Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Đông Timor – từ độc lập, tự do tới ấm no

Hiệu Minh
Biển Dili. Ảnh: HM
Biển Dili. Ảnh: HM
Nếu đến Đông Timor  (Timor Leste – East Timor), du khách có cảm giác đang thăm một vùng đất rộng (14.874km2), bằng ba tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa cộng lại, nhưng dân số lớn hơn Ninh Bình một chút, khoảng hơn 1 triệu dân với thủ đô Dili khoảng 320 ngàn người.
Năm 2003 tôi tới dự hội thảo IT vì tránh SARS đang hoành hành tại châu Á, vết đạn bom, đổ nát sau chiến tranh vẫn còn. Giành độc lập từ Indonesia, người Đông Timor trả một cái giá không nhỏ. Hơn 100 ngàn người bị chết do bom đạn, bệnh tật và đói khát, chiếm 1/10 dân số. Tưởng tượng trong một làng, cứ 10 người có một người chết vì độc lập. Ở đâu cũng vậy, freedom is not free – Tự do không phải là miễn phí.
Thời đó, phố duy nhất lúc đó còn hoạt động là đường chạy dọc bờ biển Dili. Taxi không có biển, mỗi cuốc xe 1-2$, đi khắp thành phố, xa gần cùng một giá. Xăng đắt, không có điện thoại liên lạc, người lái xe phải di chuyển liên tục để vẫy khách.

Hôm nay taxi cũng hoạt động nhộn nhịp nhưng chưa có công ty nào đứng ra tổ chức. Sơn vàng, có chữ taxi, giá chạy quanh cũng khoảng vài đô la, nhưng phải mặc cả trước với lái xe. Đôi lúc khách nước ngoài cũng bị ép giá, lấy thêm tiền, một tín hiệu của sự phát triển, vì dân khôn hơn, biết móc túi cánh nhiều đô la. Có lẽ nhiều công ty nước ngoài đang nhòm ngó thị trường non trẻ này.
Từ sân bay về khách sạn Discovery Inn thấy đường hai chiều, đèn đường hai bên, có tín hiệu giao thông tại các ngã tư. Dù nước nghèo thua xa VN nhưng xe chạy trật tự, ít thấy chen lấn. Thấy người đi bộ qua đường là xe dừng, một thứ văn minh chỉ thấy bên phương Tây.
Xe hơi trên phố nhiều hơn, xe máy cũng vậy, dọc đường quán xá nhộn nhịp, siêu thị Timor Plaza chẳng khác gì Big C tại Việt Nam. Đây là khu rất rộng do người Đông Timor gốc Hoa đầu tư. Rất đông thanh niên trẻ ngồi trong sảnh và duyệt nét vì wifi miễn phí. Giá đĩa cơm gà rán, có chút rau xanh, khoảng 6-7$, khá cao so với dân lao động ở đây, nhưng vẫn đông khách tới ăn.
Góc đường gần khách sạn Discovery Inn có nhà hàng Eastern Burger chứa khoảng 50 khách, cũng do người Hoa bỏ tiền. 8 năm trước là một quán tồi tàn. Nay sàn đá sạch bóng, điều hòa mát lạnh, bàn ăn bằng đá hoa cương, ghế êm, và giá thì rẻ. Các món ăn hợp khẩu vị nên đông khách, người Tầu đến thưởng thức cũng khá.
Lương trả cho nhân viên chạy bàn 150$, chưa kể típ và ăn miễn phí. Với người lao động Dili đó là lương khá ổn. Ngày nào cũng ăn chiều ở đó, cô bé thu ngân người Hoa, cao và xinh, toàn Nỉ Hảo vì trông mình giống Tầu, mình cũng ảo ảo lại cho vui.
Dấu ấn người Hoa. Ảnh: HM
Dấu ấn người Hoa. Ảnh: HM
Buôn bán, mở hàng ăn, người Hoa luôn chọn những vị trí đắc địa để kinh doanh và họ làm việc này rất có nghề. Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới về kinh tế chẳng làm ai ngạc nhiên vì dân tộc ấy hội đủ trí và lực, nhất là sau thời mở cửa Đặng Tiểu Bình. Thấy nhiều bạn đọc toàn chê người Trung Quốc, tôi thấy thật không công bằng. Chúng ta nên mang sách học họ cách kinh doanh trên toàn cầu.
Trên đường từ sân bay về trung tâm thành phố thấy President Palace (Dinh tổng thống) và Bộ Quốc phòng do Trung Quốc xây tặng mới tinh, kiến trúc và dáng vẻ, nhìn thoáng là biết từ Bắc Kinh.  Thế mới biết họ nhanh hơn người. Tổng tống Timor ở trong ngôi nhà đó thì các hợp đồng với Trung Quốc chắc sẽ dễ hơn nhiều.
Phía đối diện Eastern Burger có cửa hàng đề tên Tam Electronics, tôi đoán là của người Việt, cứ hy vọng thế. Gần trung tâm thương mại Timor Plaza có trụ sở của Viettel được đặt tên rất Timor là Telemor, công ty telecom toàn cầu. Dọc đường thấy bảng quảng cáo Telemor mình không biết đó là Viettel. Vì có công chuyện liên quan đến đường truyền cho WB nên tôi rất may mắn được nói tiếng Việt tại Dili với anh Nguyễn Hùng Cường, giám đốc chi nhánh.
Chẳng biết anh ấy và đồng nghiệp có đọc Hiệu Minh blog không, nhưng tôi tin sau vụ gặp này, thế nào người Việt ở Dili sẽ biết hang Cua. Phòng chi nhánh khá rộng, có nhiều nhân viên sở tại, các em kỹ sư Việt rất trẻ, vẻ năng động, tiếng Anh rất khá. Ngoài đường hầu hết dân chúng, từ bà nội chợ đến xe taxi, thanh niên đều có cellphone, chứng tỏ Viettel đã có chỗ đứng. 10 năm trước không ai tưởng tượng nổi điện thoại có thể phủ sóng nhanh như vậy.
Nhớ hồi ở Hà Nội, mãi đến năm 1993, nhà này mới đủ tiền mắc điện thoại với giá trên trời, sau gần 20 năm hòa bình. Thế mới biết, người đi sau lại nhanh hơn người đi trước.
Xứ này còn nghèo nên ai nhanh chân, liều lĩnh chút và chịu khó đi trước một bước sẽ dễ thành công. Nhân vật Buttler trong “Cuốn theo chiều gió” đã nói rồi, người ta có thể làm giầu rất nhanh trong chiến tranh và ngay sau tiếng súng im.
Đợi khi mọi việc đã an bài như Bắc Mỹ hay châu Âu, chỉ tầm cỡ Bill Gates hay Steve Jobs mới có thể làm được. Viettel đi đúng hướng là xâm nhập thị trường các nước nghèo như Myanmar, Đông Timor, Nam Mỹ và châu Phi. Chục năm trước thấy anh Trương Gia Bình chém gió đưa FPT vào Mỹ, chả hiểu đến đâu rồi, hay mất hút con mẹ hàng lươn.
Đông Timor với GDP nominal khoảng 4 tỷ đô la (2012), bằng quả thua lỗ của Vinashin, thu nhập đầu người không hề thua kém ai. Bình quân đầu người (3600$) gần gấp 3 lần Việt Nam (1500$). Tuy nhiên nhìn trên phố người nghèo rất nhiều, hàng quán lèo tèo, bán những thứ mà tôi thấy từ 10 năm trước như dứa gánh vài quả, cá ươn, nhưng đồ uống Coke, Sprite, fast food kiểu Mỹ lại át nội địa.
Hỏi cô bé làm ở tiếp tân trong khách sạn, biết lương trả 350$/tháng, đủ nuôi chồng và hai con. Cô khoe đã giúp các em đi đại học ở Indonesia. Tuy có tiền Timor nhưng dân chúng toàn sài đô la Mỹ.
Dọc bờ biển có công viên Internet, lắp anten chảo nối vệ tinh, một khu nho nhỏ có mái che lượn sóng rất điệu. Giới trẻ vác máy tính nối mạng không dây, chu du ảo khắp thế giới. Cellphone, blackberry, iPhone trông sành điệu, nhưng chỉ dùng nội địa được vì giá đắt và dịch vụ cao cấp chưa đến miền đất này.
Sự chênh lệch giầu nghèo đã gây ra những bất ổn chính trị, tội phạm có tổ chức. Dân nước này đứng lên đòi độc lập nên sẽ không tha thứ cho việc lạm quyền, tham nhũng. Biểu tình chống chính phủ xảy ra thường xuyên nên Thủ tướng hay Tổng thống luôn phải giữ mình.
Tuy thế, đa số người dân ở đây hiền hòa. Gặp một gia đình trẻ, anh tên là Pedro, tôi bắt chuyện. Anh chị rất niềm nở và còn nói, muốn đi đâu thì anh đưa đi. Gặp một nhóm đang surf net cũng thế. Tôi chụp bức ảnh, họ gửi luôn vào facebook để khoe bạn bè, rồi lại hẹn, anh đi thăm Dili, họ sẵn sang đưa đi chơi.
Phố nghèo Dili, Ảnh: HM
Phố nghèo Dili, Ảnh: HM
Dẫu nghèo, nhưng sau hơn 10 năm độc lập, Đông Timor đã đi một bước dài. Thử hỏi 10 năm sau chiến tranh (1975), Việt Nam đã đạt được những gì, sẽ thấy người Timor năng động hơn, bởi thế chế đang tiến dần đến dân chủ. Nói chuyện với người dân, họ đều nói độc lập và tự do là tốt nhưng cần cả ấm no. Hiện nay với đa phần dân chúng vẫn còn là giấc mơ.
Chả hiểu sao tôi lại tin giấc mơ ấy sẽ đến. Bởi tôi nhìn thấy một gia đình khỉ gần chục con, trú trên cây đa cổ thụ giữa đường đi lối lại. Chúng thản nhiên đi kiếm ăn ở bờ biển, làm tình, sinh con đẻ cái, mà không bị ai bắt, xe thịt hay ngâm rượu. Ở Hà Nội mình, ve sầu, chim sẻ cũng chẳng còn, nói chi khỉ thả rông. Đường phố bẩn và bụi, giống Hà Nội những năm 1980, nhưng tâm hồn người Dili đang hướng tới tương lai trong sạch.
Theo truyền thuyết, có một em bé thấy một con cá sấu sắp chết bên bờ biển. Em tìm cách cứu sống và chú cá sấu hứa, khi nào em cần sẽ hiện lên, đưa đi bất kỳ nơi đâu. Với thời gian, cá sấu mệt mỏi, đói khát, chú định thịt luôn cậu bé ngồi trên lưng. Nhưng lo sợ sự bội ước nên cá sấu đi hỏi bè bạn. Ai cũng nói, đừng nên làm thế, sẽ bị quả báo.
Sau này cá sấu chết, biến thành vùng đất Đông Timor có hình con cá sấu. Đi biển, ai gặp cá sấu, ngư dân đều nói, xin đừng ăn thịt con cháu của mình. Là truyền thuyết nhưng mang đầy tính nhân văn. Có lẽ vì thế mà người Timor rất hiền và hay cười, nhưng cá sấu nổi cơn thịnh nộ thì hàng trăm ngàn lính Indo cũng phải bỏ chạy.
Máy bay đi Darwin (Australia) chuẩn bị cất cánh, phải đóng laptop, xin tạm biệt Dili, tạm biệt người Đông Timor dũng cảm. Chúc dân nơi đây với nụ cười thường trực trên môi, đạt được giấc mơ ấm no và xa hơn nữa.
Chúc Viettel nối dài đường truyền interner và cellphone đi khắp thế giới như họ đang làm tại xứ xa xôi này.
Vất vả mưu sinh. Ảnh: HM
Vất vả mưu sinh. Ảnh: HM
Niềm vui thế giới ảo. Ảnh: HM
Niềm vui thế giới ảo. Ảnh: HM
Viettel ở Timor Plaza. Chụp bằng Blackberry. HM
Viettel ở Timor Plaza. Chụp bằng Blackberry. HM
80674 tram internet
Trạm internet miễn phí. Ảnh: HM
© Hiệu Minh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"