Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Hoàng tử và Đại tướng (2)

Anh Gấu Phạm
Đêm thứ Hai tôi thức khuya kiểm tra thật kỹ cái máy ghi âm mới sắm riêng cho lần trò chuyện này và cất vào túi đồ không phải một mà tận hai bộ pin dự phòng. Khi biết chắc mọi thứ đã ổn tôi mới dám đi ngủ, trong lòng tràn đầy suy nghĩ mông lung rằng những thời điểm như thế này sẽ không còn bao giờ lặp lại nữa. Quả thực, tôi biết là nếu cần tôi có thể sắp xếp để gặp anh Khanh bất kỳ lúc nào cả hai chúng tôi cùng có thời gian nhưng để trò chuyện với anh về JFK Jr., mà từ lúc này tôi sẽ gọi tắt là “anh John”, và cuộc gặp của anh John với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc cụ Giáp mới qua đời là điều chỉ có thể xảy ra ngay bây giờ hoặc không bao giờ nữa.
Trưa thứ Ba tôi lái xe qua đón anh Khanh tại một trụ sở của một hội đoàn Công giáo ở khu Đông Bắc thủ đô Washington DC nơi anh Khanh đang phụ trách các vấn đề về cứu trợ cho người tị nạn. Anh Khanh đi từ trong khu văn phòng ra gặp tôi đứng chờ ở bãi đậu xe. Tôi nhìn thấy anh tóc dài để xõa ra hai bên, khuôn mặt xương xương và đôi mắt sáng đi nhanh về phía tôi trong khung cảnh của khuôn viên thanh bình giống như trong vườn của một nhà thờ và tôi nghĩ rằng anh Khanh trông thật giống Đức Chúa Giê-su. Ban đầu chúng tôi dự định sẽ ăn trưa ngay tại nơi anh Khanh làm việc nhưng sau đó anh Khanh có hỏi lại tôi có muốn ăn trưa tại một khách sạn nơi mà ở đó hồi 1997-1998, anh Khanh và anh John đã gặp nhau để “bàn mưu tính kế” xem làm thế nào để anh John có thể gặp được cụ Giáp ở Hà Nội. Ý kiến đó của anh Khanh tôi cho là quá tuyệt vời vì nếu làm được thế thì chúng tôi, dù chỉ sơ sài chút ít thôi cũng có thể tái tạo lại được khung cảnh và hoàn cảnh của thời điểm bắt đầu của câu truyện. Nhiệm vụ của tôi như là một người ghi chép lại câu truyện nhờ đó trở nên thuận lợi hơn nhiều.


Nghỉ tại trại David vài tháng trước vụ ám sát.
Khách sạn George nơi tôi và anh Khanh ăn trưa ở cách cơ quan anh chỉ chừng 5 phút lái xe. Trong xe trên đường đến đó hai chúng tôi trò chuyện để làm quen lại với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt. Tôi cố gắng hạn chế không nói về những chủ đề trọng tâm mà chỉ trao đổi với anh về những người bạn chung hay những chi tiết lý lịch và nghề nghiệp của mỗi chúng tôi. Tới nơi chúng tôi đi vào nhà hàng của khách sạn là một chuỗi các phòng lớn cấu trúc thoáng và mở. Thực đơn của nhà hàng cho thấy đây là một tiệm ăn Pháp có mức độ sang trọng trên trung bình. Tôi cảm ơn anh Khanh đã dành thời gian cho tôi sau đó tôi bật máy ghi âm để ở trên bàn ăn giữa bánh mì Pháp và các ly nước lọc. Do lượng khách ăn trưa đông và nhà hàng có cấu trúc khá mở nên tôi hơi e ngại những tiếng vọng rì rầm trò chuyện sẽ làm giảm chất lượng ghi âm.
“Anh Khanh đã gặp anh John lần đầu như thế nào?”. Người phục vụ mang món khai vị ra và tôi bắt đầu đặt câu hỏi.
“Hồi đấy là năm 93, tôi đang công tác ở Sài Gòn. Một chiều bỗng có cuộc điện thoại gọi đến. Người đầu dây bên kia xưng tên là John Kennedy, hiện đang ở Sài Gòn và qua một người khác đã có được số điện thoại của tôi và muốn được gặp gỡ để xin lời khuyên du lịch ở Việt Nam. Tôi và bà xã có đến gặp anh John và bạn gái lúc đó là nữ diễn viên Daryl Hannah ở khách sạn Continental.”
“Anh có nhận ra ngay anh John là ai không?”
“Không. Trước hết là vì anh John là người rất là giản dị và dễ gần. Phần nữa họ Kennedy cũng không phải là quá hiếm. Nhưng tôi nhận ra diễn viên Daryl Hannah ngay. Xong tới đêm về tôi mới nghĩ ra và bảo vợ là đây đích thị phải là JFK Jr.”
“Anh có cảm thấy ngạc nhiên, vui, hay ấn tượng không?”
“Không. Tính tôi không hay bị ấn tượng lắm với những người nổi tiếng. Nhưng mà có nhiều người nhận ra John. Như mấy cô gái Mỹ cứ đứng ở bên sảnh khách sạn xong nói “Hi John”. Có người còn gọi điện lên phòng. Hồi đó tôi bận công tác và chăm ba đứa con nên cũng không tự đưa John và bạn gái đi chơi được nhưng có sắp xếp nhờ một ai đó đưa họ ra Nha Trang, Huế, Hội An. Sau đó khi John quay lại tôi có đưa anh ấy đến một buổi gặp gỡ của nhóm doanh nhân Mỹ ở Sài Gòn. Thời đó là trước khi bỏ cấm vận rất lâu và doanh nhân Mỹ ở Sài Gòn chỉ có chục người, hay hẹn gặp nhau tuần một lần ở bar trên nóc khách sạn Bông Sen. Xong một thời gian rồi công an nhắn là đừng có tụ tập thường xuyên nữa thế là tan nhóm. Thời đó còn ấu trĩ như thế.”
“Bà xã tôi cho John mượn xe Honda 50-70 phân khối gì đó xong John cũng đi bụi khắp nơi. Đấy là điều làm tôi ấn tượng nhất về John là tính giản dị, dễ gần, chu đáo quan tâm tới người khác của anh ấy. John có hỏi chúng tôi là nuôi con nhỏ như thế thì có thiếu gì không? Tôi nói không cần gì cho trẻ con nhưng ở đây thì thiếu nhạc mới. Chừng hai tháng sau khi anh ấy về tôi nhận được một thùng của Fedex gửi tới bên trong có 12 đĩa CD nhạc mới mà John gửi cùng với một lá thư dài mấy trang mà John và Daryl thay nhau viết kể chuyện cho chúng tôi nghe. Mặc dù John quen biết nhiều người làm lớn và với gốc gác gia đình như thế thì John muốn gặp ai cũng được nhưng anh ấy không bao giờ tỏ vẻ con ông cháu cha hay gì. Có lúc nào John kể chuyện những người làm lớn cũng chỉ để nói là người ta vẫn có thể to đầu mà dại. Anh ấy cư xử với người trên kẻ dưới đều công bằng. Tôi cho rằng có lý do là vì sau khi cha mất, mẹ anh ấy tách John ra khỏi gia đình Kennedy, đặc biệt sau khi ông chú Bobby cũng bị ám sát chết năm 1968. Có lẽ đây là lý do tại sao anh ấy không có những nét tính xấu của đám con cháu dòng họ Kennedy.”
+ + +

Kennedy Cha và Con
Ngày sinh nhật lần thứ ba của John, 25 tháng Mười Một năm 1963, như đã nói chính là ngày quốc tang cha anh. Bà Jackie đã hoãn làm tiệc mừng sinh nhật anh tới ngày 5 tháng Chạp 1963 là ngày cuối cùng của gia đình Kennedy ở Nhà Trắng.
Mồ côi cha lúc vừa tròn ba tuổi, John sống cùng mẹ và chị gái Caroline (khi đó 6 tuổi) trong một căn hộ 15 phòng ở khu nhà giầu Upper East Side bên phía Đông của công viên Central Park ở thành phố New York. Chỉ 4 năm sau, hai chị em John lại chịu một sự tổn thất lớn nữa. Chú của họ, Thượng nghị sĩ Robert Kennedy (Bobby), bị bắn chết khi vừa dành được đề cử của đảng Dân chủ để ra tranh cử Tổng thống. Ông chú Bobby đã đóng vai trò giống người cha của hai đứa trẻ sau khi Tổng thống Kennedy qua đời. Cuối năm 1968, bà quả phụ Jackie Kennedy tái hôn với tỷ phú tầu biển gốc Hy Lạp Aristotle Onassis. Người Việt Nam biết đến ông này như nguyên mẫu của nhân vật tỷ phú trong tiểu thuyết Đời tỷ phú xuất bản thời trước Mở cửa.
Những thông tin về thời thơ ấu của John không có nhiều nhưng do người ta biết rằng bà Jackie sau khi tái hôn đã dành thời gian sống với chồng mới ở ba nơi khác nữa ngoài căn hộ mà ba mẹ con đã sống với nhau người ta có thể giả định an toàn rằng John và chị gái đã lớn lên đa phần dưới sự chăm sóc của bảo mẫu. Hai chị em luôn chịu sự theo dõi của truyền thông và báo chí và John có lúc ẩu đả với nhà báo hay nhiếp ảnh gia đeo bám bọn trẻ. Báo chí phê bình John là vị kỷ và học hành không được tốt lắm. Sau khi vào đại học Brown ở Rhode Island, John bắt đầu tu chí học hành hơn. Anh đã sang châu Phi làm việc trong một công ty mỏ, gặp gỡ lãnh đạo sinh viên và chính phủ ở Zimbabwe, hay đi cùng với Lữ đoàn Hòa Bình đến Guatemala giúp đỡ nạn nhân động đất.

John ngồi trên trực thăng Heli One
Tốt nghiệp đại học năm 1982 với bằng Lịch sử Mỹ, John sang học ở Đại học Tổng hợp Dehli bên Ấn Độ. Năm 1984 khi quay về Mỹ, anh vào làm việc cho Văn phòng Phát triển Doanh nghiệp của Thành phố New York. Năm 1986, chủ yếu là để làm vừa lòng mẹ, John vào học trường Luật của Đại học New York.Tại đại hội Đảng Dân chủ năm 1988, John có bài diễn văn giới thiệu chú của mình là Thượng nghị sỹ Edward Kennedy và cử tọa đã đứng lên vỗ tay trong suốt 2 phút liền. Người ta bắt đầu nói về khả năng một ngày nào đó John đi theo con đường chính trị của cha ông. Năm 1989, sau khi học xong trường Luật John phải thi ba lần mới vượt qua được kỳ thi để thực hành luật ở New York và sau đó trở thành một phụ tá công tố ở văn phòng chưởng lý Robert Morgenthau tại Manhattan, New York. John đã thắng cả 6 vụ án anh tham gia thụ lý nhưng tới năm 1993 đã rời bỏ công việc công tố.
Được thừa hưởng nét đẹp của cả cha và mẹ, John có một cuộc sống tình ái vô cùng đa dạng. Trong số những người phụ nữ đã từng qua đời anh có cả nữ hoàng nhạc pop Madonna, các diễn viên Daryl Hannah (“Kill Bill”), Julia Roberts (“Pretty Woman”), Brooke Shields, Sarah Jessica Parker (“Sex and the City”), và nhiều người mẫu khác. Năm 1988 tạp chí People, một tạp chí bình dân của Mỹ, bầu chọn John là “người đàn ông gợi tình nhất trên đời” – và số tạp chí đó là số bán chạy nhất trong lịch sử tạp chí. Tháng Chín năm 1996, John làm tan vỡ trái tim biết bao cô gái khi làm đám cưới với bạn gái Carolyn Bessette trên một hòn đảo ngoài khơi Bang Georgia. Sau đám cưới hai người về sống ở khu Tribeca ở New York và người ta vẫn thấy John thỉnh thoảng đạp xe hay đi ván trượt ngoài đường.
Tháng Chín năm 1995, John cùng một người tên là Michael Berman mở tạp chí George là một tạp chí về chính trị. Lấy tiêu chí là “Không phải chính trị như bình thường” – tạp chí định hướng xây dựng hình ảnh chính trị gia trẻ, thành đạt, và quyến rũ chứ không khô khan. Nhiều nhà quan sát coi bước đi này của John như là cách anh xây dựng kiến thức và quản trị và hành chính cần thiết để sau này chạy đua các vị trí dân cử. Tên của tạp chí được đặt theo tên của Tổng thống đầu tiên Hoa Kỳ là George Washington.
(Còn tiếp)
Đoạn trên có nhiều thông tin tổng hợp từ các nguồn công cộng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"