Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Khủng hoảng và chính sách chuyển trục

Đoàn Hưng Quốc
Tháng 11-2012 Do Thái tấn công Hezbollah 4 ngày trước cuộc họp Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 21 tại Cam Bốt. Báo chí Hoa Kỳ đăng tít lớn về tình hình chiến sự khiến chuyến đi của Tổng Thống Obama sang vùng Thái Bình Dương bị mờ nhạt, và Ngoại Trưởng Clinton phải gấp rút rời Đông Nam Á để tìm một giải pháp hòa bình ở Trung Đông.
Tháng 10-2013 Tổng Thống Obama lại phải huỷ bỏ kế hoạch tham dự Hội Nghi Thượng Đỉnh APEC và Đông Á bởi khủng hoảng ngân sách nhà nước và mức trần nợ công.
Các cuộc khủng hoảng xảy ra liên tiếp vào mỗi dịp họp Thượng Đỉnh khiến các nước vùng Đông Nam Á quan ngại liệu
08C9CDCA-93F0-372D-DC3FD21B45F47F5B_1
Hoa Kỳ có đủ quyết tâm và năng lực để chuyển trọng tâm sang vùng Thái Bình Dương trong hoàn cảnh chính trị nội bộ chia rẽ và ngành ngoại giao tiếp tục bị cuốn hút vào khu vực Trung Đông: nền an ninh của Do Thái, khủng bố Hồi Giáo, nội loạn tại Ai Cập – Syrie, hậu quả của Mùa Xuân Ả Rập và chính sách đối với Iran.
Những quốc gia không dính líu trực tiếp hay không có tranh chấp tức thời với Trung Quốc đã trải thảm đỏ để tiếp đón các nhà lãnh đạo Bắc Kinh: Indonesia ký hợp tác thương mại lên đến 30 tỷ USD; Mã Lai nâng tầm liên hệ với Hoa Lục lên đối tác chiến lược toàn diện; Thủ Tướng Lý Khắc Cường được trao vinh dự hy hữu phát biểu trước Quốc Hội Thái Lan.
Những tuyên bố của Ngoại Trưởng Kerry rằng Hoa Kỳ không hề thay đổi lập trường đối với vùng Đông Nam Á trở nên chiếu lệ và thiếu thuyết phục vì không có hành động cụ thể đi kèm, nhất là khi nhiều quan sát viên đã nhận xét chính ông Kerry am hiểu tình hình Âu Châu và Trung Đông nhiều hơn đối với Á Châu.
Trước đó Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel đã công du nhưng chỉ sang Đông Bắc Á nhằm thắc chặc quan hệ quân sự với Nhật Bản và Nam Hàn tức hai đồng minh cột trụ mà Hoa Kỳ không thể bỏ quên. Nên nhớ rằng ông Hagel chỉ là một Bộ Trưởng Quốc Phòng yếu, vì mới hồi tháng 01-2013 ông suýt bị Quốc Hội đánh văng khỏi chức vụ bởi vài lời tuyên bố không có lợi cho Do Thái khi ông còn là Thượng Nghị Sĩ.
Ai cũng biết muốn phá vỡ một chính sách chiến lược không lúc nào bằng giai đoạn phôi thai khi các nước liên minh còn chưa tin cậy lẫn nhau, vào lúc ngân sách cùng nhân sự chưa bén rễ nên còn thiếu tổ chức chu đáo.
Âu Châu và Do Thái là hai đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ chẳng những không xem Trung Quốc như mối đe doạ chiến lược (do khoảng cách địa lý quá xa) nhưng trái lại đây còn là đối tác kinh tế đầy triển vọng, cho nên các thế lực này không hề muốn thấy căng thẳng Mỹ-Trung làm ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Việc Hoa Kỳ can thiệp vào tranh chấp biển Đông chẳng những không cần thiết mà còn tổn hại đến quyền lợi của họ.
Còn về quốc phòng Hải và Không quân Mỹ hậu thuẫn chính sách chuyển trọng tâm sang Thái Bình Dương do tăng thêm ngân sách (trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn) trong lúc Lục Quân sẽ bị cắt giảm mất ưu tiên như trong thời gian chiến tranh Iraq và Afghanistan. Các chuyên viên hàng đầu trong ngành ngoại giao cũng phải thăm dò liệu chính sách chuyển trục có giữ được mối quan tâm ở cấp bực cao nhất (tức là Tổng Thống và Bộ Trưởng) trước khi họ tìm thay đổi nhiệm sở sang Á Châu.
Cho nên chính sách đối với Đông Nam Á chỉ vừa xúc tiến đã gặp quá nhiều trở ngại nhất là chỉ trong hai năm nữa ông Obama sẽ trở thành “vịt què” (lame duck president) do không thể tiến hành một kế hoạch quan trọng nào mới vì sắp mãn nhiệm kỳ. Kế tiếp ngoại trừ trường hợp bà Clinton đắc cử Tổng Thống thì không có một chính trị gia hàng đầu nào của Mỹ hiện tỏ vẻ sốt sắng với chiến lược chuyển trục sang Thái Bình Dương.
Trước những dấu hiệu như vậy các nước Phi Luật Tân và Việt Nam vốn chịu áp lực trực tiếp từ Trung Quốc không khỏi xét lại những phương án hiện thời: hoặc nhân nhượng để chấp nhận thua thiệt đối với Hoa Lục; hay quyết tâm bảo vệ lập trường cho dù đơn độc; hoặc tìm thêm hậu thuẫn từ Úc, Ấn Độ và Nhật Bản nhằm quốc tế hoá tranh chấp khu vực.
Riêng có thêm một chọn lựa khác bắt nguồn từ Do Thái: mỗi khi người Do Thái nhận xét rằng Mỹ tỏ thái độ do dự ở Trung Đông thì họ không ngần ngại khuấy động một cuộc khủng hoảng lớn để kéo lại sự chú ý của dư luận, báo giới và các chính khách Hoa Kỳ – với đe doạ là khủng hoảng có thể lan tràn ra khắp khu vực. Biện pháp này chẳng khác gì trong gia đình hay hãng xưởng đối với những người lớn miệng mồm lại nhận được nhiều quan tâm nhất.
Hoa Kỳ là siêu cường quốc tế nên lúc nào cũng bị chi phối từ nhiều mặt: khủng hoảng kinh tế Âu Châu; các vấn đề của Iran, Syrie, Ai Cập, Pakistan, Afghanistan, Bắc Hàn; quan hệ với Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, cùng nhiều vấn đề nội bộ khác. Phương án để Mỹ không quên lảng đối với biển Đông là khuấy động một cuộc khủng hoảng có chừng mực để chính quyền và dân chúng Hoa Kỳ cùng các đồng minh giật mình rằng nền an ninh và tự do hàng hải khu vực thật sự bị gián đoạn chớ không chỉ là giả thuyết.
Dĩ nhiên trong vai trò lãnh đạo đất nước thì phải vô cùng cẩn trọng vì đây là trò chơi với lửa, hoặc tệ hại hơn nửa có thể bị xem như đem vận mệnh của dân tộc đi đánh cuộc. Riêng trường hợp Do Thái có hai điểm mạnh mà Việt-Phi thiếu: một là ưu thế tuyệt đối về quân sự trong khu vực, và hai là hậu thuẩn hành lang rất mạnh trong chính trường Hoa Kỳ.
Nhưng không nên bỏ qua phương án tính toán này để khi đến lúc ngồi trên lửa thì không còn chọn lựa mà phải chơi với lửa – hoặc như chính Đặng Tiểu Bình đã nói trong thời kỳ tranh chấp Nga Hoa: có dám sờ đuôi cọp mới biết cọp giấy.
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"