Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Phán đoán vụ án Đinh Nhật Uy

Nguyễn Ngọc Già

Trương Duy nhất bị bắt ngày 26/5/2013.

Phạm Viết Đào bị bắt ngày 13/6/2013.

Đinh Nhật Uy bị bắt ngày 15/6/2013.

Cà ba nhân vật trên đều bị bắt theo điều 258, thuộc chương XX - Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, Luật Hình Sự, với án cao nhất là 7 năm tù giam.

Trong giới blogger, hầu như ai cũng biết hai cái tên: Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Trong khi ông Nhất với quan điểm rõ ràng từ lâu: "không phải là blog phản động" thì ông Đào hầu như chuyên bàn chuyện "văn chương thế sự" như tôn chỉ của blog cá nhân ông.

Riêng Đinh Nhật Uy, hầu như rất hiếm người biết anh, cho đến khi Đinh Nguyên Kha (người em trai của Uy) và Nguyễn Phương Uyên làm dậy sóng dư luận bằng việc làm Yêu Nước, lúc đó dần dần nhiều người mới biết đến Đinh Nhật Uy qua những lần thăm nuôi em trai mình và dùng facebook trình bày cũng như đánh động dư luận quan tâm đến trường hợp oan ức của Đinh Nguyên Kha. Với phong cách đĩnh đạc và sâu sắc, nhất định trước khi bị bắt, Kha không bao giờ cho gia đình biết việc làm của mình. Theo đó, Uy cũng không hề liên quan đến việc làm của Kha, nếu có bất kỳ "dấu tích" liên hệ gì, chắc chắn an ninh đã bắt Uy từ lâu, không đợi đến sau này mới bắt.

Thông qua những lần thăm nuôi em, Đinh Nhật Uy càng làm dư luận hiểu rõ việc làm trong sáng của Đinh Nguyên Kha cùng những hành xử vô học của giới "còn đảng còn mình", chúng không chỉ hành xử đê tiện với Kha mà còn xách nhiễu, cản trở, hù dọa, hành hung, bôi nhọ cả gia đình Uy - Kha.

Không những thế, người cộng sản táng tận lương tâm đến mức phá nát "luân thường đạo lý" của dân tộc Việt Nam, bằng cách dùng "bả lợi danh" để dụ dỗ người anh rể của Uy - Kha đoạn tình tuyệt nghĩa vợ chồng với cô Quỳnh Như, theo Luật sư Hà Huy Sơn cho biết [1] (trích):

"...Nhận tiện gặp luật sư, cô con gái lớn của bà Liên hỏi thủ tục thuận tình ly hôn ở tòa ra làm sao. Và cô con gái bà Liên kể rằng vì thằng Kha, thằng Uy vướng vào chuyện như vậy nên ảnh hưởng anh rể nó không được vào Đảng, có vào Đảng thì mới được đề bạt. Nếu vợ nó không chịu cách ly với gia đình đằng nhà vợ thì nó ly dị và hai bên thuận tình vì con gái bà không thể cách ly với gia đình bố mẹ và 02 em ruột..." (hết trích)

Kết quả phiên tòa ngày 16/5/2013, Nguyễn Phương Uyên bị 3 năm tù treo và 52 tháng gọi là "thử thách", Đinh Nguyên Kha lãnh 4 năm tù giam cùng 3 năm quản thúc. Trong khi Đinh Nguyên Kha ở trong tù tiếp tục bị ép cung nhận "tội khủng bố" [2], thì ở ngoài Nguyễn Phương Uyên bị hành hung và làm nhục.

Sau khi cám ơn mọi người ở trong Nam đã quan tâm đến vụ án của mình, cô Uyên và mẹ ra Hà Nội để trực tiếp viếng thăm một số người đã lên tiếng ủng hộ cô cũng như nhân dịp hiếm hoi ghé thăm người cha nuôi - ông Nguyễn Tường Thụy. 


Ngày 25/9/2013, khi cô Uyên và mẹ đang quây quần chuẩn bị bữa cơm cùng gia đình ông Thụy, bọn an ninh đã gây ra một vụ khủng bố theo kiểu "đánh tối tăm mặt mày" mọi người. Kiểu đánh này thường được "đại bàng" sử dụng với tù nhân mới nhập trại để thị uy nhằm làm người tù "kinh hồn tán đởm", với mục đích khuất phục ngay từ ngày đầu, sao cho tù nhân "khiếp vía" mà ngoan ngoãn "tự nguyện" làm nô lệ cho chúng sai khiến. Không những thế,  Uyên còn bị một tên "ma cô" hạ nhục, bằng cách thừa lúc lộn xộn đã "nhanh tay" xâm phạm thô bạo vào nhũ hoa của cô, trong khi một bầy an ninh "hiệp đồng" lôi kéo, xô đẩy Uyên và mẹ trên đường ra sân bay Nội Bài để tống khứ họ ra khỏi Hà Nội. Hành vi đó không làm ai ngạc nhiên, bởi cô Uyên đối diện với cả đội quân "bóp thuê đánh mướn".


Ngày 20/10/2013, trang báo có tên "An Ninh Thủ Đô", "đủ thô" để "sản xuất" truyện "Kinh dị" [3]. Từ lúc cô Uyên bị làm nhục, đến ngày những con chữ đáng "lợm giọng" xuất hiện, tròn 25 ngày. Người ta tự hỏi, sao lần này an ninh tỏ ra không "lẹ làng" cho lắm, thay vì đã từng "xách toòng teng" "hai bao cao su đã xài", nửa đêm nửa hôm "vắt giò lên cổ" chạy vào khách sạn "vục" vào mặt TS. Cù Huy Hà Vũ hồi 3 năm về trước(?)


Ngày 29/10/2013, Đinh Nhật Uy sẽ bị xử [4] theo khoản 1 điều 258, với án cao nhất có thể nhận lãnh: 3 năm tù giam.


Sự xuất hiện đan xen về thời gian trình bày như trên cho thấy, ngoài việc đám "bóp thuê đánh mướn" hạ nhục thêm Người Con Gái Yêu Nước, chúng còn muốn vẽ ra "bộ mặt" những người liên quan đến Nguyễn Phương Uyên đều là những "kẻ nhơ nhớp" với cụm từ lững lờ mà đểu cáng: "ông bố hờ đầy nghi vấn", nhằm ám chỉ Nhà thơ - cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy. Mặt khác, thứ "kinh dị bẩn thỉu" này "xuất ra" từ bản mặt của chúng, cốt làm nhiều người thấy vậy mà xa lánh, khi những người ủng hộ Đinh Nhật Uy xuất hiện trước cổng tòa để bày tỏ ôn hòa như đã từng ủng hộ Uyên - Kha? Lại bắt gặp thứ "tư duy xúi" một lần nữa, qua chuyện "Kinh dị" chăng?


Cộng sản, không có gì họ không dám làm, dù đó là việc làm thất đức nhất họ cũng không từ, thậm chí đối với ngay những thanh niên yêu mến chế độ độc đảng toàn trị mà cô Hoàng Thị Nhật Lệ và bạn bè đau đớn trở thành nạn nhân [5] trong vai "chú hề" một cách chân thật, để làm "bia đỡ" cho chúng trước tiếng cười thị phi, trong vở "bi hài kịch" với tên gọi "phản bác tuyên bố 258". 


Theo ông Phạm Chí Dũng [6], nhà quan sát chính trị có tiếng ở Việt Nam: "...trường hợp blogger Đinh Nhật Uy ở Long An bị bắt liên quan đến màu sắc chống Trung Quốc, hai blogger khác là Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng và Phạm Viết Đào ở Hà Nội lại được xem là mang dấu ấn “nội bộ” nhiều hơn".


Tôi đồng ý một phần với ý kiến của ông Dũng. Điều đó có nghĩa Đinh Nhật Uy không thể xếp chung "một rọ" với Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, nhưng điều gọi là "màu sắc chống Trung Quốc" thì cần xem lại. Lý do? Như trình bày phần trên, Uy bắt đầu được nhiều người quan tâm, chia sẻ, thương mến khi kêu oan cho em trai, chứ không phải người ta biết đến Uy xuất phát từ nguồn cội "màu sắc chống Trung Quốc" như ông Phạm Chí Dũng nhận định. Điều này không có nghĩa tôi phủ nhận Uy là người yêu nước. Điều tôi muốn nói, lý do bắt Uy vì "màu sắc chống Trung Quốc" thiếu thuyết phục. Trước Uy có hàng trăm người khác từ Bắc chí Nam "chống Trung Quốc" còn "dữ" hơn vài khẩu hiệu đưa lên mạng như Uy. Trước đây, Uy cũng không ở trong tầm ngắm của bọn "bóp thuê đánh mướn" với tư cách người bất đồng chính kiến.


Thêm vào đó, xét về mọi mặt (danh tiếng, "tầm vóc", mối quan hệ, số lượng và "chất lượng" bài viết v.v...) Đinh Nhật Uy chẳng có gì để "được phép" so sánh với hai "tên tuổi lớn" cùng bị bắt vì "tội 258". 


Vậy lý do gì lại xếp cả ba người vào cùng "một rọ - 258"? Lý do gì - Đinh Nhật Uy - với những cái gọi là "chứng cớ" rõ như ban ngày, chỉ cần một hay hai tuần là xong "cáo trạng", nhất là loại "cáo trạng mẫu" luôn có sẵn, tại sao phải để đến hơn 4 tháng trời mới xử? Phải "điều tra cẩn trọng" và "theo đúng quy trình"? Chắc chỉ làm trò cười cho thiên hạ, khi ai cũng biết người cộng sản chỉ xài luật rừng, "muốn tội nào là ra tội đó". Ngoài ra, nói cho công bằng, Uy hầu như chẳng viết gì nhiều, ngay cả khi bắt đầu kêu oan cho em trai. 

Lý do gì cùng bị bắt vì "tội 258" - một thứ "tội" không phải thuộc loại nặng như 79 hay 88, trong khi Đinh Nhật Uy bị bắt một cách thô bạo, chà đạp nhân phẩm rồi đem ra xử tại địa phương cư trú, thì Trương Duy Nhất lại được "đưa đón" từ phi trường Đà Nẵng - trong tác phong thoải mái, đầy tự tin - bay ra Hà Nội?


Thoạt nhìn, cả ba người bị bắt đều có vẻ "lợi dụng tự do ngôn luận". Nhưng nhìn sâu bên trong rất khác nhau, đặc biệt "tình cảm" mà ông Trương Duy Nhất "dành cho" ông Nguyễn Bá Thanh quá rõ, đặc biệt là khi ông Nhất tung hô mãnh liệt, lúc ông Thanh giữ ghế "Trưởng ban Nội chính Trung Ương". Lúc đó, theo ông Nhất, nó là "bàn đạp" để tiến lên "ghế thủ tướng". Hình như một chút gì đó sỗ sàng quá đà và làm nóng mặt "ai đó", nên "ai kia" cần phải "dạy cho một bài học" về "thói ngông cuồng"? Còn ông Đào? Nhận định của tôi không khác ông Phạm Chí Dũng, đặc biệt, khi nhớ lại ông Đào có bài [7] "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang can thiệp để ông Trương Duy Nhất được thả..." có vẻ hơi quá "phấn kích" một chút, nên có thể người ta nghĩ "cho nó bơn bớt cái miệng vài tháng là... đủ"? Còn Đinh Nhật Uy? Dân đen "chính hiệu con nai vàng", "không thần không thế", không "dây mơ rễ má" với bất cứ một ai thuộc hàng có "số má" trong giới cộng sản cao cấp từ trung ương đến địa phương.

Giữa tình hình kinh tế rối bời, với những khoản vay mượn thế giới ngày càng khó khăn hơn, sản xuất đình đốn, các loại thị trường ngày càng hiu hắt, dân oan vùng dậy khắp nơi, song song với những cuộc "diễn tập chống bạo loạn" của phía công an dày đặc như răn đe và sẵn sàng đàn áp sắt máu bất kỳ lúc nào v.v..., nổi lên giữa các "mảng tối tăm" đó, lại là một "mảng sáng khổng lồ" mang tên "hòa hoãn" hay "thỏa hiệp" giữa các phe phái đang xuất hiện ngày một rõ? 


Dường như phía "chính phủ" trở nên "quyết liệt" với chỉ dấu tỏ ra "mạnh tay", khi hàng loạt vụ tham nhũng bị "lôi đầu" ra như: anh em Dương Chí Dũng - Dương Tự Trọng bị bôi nhọ đầy mặt báo theo  cách "đay nghiến" của người cộng sản (những ai còn tin tưởng cộng sản hãy nhìn cách họ lợi dụng Hoàng Thị Nhật Lệ và bêu riếu anh em Dũng - Trọng mà ngẫm!); vụ "lương khủng" các công ty công ích tại Tp.HCM cũng chuyển sang cơ quan điều tra; EVN bị lôi vụ xây sân golf, biệt thự lại tính "tuốt luốt" vào trong giá thành điện; vụ PVN tỏ ra "không còn mặn mà" độc quyền xăng dầu v.v... như "quả táo ngon lành" trong truyện cổ tích "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" dứ trước mặt người dân Việt Nam đang "đói khát" tự do dân chủ (!) "Đảng và nhà nước" tính tiếp tục lừa dân bằng vài "con sâu be bé" thế sao?!


Phải chăng "xử trước" Đinh Nhật Uy là động tác "nhóng dư luận" mà người cộng sản hay sử dụng? Bản án "dành cho" Đinh Nhật Uy trở thành "điểm chặn trên" cho  Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào? Thậm chí biết đâu ông Nhất và ông Đào lãnh án treo hoặc đáng mừng vui hơn, được trả tự do kèm theo lời xin lỗi? "Tội xâm phạm an ninh quốc gia" luôn nặng hơn rất nhiều so với "tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính", người bị bắt còn được giải oan và xin lỗi đàng hoàng, tại sao không có quyền nghĩ ông Nhất, ông Đào "may mắn" hơn? Chỉ ê chề cho dân đen như Đinh Nhật Uy! Một "tên tiểu tốt vô danh" bỗng nhiên trở thành "điểm tựa" cho "các anh, các chú"...dựa(?!)

Người cộng sản có một "phẩm chất" rất hay, trong cơn nguy nàn, họ trở nên "dễ thương" với biểu hiện gắn bó chặt chẽ, họ sẵn sàng "gác lại quá khứ" mọi mâu thuẫn dù lớn hay nhỏ để giữ vững chế độ. Qua cơn nguy biến, họ... "hướng tới tương lai" tiếp tục... đấu đá, thậm chí mãnh liệt hơn. Đó là "đặc sản" tôi học được từ những năm làm việc cho cộng sản, quên báo mọi người, dù ai cũng...biết (!).

Nguyễn Ngọc Già
________________










Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"