Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Hoàng tử và Đại tướng (3)

Anh Gấu Phạm

Khách sạn George ở Washington DC
Vừa ăn vừa nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt chỉ chốc lát thôi thì câu chuyện giữa tôi và anh Khanh đã có loáng thoáng vài từ đệm. Xong rồi thì anh xin một hai miếng rau từ đĩa của tôi còn tôi thì cũng thò tay sang bốc mấy miếng khoai rán từ đĩa của anh. Chúng tôi đã không mất nhiều thời gian để xây dựng một tình cảm hỗn hợp đồng hương và đồng chí. Các linh hồn đã giúp gắn bó chúng tôi.
Tên của khách sạn nơi chúng tôi đến ăn trưa cũng là George, và cũng đặt theo tên của Tổng thống George Washington giống như tên tạp chí của John. Giữa khách sạn và tạp chí không có liên hệ gì với nhau nhưng do có tính thích đùa vui John thường thuê chỗ ở khách sạn này để làm tiệc mỗi khi tạp chí của anh có sự kiện gì ở Washington DC để ra cái vẻ như khách sạn hay tạp chí cái này sở hữu cái kia.


John và buổi ra mắt số tạp chí đầu tiên. Hình bìa là hình tổng thống Washington
Sau khi John trở về Mỹ sau chuyến đi Việt Nam lần đầu năm 1993, anh Khanh và gia đình vẫn giữ liên lạc được với John, chủ yếu là nhờ nỗ lực từ phía John. Thời đó là thời trước của email và internet nên các liên lạc giữa hai người thường qua fax. Mỗi năm anh Khanh và gia đình vẫn gặp lại John một lần mỗi khi gia đình anh về chơi thăm Mỹ. Năm 1995 anh Khanh rời Việt Nam sau khoảng thời gian hơn 10 năm gắn bó với quê vợ. Trở về Washington DC anh giữ liên lạc với John qua điện thoại và gặp nhau mỗi khi có dịp ở Washington DC hay New York nơi John sống.
Năm 1996, con trai anh Khanh bị chẩn đoán mắc bệnh máu trắng (leukemia) và trong suốt một năm sau đó anh dành thời gian chăm sóc con và đưa cháu bé đi thực hiện các đợt hóa trị. Anh Khanh kể về một lần sau một đợt hóa trị dài anh đã đưa con trai đi New York chơi và John đã đưa hai cha con đi ăn kem ở một tiệm kem nơi mà theo lời John kể thì khi xưa mỗi lần đi nha sĩ khám răng xong bà Jackie đều đưa John qua đó ăn kem để thưởng. Tôi hỏi anh Khanh giải thích về cách mà John với Khanh đã phát triển được một tình cảm bạn bè chỉ xuất phát từ cuộc gặp gỡ đơn giản và tình cờ ở Việt Nam. John là người du lịch nhiều nơi và nếu đi đâu gặp ai anh cũng thành bạn bè thế này thì số bạn của anh chắc là nhiều lắm. Khanh đưa ra giải thích của anh rằng John là người được nhiều người săn đón và vì thế anh có một xu hướng tự nhiên kết bạn với những người mà anh tự tìm đến với người ta, như là cách đã xảy ra giữa John và Khanh. Hơn nữa, Khanh nhận xét là tính cách không vồn vã, xởi lởi, săn đón của bản thân anh cũng là một điểm gây được tin cậy ở John. Ngoài ra còn một điểm nữa anh nói mà tôi tin là John có tình cảm có phần nào đó đặc biệt hơn với Việt Nam và vì thế qua Khanh, một người Mỹ hiểu, yêu Việt Nam và nói tiếng Việt “phải nói quá giỏi”, John giữ được một mối liên hệ tới Việt Nam một cách dễ dàng và thuận tiện. Tình bạn của hai người nếu tách ra khỏi hoàn cảnh Việt Nam có lẽ sẽ bị mất đi tới quá nửa phần ý nghĩa.
Khoảng tháng Mười Một năm 1997, John gọi điện cho Khanh và nói muốn nhờ Khanh thu xếp một cuộc gặp để phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội. Lúc đó tạp chí George đã vận hành khá thành công được hơn hai năm. Một mục được đánh giá cao là mục các bài phỏng vấn tên là The George Interview. Do lợi thế “con nhà” của John mà George có thể thu xếp được các cuộc phỏng vấn với nhiều nhân vật nổi tiếng để thực hiện các bài phỏng vấn đặc sắc và thú vị. Ý tưởng phỏng vấn Tướng Giáp nằm trong dự liệu xuất bản của năm 1998 là năm kỷ niệm 30 năm sự kiện Tết Mậu thân. Ý tưởng này cụ thể bao gồm việc xuất bản song song hai bài phỏng vấn hai đối thủ là lãnh đạo quân đội hai bên chiến tuyến. Ở phía Mỹ, George chọn phỏng vấn Tướng William Westmoreland, cựu tư lệnh các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Nam Việt Nam vào thời điểm 1968.
Khanh nhớ lại là anh đã nói với John rằng việc phỏng vấn này chắc không thể tự thu xếp được mà cần phải đi qua đường chính thức. Anh đã liên hệ với một người quen từ lâu năm là Đại sứ Lê Văn Bàng, lúc đó mới trở thành Đại sứ chính thức đầu tiên của CHXHCN Việt Nam tại sứ quán mới mở ở thủ đô Washington và nhờ Đại sứ chuyển yêu cầu chính thức về nước để xin cho John F. Kennedy Jr. được gặp và phỏng vấn Đại tướng. Mặc dù Đại sứ Bàng là người bạn quý của anh Khanh chắc chắn đã nỗ lực hết sức để đưa yêu cầu này vào danh sách ưu tiên nhưng mấy tháng trôi qua mà Khanh vẫn không nhận được câu trả lời đồng ý. Điều này theo lời Khanh là rất lạ vì hai lý do. Thứ nhất, túc đó là thời đầu của giai đoạn Việt Mỹ đề huề, mọi thứ diễn ra giữa hai nước đều được tạo điều kiện tốt nhất từ giấy tờ, visa, thủ tục vv Đại sứ quán Việt Nam đều tạo mọi điều kiện để chứng tỏ sự hiếu khách với nước Mỹ mới từ cựu thù trở thành bạn. Thứ hai, do cái vị thế tương đối cao của anh mà John là người đi đâu xin việc gì cũng đều đạt được kết quả. Kết hợp hai lý do đó lại với nhau Khanh thấy việc John xin mãi mà không được gặp Tướng Giáp chắc chắn phải là do có ai đấy không muốn và không cho phép Cụ gặp John chứ Cụ Giáp thì không có lý do gì để từ chối gặp Kennedy Con cả nếu không phải là Cụ còn chào đón nữa.
Nhận thức được trở ngại giấu mặt này, Khanh cố gắng tìm một con đường khác để vận động chính thức cho cuộc gặp. Khanh dự định sẽ nhờ sự can thiệp của Đại sứ Hoa Kỳ mới nhậm chức là ông Pete Peterson nhưng khi mới ngỏ ý này ra đã bị một người bạn lâu năm khác làm việc trong chính quyền thành phố Hồ Chí Minh can lại với lý do là “đằng nào cũng không được rồi thì dù ông Đại sứ có can thiệp cũng sẽ không được đâu, mà lại làm to chuyện ra thêm.” Tin tưởng các người bạn của mình Khanh đã định sẽ bỏ cuộc và thông báo cho John biết về thất bại.
Tình cờ thế nào đó tại một buổi triển lãm tranh ở Washington DC, Khanh gặp bà Dorothy Fall là quả phụ của nhà báo/nhà phân tích/giáo sư chính trị Bernard Fall và được bà cho biết là bà mới đi Việt Nam về và trong chuyến thăm đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khanh nói với bà là gặp được ông Giáp là khó lắm và hỏi bà đã sắp xếp cuộc gặp thế nào. Bà Fall cho biết nhà văn quân đội Hữu Mai đã giúp đỡ bà sắp xếp cuộc gặp đó. Khanh bỗng cảm thấy là vẫn còn chút hy vọng gì đây.

Bìa sách của bà Dorothy Fall
Ở đây có một điểm mỏng manh nhưng thú vị cần xem xét. Ông Bernard Fall là một học giả mang quốc tịch Pháp và Mỹ đã đến Đông Dương đi thực địa chiến trường cùng binh lính Pháp từ năm 1953 và chứng kiến những ngày cuối cùng của Pháp ở Đông Dương. Quan điểm của ông lúc đó là Pháp thua do Mỹ đã không chi viện đủ và ông ủng hộ sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương để giúp ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Ông Fall sang Việt Nam nhiều lần và trở thành một nhà bình luận, một chuyên gia về Việt Nam nổi tiếng thời đó. Ông dần dần trở nên bi quan với chế độ của ông Ngô Đình Diệm và ủng hộ sự can thiệp quân sự của Mỹ nhưng sau đó bắt đầu phân tích những nhược điểm của phía Mỹ trong cuộc chiến tranh ngày càng leo thang rồi đưa ra những dự đoán về việc Mỹ sẽ thua trận ở Việt Nam giống như Pháp trước đó. Năm 1962 trong thời gian giảng dạy ở Học viện Hoàng gia Campuchia, ông Bernard Fall đã được mời qua Hà Nội phỏng vấn cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh đã đưa ra dự đoán rằng quân Mỹ sẽ phải rút quân trong vòng một thập kỷ. Những phân tích của ông được người ta coi trọng vì sắc sảo nhưng không ưa vì mang nặng tính phê bình tới mức FBI bắt đầu đặt ông vào diện theo dõi.

Ông Bernard Fall ở miền Nam
Những lời tiên đoán về chiến tranh của ông về sau người ta xác nhận lại là đúng đắn. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Colin Powell có nhận xét khi đọc lại một cuốn sách của ông Fall đại ý rằng nếu Tổng thống Kennedy hay Tổng thống Johnson chịu đọc sách của ông Fall thì họ đã nghĩ cách rút quân ra khỏi vũng lầy Việt Nam. Ở bên kia chiến tuyến ông Bernard Fall tất nhiên được coi là tiếng nói hàng đầu của lương tri nhân loại chống chiến tranh Việt Nam nên việc bà Fall được tiếp đón nồng nhiệt bởi các lãnh đạo Việt Nam là điều dễ hiểu. Điều thú vị ở đây là việc cuối cùng thì chính bà Fall đã chỉ hướng cho con trai Tổng thống Kennedy đến gặp lãnh đạo Việt Nam – một việc mà xưa chồng bà đã không thành công với chính ông Tổng thống.

Dịch giả Dương Tường
Anh Khanh đã liên hệ với ông Dương Tường, một dịch giả - nhà văn của Việt Nam là họ hàng bậc anh bên vợ của anh, và hỏi ông Tường có quen ông Hữu Mai không. Ông Tường trả lời là bạn 30-40 năm rồi và hứa sẽ chuyển lời tới ông Hữu Mai nhờ ông này giúp đỡ. Nhà văn quân đội Hữu Mai là người đã làm việc với Đại Tướng Giáp thể hiện cả năm cuốn hồi ký chính của Đại tướng nên rất gần gũi với Đại tướng. Mấy ngày sau Khanh nhận được tín hiệu đèn xanh từ các ông Hữu Mai và Dương Tường ở Hà Nội.

Nhà văn Hữu Mai (bìa phải) với Tướng Giáp
Ngày hôm đó là khoảng tháng Sáu năm 1998, bẩy tháng sau khi họ bàn bạc ý định, John và Khanh gặp nhau tại một buổi tiệc ở khách sạn George. Khanh chỉ tay là chúng tôi đứng đúng “chỗ này này”, và tôi bảo John là kế hoạch chính thức không ăn thua rồi, giờ John có thể chọn hoặc bỏ cuộc hoặc cứ đi Việt Nam rồi thì làm theo đúng kiểu Việt Nam là “tiền trảm hậu tấu”, “xin phép không được thì ta xin lỗi.”

"Chỗ này này"
“Anh Khanh đúng là cái thằng Việt Nam.” Tôi vừa cười vừa nói.
Khanh bảo: “Anh thấy tôi đểu quá hả? Phải nói là quá đểu. Xưa mới đi Việt Nam còn ngây thơ, tốt lắm, nhưng Việt Nam làm cho mình thành ra như thế. Cha mẹ cho toàn tính tốt còn Việt Nam cho toàn tính đểu. Ở Việt Nam nhiều lúc tôi thấy còn tự do hơn cả ở Mỹ vì anh muốn làm cái gì mà chẳng có cách. Ở Mỹ anh dính vào luật là anh chết chắc rồi chứ ở Việt Nam anh không có cách này thì có cách khác chứ mà cứ làm đúng đắn đàng hoàng thì chúng nó bảo anh là cái gì cái con gà công nghiệp.”
Tôi bảo: “Anh Khanh nói đúng. Người Việt không có chịu bỏ cuộc dễ dàng đâu, việc gì cũng thế.”
Khanh nói: “Anh biết sao những người châu Âu đầu tiên đến Việt Nam gọi người Việt là “người Phổ châu Á” không? Chính vì người Việt nó dữ, toàn muốn chiếm đất của người ta, và chiến đấu rất ác cái kiểu thông minh, hay xoáy vào những cái chỗ yếu của người ta để khai thác đến chết thì thôi. Người Việt mình anh ạ tôi yêu thì yêu lắm nhưng bảo kính trọng thì không. Toàn những trò qua cầu rút ván, chọc gậy bánh xe, ăn cháo đá bát thì kính trọng thế nào được cơ chứ.”
Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu và đồng ý với anh.
Quay lại câu chuyện giữa Khanh và John, lựa chọn mà Khanh đưa ra cho John là quá dễ. John quyết định sẽ đi Việt Nam theo đúng chiến thuật “đánh du kích” kiểu Việt Nam. Hàng năm, John có lệ vẫn đi chèo thuyền kayak cùng với hai người bạn là Kenan và Kevin. Mỗi năm họ đi một nước khác nhau đáp ứng được đúng những tiêu chuẩn: “rất mạo hiểm, cảnh đẹp, đồ ăn ngon, phụ nữ đep.” Họ thỏa thuận với nhau hôm đó tại đúng “chỗ này này” là điểm đến năm đấy của họ sẽ là Việt Nam. Mục đích của chuyến đi sẽ là để John gặp bằng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"