Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Sự đời thật trớ trêu

Vũ Duy Phú
Việt Nam hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Không cần suy nghĩ gì nhiều, mọi người có thiện chí đều coi đây là một tư duy, một xu thế rất tốt, một bước tiến rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, hình dung một cách “nôm na” là người ta muốn lắp ghép một vật hình vuông vào với một vật hình tròn .Vấn đề là ta thử tưởng tượng xem, sự đời hợp tác kiểu này, nếu không có các liệu pháp thích nghi mạnh mẽ, thì hợp tác toàn diện Mỹ - Việt có hứa hẹn đem lại hiệu quả mong muốn hay không?
Ta hãy thử nêu một số ví dụ: Trong kinh tế, thì ở Mỹ, mọi doanh nghiệp đều có quyền bình đẳng, nếu không muốn nói kinh tế tư nhân là “nòng cốt’, còn ở VN, thì trái lại: Quốc doanh là nòng cốt, nghĩa là được rất nhiều chính sách ưu tiên, và có quyền “định hướng, chỉ đạo” các doanh nghiệp tư nhân... Trong chính trị, ở Mỹ, người ta theo chế độ Dân chủ, thượng tôn pháp luật, không có cái gì có thể che dấu, và không được che dấu nhân dân, kể cả Tổng thống, còn ở Việt Nam, theo Hiến pháp hiện hành, thì nhân dân phải thượng tôn “lãnh đạo của Đảng”, tuân theo “nghị quyết” của mọi loại cấp uỷ đảng, nghĩa là theo chế độ “Đảng chủ”. Trong lĩnh vực quản lý, thông tin, báo chí, rõ ràng là cách tiếp cận hai bên rất khác nhau: Một bên tập trung trước, dân chủ sau. Đó là cách của Việt Nam. Cứ cho là cách đó là đúng trong thời chiến, và trong điều kiện dân trí và quan chức trí còn thấp, thì Đảng phải cho ý kiến chỉ đạo trước, để mọi người cứ an tâm mà làm theo. Nhưng hiện nay, hoà bình đã mấy chục năm, dân thì đua nhau học tập vươn lên, mà đảng thì chỉ giỏi chỉ đạo chiến đấu vũ trang (công nông cấp hai cấp ba trở xuống, lấy CN Mác – Lê làm kim chỉ nam, đấu tranh một mất, một còn, khác ta là địch) còn trong quản lý, lãnh đạo xây dựng và phát triển hoà bình muôn mầu, muôn vẻ, hội nhập quốc tế “các bên đều thắng”..., thì rõ ràng làm sao mà các cấp uỷ cái gì cũng biết và cũng giỏi cả! Trong khi bên Mỹ người ta cho tự do dân chủ phát huy năng động sáng tạo toàn dân, mọi hoạt động đều công khai minh bạch theo pháp luật cả, chẳng có ai, kể cả tổng thống, được quyền áp đặt ý chí của riêng mình lên toàn dân, lên luật pháp (biểu hiện rõ nhất là luật pháp có quyền “đóng cửa” cả chính phủ, chừng nào các đảng lãnh đạo chưa thống nhất ý kiến với nhau trong các nghị viện !) v. v. và v. v...

Khách quan mà nói, cũng chưa nên coi Việt Nam là hình tròn, hay Mỹ là hình vuông, nghĩa là vì đặc điểm mỗi nước một khác. Tuy nhiên, em bé trung học cũng biết rằng nước Mỹ văn minh và phát triển hàng đầu thế giới, còn Việt Nam là một trong những nước đang chuyển đổi “thể chế cũ” lạc hậu, sang “thể chế mới” văn minh tiến bộ hơn theo xu thế của thời đại, mà Đảng ta gọi là Đổi mới, đang tìm cách “đột phá” tiến lên. Vậy thì, Việt Nam hợp tác toàn diện với Mỹ để đôi bên đều có lợi, nhưng rõ ràng để phía VN có lợi, học tập được Mỹ, và để được Mỹ hưởng ứng tích cực, hợp tác có hiệu quả thật sự, thì VN cần phải biết biến đổi ngay cái cấu trúc rất nhiều mặt còn lạc hậu của mình sao cho nó có thể “khớp“ được tối đa với các cấu trúc quản lý lãnh đạo “làm ăn” của nước Mỹ văn minh, giầu có nhất nhì thế giới ấy. Nói nôm na là, Việt Nam phải bỏ chế độ độc đảng toàn trị mất dân chủ (chế độ “Đảng chủ”) đã kìm hãm đất nước này mấy chục năm vừa qua, chuyển nhanh và dứt khoát sang chế độ tự do dân chủ, đa nguyên, tam quyền phân lập, kinh tế thị trường chính hiệu, dân làm chủ thật sự , đất nước thượng tôn pháp luật, và Đảng chỉ có nhiệm vụ duy nhất là lãnh đạo đất nước thực hiện cho được các cấu chúc và thể chế chính trị dân chủ văn minh, hiện đại nói trên! Có như vậy thì “Hợp tác toàn diện” với Mỹ và “Đối tác chiến lược” với Pháp mới không trở thành một sự chớ trêu đến vô duyên! Toàn dân đang trông chờ sự sáng suốt của Hội nghị TƯ 8 đang họp, và kỳ họp sắp tới của Quốc hội. Vận nước đã đến rồi!
Hà Nội, ngày 4 tháng 10, 2013 Vũ Duy Phú

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"