Từ Linh
Lời thưa
Sau này, người viết sử về Việt Nam giai đoạn hiện tại có lẽ sẽ phải
nhắc tới vai trò quan trọng của giới trí thức Việt Nam trong nước trong
việc vực dậy xã hội dân sự: Họ nắm bắt thực tại, tụ lại, cùng nhau đưa
ra lối thoát, vận động công chúng ý thức và lên tiếng, thông qua hàng
loạt kiến nghị, từ Kiến nghị Ngừng Khai thác Bauxite (2009), Kiến nghị
về Việc Bảo vệ và Phát triển Đất nước (2011) đến Kiến nghị Sửa đổi Hiến
pháp 1992 [“Kiến nghị 72”] (Tháng 4/2013), đến Tuyên bố Nghị định 72 Vi
phạm Hiến pháp (Tháng 6/2013), và gần đây nhất là Tuyên bố về Thực thi
Quyền Dân sự và Chính trị (23/9/2013)… Nhân sĩ trí thức khát khao sự
thật, nhân quyền và dân chủ trong nước như những cỗ động cơ giàu năng
lượng, quan trọng hơn nữa, họ phối hợp được với nhau, và xã hội đang
chuyển động.
Trong khi đó, lịch sử sau này sẽ ghi nhận thế nào về trí thức gốc Việt ở hải ngoại? Không kể những người có chữ nhưng chỉ thích “chơi” với chữ thay vì “chơi” với thực tại
– thực tại là mặt trăng, chữ là ngón tay chỉ trăng, có người thích chơi
với tay hơn chơi với trăng – ngay cả những người quan tâm đến thực tại
Việt Nam, có tài, có tâm huyết, có uy tín và có chung lý tưởng nhân
quyền, dân chủ, hòa giải… họ dường như vẫn cứ giữ một khoảng cách nào đó
với nhau. Hay là có một thứ dark energy, năng lượng “đen tối”,
nào đó đang đẩy họ xa nhau, như đang đẩy các ngôi sao trong vũ trụ xa
nhau? Hay là chẳng có thế lực nào quấy phá, mà điều “đen tối” đang nằm
ngay trong tâm lý người trí thức?
Bài này xin được nhắc đến hiện tượng vừa kể, và những câu hỏi liên
quan, bằng cái nhìn của một thường dân, từ ngoài nhìn vào, với cách viết
bình dân, dựa trên lẽ thường (common sense), không phải cái nhìn của
người trong cuộc, hay của chuyên gia về cộng đồng lưu dân. Xin phép được
“đặt lên bàn” đề tài dường như ít được nhắc tới này để mọi người góp ý,
thay vì dấm dúi nó dưới gầm vì nể nang nhau hay vì một sự ổn định ảo
nào đó.
Người viết cứ tin, một cách chủ quan, rằng cộng đồng người Việt hải
ngoại có tiềm năng lớn, và trí thức hải ngoại có thể đóng góp nhiều hơn
rất nhiều.
Những đoạn “nói thêm” trong bài là những ý bổ sung cho mạch ý chính, bạn đọc có thể bỏ qua nếu thấy dài.
Xin bắt đầu câu chuyện ở Paris.
1. Paris chia ly?
Tôi tưởng tượng:
Một buổi sáng mùa thu ở Paris, nhiệt độ là 13 độ C. Lúc 9 giờ 11
phút, cơn mưa thu quen thuộc bắt đầu đổ xuống, nhưng hôm nay gió mạnh
hơn bình thường. Lá úa đẫm nước bay vật vờ nặng nề. Một chiếc xe cứu
thương hụ còi hối hả chạy ngang Rue Mercière.
Cùng lúc còi hú, trong văn phòng tòa soạn báo Quê Mẹ, ấm
đun nước phun khói hú còi báo hiệu sôi. Ông Võ Văn Ái tắt ấm nước, rồi
ra đứng cạnh cửa sổ, nhìn chiếc xe cứu thương chạy hối hả, nhìn những
hạt mưa đập vào cửa kiếng hối hả, từng cơn.
Cách đó 20 cây số, trong phòng làm việc ở khu Bourg-La-Reine, giáo
sư Hà Dương Tường rót nước sôi vào bình pha cà-phê. Bỗng thấy trời tối
sầm, giáo sư cũng ra đứng bên cửa, nhìn xuống phố thu âm u.
Lúc này, vừa rời khỏi phi trường Charles De Gaulle sau chuyến thuyết
giảng ở World Bank trở về, thầy Thích Nhất Hạnh đang đi ngang Allée
Saint-Paul. Ba chiếc lá thu lảo đảo bay ngang cửa kính xe đang chạy.
Thầy khẽ ngước mắt dõi theo. Những chiếc lá lại lảo đảo bay theo sau như
níu kéo.
Đang trả lời email cho bạn đọc Thông Luận, ông Nguyễn Gia
Kiểng dừng tay khi nghe tiếng còi xe cứu thương bỗng dừng đột ngột, liền
sau đó là tiếng bánh xe nghiến ken két trên mặt đường trơn trượt. Ông
đứng dậy, tiện tay cầm theo ly cà-phê nóng đang uống dở, ra bên cửa xem
chuyện gì xảy ra.
Thì ra chiếc xe cứu thương ban nãy chạy vút qua ngã tư này suýt nữa
đâm sầm vào một chiếc xe cứu thương khác vút tới từ cánh trái. Anh tài
xế này giận dữ nhấn còi nguyền rủa anh tài kia. Người ngồi trong những
xe khác quanh ngã tư, họ dừng lại nãy giờ để nhường đường, thì im lìm,
đưa mắt nhìn hai anh tài.
Hết tưởng tượng.
***
Buổi sáng hôm đó, dĩ nhiên, không có thật. Nhưng những nhân sĩ, trí thức người Việt ở Paris vừa kể lại rất thật:
Đó là thầy Thích Nhất Hạnh với những khóa tu mời gọi mọi người sống
trọn trong giây phút hiện tại, ở Làng Mai, ở các châu lục, với đông đảo
người mọi quốc tịch tham dự. Đó là ông Nguyễn Gia Kiểng tác giả cuốn Tổ quốc ăn năn
gây chấn động dư luận người Việt ở hải ngoại, cùng Tập hợp Dân chủ Đa
nguyên và những chủ trương, quan điểm rất đáng chú ý. Đó là giáo sư Hà
Dương Tường, giáo sư Toán tại Đại học Công nghệ Compiègne, người tâm
huyết với đất nước, chủ nhân trang mạng diendan.org vừa nghiêm túc vừa
nhẹ nhàng văn nghệ. Đó là ông Võ Văn Ái, người thường có các cuộc vận
động cho nhân quyền Việt Nam tại Nghị viện Châu Âu, cũng là một đạo hữu
có trách nhiệm lớn trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hải
ngoại.
Họ là những người có tên tuổi trong cộng đồng và trên thế giới, họ
tài năng, tâm huyết, không ngừng hoạt động, được nhiều người kính trọng.
Nhưng tôi cứ thắc mắc mãi điều này, và xin được đặt câu hỏi ở đây:
Khoảng cách từ văn phòng Quê Mẹ đến văn phòng của Tập hợp Dân chủ Đa
nguyên hay văn phòng của diendan.org chỉ cách nhau 20 cây số, nhưng
phải chăng nhiều năm rồi, các nhân sĩ, trí thức vừa kể chưa từng rời vị
trí của mình để đến chỗ của người kia, hay cùng hẹn nhau đến một quán
cà-phê Paris nào đó để gặp mặt chuyện trò?
Hay là vị này tuy thường xuyên gặp gỡ và làm việc với những người
bạn khác của mình, nhưng với các vị vừa nêu kia thì chưa? Hay là cũng đã
làm việc với nhau rồi, nhưng không ổn, lại thôi?
Giáo sư Hà Dương Tường vẫn thường xuyên cùng các trí thức Việt ở
Pháp, ở nước khác và ở Việt Nam ký tên vào nhiều kiến nghị, trong đó có Kiến nghị 72 về sửa đổi Hiến pháp, và gần đây là Tuyên bố về Nghị định 72, Tuyên bố Thực thi Quyền Dân sự…
Trong khi đó, ông Nguyễn Gia Kiểng lại có những ý kiến rất tâm huyết quanh Kiến nghị 72, và nhận định rằng:
“… ích lợi thực sự của Kiến nghị 72 có lẽ là một báo động.
Còn rất nhiều ngộ nhận trên những điểm rất cơ bản, về mức độ đoạn tuyệt
với quá khứ phải có để hòa giải dân tộc, về những khái niệm chính trị,
cũng như về những chọn lựa cho tương lai. Phong trào dân chủ cần một
cuộc thảo luận rốt ráo và thẳng thắn để đạt tới đồng thuận nếu không
muốn bị chia rẽ và tê liệt vào lúc mà lịch sử đang có dấu hiệu sắp sang
trang.”[i]
Nhưng, phải chăng lời kêu gọi ngồi lại để có “một cuộc thảo luận rốt
ráo và thẳng thắn” này vẫn chưa có phản hồi nào, từ trí thức ở Pháp, ở
ngoài nước hay trong nước?
Mưa thu và cái lạnh thì ai ở chung thành phố đều cùng thấy. Sấm động
trên mây thì dưới trời ai cũng nghe cùng lúc. Nhưng, phải chăng cùng
nhìn lá bay thì dễ, cùng nhìn nhau thì chưa, chưa hề là tự nhiên? Gần
thì gần, mà xa thì vẫn xa?
Chợt nhớ lời hát của Phạm Duy:
Mùa thu Paris, trời buốt ra đi, hẹn em quán nhỏ… chờ mong em
gắng khổ, từng giờ. Mùa thu âm thầm, bên vườn Lục Xâm… không em ôi buốt
giá, từ tâm…
Nhưng, phải chăng tình trạng đó không là lỗi của ai cả?
Phải chăng người trong cuộc chẳng thấy có vấn đề gì cả, và không gặp
“người kia” cũng là chuyện đương nhiên, thậm chí “phải là” như thế?
—
Nói thêm:
Đọc đến đây, có thể có người nói bài viết này bất kính, vì “dám”
đặt những nhân vật đáng kính kia vào một chuyện tưởng tượng vu vơ.
Phản ứng này cũng dễ hiểu, vì người mình có lẽ chưa quen lắm với
việc đưa các nhân vật được nhiều người yêu mến – chứ không chỉ những
nhân vật xấu, ác, phản diện – làm đề tài cho những bài báo, tranh vẽ,
phim ảnh đủ loại: nghiêm túc có, trào phúng có, giả tưởng có…, miễn
không dối trá, phỉ báng, vu khống.
Đức Đạt lai Lạt ma, Đức Giáo hoàng Francis, Tổng thống Obama,
Tổng thống mặt lạnh Putin, những người như Bill Gates, Bill Clinton hay
Bin Laden… đều có thể trở thành nhân vật của những bức họa, những
talk-show, những bài báo nói chuyện đời thường, ví von, cười vui… Có lẽ,
đó là dấu hiệu của một nền báo chí lành mạnh, vì góp phần “giải thiêng”
những nhân vật được trọng vọng. Giải thiêng không hạ bệ, nhưng là trả
họ về vị trí người. Thực ra, nhiều khi nhờ giải thiêng mà họ càng trở
nên thật.
Chỉ ở những nước toàn trị tự cho mình là đạo đức và sở hữu chân
lý tuyệt đối – trong khi đàn áp dã man mọi đối lập – thì ông Mác mới
không được đội xô đá lạnh trên đầu trong quán Cộng, ông Castro mới không
được ngậm thỏi thuốc nổ cháy ngòi thay cho điếu xì-gà trên bảng quảng
cáo ngoài trời, cậu Kim Jong-Un mới không được tốc váy như Marilyn
Monroe trong triển lãm tranh đương đại, tranh ông Mao ngậm hoa theo
phong cách Andy Warhol mới không được bày giữa Thiên An Môn, còn ông Hồ
thì chết mà không được chôn, cứ phải nằm đó cho ông đi qua bà đi lại
nhìn, tượng ông thì cứ phải đứng (ven) đường, cứ phải cười cười và đưa
tay lên, hết ở bến thuyền Ninh Kiều Cần Thơ, nay lại sắp đứng bên hông
khu thương mại cao cấp Vincom giữa Saigon.
—
2. 4 triệu, 1 mình?
Hiện nay, người Việt ở nước ngoài tổng cộng khoảng 4.000.000 người,
tập trung đông đảo ở các nước như Pháp (250.000), Mỹ (1.700.000), Canada
(180.000), Úc (160.000), Anh (55.000), Đức (137.000), Tiệp Khắc
(60.000), Ba Lan (50.000), Nga (150.000), Hàn Quốc (117.000), Nhật
(40.000), Đài Loan (120.000), Campuchia (600.000), Lào (150.000).[ii]
Trong 4 triệu người Việt khắp năm châu chắc hẳn có đến hàng trăm,
hàng ngàn nhân sĩ, trí thức và chuyên gia đẳng cấp thế giới đang hoạt
động tại nước họ định cư, hoặc cho cơ quan quốc tế, trong nhiều lĩnh vực
chuyên môn khác nhau: từ thiên văn học, quân sự, chính trị, kinh tế,
tài chính, giáo dục, đến thể thao, nghệ thuật, truyền thông, giải trí…
Họ giỏi, họ được đồng nghiệp kính nể, họ đoạt giải, được tưởng thưởng và
công nhận xứng đáng. Nhưng xin phép được đặt câu hỏi rằng:
Phải chăng họ chỉ đang được biết đến như những cá nhân xuất sắc
riêng lẻ, chỉ có gốc Việt là điểm chung, còn trên thực tế họ cũng chẳng
có quan hệ gì với nhau?
Phải chăng hầu hết họ đã phải tự thân vận động và tự tồn tại như những nghệ sĩ độc tấu,
rất giỏi khi trình tấu ngón đàn chuyên môn của mình, nhưng lại chưa có
dịp để ngồi chung một dàn nhạc 300 người hay 1000 người để tạo nên những
đại tấu khúc mà một người không bao giờ làm được?
3. Trí thức thì một mình?
Nói cách khác, người Việt ở nước ngoài muốn đấu tranh vì nhân quyền
và dân chủ cho Việt Nam phải chăng chưa thực có “chúng ta”, mà đang chỉ
có những cá nhân một mình một cõi, tuy “đội trời đạp đất ở đời” nhưng
vẫn cứ “một chèo” [iii]?
Tôi lại thắc mắc: Không biết các nhân sĩ trí thức có bao giờ tự chất vấn về tình trạng “độc tấu” của mình không nhỉ?
Thực ra cũng có. Anh Nguyễn Hưng Quốc, nhà phê bình văn học nhưng
gần đây viết nhiều về chính trị, có cho rằng dù trân trọng các tổ chức,
nhưng (xin trích):
“… tôi lại không thích nằm trong bất cứ một tổ chức nào; thậm chí,
tôi cũng chưa từng đi biểu tình hay ký tên vào bất cứ một kiến nghị
chung nào […] tôi chỉ thích đứng một mình. Khi phê phán bất cứ điều gì,
tôi chỉ đứng từ góc độ một người trí thức; mà trí thức, tự bản chất, nói
theo Edward W. Said, là kẻ lưu vong, nghĩa là, nói cách khác, một
mình.” [iv]
Nguyễn Hưng Quốc nhắc đến quan điểm của Edward W. Said (1935-2003)
như lý do ông không thích nằm trong tổ chức và chỉ thích đứng một mình.
Nhưng thực ra Said – nhà phê bình người Mỹ gốc Palestine, giáo sư văn
tại Đại học Columbia, tác giả cuốn Orientalism lừng danh, người
rất tích cực hoạt động cho quyền lợi chính trị và nhân quyền của dân
Palestine, một tiếng nói được cho là có ảnh hưởng bậc nhất về đề tài này
– lại nằm trong tổ chức Palestine National Council (Hội đồng Quốc gia
Palestine) suốt 14 năm, từ 1977 đến 1991. Đến năm 2003, cùng năm ông mất
vì bệnh nặng kéo dài, ông lại cùng ba người khác đứng ra thành lập tổ
chức chính trị Al-Mubadara (Sáng kiến Quốc gia Palestine). [v]
Mặc dù cái “một mình” trong lập luận “trí thức là kẻ lưu vong, nghĩa
là… một mình”, không giống với hành động của Edward W. Said, nhưng phải
nói rằng chọn lựa “đứng một mình” hơn là “nằm chung” của anh Quốc dường
như không phải là chọn lựa của một mình anh, mà cũng là của khá nhiều
trí thức khác.
—
Nói thêm:
Thực ra thì chọn lựa đứng riêng, xét cho cùng, cũng là quyền tự do cá nhân. Vì vậy, không phê phán được!
Họ không ngồi được với nhau vì không thích thì đó là quyền bất khả xâm phạm của họ!
Như vậy thì: Các trí thức có “một mình”, cũng là việc của họ!? Và bài viết này hết sức tầm phào!?
Đúng vậy!
Nhưng, xin được hỏi tiếp:
Nếu vậy thì hóa ra “tin đồn” rằng người Việt Nam, nhất là giới
nhân sĩ trí thức, tuy xuất chúng nhưng không thể ngồi lại với nhau không
phải là tin đồn?
Vậy thì có phải cha ông mình “tụ nghĩa” để trừ bạo giữ nước bao
đời đã sinh ra một dòng dõi không giống tông cũng chẳng giống cánh? Lông
cánh cũ đã cuốn theo gió Bắc gió Tây nào mất rồi?
Trong khi đó, trí thức Tiệp Khắc lại có vẻ không ngại ký tên hay
nằm chung. Những người viết ra Hiến chương 77, thành lập Civic Forum
(Diễn đàn Dân sự), xuống đường biểu tình, làm nên Cách mạng Nhung 1989…
đều là những trí thức mà tiêu biểu là Vaclav Havel và bằng hữu.
Phải chăng vì vậy mà thiên hạ thì có Cách mạng Nhung, có Mùa
xuân Ả Rập… còn ta thì chỉ có Cách mạng Mùa Thu, và sau đó thì âm u?
Hay là chỉ có trí thức trong nước như Havel mới làm nên chuyện,
còn trí thức ở ngoài nước, dù là Tiệp hay Việt, đều không làm được gì
đáng để nhắc tới?
Quả thật, đó là điều đã xảy ra cho trí thức Đông Âu và Nga lưu
vong. Tâm bão luôn ở trong nước, ở Ba Lan thì xoay quanh Lech Walesa,
Adam Michnick, ở Tiệp thì xoay quanh Havel…
Điều này dường như cũng đang diễn ra trong hoàn cảnh Việt Nam: Ở
trong nước nhiều trí thức đã tụ lại, ra kiến nghị, xuống đường chống
ngoại xâm, liên tục làm việc để đánh thức xã hội dân sự, còn cộng đồng
trí thức hải ngoại khó tụ lại, hầu hết chỉ hỗ trợ với tư cách cá nhân,
không giữ vai chính.
—
4. Tiềm năng chưa khai thác?
Nếu vài ngàn nhân sĩ trí thức, tạm gọi là đang ở đỉnh kim tự tháp
dân số, đang “độc tấu”, thì 4 triệu người Việt hải ngoại còn lại đang
làm gì? Họ “hòa tấu” chăng?
4 triệu người Việt hải ngoại là con số nhỏ nếu so với 50 triệu người
Hoa hải ngoại, nhưng lại rất lớn nếu so với dân số của cả quốc gia Do
Thái chỉ có 8 triệu người, hay của Singapore chỉ hơn 5 triệu người.
Nói rằng cộng đồng người Việt ở nước ngoài như một dòng sông cuồn
cuộn sức sống có lẽ rất đúng, nhưng phải chăng đó là một dòng sông chưa
được đắp đập đúng cách để phát ra năng lượng khổng lồ?
Nếu ví cộng đồng người Việt hải ngoại như một “quốc gia”, thì phải
chăng đó là một quốc gia không chính phủ, không công dân, không lãnh
thổ, cũng không hiến pháp hay luật pháp, không chính sách, cũng không có
người đưa ra, người thực thi hay người giám sát thực thi chính sách,
không ai có quyền lực gì với ai, cũng không có quy chế thưởng phạt cho
những việc làm đúng hay sai?
Vậy thì phải hiểu thế nào về cộng đồng người Việt ở nước ngoài?
Người Việt khắp nơi có hàng ngàn hội đoàn tự phát. Nhưng, phải chăng
hầu hết đều được thành lập như những hội tương trợ, ra đời để giúp nhau
hội nhập, duy trì bản sắc, tìm kiếm cơ hội làm ăn sinh sống, trao đổi
thông tin, làm việc xã hội, giáo dục, từ thiện… phần lớn không ra đời vì
mục tiêu đấu tranh chính trị trực tiếp, những gì vượt ngoài mục tiêu
chính, ngoài tầm quan tâm, thậm chí ngoài tầm tin cậy của hội đoàn thì
họ ngại, ít tham gia? Bên cạnh đó, phải chăng các tổ chức đấu tranh
chính trị cũng chỉ là số nhỏ, chỉ thu hút một số nhỏ trực tiếp tham gia?
Theo thời gian, khi một số hội đoàn tại một địa phương hay quốc gia
định cư liên kết được với nhau, họ bầu ra những cơ cấu đại diện và điều
phối hoạt động chung, lấy tên gọi chung là “Cộng đồng” (như Cộng đồng
Người Việt Tự do tại Úc, Cộng đồng Người Việt Quốc gia tại Hoa Kỳ…).
Nhưng, phải chăng những tên gọi này thể hiện một ước mơ đáng trân
trọng, thay vì là một thực tế? Phải chăng những Cộng đồng này cũng không
là đại diện pháp lý cho đại đa số người Việt trong địa bàn? Phải chăng
hầu hết các hội đoàn, tổ chức, cộng đồng hiện đang hoạt động với rất
nhiều thiện chí và sự hy sinh, nhưng còn thiếu rất nhiều điều kiện, từ
ngân sách, cơ sở, nhân sự, đến thời gian, khả năng chuyên môn…?
Thực ra, người Việt định cư ở nước nào thì trước hết họ là công dân
của nước ấy. Họ đóng thuế, tuân thủ luật pháp, đi học, đi làm, hưởng mọi
chính sách an sinh, được bảo vệ khỏi tác hại của thiên tai, tội ác, bất
công, ngược đãi, được đại diện bởi những dân biểu mình bầu ra, khi ra
nước ngoài họ cũng cầm hộ chiếu nước mình định cư cấp…
Trong khi đó, cũng nên thấy rằng: Họ không phải là “công dân” của
một cộng đồng người Việt nào đó về pháp lý, họ không bị buộc phải gắn
kết, tương tác với những người Việt khác. Họ như chim trời cá biển,
không là “của” cộng đồng. Họ có tham gia việc chung thì hoàn toàn do tự
nguyện. Mà tự nguyện thì không phải bổn phận, sẽ lúc có, lúc không.
Cũng vì vậy mà những người kiên trì làm việc, cống hiến cho cộng đồng, dù rất đáng quý, vẫn chỉ là con số nhỏ.
Tất nhiên, con số nhỏ ấy đã làm được nhiều việc để giúp đỡ người
vượt biên, vượt biển, hỗ trợ công cuộc tái định cư, duy trì văn hóa,
ngôn ngữ, hoạt động của họ cũng mang lại những kết quả đáng kể trong
việc trình bày sự thật về thực tại đau thương của đồng bào Việt Nam dưới
chế độ cộng sản cho thế giới bên ngoài, góp phần đấu tranh và hỗ trợ
cho những con người bị đàn áp, tiếp sức cho những nỗ lực đấu tranh vì
nhân quyền, dân chủ từ trong nước…
Nhưng, càng nhìn kỹ càng thấy rằng cộng đồng, các hội đoàn, các tổ
chức của người Việt hải ngoại có thành công hay không, và thành công lớn
hay nhỏ, đều tùy thuộc vào việc họ có được nhiều hay ít những người có
tài, có tâm, có điều kiện và tự nguyện tham gia hay không.
Rút cuộc, cũng lại là những cá nhân. Lại là vấn đề con người.
Thời đại internet càng củng cố vai trò của cá nhân. Với tư cách cá
nhân, họ có thể tiếp cận thông tin thẳng từ nhiều nguồn, không qua bộ
lọc là một tờ báo duy nhất nào, hay quan điểm chính thống của một tổ
chức nào. Và đông đảo người Việt hải ngoại đã tham gia ký kiến nghị, tự
tổ chức những cuộc vận động, đấu tranh… cũng chỉ với tư cách cá nhân. Họ
phản ứng nhiều khi còn nhanh hơn các tổ chức hay hội đoàn.
Vậy, điều gì đang kìm giữ những cá nhân kia, khiến họ vẫn “một mình”, và tiềm năng cộng đồng chưa phát huy được?
Điều gì đã khiến các nhân sĩ, trí thức người Việt hải ngoại thích đứng một mình và đứng hơi xa nhau?
Có nhiều lý do, từ ngoài tới, từ sự đổ vỡ niềm tin, từ đòn phép phân
hóa của nhà nước cộng sản…, nhưng ở đây xin tập trung nói về những lý
do bên trong.
5. Mình ta Napoléon?
Tờ The Economist số ra ngày 24/8/2013 có một bài thú vị,
với cái tên cũng thú vị “A Problem of Cosmic Propotions” (Vấn đề khủng,
khủng cỡ vũ trụ), bàn về dark energy (năng lượng tối), một thứ
“thế lực” đang làm vũ trụ “xa nhau”. Điều đáng chú ý là bài báo cũng nói
về thái độ của các nhà khoa học đối với nhau.
Bài báo cho biết: Các nhà thiên văn học thế giới từ năm 1998 đã đưa
giả thuyết rằng vũ trụ đang nở ra, và nở càng lúc càng nhanh, vì tác
động của dark energy. Nếu trọng lực là sức kéo vào, đưa các ngôi sao đến gần nhau, thì năng lượng tối lại là sức đẩy ra, đẩy các ngôi sao càng lúc càng xa nhau.
Nhưng, gần đây lại có ý kiến của một nhà khoa học Đức cho rằng chẳng
có năng lượng tối nào hết, chỉ là các ngôi sao đang tự sướng, tự “béo
phì”, tạo cảm giác chúng xa nhau, thế thôi!
Xin so sánh, dù khập khễnh: Phải chăng các “ngôi sao” nhân sĩ trí
thức của người Việt dường như cũng đang bị một “thế lực đen tối” nào đó
đẩy xa nhau, hoặc ít nhất là chưa đến được với nhau? Hay cũng chẳng có
thế lực nào, chỉ tại các ngôi sao tự béo phì, tạo cảm giác xa nhau, thế
thôi?
Trả lời cho thắc mắc trên, bài báo nhắc đến Giáo sư tiến sĩ Cliff
Burgess, thuộc Viện Vật lý Lý thuyết Perimeter Institute, Canada. Giáo
sư Cliff nói: Khi bàn về năng lượng tối, các nhà khoa học có quá nhiều ý
kiến trái ngược, không ai chịu ai. Họ như một đám đông, ai cũng nghĩ
mình là “Napoléon thứ thiệt”, còn chú Napoléon đứng bên cạnh chỉ là thằng khùng giả danh. [vi]
Nói thế chẳng khác nào Giáo sư Cliff chửi xéo các nhà khoa học, rằng
họ đều là những Napoléon tự kỷ, không thèm biết người bên cạnh là ai,
đang nghĩ gì, làm gì.
Nhưng, có lẽ giáo sư Cliff cũng đúng một phần. Ảo tưởng “mình duy
nhất đúng” không chỉ là vấn đề tâm lý của kẻ cuồng tín, mà có thể là của
bất cứ ai, của cả các nhà khoa học nữa, cả khi các nhà khoa học nghĩ về
đồng nghiệp, đồng loại, đồng chí của mình. Đồng thì đồng, mà xa thì vẫn
xa, chỉ vì ta mới thật, còn nó thì giả!
Phải chăng đó cũng là một rào cản tâm lý khiến người ta, dù không “đánh” nhau, vẫn cứ ở xa nhau?
(còn tiếp 1 kì)
© 2013 Từ Linh & pro&contra
_____________
[i] Nguyễn Gia Kiểng, “Hiến pháp: yêu cầu và kiến nghị”, trên trang www.ethongluan.org, tháng 2/2013.
[ii] Nguồn: Wikipedia, từ mục “Overseas Vietnamese”. Số
người Việt ở Nga theo thống kê chính thức năm 2002 là 26.000, nhưng có
nguồn tin cho rằng con số không chính thức lên đến 100.000-150.000. Số
người Việt ở Đài Loan cũng được cho là từ 120.000-150.000, trong số có
đến gần 120.000 phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan.
[iii] Mượn lời Nguyễn Du trongTruyện Kiều, đoạn nói về Từ Hải.
[iv] Nguyễn Hưng Quốc, “Tôi không chống Cộng”, đăng trên trang mạng Đài Tiếng nói Hoa Kỳ
(VOA), ngày 8/5/2013. Nguyên văn đoạn này như sau: “Với tổ chức, tôi
trân trọng và nghĩ nó cần thiết, hơn nữa, một nhu cầu tất yếu trong đời
sống xã hội, nhưng tôi lại không thích nằm trong bất cứ một tổ chức nào;
thậm chí, tôi cũng chưa từng đi biểu tình hay ký tên vào bất cứ một
kiến nghị chung nào, dù, trên nguyên tắc, có thể tôi đồng tình và ủng hộ
những việc làm ấy. Tôi không làm những việc ấy chỉ vì một lý do đơn
giản: Tôi không thích ở trong ‘đội ngũ’, dù lâu dài hay tạm thời, chính
thức hay không chính thức. Vậy thôi. Khác với Chế Lan Viên, tác giả của
câu thơ ‘Khi đứng riêng tây, ta thấy mình xấu hổ’, tôi chỉ thích đứng
một mình. Khi phê phán bất cứ điều gì, tôi chỉ đứng từ góc độ một người
trí thức; mà trí thức, tự bản chất, nói theo Edward W. Said, là kẻ lưu
vong, nghĩa là, nói cách khác, một mình. Viết, tôi chỉ nhân danh chính
mình và những gì mình tin là đúng. ‘Lực lượng’ của tôi chỉ có sách vở và
kinh nghiệm, kiến thức và lý trí, lương tâm và lương thức. Còn phương
tiện, trước, với cây bút; sau, với bàn phím: Ở cả hai nơi, tôi chỉ có
chữ. Hết.”
[v] Nguồn: Wikipedia, từ mục “Edward W. Said”
[vi] The Economist, số 24/8/2013, “A Problem of Cosmic Propotions”