dân. Lòng dân thì không mảy may cần đến bàn tay "vận động" nào cả. Ý chí và lòng dân là sức mạnh vô địch. Chớ có coi thường.
Lòng dân đầu công nguyên đã đi theo tiếng gọi khởi nghĩa của Hai bà Trưng, giành độc lập cho non sông đất nước. Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi...là những vị anh hùng dân tộc trường tồn với lịch sử và sống mãi trong lòng nhân dân. Ngày nay, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm văn Đồng, Võ Văn Kiệt...cũng là những người sống mãi trong lòng nhân dân, bởi vì, các vị đã toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, thu phục đất nước, và thu phục lòng dân. Bài học của lòng dân, của lòng tin của dân rất đối bình thường và ai cũng biết, nhưng có phải ai cùng làm được cũng sống được như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đâu !
Các thế hệ người Việt Nam đang sống trong những ngày quốc tang trước cái chết vĩ đại của Đại tướng sẽ nối tiếp bước chân Đại tướng, sẽ tạo nên sự trong sáng, sự trường tồn của nhân dân. Bác Hồ đã dạy: "Nhân dân ta thật là vĩ đại !" Vậy thì những người còn lại sau khi trực tiếp hoặc gián tiếp tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi thiên thu ở quê hương Quảng Bình của Người, sẽ suy nghĩ thế nào đây ? Bao giờ thì ta có đoàn kết thật sự, bao giờ chiến thắng "quốc nạn tham nhũng", bao giờ hết quan liêu, ức hiếp dân, để rồi có khi người nào đó về thế giới bên kia không một ai phúng viếng, tưởng nhớ ?
Ngôi sao vằng vặc Võ Nguyên Giáp đã lặn vào vũ trụ bao la, chỉ còn lại những người đang sống và sống như thế nào đây, trước hết là khỏi hổ thẹn với lương tâm của chính mình !

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"