Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Ai ăn mặn- ai khát nước?

Ts Tô Văn Trường
Có chuyên gia, nói thẳng với tôi nguyên văn như sau: “Đố anh tìm đâu ra một dự án nào dám vỗ ngực khẳng định “không lại quả” trong cơ chế này đấy! Cứ có 01 dự án, dù bé bằng móng tay thôi, thì cũng có hàng chục cửa phải đi qua để “kính thưa, kính gửi” rồi.
Trăn trở, nhìn lại lịch sử thăng trầm của đất nước qua nhiều giai đoạn, chỉ có thể dùng khái niệm “vận nước” thuyết nhân quả, duyên sinh, duyên diệt để lý giải về các tác động của nó đến người dân trong xã hội. Khi con người bị đốt cháy bởi khát vọng quyền lực và danh vọng tiền tài thì vô cùng nguy hiểm cho xã hội.
Nợ công- báo động đỏ
“Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Đây là cách nói của ông cha ta về cái sự đời “có vay, có trả”. Tuy nhiên, ở đây “kẻ ăn mặn” lại là những nhóm lợi ích thiểu số chẳng có dây mơ, rễ má gì đến đa số dân chúng cần lao, mà con cháu đa số này phải chịu “khát nước”, tức là phải è cổ ra trả nợ cho nhóm lợi ích thiểu số bất chính kia.
Giá như con cháu nhóm lợi ích thiểu số ấy phải trả nợ, phải chịu “khát nước” thì lại đi một nhẽ! Mà chắc chắn lúc ấy có đi truy lùng con cháu nhóm lợi ích để bắt chúng trả nợ thì cũng như “mò kim đáy bể”, bởi với biết bao của cải mà cha ông chúng đã vơ vét, bây giờ đã yên ổn ở những chân trời xa tít tắp với những tài khoản khổng lồ gửi ở ngân hàng và những khoản đầu tư vào các lĩnh vực thời thượng của cơ chế thị trường.

Mexico vỡ nợ mở màn cho cuộc khủng hoảng tại Mỹ Latin thập niên 80. Ảnh: CNN
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chưa biết lúc nào sẽ… đến đáy, dù có vênh nhau về số liệu do các nguyên nhân về kỹ thuật, không theo chuẩn quốc tế và giả dối, thì đều đi đến kết luận chung: Nợ công ở nước ta đã đến mức “báo động đỏ”!
Ngoài các nguyên nhân yếu kém do quản trị, chủ trương đầu tư sai lầm vào nhiều lĩnh vực không hiệu quả, còn do các nhóm lợi ích bất chính, tư duy nhiệm kỳ, tranh thủ vơ vét và cố gắng che chắn sao cho hạ cánh được an toàn.
Miếng pho mát cho không chỉ là miếng pho mát “bẫy chuột”
Đối với nước nghèo, chậm phát triển, nguồn vốn ODA cho vay dài hạn với lãi xuất ưu đãi là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế rất quan trọng. Nhiều công trình hạ tầng cơ sở của Việt Nam đã “thay da, đổi thịt” nhờ nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, mặt trái của ODA cũng chứa đựng những cơ hội làm ăn khuất tất.
ODA của bất cứ nước nào thì họ cũng đều đòi hỏi phải ưu tiên (có khi bắt buộc) dùng chuyên gia, nguyên vật liệu của họ. Người Pháp có câu nói nổi tiếng “Miếng pho mát cho không chỉ là miếng pho mát bẫy chuột”. Tôi đã viết nhiều bài về ‘lợi bất cập hại” khi sử dụng nguồn vốn ODA chính là vùng nguy hiểm, thiếu trí thức nhất, cho nên càng sớm độc lập, tự chủ, đủ sức loại bỏ ODA, càng có lợi cho đất nước.
Nhân dân ta không bao giờ quên sự ủng hộ chí tình, có hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong công cuộc tái thiết đất nước, và hiện nay cũng là nước thật lòng ủng hộ ta trong tranh chấp ở biển Đông.
Do nguồn tài trợ ODA của Nhật Bản là song phương lớn nhất đối với nước ta, cho nên bài viết này tập trung phân tích ODA của Nhật. Theo một chuyên gia là Việt kiều nhiều năm sống và làm việc trên đất Nhật Bản cho biết, một trong những vấn đề nổi cộm trong viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản bị dư luận trong và ngoài nước Nhật phê phán vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi các tập đoàn của Nhật Bản cấu kết để dành các hợp đồng béo bở như dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (sân bay, bến cảng, đường cao tốc…), …trong chương trình viện trợ, thực chất là cho vay dài hạn với lãi suất ưu đãi có điều kiện, ưu tiên cho tập đoàn của nước này trong việc thực thi.
Vì vậy, trước khi kí văn kiện thỏa thuận vay vốn ODA cho một công trình nào đó, người soạn thảo dự án của phía Nhật tổ chức điều tra cơ bản để xác nhận các điều kiện (kỹ thuật lẫn tài chính) của dự án, là các đội quân chuyên môn của những tập đoàn này dưới danh nghĩa “tư vấn” (consulting) mà chi phí này thuộc viên trợ không hoàn lại (Grant Element) để làm phương án tiền khả thi nắm bắt và chuẩn bị tham gia “đấu thầu” các dự án do chính họ soạn sẵn, bảo đảm phần thắng về các công ty Nhật Bản.
Các chính trị gia Nhật Bản (nghị sĩ quốc hội) là người đứng sau thúc đẩy chính phủ phê duyệt dự án ODA với những khoản tiền thù lao kếch sù núp dưới dạng “hiến kim chính trị” (ủng hộ bằng tiền cho hoạt động chính trị—Seijikenkin) trong những lần bầu cử. Khi thắng thầu một dự án ODA, các nhà xây dựng sẽ liên kết thành một nhóm để thực hiện như chúng ta đã thấy qua liên danh Taisei-Kajima-Nippon Steel (TKN) trong dự án xây dựng cầu Cần Thơ hay một liên danh tương tự xây đường hầm qua Thủ thiêm ở Tp. HCM vì lý do đó.
Hơn thế nữa, liên danh tập đoàn công nghiệp hay xây dựng Nhật Bản còn cấu kết với quan chức nước sở tại để thực hiện đề án ngay từ đầu và cả trong quá trình thi công. Người ta cho rằng 1/3 viện trợ ODA của Nhật Bản đã vào tay chính quyền Marcos ở Philippines hay chính quyền Suharto ở Indonesia trong những thập kỷ trước, khi người dân nước này phát hiện đã có hàng trăm triệu đến tỷ đô la của họ nằm ở ngân hàng Thụy Sĩ hay bất động sản tại Mỹ khi các chính quyền này sụp đổ.
Cơ cấu nối kết quyền lợi này mang tính tổ chức rất cao, gồm tham nhũng nước sở tại-liên danh tập đoàn-chính trị gia chạy dự án và thực tế đó đã phơi bày qua nhiều dự án mà chính phủ Nhật Bản đã thực hiện ở một số nước. Vì vậy trong xã hội Nhật Bản, nhiều nhân vật trí thức có lương tâm và đông đảo nhân dân đòi hỏi Chính phủ phải hạn chế và loại trừ kiểu làm ăn nuôi dưỡng tiêu cực này, xem đó là một nạn tham nhũng có tổ chức (Kozô Oshoku).
Vì tất cả tiền dùng cho ODA là của nhân dân Nhật Bản đóng góp thông qua việc nộp thuế và sẽ được các nước nhận ODA thanh toán lại, vì vậy không có lý do gì 1/3 số tiền khổng lồ lại lọt vào kiềm tỏa của “Himotsuki enjyoo” (viện trợ giật dây) để làm giàu cho ba thành phần trong mỗi dự án quốc gia.
Điển hình lãng phí, không hiệu quả
Nhiều dự án sử dụng nguồn vốn ODA có vấn đề như dự án điện của TKV (Na Dương, Cao Ngạn, Cẩm Phả). Chính phủ, đăc biệt là Bộ Giao thông Vận tải làm sao có thể giải thích cho người dân hiểu vì lý do gì mà dự án giao thông ở Việt Nam có suất đầu tư quá cao so với các nước giàu có như Mỹ, Hàn Quốc? Mà ngay cả các nước đang phát triển như Trung Quốc, Thailand, Malaysia, trong khi lương của kỹ sư Việt Nam chỉ bằng 5 -20% lương kỹ sư Mỹ, Hàn Quốc, 30-40% lương kỹ sư Trung Quốc, giá vật liệu thì đều theo giá quốc tế.
Đơn cử như Dự án cao tốc Bến Lức -Long Thành, 58 km, có 02 cầu lớn, nhiều cầu nhỏ: giá 1,6 tỷ USD nay tính lại lên đến 2,2 tỷ USD. Đến nỗi Bộ GTVT yêu cầu chuyển một số đoạn từ cầu cạn (viaduct) thành nền đắp đất (embankment) để không tăng quá 1,6 -1,7 tỷ đô la.
Dự toán dự án Metro Hà Nội 03 tuyến Tây Tựu đến ga Hàng Cỏ chỉ 12 km, trong đó chỉ 4,0 km ngầm (từ Thủ Lệ đến Ga), 8,0 km nổi (chạy như đường trên cao trên khoảng không của đường Tây Tựu- Cầu Giấy – Kim Mã (giải phóng mặt bằng ít) mà giá trên 900 triệu USD (khoảng 75 triệu/km dài). Metro ở TP HCM giá cũng tương tự (cũng chỉ ngầm 30-35%). Với gíá này thì khi nào và tiền đâu để làm hệ thống metro trên 100 km như Pusan Hàn Quốc (chưa nói các thành phố lớn hơn).
Giá nhà ga T2 – Nội Bài 900 triệu USD (cao gấp 03 ga quốc tế TSN nhưng công suất chỉ gấp 1,5 lần). Tôi đã hỏi nhiều tư vấn giao thông nước ngoài kể cả các vị tham gia các dự án này, họ đều lè lưỡi vì “suất đầu tư” trên đơn vị km hoặc hành khách này.
Có chuyên gia, nói thẳng với tôi nguyên văn như sau: “Đố anh tìm đâu ra một dự án nào dám vỗ ngực khẳng định “không lại quả” trong cơ chế này đấy! Cứ có 01 dự án, dù bé bằng móng tay thôi, thì cũng có hàng chục cửa phải đi qua để “kính thưa, kính gửi” rồi.
Cảng tỷ đô Lạch Huyện và cầu Tân Vũ
Dự án Cảng tỷ đô Lạch Huyện trở thành điểm nóng trong dư luận cả nước thời gian qua, nhất là ngày chủ nhật 14/4/2013 đã chính thức khởi công trong bối cảnh ngổn ngang nhiều bất cập chưa được giải quyết.
Hội Xây dựng trực thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức đầu tiên quan tâm phản biện dự án cảng Lạch Huyện. Trong quá trình tham vấn, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải 04 lần thúc ép, thuyết phục lãnh đạo Hội Xây dựng ký công văn xác định cảng Lạch Huyện là công trình “cấp bách”!?.
Sau đó, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự định tổ chức Hội thảo về cảng Lạch Huyện theo đúng chức năng giám sát và phản biện nhưng lãnh đạo Bộ GTVT lại khuyến cáo… “không nên làm”!?
Ngay cả các thành viên trong Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án cũng không thể hiểu nổi vì sao 20 câu hỏi liên quan của Hội đồng chưa được chủ đầu tư và tư vấn JICA (Nhật Bản) giải đáp theo đúng quy định. Nhưng đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường vì sức ép của ai mà “lặng lẽ” cấp tốc phê duyệt trước Tết nguyên đán vừa qua với tốc độ chóng mặt!?
Doanh nghiệp nói gà-Bộ trưởng nói vịt
Theo quy định của Nghị quyết 49/2010/QH 12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xin ý kiến chủ trương đầu tư. Để ”lách luật”, Bộ GTVT đã ”khôn ngoan” tách dự án cầu Tân Vũ- Lạch Huyện do Tổng cục Đường bộ quản lý nguồn vốn. Trong thực tế, dự án cầu Tân Vũ- Lạch Huyện là tuyến đường kết nối cảng cửa ngõ này, với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, là hợp phần cầu đường của Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Cảng Lạch Huyện. Do đó, tổng số vốn cho dự án cảng Lạch Huyện đã vượt trên 40 ngàn tỷ đồng.
Báo Lao Động ngày 2/10 đăng bài về Dự án xây dựng cầu Tân Vũ- Lạch Huyện “Bộ trưởng có định thách đố doanh nghiệp” của tác giả Hà Linh Quân. Bài báo phản ánh ông Tạ Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Công TNHH Sơn Trường, một doanh nghiệp thành đạt, am hiểu thực tế, tâm huyết với vận nước gửi thư đến lãnh đạo Nhà nước đề nghị xem xét, điều chỉnh giảm nhiệm vụ thiết kế. Cụ thể là hạ thấp bớt các chỉ tiêu yêu cầu về tĩnh không thông thuyền, sử dụng nguyên vật liệu trong nước, không sử dụng vốn ODA của Nhật Bản sẽ tiết kiệm kinh phí từ trên 11 nghìn tỷ đồng xuống dưới 1000 tỷ đồng.
Ý tưởng này sẽ do công ty tư vấn của Mỹ thiết kế, nếu vượt quá con số 1000 tỷ đồng thì Tổng Công ty Sơn Trường sẽ chi trả. Bài báo đã phân tích phản ánh lãnh đạo Bộ GTVT thể hiện “văn hóa lắng nghe” hoặc do lý do nào đó, đã cố tình đánh đố doanh nghiệp theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”, vì đã dám thò “mũi vào” dự tính đã được duyệt của Bộ!?
Nếú đọc kỹ, ngẫm suy Quyết định 1438/QĐ/TTg ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải thành phố Hải Phòng đến năm 2025 đề cấp đến nối kết với tuyến đường sắt thì cầu Tân Vũ phải thay đổi lại các chỉ tiêu thiết kế.
Tín hiệu mới rà soát lại các dự án ODA
Thực tế cho thấy nhiều dự án ODA đưa ra các giải pháp tốn kém, vô lý, không cần thiết và đắt gấp 3- 4 lần giải pháp kỹ thuật của Việt Nam. Nhiều nhà cán bộ quản lý, lãnh đạo lại không có đủ kiến thức, kỹ năng để lựa chọn, lại sợ mất tiền cho vay, nên vội vàng chiều theo ý của tư vấn quốc tế.
Một tín hiệu vui, tại phiên họp Chính phủ tháng 09 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của nguồn vốn ODA với Việt Nam, song khẳng định Việt Nam sẵn sàng trả lại một số dự án nếu không phù hợp, hoặc chưa cần thiết. Thực tế, nhiều địa phương cứ nghe có dự án vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là “vơ vào”, trong lúc có những dự án giá rất đắt, nhưng hiệu quả cầm chừng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần phải tính hiệu quả và rà soát lại các dự án, chứ “không phải cứ ODA là nhận hết”. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng có nhiều dự án ODA đắt và áp những tiêu chuẩn của nước ngoài quá cao dẫn đến khó thực thi tại Việt Nam, nếu cứ vay như vậy Việt Nam sẽ phải chịu nợ lớn. Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng tình cho rằng không phải cứ cho ODA là nhận với bất kỳ dự án nào, nếu dự án đó không hiệu quả vv…
Thay cho lời kết
Nếu không thay đổi tư duy trong quản trị và cải cách đầu tư công thì chắc chắn chúng ta sẽ còn ngụp lặn trong vũng bùn của nợ nần và đói nghèo. Bọn tham nhũng, những con sâu quyền lực và các nhóm lợi ích bất chính đang hoành hành, đúng như một số vị lãnh đạo cấp cao đã phát biểu thừa nhận công khai “cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi… Người ta ăn của dân không chừa thứ gì”
Muốn ngăn chặn, răn đe và trừng phạt ngoài luật “nhân quả”, chỉ có một con đường là “thật sự dân chủ”. Dân có thực quyền kiểm soát và pháp luật phải thực sự do dân, vì dân. Để tồn tại và phát triển, đất nước sẽ phải thay đổi, vấn đề chỉ còn là thời gian.
Khôn ngoan nhất là những người có trọng trách phải hiểu lòng dân và biết vượt lên chính mình.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"