HÀ NỘI: Theo một vài chỉ số thì nền kinh tế Việt
Nam đang chuyển động với một nhịp độ nhanh chóng. Hiện tượng lạm phát
tới mức hai con số từng hoành hành trong năm 2011 đã dịu bớt, và xuất
khẩu hàng dệt may và điện tử đang bùng nổ. Theo hãng xếp hạng tín nhiệm
Fitch thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở đây tăng 36% mỗi năm.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng GDP lại diễn ra chậm chạp: chỉ 5% vào
năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 1999. Một nguyên nhân quan trọng của thực
trạng này là việc Đảng Cộng sản không đưa được các doanh nghiệp nhà
nước (DNNN) vào khuôn phép và làm sạch những khoản nợ xấu đang ẩn hiện
trong hệ thống ngân hàng. Như ở nước láng giềng Trung Quốc, các quan
chức cao cấp của đảng và chiến hữu của họ cũng chẳng mặn mà gì với việc
can thiệp vào cái hiện trạng đang phục vụ tốt cho lợi ích của họ.
Song tính chính danh của chính quyền thì lại phụ thuộc vào khả năng
đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho 90 triệu người dân. Những tháng gần
đây, các quan chức đã bắt đầu hoạch định những cải cách kinh tế quan
trọng. Trong số những dấu hiệu đáng khích lệ là một nghị quyết của Bộ
Chính trị hồi tháng Tư, theo đó hội nhập kinh tế được ưu tiên hàng đầu,
và những cuộc tranh luận gần đây giữa các nhà lập pháp về cách thức “cổ
phần hoá”, hay tư nhân hoá một phần, các DNNN. Tháng Chín vừa qua, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết sẽ đối xử với 1.300 DNNN giống như
các công ty tư nhân và nâng trần sở hữu trong các ngân hàng sở tại cho
các nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49%.
Một nhà ngoại giao phương Tây nói rằng vấn đề bây giờ không phải là
liệu cải cách thực sự có diễn ra hay không, mà là tốc độ cải cách. Nếu
điều này là đúng thì tốc độ thay đổi có thể phụ thuộc vào các điều khoản
chi tiết của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp
định tự do thương mại với 12 nước do Hoa Kỳ dẫn dắt. Một trong những yêu
cầu của TPP là các nước thành viên phải hạn chế những thái quá của các
DNNN.
Việc TPP hướng trọng tâm vào các DNNN đem lại sự hậu thuẫn chính
trị cho các nhà lập pháp có đầu óc cải cách để họ theo đuổi nghị trình
của mình, chuyên gia kinh tế Phùng Đức Tùng nhận xét. Câu hỏi còn để ngỏ
ở đây là họ sẽ tiến xa tới đâu thôi, nhưng ông Tùng tin rằng tư nhân
hoá phần lớn các DNNN sẽ thúc đẩy nền kinh tế và đặt nền móng cho một cơ
sở thuế doanh nghiệp (corporate tax base – số doanh nghiệp đóng thuế)
tốt hơn.
Các DNNN, vốn chiếm 40% GDP, lại xoắn xuýt đầy nguy hiểm với các
ngân hàng quốc doanh – đây chính là những ngân hàng tài trợ cho việc mở
rộng hoạt động kinh doanh đầy rủi ro sang lĩnh vực bất động sản trong
giai đoạn phát triển bùng nổ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương
mại Thế giới (WTO) năm 2007. Thất bại của một số vụ đầu tư như thế khiến
tình hình nợ công của Việt Nam xấu đi và thị trường bất động sản tơi
tả.
Theo báo chí nhà nước, các DNNN đang tích cực “tái cấu trúc”. Không
ai chờ đợi hiện tượng vay ngân hàng tràn lan của chúng lặp lại. Tuy
nhiên, các DNNN vẫn hoạt động kém hiệu quả; một số doanh nghiệp bị chìm
trong nợ đến mức không trả nổi lương cho nhân viên.
Đây quả là tín hiệu không vui cho hàng trăm ngàn thanh niên bước
chân vào thị trường việc làm ảm đạm của Việt Nam, với những ai ngán ngẩm
trước tình trạng tham nhũng và bất bình đẳng đang gia tăng thì lại càng
không. Một ngày nào đó, cùng với tình trạng bất mãn phổ biến về giáo
dục, y tế và chính sách đối với đất đai, những vấn đề như thế có thể
châm ngòi cho sự bùng nổ của hiện tượng bất ổn xã hội.
Trong khi đó, các nhà đàm phán thương mại Mỹ vẫn đang nóng lòng
muốn kết thúc đàm phán TPP. Sự hấp dẫn đối với Việt Nam là cơ hội thâm
nhập thị trường Mỹ tốt hơn dành cho một số ngành thâm dụng lao động như
dệt may và giày dép. Tuy nhiên, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear
lại nói rằng Việt Nam cần cho thấy “tiến bộ rõ rệt” về nhân quyền để góp
phần khơi dậy sự ủng hộ TPP ở Mỹ. Trên phương diện này, việc Việt Nam
mới bỏ tù luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân dựa trên cáo buộc trốn thuế
nguỵ tạo sẽ không giúp ích được gì. Bất chấp điều đó, nhiều khả năng hai
bên vẫn sẽ ký kết hiệp định vào một thời điểm nào đấy trong năm tới.
Bản Anh ngữ: The Economist
Bản Việt ngữ: Blog Lê Anh Hùng