Ulara Nakagawa
Diên Vỹ chuyển ngữ
Diên Vỹ chuyển ngữ
PHẦN 4: Đạo Khổng gây tranh cãi
Nhưng việc phát triển nhanh như thế chắc chắn sẽ dẫn đến những săm soi cùng với nỗi lo sợ chung quanh việc Trung Quốc ngày càng có thêm uy quyền kinh tế lẫn chính trị, đã dẫn đến những thái độ phản đối. Thật thế, các học viện này - mặc dù được Trung Quốc giải thích duy nhất chỉ là những công cụ nhằm quảng bá “ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc ở nước ngoài” - đã được một số người xem như là những guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Khi tôi nói chuyện với học giả nghiên cứu về Trung Quốc Don Starr về vấn đề này, ông nói với tôi rằng ông chỉ biết được những tin tức về một nhóm người ở California biểu tình bên ngoài một Viện Khổng học, “nói rằng họ không muốn các lớp dạy Khổng giáo và những ảnh hưởng của cộng sản tràn vào.”
Maria Wey-Shen Siow, giám đốc chi nhánh Đông Á của đài Channel NewsAsia, đã nhắc đến thái độ nghi ngờ ngày càng tăng của phương Tây trong số báo tháng Giêng của tờ Bản tin Châu Á Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Đông - Tây. Nhưng bà cho rằng mặc dù những quan ngại này “không hoàn toàn là vô cớ”, chúng cũng không “hoàn toàn có cơ sở .” Bà Siow nói, đơn cử như trên thực tế việc tài trợ các chương trình cho thấy rằng chính phủ Trung Quốc không thực sự đầu tư nhiều vào các học viện. Ngân sách hàng năm của Hán Ban chỉ ở mức 145 triệu Mỹ kim vào năm 2009, vì thế không chính xác khi cho rằng Trung Quốc đã chi tiêu rất nhiều vào các học viện này,” bà nói, chỉ ra rằng con số này thật quá nhỏ so với số tiền Hội đồng Anh bỏ ra hàng năm để quảng bá các chương trình của họ, và cũng ít hơn chi phí của những bộ phim từ Hollywood.
Starr cũng chỉ ra một điểm khác bác bỏ quan điểm rằng hiện đang có một âm mưu truyền bá tư tưởng vì chương trình này không đề cập đến những vấn đề then chốt. “Trung Quốc sẽ tránh những lĩnh vực gây tranh cãi như nhân quyền, dân chủ và những điều tương tự,” ông lưu ý.
Daniel Bell, một giáo sư triết học chính trị tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cũng đưa ra một quan điểm khi tôi nói chuyện với ông. “Cá nhân tôi không thấy một dã tâm nào về các Viện Khổng học. Đương nhiên nếu họ muốn dùng tiền để tổ chức một hội thảo về phong trào độc lập của Tây Tạng, họ có thể gặp khó khăn. Nhưng bên ngoài những giới hạn rõ rệt ấy, tôi cho rằng chẳng có gì phải lo lắng cả.”
Kenneth Hammond, giám đốc Viện Khổng học tại Đại học Tiểu bang New Mexico cũng đồng ý rằng chẳng có gì đáng kể trong khía cạnh tư tưởng. “Chúng tôi không thấy có nỗ lực nào từ bản doanh của Viện Khổng học tại Bắc Kinh nhằm uốn nắn hoặc điều khiển nội dung hoạt động của chúng tôi dưới bất kỳ hình thức nào,” ông nói. “Chúng tôi có những diễn giả từ Đài Loan đến trong chương trình trao đổi của chúng tôi, và trong cả hai hội ngị Trung Quốc - Mễ và Trung Quốc - Châu Phi cũng đã có hàng loạt những quan điểm và ý kiến đa dạng được bày tỏ.”
Hammond nói thêm rằng ông cũng chưa từng bị phản đối như những học viện khác đã bị. “Tôi biết rằng có những cuộc vận động có tổ chức nhằm phản đối hoạt động của các Viện Khổng học ở một số nơi tại Hoa Kỳ, nhưng tôi cho rằng đấy chỉ là kết quả của những quyền lợi chính trị địa phương và không phản ánh mối quan tâm chung về chương trình hoặc bất kỳ sự thực nào về việc các Viện Khổng học là công cụ tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc,” ông nói.
Hammond nói rằng lượng người ghi danh vào các lớp có liên quan đến Trung Quốc tại trường vẫn cao và càng có nhiều học sinh sang Trung Quốc học mỗi năm. Ông nói rằng trong khi chắc chắn sẽ có “một tầng mức quan ngại nào đấy về việc đi lên của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến Hoa Kỳ trong những năm tới,” nhìn chung, “mọi người phản ứng với điều này bằng cách muốn biết thêm về Trung Quốc, và đây chính là vai trò của các Viện Khổng học.”
Chuan Shen Liu, giám đốc Viện Khổng học tại Maryland và Rebecca McGinnis, điều phối viên của viện, nói rằng họ cũng có những kinh nghiệm tích cực tương tự. Khi tôi nói chuyện với họ về vấn đề này, họ bảo rằng đơn giản là họ tiếp tục chú trọng vào việc tạo điều kiện cho nhiều người ở Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về Trung Quốc, một đất nước mà “chỉ vài thập niên trước được đa số biết đến như là một xứ sở bí ẩn và khó hiểu,” để những hiểu lầm trong tương lai không phải xảy ra. Họ tin rằng nỗ lực tìm đến hiện tại của học viện họ “không chỉ giúp xóa bỏ những định kiến mà còn dẫn đến việc hiểu rõ và tốt hơn về quốc gia châu Á khổng lồ này.”
Tất cả điều này có vẻ hợp lý, và sau khi nói chuyện với một loạt người, tôi thấy ít có bằng chứng để nói rằng các Viện Khổng học là một bộ máy tuyên truyền đáng quan ngại. Ngược lại, những người có liên quan mà tôi đã trò chuyện có vẻ thực sự quan tâm đến việc khuyếch trương sự hiểu biết về văn hoá và một trao đổi thông tin tốt hơn.
Chuan Sheng Liu bảo tôi rằng: “Đúng, hình ảnh Trung Quốc đang vươn lên, và việc tăng cường hiểu biết phải xảy ra cả hai phía. Các bước nhỏ trong môi trường giáo dục nhằm khuyếch trương và hỗ trợ cho việc trao đổi, học hỏi, hiểu biết và những cảm nhận sâu sắc về sức mạnh và giá trị của nhau là một dấu hiệu tích cực. Luôn có những người chuyên chú trọng vào khía cạnh tiêu cực. Nhưng nếu chúng ta muốn quảng bá những đạo đức của Khổng Tử, thì ông là một người thẳng thắn và tích cực trong học hỏi, một người luôn tin rằng giáo dục mở ra cho tất cả mọi người.”
Kế tiếp tôi sẽ thăm dò tương lai của các Viện Khổng học, Khổng giáo và quyền lực mềm của Trung Quốc trong bài kết luận gồm hai phần của loạt bài đặc biệt về nghệ thuật và văn hoá này.
PHẦN 5: Sức mạnh của ngôn ngữ
Và chắc chắn là con số này sẽ tiếp tục tăng lên, được thúc đẩy bởi những thứ như chương trình Viện Khổng học đang tiếp tục thành công và mở rộng, và vị thế kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc. Chuan Sheng Liu, giám đốc Viện Khổng học tại Maryland và Rebecca McGinnis, điều phối viên của viện đều nhấn mạnh với tôi tầm quan trọng của ngôn ngữ Trung Quốc.
“Một tỉ lệ lớn dân số thế giới nói tiếng Trung, vì thế rất quan trọng để có chút kiến thức về ngôn ngữ này ngỏ hầu có được một hiểu biết chung trong cộng đồng thế giới, trong thương mại, giáo dục và nhiều khía cạnh khác trong đời sống chúng ta,” vị giám đốc nói với tôi.
Thật thế, một câu hỏi được nhiều người đưa ra là liệu tiếng Trung Quốc có tiềm năng trở thành ngôn ngữ toàn cầu tương lai hay không. Đây là điều mà học giả nghiên cứu về Trung Quốc Don Starr thuộc Đại học Durham cho rằng rất có thể, một phần bởi vì nó đã đạt được những chỉ số: “Tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ mẹ đẻ của một dân số lớn nhất trên thế giới, và nếu ta nhìn vào thống kê trên internet vào năm 2010 thì thấy rằng có khoảng 550 triệu người nói tiếng Anh so với 450 triệu người nói tiếng Trung Quốc. Ngôn ngữ được nói nhiều kế tiếp là tiếng Tây Ban Nha với 100 triệu người sử dụng.”
Starr cũng tin rằng mạng Internet và công nghệ hiện đại sẽ giúp thêm cách mạng hoá thêm ngôn ngữ Trung Quốc trên tầm cỡ thế giới. “Không như ngày xưa khi mục đích duy nhất để học một ngôn ngữ khác là vì nó thuộc quốc gia láng giềng và bạn sẽ thường xuyên đến đấy,” ông bảo tôi. “Giờ đây, có một lượng lớn thông tin về ngôn ngữ Trung Quốc trên mạng Internet, vì thế bạn có thể hoà mình vào trong môi trường tiếng Trung tại nhà. Tôi cho điều này sẽ là yếu tố làm thay đổi cục diện.”
Ông nói thêm: “Kỹ thuật đang hoàn toàn chuyển hoá cách viết chữ Hán. Trước khi có máy tính, người ta chỉ gửi thư đánh máy ở các cấp chính phủ. Đa số thư từ đều được viết bằng tay. Máy tính đã chuyển hoá điều này, vì thế tiếng Trung giờ đây được sử dụng cũng giống như bất kỳ những ngôn ngữ có bảng chữ cái khác.”
Với sức mạnh của Internet và những công nghệ mới, sự có mặt ngày càng nhiều của các Viện Khổng học trên toàn thế giới và mối quan tâm chung về Trung Qốc, chắc chắn sẽ sự tiếp tục phát triển quan trọng. Và chắc chắn sẽ làm thay đổi cách suy nghĩ của một số đông đối với quốc gia này trên mọi lĩnh vực chứ không chỉ riêng về thương mại. Nói cho cùng, ngôn ngữ là một công cụ quan trọng của quyền lực mềm.
Tuy thế, có một trở ngại có thể biến thành một thử thách cho cuộc thay đổi nhanh chóng này: Tiếng Trung nổi tiến là một ngôn ngữ khó học. Theo Học viện Ngôn ngữ Quốc phòng, tiếng Trung được liệt vào hạng những ngôn ngữ khó học nhất trên thế giới (bên cạnh tiếng Á Rập, Nhật và Hàn) đối với những ai nói tiếng Anh bẩm sinh. Điều này có thể là do nhiều yếu tố, trong đó có ngữ âm khác biệt, hàng nghìn con chữ Hán và một số lớn những từ đồng âm.
Có lẽ đây là chỗ mà các Viện Khổng học và chính quyền Trung Quốc phải sáng tạo hơn nữa. Trong khi tôi sẽ đề cập một cách chi tiết về tương lai quyền lực mềm của Trung Quốc trong phần cuối của loạt bài này, rõ ràng là một trong những thử thách lớn nhất của quốc gia này sẽ là việc họ nên hướng đến việc cho thấy bộ mặt hiền hoà hơn cho người dân của mình cũng như thế giới.
Một cách để làm việc này là thông qua việc khuyếch trương nghệ thuật và văn hoá của quốc gia. Khi tôi nói chuyện với nhà quan sát về Trung Quốc Daniel Bell về chủ đề này, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của âm nhạc trong truyền thống Khổng giáo. Rõ ràng âm nhạc theo mặc định đã là một thứ ngôn ngữ toàn cầu - và theo Bell, nó mang tính quan trọng như một triết lý trong Khổng giáo, bởi vì “nó tạo ra niềm vui và hạnh phúc và cũng vì nó có những ảnh hưởng đạo đức nhất định - tính đồng cảm, hiểu biết, có những cảm nhận quan hệ hoà ái với những người khác.”
Ông nói rằng ông cũng từng tham dự những hội nghị giáo dục quốc tế về Khổng giáo mà khi bế mạc “mọi người đã cùng ca hát hoặc lấy nhạc cụ ra để hoà tấu với nhau,” và điều nổi bật là việc này chưa từng xảy ra khi ông tham dự những hội nghị “về học thuyết chính trị Tây Phương” Bell tin rằng âm nhạc, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở phương Tây, thường bị đặt ở vị trí thứ yếu so với các lĩnh vực khác.
Thật không may, trong giáo dục, nghệ thuật luôn thường bị đặt qua một bên để nhường chỗ cho những kỹ năng “thực tế”, kinh tế hơn. Có lẽ lúc ấy Trung Quốc có thể dẫn đường và hướng dẫn cho các quốc gia phát triển làm cách nào để thực sự hưởng được lợi lộc chung qua việc đón nhận những truyền thống phong phú như âm nhạc và biến chúng thành một yếu tố quan trọng trong hình ảnh của một quốc gia nổi trội và thành công.
Trong bài viết tác giả có nhắc đến phần kết luận của loạt bài này, nhưng không thấy đăng trên The Diplomat - ND