Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Hoàng tử và Đại tướng (4)

Anh Gấu Phạm

Khoảng ngày 10 tháng Tám năm 1998, nhóm của Khanh và John cùng các người bạn học từ trường Luật của John là Kenan, Kevin và nhiếp ảnh gia là Robert đã đến Việt Nam. Họ đi thành các nhóm, nói theo ngôn ngữ của Điện Biên Phủ là các mũi giáp công, riêng rẽ với Khanh tới Sài Gòn trước còn John và những người kia đi tới Hà Nội. Nhóm của John mang theo đầy đủ các dụng cụ chèo thuyền và cả thuyền kayak nhãn hiệu Featherlight loại có thể gấp gọn được. Khanh từ Sài Gòn ra và đến ở tại một gia đình mà thời gian trước từng cho gia đình anh thuê nhà phía mạn Quảng Bá còn John và cả nhóm ở khách sạn Sofitel Metropole ở trung tâm khu phố tây. Họ thuê thêm một căn phòng dưới gầm cầu thang ngay lối cửa vào khách sạn để chứa những đồ đoàn cồng kềnh của nhóm.
Đầu tiên, Khanh đưa John cùng đến thăm dịch giả Dương Tường. Sau đó ba người cùng qua thăm nhà văn Hữu Mai. Ông Hữu Mai gọi điện ngay cho một vị là thư ký của Đại tướng. Vị này hứa sẽ cố gắng giúp đỡ thu xếp cuộc gặp và hẹn sẽ có câu trả lời trong vòng vài ngày. Ngay từ đầu Khanh đã nói với những vị hảo tâm địa phương là anh muốn cuộc gặp được thu xếp vào ngày cuối cùng họ ở Việt Nam là ngày 22 Tháng Tám. Lý do của việc này anh sẽ nói với tôi về sau.

Kế hoạch đã được khởi động và quyền định đoạt chiều hướng tiếp theo sẽ như thế nào không còn nằm trong tay họ nữa, nhóm đi ra khỏi Hà Nội để đi thuyền kayak trên sông. Điểm đến là Pác Bó – căn cứ địa của cách mạng Việt Nam. Tôi hỏi tại sao lại chọn Pác Bó - để nịnh người ta hả? Khanh trả lời là không phải thế mà vì Pác Bó là một trong hai địa điểm mà anh cho là đẹp nhất Việt Nam. Trên đường đi, do thời gian giờ chỉ là chờ đợi và vì vậy quá thừa thãi, nhóm bạn dừng lại ở Thái Nguyên ăn cơm rồi ở đó một đêm. Dọc đường đi có lúc cả đám dừng lại đi đái ở ven đường xong John chạy đi đâu mất mà không nói với ai cả. Hóa ra là John nhìn từ xa thấy có cái làng bên đường và tò mò muốn tìm hiểu đời sống của người dân ở đó nên đi vào xem. Tới Pác Bó, họ đi thăm cả hang Pác Bó và hang gì gần đó xưa đặt Bộ Tham mưu không đẹp bằng.

Hang Pak Bó

Họ mất cả ngày để lắp các thuyền kayak lên xong đêm đó Khanh thương lượng với bảo vệ của một trạm dịch vụ du lịch gần đó cho họ ngủ trộm qua đêm ở đó với chăn màn Khanh đã mua mang theo từ Hà Nội. Sáng sớm bảo vệ đã vào đánh thức họ dậy để giục họ đi trước khi các nhân viên của trạm đến làm việc có thể bắt gặp họ ở đó.

Suối Lê Nin

Mấy ngày sau cả nhóm đi thuyền dọc sông, có ngày đi được 7 km. Khanh kể là John là người ưa mạo hiểm tới mức mà nhiều lúc anh ấy chèo thuyền vượt thác khi mà những người khác chọn mang thuyền lên bờ đi bộ xuống. Tới cuối hành trình Khanh liên hệ với ông Tường ở Hà Nội và được cho biết là cuộc gặp của họ với Đại tướng đã được chấp thuận vào lúc 2h chiều ngày 22 tháng Tám đúng như Khanh đã yêu cầu.
Trở về Hà Nội cả nhóm lại đi tiếp đi Hạ Long nơi họ đến thăm “hang Sửng sốt, đảo Titov vân vân.” John rất quan tâm đến đời sống của dân nghèo Hạ Long và thường không bỏ lỡ dịp trò chuyện với ngư dân để hỏi thăm về đời sống con cái của họ. Anh hay hỏi nhiều về việc học hành, nghề nghiệp tương lai. Khanh nói anh nhận ra John là người rất thương trẻ con và thương người nghèo khổ. Khi đi bơi ở Hạ Long có chú bé con nhà ngư dân chỉ tay vào cái kính bơi của John hiệu gì đó đắt tiền John bỏ ra và cho ngay chú bé cái kính “giá 2-300 đô.”

John với cháu bé con ngư dân ở Hạ Long.

Trưa 22 tháng Tám, cả nhóm tập trung ở khách sạn Metropole. Theo kế hoạch sẽ có Khanh, John và Robert là nhiếp ảnh gia đi đến cuộc gặp. Đang kể Khanh bỗng sực nhớ ra điều gì và bảo để anh kể tôi nghe chuyện này:
“Anh biết đấy ở Việt Nam mình tay nào cũng có nào là vợ hai, nhân tình, bồ nhí, phòng nhì vân vân…Theo tôi là bởi vì tương lai nó mờ mịt quá không ai biết về sau rồi sẽ ra làm sao nên họ buộc phải có cái mà tiếng Anh gọi là redundancies – tức là như trong công nghệ cao thì là những cái hệ thống phụ trợ để nếu hệ thống chính hỏng thì còn có cái sau nó đỡ, tức là những cái kế hoạch hai, kế hoạch ba đấy.”
“Như anh biết thì kế hoạch một của chúng tôi là xin đi qua con đường chính thức với Đại sứ quán Việt Nam mà rồi không thành, và đi kiểu chui qua ông Hữu Mai thế này đã là kế hoạch hai, nhưng mà biết rõ cái kiểu Việt Nam mình là cái gì đi nữa đến phút cuối vẫn có thể thay đổi nên tôi vẫn chưa thật yên tâm. Bên nhà vợ tôi có một người anh họ tên Ân, tình cờ thế nào lại lấy vợ là cháu họ xa đằng nhà ông Giáp. Biết thế tôi mới dặn anh Ân là nếu như 2h chiều chúng tôi đến mà vì bất kỳ lý do gì cuộc gặp bất thành thì tới 4h chiều, nhờ anh chị xin phép gia đình trước, cho tôi và John được đi cùng hai xe máy với anh chị tới thăm ông Giáp với tư cách như người cháu trong gia đình. Đấy là cái kế hoạch ba dự trù của chúng tôi. Tôi nói với anh Ân là tôi không thể nào mà đưa Kennedy Con đến đây rồi lại về không mà không gặp được ông Đại tướng.”
Xuất phát từ khách sạn Metropole, họ cẩn thận không đi bằng taxi mà đi trên một xe có biển hiệu của làng trẻ Hòa Bình Thanh Xuân nơi anh Ân công tác. Họ lọt vào “tập đoàn cứ điểm” 30 Hoàng Diệu mà không gặp khó khăn gì. Họ được đón bởi một cô gái là chị Phạm Quỳnh Anh – nhìn danh thiếp cô Quỳnh Anh thấy ghi Ban Đối ngoại Khanh kể là anh thở phào nhẹ nhõm vì biết là cuộc gặp đã được phép chính thức. Các vị khách được dẫn vào phòng tiếp khách qua lối cửa sau nơi Lão Đại tướng và nhóm tùy tùng đã đứng chờ sẵn. Lúc đó là khoảng 2h chiều ngày 22 tháng Tám năm 1998.
“Có những ai ở trong phòng?”
“Có Tướng Giáp và cô Quỳnh Anh ngồi ở góc này với tôi và John còn ở góc xa có một nhóm khác trong đó có người mặc quân phục và sau này đọc báo thì biết chắc là có cả ông Dương Trung Quốc nữa. Họ cũng ghi âm và chụp ảnh nhưng tôi không biết giờ họ giữ tài liệu ở đâu. Có lẽ ông Quốc biết.”
“Tức là chỉ có anh và John với Cụ và cô Quỳnh Anh nói chuyện?”
“Đúng thế. Chỉ có ông Giáp và John nói còn cô Quỳnh Anh dịch. Tôi chỉ ngồi đó để bổ khuyết cho cô Quỳnh Anh khi cần. Cô Quỳnh Anh là con gái ông Phạm Văn Chương là người mà tới nay tôi cho là nói tiếng Anh hay nhất Việt Nam nên tiếng Anh cô cũng giỏi lắm.”
“Cụ với John ngồi thế nào?”
“Hai người ngồi cạnh nhau như tôi với anh đây. Ông Giáp rất rất thân mật. Thỉnh thoảng để nhấn mạnh điều gì ông còn vỗ vào đùi John.”
“Cuộc gặp kéo dài bao lâu?”
“Khoảng một tiếng rưỡi. Nhưng tôi phải nói với anh là tôi rất ngu ở chỗ thế này. Khi đến cuộc hẹn thì tôi vẫn cứ có cái tâm lý là đang đi làm chui nên tôi dặn John là chỉ ngồi 1 tiếng thôi, xong là anh phải xin phép ông Giáp đi ngay, vì là tôi sợ là ngồi lâu rồi có ai biết chuyện nó thu mất cái băng ghi âm của tôi thì thành ra tay trắng. Đấy cũng chính là lý do mà tôi cố đẩy cuộc hẹn tới hôm trước ngày rời Việt Nam. John cũng xin phép đi nhưng ông Giáp cứ níu kéo lại trò chuyện. Nếu tôi mà biết trước là gặp thế là người ta đã cho phép rồi thì tôi đã để kệ cho họ ngồi với nhau mà không thúc giục.”
Một tiếng rưỡi sau bên khách xin phép Đại tướng ra về. Họ chụp chung với nhau một vài bức ảnh. Khanh nói Đại tướng đối xử với John rất gần gũi, rất thân thiện, và cởi mở. Ra về Khanh chạy về chỗ ở giấu cái băng ghi âm xong quay lại khách sạn Metropole cả nhóm gặp nhau để ăn mừng một điệp vụ đã hoàn thành xuất sắc. John vui mừng mang hết đồ đạc gửi trong kho ra phát cho nhân viên Metropole người áo, người mũ, người kính. Khanh bảo tôi là không hiểu còn nhân viên nào của Metropole giữ lại những món đồ kỷ niệm đó không.
Khanh và John ôm chào tạm biệt nhau để Khanh vào Sài Gòn rồi từ đó về lại Mỹ. Chắc chắn không ai trong họ biết rằng đó là lần cuối cùng trong đời mà họ gặp mặt nhau.

Chủ và khách

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"