Thuận Văn
Võ Nguyên Giáp đã về với đất giữa những
tiếng tung hô về “thiên tài quân sự” và “phẩm cách thánh nhân” của ông,
giữa những lời phân trần biện minh cho thất bại chính trị của ông, cả
những nhận xét điềm đạm hay phê bình gay gắt nhất đối với ông. [1] Không
nhất thiết phải đóng góp thêm cái không khí ồn ào khi “tang lễ quốc
gia” sặc mùi đồng bóng vừa mới bị cắt ngang một cách chưng hửng ngay tại
thủ đô để tiếp khách giống như là… chạy cưới, tôi vẫn cảm thấy thiếu
thiếu, vẫn còn có một câu hỏi chưa có lời đáp ở nhân vật này. [2]
Câu hỏi đó là: “Trời” sinh ra Võ Nguyên Giáp để làm gì?
Đã ca ngợi ông là một “thiên tài quân
sự”, là “thánh nhân” thì phải thừa nhận chuyện “Trời sinh”: sinh ông ra,
rồi phú cho ông một “thiên tài”, một phẩm cách “thánh nhân”, ắt hẳn
“Trời” đã sắp đặt sẵn cho ông một chương trình, một mục đích và ý nghĩa
nào đó, cho đời. Như thế thì cái ý nghĩa “thiên mạng” đó phải thể hiện
trong sự nhất quán, trong mối quan hệ tương liên giữa những chặng đời
mâu thuẫn mà những kẻ xưng tụng ông vẫn ấm ức gọi là “nghịch lý”, cái
“nghịch lý” của cuộc đời khởi đầu vinh quang trong vai trò “cầm quân”
tại chiến trường Việt Bắc để rồi tiếp tục một cách ê chề với những tháng
năm “cầm quần” giữa những mưu mô chính trị hậu cung tại Hà Nội, nói
theo một câu ca dao hiện đại. [3]
Sự nhất quán giữa hai thái cực “cầm
quân” và “cầm quần” ấy có thể nhìn qua học thuyết của Thomas Malthus,
nhưng đầu tiên là “thiên tài” và phẩm cách của ông Giáp.
Chúng ta thán phục một người là có “tài”
khi kẻ đó làm được những điều mà kẻ khác làm được nhưng làm bằng cách
nhanh hơn, với cái giá rẻ hơn mà có thể đem lại kết quả hay hơn. Chúng
ta ngưỡng mộ một bậc “thiên tài” khi kẻ đó làm được những điều độc sáng
mà chưa ai từng làm được hay, không chỉ hơn khối kẻ bình thường khác qua
cách làm nhanh nhất, bằng cái giá rẻ nhất nhưng mang lại kết quả mỹ mãn
nhất mà còn có thể, qua cách ấy hay việc ấy, để lại một dấu ấn hay
những ý nghĩa khó phai nhạt qua những ảnh hưởng đến người khác, ít ra là
trong lĩnh vực của mình.
Nếu “thiên tài” của Võ Nguyên Giáp kết
tinh ở chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng” thì cái tài trời phú ấy
không thể chấm hết sau phút giây bắn pháo hoa mừng chiến thắng mà còn
phải để lại những ý nghĩa “lẫy lừng” nào đó, ít nhất là cho riêng vùng
đất ấy, và ít ra là trong đường lối quân sự sau đấy.
Ông là “thiên tài quân sự”, thế nhưng
với những đồng chí thuộc vai vế đàn em “thiên tài” ấy chẳng có một tý ty
trọng lượng, chẳng để lại một dấn ấn hay ý nghĩa hay ảnh hưởng nào,
ngay trong lĩnh vực quân sự. Gạt ông ra ngoài trong những quyết định
trọng đại về chiến tranh, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã không đếm xỉa gì đến
“thiên tài” của ông. Chiến dịch Mậu Thân, họ chỉ báo trước có một ngày.
Chiến dịch Quảng Trị, khi xương cốt bộ đội trắng cả đáy dòng Thạch Hãn,
họ cũng bỏ ngoài tai những ý tưởng chiến thuật của ông. [4]
Và “chiến thắng lẫy lừng” ấy cũng chẳng
mang lại một ảnh hưởng tích cực nào cho những vùng đất hay con người đã
trực tiếp và gián tiếp trả giá. Không nói xa xôi đến “đất nước” hay “dân
tộc”, gần ba phần tư thế kỷ sau ngày chiến thắng, những “an toàn khu”,
những “căn cứ địa”, những “chiến khu gió ngàn” nuôi dưỡng nên chiến
thắng ấy vẫn tiếp tục là những vùng đất đói nghèo nhất nước và, phần
đông, thế hệ trẻ lớn lên ở đó, muốn đổi đời thì chỉ có thể, hoặc ngược
sang Lào theo những “cung đường ma túy”, hoặc bỏ xuôi làm thuê hay làm
đĩ. [5]
Giới hâm mộ Võ Nguyên Giáp viện dẫn sự
thất thế chính trị để biện minh cho sự vô can của ông trước giá đắt
trong Mậu Thân 1968 và Quảng Trị 1972-1973, thế nhưng cái giá của Điện
Biên Phủ 1954 đâu có rẻ chút nào? Bao nhiêu nông dân cầm súng đã gục
ngã, bao nhiêu tài nguyên đã tiêu tốn và những món nợ “xã hội chủ nghĩa
anh em” với hậu quả nhãn tiền về sự phụ thuộc? Mà, xét cho cùng, nếu
tướng tài là vị tướng không cần đánh mà có thể lấy được thành thì, chẳng
cần đến những “chiến công chấn động thế giới” kiểu ấy, những cựu thuộc
địa có cùng hoàn cảnh tại Á châu không chỉ đã giành lại độc lập với cái
giá rẻ hơn mà, hơn thế nữa, còn vươn tới những kỳ tích hậu thuộc địa lẫy
lừng hơn, rất nhiều.
“Chiến thắng lẫy lừng” ấy là một món
hàng xa xỉ, cực kỳ hoang phí, không chỉ hoang phí bằng xương bằng máu mà
còn hoang phí bằng sự tụt hậu và phụ thuộc, phụ thuộc ngay vào kẻ thù
truyền kiếp, kẻ thù đã xâm lăng đất nước chúng ta nhiều lần hơn ai hết,
chiếm đóng đất nước lâu dài hơn ai hết.
Cái chiến thuật thí thịt người chẳng có
gì độc đáo sáng tạo về mặt quân sự của ông Giáp, gợi nhắc một giai thoại
về Napoléon Bonaparte khi bị một viên thống chế dưới quyền thắc mắc
trước một quyết định thí quân: “Chỉ một đêm của Paris là đủ”.
Chỉ một đêm thôi, và riêng tại Paris thôi, sẽ có bao nhiêu cặp nam nữ
cuồng nhiệt quấn quýt vào nhau, sẽ có bao nhiêu tinh trùng bắn ra, sẽ có
bao nhiêu tinh trùng tiến về bắt rễ trong buồng trứng để từ đó mở ra
một mầm sống mới và, với Napoléon, thế là đủ. Đủ để bù lại những sinh
mạng bị ông ta vung vãi trước trận địa mà đối phương đã bày bố sẵn sàng.
Như thế phải có một điểm nhất quán nào
đó trong “vinh quang” của vị “anh hùng chiến thắng” vào năm 1954 với sự
cam chịu thụ động đến bạc nhược của vị “thống chế đặt vòng” vào năm
1983, khi ông ta trở thành “Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ
có kế hoạch”. [6]
Để hiểu được sự nhất quán ấy, có lẽ,
phải nhắc qua học thuyết của Thomas Malthus (1766 – 1834), một giáo sĩ
và là một nhà kinh tế học nối tiếng người Anh.
Năm 1798 Malthus xuất bản cuốn khảo luận An Essay on the Principle of Population
(Một tiểu luận về nguyên tắc dân số) và, thế là, những lời công kích
nổi lên. Để đáp trả những lời chỉ trích và củng cố lý thuyết của mình,
từ năm 1799 đến 1802 Malthus thực hiện chuyến du khảo năm năm xuyên suốt
Âu châu để rồi tái bản quyển sách trên với sự minh định rằng quan điểm
chính vẫn không hề thay đổi. Vẫn bị công kích dữ dội nhưng vẫn thu hút
sự chú ý rất đặc biệt và cuốn sách ấy của Malthus đã đuợc tái bản đi,
tái bản lại nhiều lần.
Điều khiến Malthus vừa bị công kích vừa
lôi cuốn sự chú ý là cách phân tích nguyên nhân của nạn bần cùng như là
hậu quả tất yếu của tình trạng quá tải dân số. Theo Malthus thì dân số
tăng theo cấp số nhân trong khi kinh tế chỉ tăng trưởng theo cấp số
cộng, và khi nền kinh tế không đáp ứng nổi nhu cầu của một dân số quá
đông thì bần cùng là hệ quả tất yếu. Vấn đề là làm thế nào để giải quyết
nạn ấy và, theo Malthus, khi con người bó tay, không “giải quyết” được
sự bùng nổ dân số, thì “tự nhiên” sẽ bắt tay thực hiện. Khảo sát thật kỹ
các xã hội trong suốt chiều dài lịch sử của nó, Malthus đi đến kết luận
rằng các biến cố lớn liên quan đến nạn đói, thiên tai, bệnh dịch và
chiến tranh đều gắn liền với những “khó khăn về dân số”.[7]
Hẳn nhiên học thuyết của Malthus không
hoàn toàn đúng và không phù hợp với thực tế của hôm nay sau bao nhiêu bể
dâu về kinh tế về khoa học và kỹ thuật thế nhưng mối ám ảnh “khó khăn
dân số” ấy vẫn tiếp tục hiệu lực, vẫn dai dẳng đeo bám nhân lọai, thậm
chí từng ám ảnh cả nhà thơ Tú Xuơng của chúng ta, qua bài thơ “Chúc
Tết”:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non
Ba năm sau khi Tú Xương lìa đời thì Võ
Nguyên Giáp mới chào đời. Và bốn mươi bốn năm sau khi ông Giáp chào đời
thì ám ảnh ấy đã phần nào giải quyết bằng chiến thuật thí thịt người tại
Điện Biên Phủ cùng muôn vàn những trận đánh tương tự trước đó hay sau
đó với những quy mô nhỏ hơn. Nếu chiến tranh, theo cái nhìn của Von
Clausewitz, là sự “tiếp nối của chính trị bằng những phương tiện khác”
thì, phải chăng, “người hùng chiến tranh” Võ Nguyên Giáp, như một kẻ
hoàn toàn thất bại về chính trị, chính là hiện thân của sự “can thiệp
của tự nhiên” để giải quyết những “khó khăn về dân số”?
“Tự nhiên”, ở đây, nên hiểu là “Trời” và
nếu nhìn như thế thì sẽ thấy ngay cái mẫu số chung hay mối quan hệ
“biện chứng” giữa đoạn trước và đoạn sau của cuộc đời ông. Cơ hồ “Trời”
sinh ông ra là để giải quyết những khó khăn đã ám ảnh Malthus. Đoạn đầu
đời xông xáo trên mặt trận, ông “giải quyết khó khăn” bằng cách đẩy
những mầm sống đã đạt tuổi trưởng thành vào trận địa theo chiến thuật
thí thịt người. Nửa đời sau thầm lặng trong nền chính trị hậu trường,
ông “giải quyết khó khăn” với những cái bọc condom, những sợt dây thắt ống dẫn tinh và hay những vòng tránh thai để phong toả, ngăn không cho tinh trùng tiến về với trứng.
Giới hâm mộ xem đó là “thăng trầm” của
đời ông Giáp và ca tụng đó là chữ “nhẫn” của bậc thánh nhân, là “phong
cách trí thức” của một tướng lĩnh “có văn hoá”. Nhưng tính cách của bậc
trí thức không chỉ hình thành từ việc đọc sách, việc làu thông kim cổ
hay, giữa một đám lãnh tụ công nông đàn gảy tai trâu, “biết đánh cả đàn
pinao”. Và, ngoài chữ “nhẫn”, tiếng Việt còn có thêm từ “khí tiết”. Nếu
“nhẫn” không có nghĩa là bạc nhược thì “phong cách trí thức” không có
nghĩa là phải giữ sự mềm mỏng và thụ động của con người chỉ biết mỗi một
việc đọc sách. Mềm mỏng, hay cứng cỏi, người trí thức phải quyết liệt,
không lùi bước, không khoan nhượng để bảo vệ lẽ phải và sự thật. Đó là
thái độ của Emile Zola khi lên tiếng “Tôi kết tội” để bảo vệ Alfred
Dreyfus, viên sĩ quan gốc Do Thái bị cả guồng máy quân sự và chính trị
Pháp toa rập để vu khống tội gián điệp. Dreyfus chẳng can dự gì đến Zola
và nhà văn này lên tiếng là để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, nhưng
còn ông Giáp? Như một “đại tướng – trí thức – anh hùng”, ông đã làm gì
để bảo vệ lẽ phải và sự thật khi chính những tướng lĩnh và sĩ quan tâm
phúc của mình như Đặng Kim Giang, Lê Liêm hay Đỗ Đức Kiên bị vu khống là
gián điệp?
Không chứng tỏ một nỗ lực tối thiểu để
bảo vệ lẽ phải và sự thật, để trọn chữ nghĩa tình với những người từng
vào sinh ra tử với mình thì có thể nào đạt đến chuẩn mực xử sự của bậc
thánh nhân? Những kẻ chỉ trích vin vào điều này để cho rằng ông hèn
nhát. Thì đó cũng là một cách nhìn nhưng từ góc độ của Malthus và ý
nghĩa “Trời sinh” thì chẳng có gì là anh hùng hay ươn hèn trong cái cuộc
đời đó cả. Trời sinh ông để “giải quyết những khó khăn” về dân số và
ông phải sử dụng bất cứ vai trò nào có thể sử dụng được để thực hiện sứ
mạng đó theo đúng nguyên tắc “Cứu cánh biện minh cho phương tiện” mà
Niccolò Machiavelli đã nêu ra trong The Prince (Quân Vương).
Cuốn sách được xem là kinh điển về chính
trị thực dụng này được xuất bản năm 1532, năm năm sau khi Machiavelli
qua đời. Trong công trình mỏng tang của mình, Machiavelli đã nhấn mạnh
rằng, trong chính trị, yếu tố hiệu năng và thực tiễn phải được đặt lên
lên trên giá trị đạo đức hay các khái niệm trừu tượng, và để sống còn,
những lãnh tụ chính trị phải biết cách học hỏi từ loài dã thú:
“Bậc quân vương phải học hỏi từ bản
chất của loài thú để kết hợp sức mạnh của con sư tử với sự tinh ranh của
loài cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình trước các cạm bẫy nhưng cáo
thì không thể chống lại loài chó sói. Vì thế, cần phải là cáo để nhận ra
những cạm bẫy và là sư tử để dọa chó sói.” [8]
Nếu “thiên tài quân sự” là kẻ phải thể
hiện sự dũng mãnh của loài “sư tử” thì ông, “Thiên tài quân sự Võ Nguyên
Giáp”, còn có nhiều lợi thế trên đấu trường chính trị hậu cung khi đã
từng là “cáo” và cũng từng là “sói”. Trước khi thực sự chống lại thực
dân ông đã đóng vai trò chủ chốt trong những cuộc thanh trừng khốc liệt
nhắm vào các đảng phái quốc gia chỉ để giành lấy độc quyền chống thực
dân, nghĩa là từng giăng bẫy như “cáo”. Trước khi là Bộ trưởng Quốc
phòng và Tổng Lư lệnh Quân đội, ông đã là Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên của
chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và, trong vai trò ấy, đã ký nghị
định để chống lại cái gọi là các tổ chức quốc gia “phản động” tháng Chín
năm 1945, nghĩa là đã vồ mồi như “sói”.
Đã là “sư tử”, đã từng giăng bẫy như
“cáo” và từng vồ mồi như “sói”, tại sao ông có thể dễ dàng đầu hàng
trước những đồng chí chỉ đáng mặt là “cáo” hay “sói” như Lê Duẩn và Lê
Đức Thọ?
Cũng chẳng có gì đáng gọi là “nghịch lý”
trong mối quan hệ tưởng là mâu thuẫn này cả khi một “đại tướng anh
hùng” dễ dàng bỏ rơi đồng đội, dễ dàng nhìn những ý tưởng mà mình tin là
có lợi cho đất nước bị vứt bỏ vào sọt rác mà, thậm chí, còn là một sự
nhất quán và thông suốt nếu nhìn theo những góc độ nói trên. “Trời” sinh
ông thế và, cơ hồ, cả trong cái thời sung mãn nhất về thế chất và trí
lực của mình, ông, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, chưa bao giờ cảm thấy có
đủ tự tin với “thiên tài”, với “thiên mạng” của bậc anh hùng cứu thế
trong tầm vóc của một con sư tử của mình. “Trời” không sinh ông để sống
trọn vẹn ý nghĩa của một con người huyền thoại. Trời sinh ông ra để giải
quyết những “khó khăn về dân số”.
“Thiên mạng” của ông là giải quyết những
“khó khăn về dân số” còn chế độ toàn trị thì đang lúng túng với “thiên
mạng” của mình trước một “dân số khó khăn”. Lúng túng vì người dân ngày
càng trưởng thành hơn. Lúng túng vì càng ngày càng lộ liễu cái bản chất
phản động và thối nát nhiều hơn. Thế là, sau bao nhiêu năm bị bỏ quên,
phải tìm quên trong thiền và trong kinh Phật, ông được vực dậy, được
công kênh như một huyền thoại chiến tranh. Ông càng rũ xuống, càng vật
vờ trong đời sống thực vật trên giường bệnh bao nhiêu, cái chiến dịch
phục dựng huyền thoại chiến tranh ấy càng rầm rộ bấy nhiêu.
Nhưng, luôn luôn, cái mà nền toàn trị
cần là những huyền thoại chỉ để thờ, thờ sống hay thờ chết. Nó chỉ cần
cái bài vị, cái vừng sáng lung linh nhang nến quanh một nhân vật để công
chúng kính cẩn gập mình xuống lạy chứ không phải những giá trị thực
tiễn mà kẻ đó có thể đóng góp. Hồ Chí Minh cũng vậy mà Võ Nguyên Giáp
cũng vậy. Cũng chỉ đơn thuần là hai cái bài vị để cho công chúng lạy,
lạy sống hay lạy chết. Thập niên 60, hệ thống quyền lực đó vừa thờ sống
Hồ Chí Minh, vừa gạt ông qua một bên. Chỉ cách đây mấy năm thôi, hệ
thống đó cũng vừa rầm rộ “lạy sống” ông Giáp, vừa thẳng tay vứt vào sọt
rác những “tâm can” mà ông trút cạn khi hệ thống quyền lực tự đâm vào cổ
mình bằng cách mời mọc kẻ thù truyền kiếp của dân tộc đến cắm rễ ngay
tại vùng đất chiến lược. [9]
Những kẻ hâm mộ ông lấy làm ấm ức vì
trong bài điếu văn chính thức đọc trong tang lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã không đề cập về ông như một “anh hùng” mà chỉ gọi suông là “nhà
lãnh đạo uy tín.” Theo họ ông là “anh hùng dân tộc”, là “hồn thiêng
sông núi” v.v… và, theo những dòng người rồng rắn đưa tang, những mỹ từ
này đã rồng rắn nối đuôi nhau trên các phương tiện truyền thông để tấn
công vào suy nghĩ của công chúng, để bám vào suy nghĩ của thế hệ mới
lớn. [10]
Xung tụng ông thế nào, là “thiên tài
quân sự”, là “bậc thánh nhân” v.v… là tùy bởi việc đó quyền, là năng lực
nhận thức, là trí tuệ của từng người. Nhưng nếu gọi một nhân vật như
thế – “sư tử” không ra “sư tử”, “sói” không ra “sói” và “cáo” không ra
“cáo” – là “hồn thiêng sông núi” hay “anh hùng dân tộc” thì quả là một
sự báng bổ và xúc phạm. Nó báng bổ tổ tiên. Nó xúc phạm đến sông núi
thiêng liêng. Nó xúc phạm những anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Lý
Thường Kiệt. Lê Lợi hay Nguyễn Huệ v.v…
Và nó xúc phạm đến cả chúng ta, những
người đang mang ơn những người con kiệt xuất của dân tộc ấy, những anh
hùng đã thực sự bảo vệ đất nước trước dã tâm nghiền nát và nuốt chửng
của kẻ thù truyền kiếp, cái kẻ thù đang vừa kêu ca đòi chia chác thứ
“vinh quang” xây trên xác người ở Điện Biên Phủ, vừa vận dụng cả trăm
ngàn trò trí trá để bóp nghẹt môi trường và nguồn sống của chúng ta, dồn
ép chúng ta vào cảnh kiệt quệ và chết dần chết mòn, cũng với dã tâm
nghiền nát và nuốt chửng. [11]
17.10.2013
Chú thích
[1] Hiện có rất nhiều ý kiến tôn sùng Võ Nguyên Giáp là bậc “thánh nhân”, thí dụ như: Nguyễn Như Phong, “Người là bậc Thánh Nhân!”
[2] Tang lễ kết thúc lúc 5 giờ chiều tại Quảng Bình nhưng trước đó, vào buổi trưa, cờ tang ở Hà Nội đã được tháo bỏ để đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
[3] Có thể kể mấy câu liên quan đến việc Võ Nguyên Giáp nhận chức vụ này:
Năm xưa đại tướng cầm quân
Năm nay đại tướng cầm quần chị em
Hay:
Năm xưa đánh giặc công đồn
Nay về quản lý cái l** chị em
[4] Có rất nhiều tài liệu về việc này, trong đó phần cô đọng nhất là chương viết về Võ Nguyên Giáp trong cuốn Bên thắng cuộc II: Quyền bính, của Huy Đức.
[5] Có thể tham khảo một số bài báo tiêu biểu:
- Hải Chung, “Xóa đói, nghèo ở chiến khu xưa”
- Nguyễn Đăng Tấn, “Mùa Thu cách mạng, về thăm chiến khu xưa”
[6] Câu này liên quan đến việc Tố Hữu trở thành Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế: “Nhà thơ làm kinh tế, thống chế đi đặt vòng”.
[7] Hẳn nhiên tính toán của Malthus
không hoàn toàn phù hợp với thực tế và trong hai thế kỷ sau đó tốc độ
tăng dân số vẫn xảy ra mà không bị cản trở bởi nghèo đói tại các nước kỹ
nghệ như Âu châu. Một trong những người chỉ trích Malthus kịch liệt
nhất là Friedrich Engels – đồng chí kiêm môn đệ của Karl Marx. Theo ông
tổ số hai của chủ nghĩa cộng sản thì Malthus đã không thấy được các yếu
tố như quá trình tích sản, tích lũy giá trị thặng dư của giai cấp bóc
lột, cũng không thấy được vài trò của khoa học v.v…
[8\] Bản tiếng Anh: “Of the animals, a
prince should be compelled to choose to emulate the effective points of]
the fox and the lion, because the lion cannot defend himself against
traps, and the fox cannot defend himself against wolves. Therefore, it
is necessary to be a fox to discover the traps, and [to be] a lion to
terrify the wolves. Those who rely simply on the [effective points of a]
lion do not understand what they are about.
[9] Võ Nguyên Giáp đã ba lần viết thư
gởi Bộ Chính trị đề nghị chấm dứt dự án bauxite Tây Nguyên, tuy nhiên
lời ông bị gạt qua một bên, thậm chí những kẻ có trách nhiệm đã không
thèm trả lời.
[10] Thí dụ các bài báo hay bản tin:
- Thùy Linh, “Đại tướng ơi! Người đã thành hồn thiêng sông núi”
- Hoàng Điệp – Lam Giang – TTXVN, “Quốc tang anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp”.
[11] Có nhiều tài liệu từ phía Trung Quốc nhấn mạnh vao trò của các cố vấn Trung Quốc, thí dụ:
“Hồi kí cố vấn Trung Quốc (3) -Vai trò của Vi Quốc Thanh (Wei Guoqing) qua lời kể của viên thư kí” [Bản dịch của Dương Danh Dy].
© 2013 Thuận Văn & pro&contra