Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Nếu tôi là gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp


Nhà báo Nguyễn Đình Ấm
Tối qua (4/10/2013) trên mạng tràn lan tin tướng VNG từ trần, thọ 103 tuổi. Mặc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TLG
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TLG
dù kính trọng đại tướng nhưng tôi cũng không buồn vì ông đã sống thọ, hơn nữa ở cái tuổi 103 ông đã rất yếu, không còn tỉnh táo nữa. Một con người tồn tại chỉ có ý nghĩa khi tinh thần còn minh mẫn, nhận biết được thế giới xung quanh, có tác động gì đó có ích cho cuộc sống, gia đình, xã hội. Tướng Giáp đã hoàn thành vẻ vang xứ mạng một công dân với gia đình, đất nước, dân tộc, được nhân dân kính trọng, biết ơn…Thế là đủ.
Nay đến việc nên tổ chức tang lễ cho đại tướng như thế nào?
Tổ chức tang lễ là tỏ lòng thương tiếc, kính trọng với người đã khuất đồng thời nhắc nhở người đang sống phải sống như thế nào để sau này chết đi để lại sự lưu luyến cho thế hệ sau. Nếu xét theo ý nghĩa ấy thì đám tang tướng Giáp không cần tổ chức hình thức, rùm beng vì nó ngược lại với đức tính giản dị, thương dân của tướng Giáp khi còn sống. Vả lại, người sống có kính trọng, lưu luyến đại tướng hay không là ở chỗ ông đã sống như thế nào, đã làm những gì tốt cho gia đình, xã hội, nhân dân, đất nước, có làm gì hại nước, mọt dân, đã cầm tù, đày đọa ai oan sai…hay không chứ không phải làm đám tang to hay nhỏ. Nếu tôi là gia đình tướng Giáp thì tôi sẽ tự chủ trì tổ chức lấy đám tang của người quá cố.

Nhân dân, bạn bè gần, xa ai thương, quý tướng Giáp sẽ đến cùng lo toan, tiễn biệt tướng Giáp với gia đình. Đám tang chỉ thuần túy thể hiện tình cảm của người sống đối với người đã chết. Nếu là tôi, tôi sẽ không  tạo cơ hội cho bất kỳ người nào khi tướng Giáp còn sống thì không tôn trọng nay ông qua đời lại mang tiền bạc không phải của mình tổ chức rùm beng, lãng phí, phát biểu huyên thuyên để đánh bóng tên tuổi, lừa bà con thiếu thông tin về mình đối xử với tướng Giáp khi còn sống. Ông đã từng không được nhắc đến một cách xứng đáng sau chiến tranh, được phân công làm nhiệm vụ “kế hoạch hóa gia đình”, ý kiến của ông về việc phá bỏ hội trường Ba Đình, bô-xít Tây nguyên…không được hồi âm. Ngay cả dòng chữ trên vòng hoa viếng tướng Trần Độ của ông cũng không được tùy ý…Nay ông mất đi lại tỏ lòng “vô cùng thương tiếc” ư?
Thời gian gần đây chứng kiến khi ông đã rất mệt, yếu nhưng thỉnh thoảng lại có những người liên quan đến việc không tôn trọng ông đến chúc tụng, quấy rầy ra vẻ quý trọng đại tướng làm người ta buồn nôn với sự giả dối. Những lần ấy tôi thầm trách gia đình đại tướng quá dễ dãi…
Tôi quan niệm rằng sự kính trọng, yêu quý ai là chủ yếu thể hiện khi người đó còn sống. Khi người còn sống vợ, con, cháu chắt, người thân, đồng nghiệp…có kính trọng, vâng lời, chăm sóc chu đáo, hết mình về tinh thần vật chất…cho bề trên hay không. Ngược lại, khi người ta còn sống thì đối xử tàn tệ nhưng khi đã chết mới làm đám tang rùm beng là phô trương, giả dối lừa người đương thời về đạo đức. Tôi đã chứng kiến không ít người, gia đình bị thiên hạ phỉ nhổ thậm tệ do khi còn sống đối xử với bề trên không ra gì, bất nhân, bất nghĩa nhưng khi người ta chết thì tổ chức linh đình, thông báo đi khắp nơi để nhiều người đến dự thu tiền viếng, trong khi làm lễ tang gào khóc thảm thiết…để lừa thiên hạ.
Tôi có người mẹ mất năm bà 90 tuổi. Khi cụ ra đi, tôi không than khóc,  không thông báo cho bạn bè, ai biết thì đến. Tôi tổ chức đám tang cho mẹ giản dị, không cầu kỳ, loại bỏ những nghi thức rườm già phô trương tốn kém. Tôi không bổ bán cho người thân nghĩa vụ đóng góp cho đám tang mà tùy ai có gì dâng cúng. Tôi cũng không nhờ chính quyền tổ chức hộ đám tang mà tự gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết lo toan lấy…
Tôi không ân hận gì về cái chết của mẹ tôi vì khi cụ còn sống tôi hết mình chăm sóc, lo toan cho bà. Tôi ăn ở với dân làng, mọi người ở cơ quan hết tình, hết nghĩa, sống trung thực không làm việc gì sai trái, hèn hạ, thất đức, hại nước, mọt dân, không hưởng cái gì khi mình không có mồ hôi ở đó để người đời chê trách, khinh miệt. Tôi cho đó là mình đã làm trọn hiếu nghĩa với bề trên, dòng họ.
Xin gửi lời chia buồn với gia đình, xin thắp nén hương tiễn biệt đại tướng.
NĐA

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"