Nguyễn Tiến Dũng
Hôm qua, sau một hồi “thi lý sự” về tình hình VN, tôi chợt nhận
thêm ra một điều vì sao ở Việt Nam lắm người khôn ngoan vậy, mà bản thân
Việt Nam lại đứng cuối bảng về nhiều mặt so với thế giới như vậy. Thực
ra , điều này không có gì mới, chỉ có điều hôm nay tự nhiên thấy thấm
thêm. Đó là vấn đề, mà như người Anh thường nói, là “penny-wise,
pound-foolish”. Có thể dịch tiếng Việt thành “khôn chinh, dại đồng”.
Có một anh chàng rất ngốc, anh ta làm 50 thứ thì 49 thứ sai chỉ có 1
thứ đúng. Mỗi thứ sai khiến anh ta mất một xu, còn thứ đúng khiến anh ta
được 1 đồng. Tổng lại anh ngốc còn được 51 xu. Còn một anh khác rất
không, người đầy mưu mẹo, làm 50 thứ thì đúng được 49 thứ, chỉ sai có
mỗi một thứ. Nhưng 49 thứ đúng chỉ đem lại cho anh ta 49 xu, còn một cái
sai làm mất đi 1 đồng. Và kết quả tổng cộng là âm.
Người VN ta như vậy đó, rất “khôn khéo”, “mưu mẹo”, “tài tình”. Vậy
mà sao lại đì đẹt, luôn xếp hạng dưới trung bình về các mặt trên thế
giới, không những thua xa Hàn Quốc, Đài Loan, v.v., mà còn thua xa cả
những nước láng giềng “ngố” hơn ta như Thái Lan, Mã Lai, v.v. Có thể đổ
tội cho ngoại cảnh, nào là thực dân, nào là chiến tranh, nào là Bắc
thuộc, v.v. Nhưng có một điểm mấu chốt, mà nếu không công nhận, thì vẫn
sẽ thua mãi: đó là ta “khôn chinh dại đồng”.
Cái khôn của “ta” là gì? Là khôn về “mưu mô” (hay dùng mĩ từ thì là
“mưu trí”), cái khôn để luồn lách, để lạm dụng, để nguỵ biện, để tranh
quyền, để nhập nhèm, v.v. Về khoản đó dân các nước khác có lẽ đang thua
xa “ta”. Nhưng “một xã hội mà toàn người khôn như vậy là một xã hội khó
phát triển”. Vì quá “khôn”, nên mới “dại” về một vài nguyên lý cơ bản.
Còn người ta “ngố” nên người ta chú trọng đến vài nguyên lý căn bản
thôi, để sao cho người “ngố” cũng “tồn tại” được. Chẳnh hạn như nguyên
lý tam quyền phân lập, không biết đến bao giờ mới được những người VN
quá “khôn” chấp nhận!