Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Qua cơn thành bại vẫn còn

Alan Phan
Mỗi năm tôi thường về lại Mỹ vài lần. Ngoài chuyện thăm gia đình bạn hữu, gặp các đối tác làm ăn, tôi dùng cơ hội này để nâng cấp phần mềm (download the updates) cho đầu óc vì trí tuệ Mỹ vẫn đi trước thiên hạ về tư duy, trào lưu, thay đổi và sáng tạo. Đứng từ xa, nhìn lại môi trường sống của Á Châu, Việt Nam và những công việc đang làm mỗi ngày bên đó cũng cho tôi một định vị chính xác hơn về thực tại.
Nhiều bạn BCA nói sao lúc này bác tiêu cực quá vậy khi nói về Việt Nam. Các bạn hay lầm giữa nhận định và thái độ. Một tư duy khoa học không cho phép doanh nhân hay nhà phân tích được tiêu cực hay tích cực trong phán đoán. Biết rõ thực tại rất cần thiết cho thái độ hành xử sau đó, dù tích hay tiêu cực. Nếu các bạn thấy như vậy, thì có lẽ thực tại ở Việt nam đang xấu đi chăng?
Tuy nhiên, dù thực tại có tệ hại đến đâu đi nữa, tin mừng cho mọi người là nó có thể được thay đổi, cải thiện và tạo cơ hội mới. Nghèo khổ hay khó khăn không bao giờ là bản án chung thân, trừ khi người nhận bằng lòng. Nhưng không hành động mà đợi chờ một thay đổi gì xẩy đến để cuộc sống tươi đẹp hơn thì đây là thái độ tích cực của người tâm thần.

Tôi về Việt Nam năm 1968 sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Sau 7 năm vất vả, tôi tạo được một tài sản khá lớn vào thời đó. Cơn sóng thần 1975 cuốn trôi tất cả và tôi quay lại Mỹ với hai bàn tay trắng. Trong khi vợ khóc sướt mướt vì mất mát, tôi vẫn hưng phấn và lạc quan. Trong tôi, không một chút oán hận hay giận dữ, không trách móc ai hay đổ lỗi cho số phận xui xẻo. Bởi vì tôi hiểu là dù thực tại có bê bết, Alan Phan vẫn là Alan Phan. Đầu óc còn sáng tạo, thân thể còn mạnh khỏe, tinh thần còn nghị lực và tâm linh còn trong suốt thì tất cả tài sản vừa mất sẽ được tái tạo mấy hồi. Trong khi đó, một người em và nhiều người bạn đã bị tình thế chôn vùi vì sự suy sụp trong tư duy và thái độ sống.
Một điều nữa, mỗi lần tôi mất tài sản, tôi lại kiếm được nhiều gấp trăm lần, vào dịp kế tiếp; đến độ một bạn làm ăn diễu “ mày nên mất thêm vài chục triệu, rồi vài trăm triệu, thì mày có thể bắt kịp Bill Gates đó.”
Mấy năm vừa qua tôi lại hay về Việt Nam. Lần này công ty tôi dầu tư đang thua lỗ, nhưng đây không phải là điều tôi quan tâm. Tiền hay tài sản, dù quan trọng, vẫn là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn là mục đích truyền đạt cái tư duy và kinh nghiệm sau 43 năm giang hồ. Tôi hy vọng là các bạn trẻ và các quan chức sẽ có can đảm và ý chí để thay đổi, để vượt biển lớn, để tung bay tranh đấu cùng thế giới. Tuy nhiên, tôi cũng không mấy thành công. Phần lớn các tư vấn và các buổi thuyêt giảng miễn phí đã không tạo được lực đẩy nào đang kể ngoài vài cái gật đầu lịch sự. Nhưng tôi cho rằng có lẽ tại mình thiếu kỹ năng truyền đạt? Dù không có ảo vọng về bất cứ thành quả gì, tôi cũng ngạc nhiên với sự hững hờ này.
Tôi chỉ hy vọng một điều vào lúc này. Là các bạn trẻ hãy giữ vững niềm tin và hiểu rằng mọi tình thế ngoài kia, tốt hay xấu, sẽ có ảnh hưởng rất ít trong định mệnh mỗi người. Những gì tôi viết ra có thể là những tiên đoán về tương lai; nhưng tôi muốn mọi người phải hiểu là chúng ta thực sự đang tạo dựng tương lai bằng hành động mỗi ngày. Sự thành công hay thua kém sau này do chính chúng ta quyết định ngày hôm nay.
Doanh nhân, chiến sĩ, anh hùng, triết gia, nghệ sĩ…đến rồi đi. Vài người có thể để lại dấu ấn. Họ có thể làm cuộc sống phong phú hơn (hay khổ cực hơn nếu họ đem đến những tư tưởng và cơ chế rác rưởi). Nhưng về lâu về dài, qua những cơn thành bại, qua những thứ mất còn, chúng ta vẫn là chúng ta. Một con người dù đối diện với bao trải nghiệm hỉ nộ ái ố…vẫn là một con người phản ảnh đúng nghĩa theo suy tưởng tự do của mình.
Đừng để ai cướp đi điều đó.
Alan Phan

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"