Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Quyền Lực trong Bang Giao Quốc Tế

Trương Đình Trung
Tranh Medi Belortaja
Hầu như đại đa số người Việt Nam chúng ta, sâu trong tiềm thức, thường có khuynh hướng đánh giá mọi vấn đề chính trị, đặc biệt là chính trị quốc tế, trên căn bản tình cảm và đạo lý, theo công thức lưỡng chuẩn: yêu-ghét, bạn thù, tốt-xấu, đúng-sai, thiện-ác, chánh-tà, v.v… Người viết tạm đặt tên cho lối lượng định dựa trên tiêu chuẩn đạo đức như vậy là lối nhận định Nhị Nguyên, một lối nhận định gói ghém nhiều cảm tính chủ quan, bắt nguồn từ thói quen chia hai trong tư duy và trong thế giới quan lưỡng cực, di sản của văn hoá Khổng Giáo cộng với não trạng Chiến Tranh Lạnh. Lối nhận định đó thường dẩn đến sai lạc, và dễ khiến con người có khuynh hướng cực đoan. Trong khi đó phương thức xem Quyền lực như là động cơ, hay yếu tố chính, trong quan hệ quốc tế là một phương cách lý tính khách quan, xuất phát từ thực chất vụ lợi của mối quan hệ ấy và bản chất cố hữu của con người. Việc lượng định các mối bang giao quốc tế dựa trên Quyền lực sẽ giúp người quan sát giữ được thái độ vô tư, thăng bằng, không để bị tình cảm, đạo đức, hay ý hệ, chi phối sự phán đoán của mình, từ đó giúp tiếp cận được thực chất của các biến cố quốc tế một cách chính xác hơn, tránh được lầm lẫn gây ra do tình cảm hay định kiến ý hệ.

Chính trị quốc tế, xét cho cùng, chỉ là đỉnh cao của cuộc đấu tranh sinh tồn của loài người. Điều làm cho cuộc đấu tranh ấy của con người mang dáng vẻ cao siêu chính là văn hoá. Văn hoá chính là bộ áo quần sặc sở che dấu phần trần trụi hết sức thô tục và tàn bạo của nhân loại. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì áo quần chỉ là vật che bọc bên ngoài, dù có đẹp đẽ bao nhiêu cũng không đổi thay được thực chất ở bên trong. Thực chất ấy, trong chính trị quốc tế, là mỗi quốc gia đều cố gắng hết sức, bằng mọi biện pháp có thể, thâu đạt cho bằng được, càng nhiều càng tốt, quyền lợi về cho mình. Quyền lợi ấy bao gồm tất cả: quân sự, chính trị, ngoại giao, tài nguyên, và kinh tế, v.v...Trong mối bang giao ấy thì cứu cánh biện minh cho phương tiện, mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh làm ra luật và viết nên lịch sử. Chẳng có gì gọi là CÔNG LÝ, và nếu có chăng, thì cũng chỉ được đề cập đến bởi kẻ chiến thắng sau cùng. Kể cả lịch sử thì cũng chỉ đáng kể khi được người thắng cuộc viết ra. Và tất cả đó là điều tự nhiên, nếu không muốn nói là luật tự nhiên. Trước đây, trong thời thuộc địa, đã không hề có cái gọi là KHAI HOÁ VĂN MINH, thì ngày nay cũng không có việc TRUYỀN BÁ và BẢO VỆ TỰ DO-DÂN CHỦ. Mỗi quốc gia trong quan hệ với quốc gia khác luôn nhắm đến một mục tiêu duy nhất; đó là bảo vệ sự sống còn của mình và trở nên mạnh hơn, để nếu không thống trị được thì ít nhất cũng lấn át được, nước kế bên. Và để đạt mục tiêu đó, mỗi quốc gia phải luôn tìm cách gia tăng Quyền Lực của mình và nếu được thì tìm cách giảm thiểu, hay vô hiệu hoá, quyền lực của quốc gia bên cạnh.
Khả năng quân sự là sự thể hiện của quyền lực vừa nói, đồng thời cũng là phương tiện bảo vệ và phát huy Quyền Lực. Nhưng nền tảng của quân sự lại là kinh tế, hay đúng hơn là sự giàu mạnh về vật lực và nhân tài. Chính do nền tảng kinh tế của quyền lực mà chế độ thuộc địa khai sinh; và cũng chính trên nền tảng kinh tế đó mà sự toàn cầu hoá, thừa kế chế độ thuộc địa, ra đời.
Trước đây, những đế quốc lững lẫy như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Ý, Nhật, v.v…đã tìm cách gia tăng sức mạnh kinh tế, tức nền tảng của quyền lực, bằng cách đi xâm chiếm các nước nhược tiểu, chiếm đoạt nguồn tài nguyên, nhân lực của các nước ấy, phục vụ cho kinh tế của mình. Trong quá trình xâm chiếm thuộc địa ấy, các cường quốc cạnh tranh và tìm cách loại trừ lẫn nhau, hay chí ít cũng làm cho cường quốc bên cạnh yếu hơn mình. Các cuộc thế chiến là đỉnh cao của những cạnh tranh như vậy. Đặc điểm của chế độ thuộc điạ là sự chiếm đóng bằng quân sự và sự cai trị trực tiếp của cường quốc đối với thuộc địa.
Các cuộc thế chiến, tuy khủng khiếp, nhưng giúp các cường quốc rút ra một bài học quan trọng; đó là việc chiếm đóng và cai trị của cường quốc đối với thuộc địa, tuy có mang lại những lợi ích lớn lao về kinh tế cho mẫu quốc, nhưng xét dưới góc độ doanh lợi thì đó không phải là phương thức tối ưu để gia tăng quyền lực cho cường quốc; nó có những nhược điểm lớn, chẳng hạn như phải chi phí tốn kém cho việc chiếm đóng và bình định, và cả cai trị nữa, và không thuận tiện về mặt tuyên truyền. Mặt khác sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong việc giành thuộc địa đã đưa đến những hậu quả thảm khốc; lợi bất cập hại. Việc đem quân chiếm đóng, cử người cai trị, là rất tốn kém; ngay cả với chế độ thuộc điạ hiệu năng cao nhất như của Anh Quốc: chỉ cần 100,000 quân sĩ và viên chức, mà cai trị được cả một Ấn Độ đông đến 300 triệu, cũng không còn được xem là phương thức tối ưu. Một phương thức theo đó không cần có quân đội chiếm đóng và bổ nhiệm nhân viên cai trị, nhưng vẫn bảo đảm cho cường quốc thu hút được tài nguyên và khai thác được nhân lực của các nước nhược tiểu phục vụ nền kinh tế của mình, là phương thức hay hơn, nếu không muốn nói là tối ưu, phù hợp hơn với mức độ tiến bộ của khoa học-kỹ thuật. Bài học đó đã được các cường quốc rút tỉa với kết quả là một hệ thống quan hệ quốc tế mới ra đời, và cường quốc sinh sau đẻ muộn, nhưng giàu mạnh vượt lên trên hết sau Đệ Nhị Thế Chiến là Mỹ, là người thực hiện việc xây dựng hệ thống mới đó.
Trong hệ thống đó, Liên Hiệp Quốc, cùng các cơ quan quốc tế khác, không có thực quyền của một cơ quan quốc tế tối cao, hoạt động trên nguyên tắc Dân Chủ và Bình Đẳng, với chức năng thúc đẩy sự hợp tác và duy trì hoà bình thế giới như đã được đề ra rất đẹp trong Hiến Chương, mà chỉ là một diễn đàn thừa hành quyết định của các siêu cường, ở đó các quốc gia nhỏ yếu không có tiếng nói. Nói cách khác, đại biểu của các quốc gia, tuy bề ngoài là bình đẳng khi đầu phiếu đối với những vấn đề quốc tế thông thường, lại bất bình đẳng, và đa số là vô quyền, trong những vấn đề quốc tế quan trọng. Chẳng hạn, quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế là vấn đề an ninh, nhưng vấn đề này không thuộc quyền của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, mà thuộc quyền quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, trong đó tập trung vào 5 quốc gia có quyền phủ quyết tối cao; đó là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Đặc điểm của cơ cấu phủ quyết này đã khiến thực quyền duy trì hoà bình thế giới không nằm trong tay đông đảo các quốc gia thành viên của LHQ, mà nằm trong tay của 5 cường quốc có quyền phủ quyết; và chỉ cần 1 cường quốc phủ quyết là đủ để Liên Hiệp Quốc không đạt được một quyết nghị cuối cùng nào trước một vấn đề an ninh quốc tế chung. Mặt khác cơ cấu của Hội Đồng Bảo An rõ ràng là thiên vị, dành ưu thế cho Mỹ và hai đồng minh của Mỹ. Anh, Pháp hiện nay, xét về năng lực kinh tế, vai trò và ảnh hưởng quốc tế đang thua kém khá xa các quốc gia Nhật, Đức, Ấn Độ, và Ba Tây, nhưng vẫn ngồi đó trong Hội Đồng Bảo An với quyền phủ quyết tối cao ảnh hưởng sinh mệnh của mọi quốc gia trên thế giới! Đó là chưa kể trên bình dịên kinh tế, các quyết định quan trọng về tài chánh, tiền tệ, hối suất, tín dụng, mậu dịch, v.v…đều không thuộc về LHQ, mà thuộc về World Bank, IMF, và WTO của hệ thống Bretton Woods, được lập ra tại hội nghị do Anh-Mỹ chủ trì ở Bretton Woods, bang New Hampshire năm 1944.
Đặc điểm của các cơ quan kinh tế-tài chánh vừa nói là không có sự đầu phiếu bình đẳng theo nguyên tắc dân chủ; mà mọi quyết định quan trọng đều đến từ cường quốc có bách phân vốn đóng góp cao nhất. Tất cả điều lệ của WTO cũng không phải do sự thỏa thuận chung của các thành viên, mà là do những cường quốc khai sáng tiền thân của nó là ITO (International Trade Organization) đặt ra. World Bank, lúc khởi sự có nhiệm vụ chính là tái thiết Âu Châu, nhưng dần dà về sau mở rộng ra đảm đương việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho các quốc gia thứ ba không thuộc khối Cộng sản. IMF là cơ quan có nhiệm vụ chính trong việc quản trị hệ thống tiền tệ quốc tế. Ba cơ quan này là ba trụ cột dựng lên nền kinh tế toàn cầu ngày nay; một hệ thống lấy nền kinh tế thị trường, hay đúng hơn, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa làm nòng cốt.
Ngoài ba cơ quan trên, một yếu tố khác của hệ thống thế giới mới; đó là đồng dollars. Dollars, do vị trí của người chủ nợ lớn nhất thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến, nghiễm nhiên trở thành tiền tệ quốc tế. Các đồng tiền khác như Đức Mark, Bảng Anh, đồng France, v.v…mất hầu hết địa vị quốc tế của mình. Ngay cả các cường quốc đầu tiên của IMF vẫn phải quy phần tiền tệ đóng góp của mình thành đồng dollars. Các quốc gia khác thì, khỏi nói, họ phải kiếm mọi cách thu góp, tích trữ càng nhiều dollars càng tốt cho các thanh toán tài chánh quốc tế, cũng như cho dự trữ ngoại hối của mình, và duy trì sự ổn định nền kinh tế của mình bằng cách gia tăng khối dự trữ ngoại hối bằng dollars đó. Mọi giao dịch quốc tế đều bằng dollars: vay mượn, mua bán tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm, hàng hoá, các dịch vụ ngân hàng, công việc kế toán, thống kê, v.v… tất cả đều bằng dollars hoặc căn cứ trên dollars. Giai đoạn đầu dollars sử dụng vàng làm bản vị; nghĩa là người ta có thể đem dollars đổi lấy vàng ở ngân hàng. Nhưng đến năm 1971, TT Nixon của Mỹ đơn phương huỷ bỏ kim bản vị và thả nổi đồng dollars. Có một điều quan trọng là tuy không còn dùng kim bản vị, nhưng dollars vẫn giữ nguyên địa vị quốc tế của mình, vì một trong những hàng hoá quan trọng nhất của thế giới, được gọi là “máu” của nền văn minh, là dầu hoả vẫn phải được mua bán bằng dollars! Dollars được gọi là đồng tiền thế giới, đơn giản vì ngoài Mỹ ra, tất cả các quốc gia trên thế giới, từ những cường quốc như Trung Quốc, Nhật, Nga, Ấn Độ, Anh, Đức, Ý, Pháp, Ba Tây,v.v…, các nước sản xuất dầu hoả đứng đầu thế giới như Saudi Arabia, Iran, Iraq, rồi đến các nước nhược tiểu như Việt Nam, Lào, Campuchia, v.v…tất thảy đều đua nhau dự trữ dollars, và dùng lượng dollar dự trữ ấy để duy trì sự ổn định cho kinh tế của mình.
Với IMF, World Bank, WTO và với vị trí quốc tế của dollars, người ta quan sát thấy một điều hết sức thú vị. Đó là các cường quốc, đứng đầu là Mỹ, không cần phải đưa quân chiếm đóng hay đặt quan cai trị ở các nước nhược tiểu ở Á-Phi và Nam Mỹ, nhưng tài nguyên và nhân lực lao động của các nước này vẫn cứ tuôn chảy về phục vụ cho nền kinh tế của các cường quốc. Mức độ toàn cầu hoá kinh tế càng cao, người ta càng nhận rõ hiện tượng thú vị đó hơn. Chẳng hạn, các cường quốc không cần chiếm đóng VN, nhưng dầu thô, hải sản, lâm sản quý, cao su, hàng tiểu thủ công, hàng may mặc, v.v… của Cộng Hoà XHCNVN vẫn tìm cách tuôn nhập vào nước Mỹ, vào Âu Châu, Nhật bản và Trung Quốc; sức lao động rẽ mạt của công nhân Việt Nam vẫn được các công ty ngoại quốc tận dụng cho quá trình sản xuất sản phẩm để đưa về phục vụ giới tiêu thụ của các cường quốc. Và không những không than oán hay chống đối, Việt Nam còn vui vẻ tự nguyện để làm như vậy. Và không ai dám cả quyết rằng hàng hoá và nhân lực bán cho các cường quốc trong hệ thống mới ngày nay được giá hơn, một cách tương đối, với giá trong thời thuộc địa hay không. Nhưng điều chắc chắn là các nước nhược tiểu ngày nay, trong đó có Việt Nam, tuy được độc lập và có chủ quyền hành chánh, vẫn không có khả năng chủ động, hay ngay cả ảnh hưởng, trong cơ cấu giá cả trên thị trường quốc tế; nghĩa là họ không có quyền quyết định giá bán hàng hoá-sản phẩm của họ, và lại càng không có khả năng để mặc cả khi mua những sản phẩm khoa học-kỹ thuật, quân sự và y tế cao cấp của Tây Phương.
Mấy chục năm qua, từ ngày Đổi Mới, Việt Nam đã bán dầu thô, phần lớn là cho Mỹ, để thu ngoại tệ; dầu thô đã tạo một bách phân rất lớn trong xuất cảng của Việt Nam. Nhưng Việt Nam đã bán dầu thô ấy theo giá nào? Giá do chính phủ Việt Nam Cộng Sản ấn định chăng? Chắc chắn là không. Cơ cấu thiết định giá cả dầu thô thuộc về một hệ thống giá cả quốc tế rất phức tạp, vượt khỏi khả năng kiểm soát và mặc cả của người sản xuất. Ngay cả khối OPEC, Tổ Chức Các Quốc gia Sản Xuất Dầu, cũng không toàn quyền chủ động ấn định giá dầu thô do mình sản xuất ra được, nói gì đến Việt Nam với trữ lượng dầu quá nhỏ. Mặt hàng thứ hai, cũng xuất cảng qua Mỹ, thu ngoại tệ quan trọng cho Việt Nam và thu hút một lượng nhân công đông đảo, là hàng may mặc. Và Việt Nam cũng đã cạy cục lắm mới nhập được hàng may mặc vào Mỹ mà không bị hàng của Trung Quốc đè bẹp. Nhưng dù vậy, người công nhân may mặc Việt Nam chỉ hưởng được một khoản thu nhập rất nhỏ, so với lợi nhuận lớn lao thu về của các nhà đầu tư ngoại quốc; người công nhân Việt Nam và chính phủ mang danh là Xã hội Chủ Nghĩa của họ, ngay cả cũng không có năng lực để mặc cả đồng lương của mình trên thị trường quốc tế. Và ngoài các nhà đầu tư tư bản ngoại quốc, người hưởng lợi cuối cùng vẫn là giới tiêu thụ Mỹ.
Vắn tắt, kết luận rút ra từ những điều vừa bàn trên là trong thời đại ngày nay, với hệ thống kinh tế-tài chánh thế giới Bretton Woods, Mỹ hay các cường quốc, không cần phải đem quân qua chiếm đóng Việt Nam, không cần phải cho lính canh giữ các mỏ dầu thô, hoặc giám sát các thợ may mặc, dầu thô và giá nhân công rẻ mạt của hàng may mặc Việt Nam vẫn tự động tuôn vào thị trường Mỹ-Âu Châu, mang lại lợi nhuận cho các nhà tư bản và hàng hoá giá rẻ cho giới tiêu thụ của các quốc gia đó. Thực tế mậu dịch quốc tế giữa các quốc gia về hình thức, tất nhiên phức tạp và rối rắm hơn, nhưng thực chất vẫn chỉ là mối quan hệ đế quốc-thuộc điạ tuy thể hiện dưới dạng khác và mục tiêu sau cùng vẫn là Quyền Lực.
Việc nhấn mạnh đến yếu tố Quyền Lực trong bang giao quốc tế cũng sẽ giúp chúng ta, chẳng hạn, nhìn về Chiến Tranh Lạnh với con mắt khác.Lâu nay chúng ta vẫn thường cho rằng Chiến Tranh Lạnh là sự đối đầu về Ý thức hệ giữa hai khối Cộng Sản và Tư Bản. Đúng là có sự tương tranh đó.Nhưng có rất nhiều người, khi nói như vậy, một cách vô thức, đã giả định rằng động cơ của sự tương tranh là do sự khác biệt về các giá trị lý tưởng của hai hệ thống. Thực tế không phải vậy, động cơ sâu xa của sự tranh chấp không gì khác hơn là Quyền Lực. Chiến Tranh Lạnh chỉ là một cuộc tương tranh Quyền lực giữa hai siêu cường hàng đầu của thế giới nhằm giành ngôi bá chủ, trong đó mọi biện pháp bá đạo đều đã được cả hai bên tận dụng. Bên nào cũng đều gây ra đảo chánh, đàn áp đối lập và can thiệp vũ lực vào nội bộ của các quốc gia khác, chà đạp lên quyền tự quyết dân tộc của nước nhược tiểu. Bên nào cũng huy động tối đa hệ thống tuyên truyền của mình để dương cao các giá trị lý tưởng, nhưng mỗi bên đều sẳn sàng hy sinh những giá trị ấy cho các mục tiêu thực tiễn. Chẳng hạn Liên Xô đã sẵn sàng để tấn công người đồng chí thân cận là Trung Quốc, hoặc xua quân tràn vào Tiệp Khắc, khi thấy quyền lợi và ảnh hưởng của mình bị đe doạ. Ngược lại Mỹ cũng đã từng nhúng tay lật đổ các chế độ dân chủ ở Nam Mỹ, hay cả ở Nam Việt Nam, khi thấy diễn tiến tình hình có vẻ đe doạ quyền lợi và ảnh hưởng của mình; hoặc sau cùng đã rời bỏ Việt Nam, nơi mà Mỹ đã không ngớt tuyên truyền cho một tiền đồn của Thế giới Tự Do, để bắt tay với một Trung Hoa CS.
Nghĩa là không hề có cái gọi chiến tranh ý thứ hệ mà chỉ có sự tương tranh Quyền lực; không hề có vấn đề TỐT-XẤU, THIỆN-ÁC, CHÁNH-TÀ trong quan hệ quốc tế mà chỉ có có cuộc đấu tranh sinh tồn trong đó mỗi quốc gia phải tận dụng mọi phương thế để tự cứu lấy mình trong một thế giới hỗn mang (anarchy). Một chính khách người Anh, Lord Palmerston (1784-1865) hồi thế kỷ 19 đã tuyên bố một câu, tuy đơn giản, nhưng rất sâu sắc, nói lên yếu tính của quan hệ quốc tế giữa các quốc gia: “Các quốc gia không có bạn hay đồng minh vĩnh cữu, họ chỉ có quyền lợi vĩnh cửu" (nations have no permanent friends or allies, they only have permanent interests). Đơn giản là vậy, nhưng tiếc rằng các lãnh tụ người Việt của chúng ta mãi đến thế kỷ 20-21 vẫn không nhận chân ra, mà cứ tự xem đất nước mình hoặc là tiền đồn của phe Xã Hội Chủ Nghĩa và đề cao tinh thần quốc tế vô sản, hoặc là tiền đồn của Thế giới Tự Do và đề cao tư bản chủ nghĩa, để rồi đưa Đất Nước vào nội chiến, gây cảnh nồi da xáo thịt, kiệt quệ và hận thù nhau mải cho đến ngày nay!
Lối nhận định nhị nguyên, đặt nền tảng trên những cặp giá trị lý tưởng tương khắc, cũng khiến nhiều người trong chúng ta trở nên mơ hồ đối với tình hình quốc tế hiện nay. Ngoài những lạc quan hời hợt trước các biến động hiện nay ở Trung Đông, một số cảm ứng đối với vài động thái ngoại giao của Mỹ hồi năm ngoái ở Việt Nam cũng là do kết quả của lối nhận định ấy mà ra. Đã có không ít người hí hững mong đợi ngày Mỹ “trở lại”. Hoặc một số khác, tuy khá hơn, thì lại trong mong rằng Việt Nam sẽ đi với Mỹ để được bảo vệ khỏi sự uy hiếp của Trung Quốc.
Lối nhận định đặt căn bản trên sự tương tranh Quyền lực trong quan hệ quốc tế sẽ lượng định tình hình hoàn toàn khác. Như nhìn về tình hình và vai trò của Mỹ hiện nay ở Á Châu, chẳng hạn. Xét trên căn bản Quyền lực, sẽ dễ dàng nhận ra rằng trong tư cách siêu cường (hegemon), Mỹ vẫn nổ lực duy trì tư thế khống chế đối với mọi đối thủ tiềm tàng trong phạm vi khu vực cũng như toàn cầu. Một trong những phương cách để thực hiện nổ lực ấy là duy trì sự cân bằng quyền lực tại từng khu vực nhằm tạo ra một sự kìm chế lẫn nhau giữa các cường quốc trong khu vực đó, để không một cường quốc khu vực nào sẽ ngoi được lên vị thế bá chủ khu vực, rồi từ đó tranh hùng với Mỹ ở quy mô thế giới. Đối với Á Châu và sự vươn lên của Trung Quốc, Mỹ sẽ đóng vai trò một kẻ cân bằng (balancer) giữa các cường quốc khu vực là Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, và Triều Tiên (sẽ thống nhất sau này). Sự cân bằng đó có mục đích là sẽ không để cho cường quốc nào trong các cường quốc đó lấn át hoàn toàn được các cường quốc còn lại để trở nên bá chủ Á Châu. Duy trì thành công sự cân bằng đó sẽ giúp Mỹ giữ vững vị thế bá chủ thế giới của mình, mà không cần phải trực tiếp can thiệp một cách tốn kém. Trong bàn cờ cân bằng đó, khối ASEAN nói chung, và Việt Nam nói riêng, là những quân cờ hữu ích, nhưng không nằm ở tầm chiến lược quốc tế; hay đúng hơn là không thuộc phạm vi trách nhiệm chính của Mỹ. Mỹ vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với khối này và Việt Nam, nhưng chỉ về mặt kinh tế và ở mức chiến lược hạn hẹp thôi. Việt Nam, và cả khối ASEAN, không có giá trị chiến lược thế giới để Mỹ sẳn sàng vì đó mà chấp nhận một cuộc đụng độ quân sự với Trung Quốc. Trong tương quan với Trung Quốc, Mỹ sẽ để cho Nhật Bản, Ấn Độ và Triều Tiên hành xử như những đối trọng với Trung Quốc, vì điều đó phù hợp với nhu cầu thiết thân của ba cường quốc đó trong khu vực Á Châu. Chính Nhật Bản mới là kẻ quan tâm nhất và sẳn lòng phản ứng quyết liệt đối với sự vươn lên của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Nói cách khác trong quan hệ với Trung Quốc thì Nhật Bản, chứ không phải Mỹ, có nhiều quyền lợi gắn bó, tương đồng với Việt Nam hơn.
Mặt khác, cũng trên căn bản Quyền Lực, xét về khía cạnh địa lý chính trị, Biển Đông chưa hẳn đã quan trọng hơn Đài Loan, vốn được xem là một hàng không mẫu hạm (tàu sân bay) không chìm (unsinking carrier) của Mỹ. Có thể quan sát phản ứng của Mỹ đối với Đài Loan để suy diễn phần nào thái độ của Mỹ đối với Biển Đông. Những lần căng thẳng gần đây nhất ở Đài Loan cho thấy là khả năng để Mỹ can thiệp mạnh bằng quân sự nhằm bảo vệ hòn đảo ấy ngày càng giảm tương xứng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Chẳng hạn như trong vụ căng thẳng năm 1995-1996, để phản ứng với việc tập trận bằng hoả tiển thật, chuyển quân và thực tập đổ bộ trong vùng rất gần với Đài Loan của Trung Quốc, phía Mỹ tuy có đưa hai hàng không mẫu hạm (HKMH) Nimitz và Interdependence đến vùng biển, nhưng chỉ đứng xa thôi, chứ không dám tiến gần tầm tác xạ tập trận của Trung Quốc. Phản ứng đó của Mỹ rõ ràng yếu hơn nhiều so với phản ứng cách trước đó chỉ chừng 10 năm. Trung Quốc ngay cả đã ngầm tung ra trước dư luận câu hỏi về việc liệu Mỹ có sẳn sàng coi trọng Đài Loan hơn Los Angeles và hai HKMH kia của mình không; ám chỉ rằng quân đội Trung Quốc (PLA) đã có hoả tiển liên lục điạ đủ khả năng để tiêu diệt các HKMH và bắn đến tận lãnh thổ của Mỹ nếu tranh chấp bùng nổ lớn. Trước đó, năm 1995, Trung Quốc đã áp lực chính phủ Mỹ không được cấp chiếu khán chính thức cho TT Đài Loan, ông Lee Teng Hui, viếng thăm trường Đại học Cornell khi trường này mời ông ta với tư cách là cựu sinh viên tốt nghiệp ở đó. Ông Hui đã phải, nhân đang trên đường đi Nam Phi, ghé lại phi trường quân sự ở Honolulu, ngũ lại trên phi cơ, sau đó đến trường Cornell, không được chào đón bằng nghi lễ quốc khách nào cả!
Những sự kiện trên đây về mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc-Đài loan một lần nữa khẳng định vai trò quan trong của yếu tố Quyền Lực trong quan hệ quốc tế. Cũng từ trên nền tảng Quyền Lực đó, có thể dự đoán rằng trong tương lai, nếu sự vươn lên của Trung Quốc vẫn giữ được như đà hiện nay, Đài Loan rồi sẽ vuột khỏi tầm khống chế của Mỹ, rơi vào tay Trung Quốc, và đến lúc đó khả năng để Mỹ có thể giúp Việt Nam và khối ASEAN kìm hảm được sức bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ra vùng ĐNA sẽ xuống rất thấp, nếu không muốn nói là zero! Ngay cả Philippines cũng sẽ khó mà hoàn toàn được sự che chở của Mỹ để bảo toàn chủ quyền của mình trên các đảo nhỏ ở ngoài khơi Thái Bình Dương.
Tóm lại, về mặt hình thức tuy mối bang giao giữa các quốc gia trên thế giới có thay đổi, hệ thống đế quốc-thuộc địa cũ của thế kỷ 19 đã không còn, và thế giới từ giữa thế kỹ 20 đã chuyển qua một hệ thống mới hơn. Nhưng bản chất của các quan hệ quốc tế giữa các quốc gia, cũng giống như bản chất của cuộc đấu tranh sinh tồn của loài người, đã không hề thay đổi, vẫn là mối quan hệ tranh chấp đặt căn bản trên sự theo đuổi quyền lợi vị kỷ. Phương tiện chính yếu để đạt được và bảo vệ quyền lợi ấy của từng quốc gia là Quyền Lực (power). Tùy theo mức quyền lực thủ đắc mà các quốc gia có được điạ vị quốc tế của mình, các cường quốc hoặc sẽ thuộc về loại cường quốc khu vực hay siêu cường toàn cầu. Chính là mối tương tranh quyền lực này đã định hình toàn bộ lịch sử bang giao quốc tế cho đến nay chứ không phải là những giá trị mang tính lý tưởng hay đạo đức nào khác. Chỉ có đứng trên quan điểm về Quyền Lực này mới giúp chúng ta hiểu rõ và giải thích đúng đắn các diễn biến chính trị hiện nay, nhận ra những sai lầm trong thế giới quan của thế hệ đi trước, và soi rọi đường hướng mới cho các thế hệ tương lai.
Trương Đình Trung
Ngẫu hứng khi đọc một số bài bình luận thời sự Việt Ngữ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"