Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Chủ nghĩa Mác - Lênin: Bộ máy hoàn hảo cho chiến tranh

Nguyễn Văn Thạnh
Chúng ta thường hay nghe câu khẩu hiệu “chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm”. Với hàng mấy chục năm quá độ trầy trật, đói rạt người để tiến lên ảo ảnh CNXH, đặc biệt là tình hình kinh tế-xã hội bi đát hiện nay, hẳn nhiều người cho câu khẩu hiện trên là bốc phét, tuyên truyền dối trá trong thể chế độc tôn về truyền thông.
image001_30.jpg
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tôi-một kỹ sư-luôn nhìn sự vật ở tính hệ thống, thì tôi thấy họ nói đúng chứ không phải tuyên truyền dối trá. Chúng ta hãy cùng nhau phân tích:
Chủ nghĩa Mác-Lênin đưa đến một xã hội có kết cấu như sau (điều tôi trình bày ở đây là mô hình nguyên thủy, hiện nay đã có vài biến tướng):

- Về chính trị: chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo là đảng cộng sản. Đảng cộng sản được tổ chức từ cấp chi bộ phường, xã trở lên. Không chỉ lãnh đạo chính quyền, ĐCS còn nắm giữ, điều khiển tất cả các tổ chức lớn bé của xã hội: từ hội nông dân, hội phụ nữ, công đoàn, đoàn thanh niên, đến các tổ chức từ thiện, giáo dục, y tế, buôn bán, kinh doanh,…. Nguyên tắc của tổ chức ĐCS là cấp dưới chấp hành tuyệt đối cấp trên. Trên cùng của hệ thống là bộ chính trị, đại diện là vị tổng bí thư. Nhân viên công lực chấp hành nghị quyết Đảng tuyệt đối, không bàn cãi, nghiêm còn hơn tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo có nhận định: CNCS cai trị xã hội gần như một tôn giáo với giáo chủ là tổng bí thư.
- Về kinh tế: Đảng thông qua nhà nước nắm toàn bộ kế sinh nhai, đất đai, xí nghiệp, kho tàn,…. Người dân bị nắm dạ dày: gạo, mắn, thịt, vải vóc, chất đốt,…qua chế độ tem phiếu.
- Về văn hóa, thông tin: nhà nước nắm độc quyền, người dân chỉ được nghe những gì nhà cầm quyền muốn. Ở rất nhiều nước CS, có thảm cảnh dân làng này chết đói rất nhiều nhưng dân làng bên cạnh không hay biết và ngỡ là mình đang sống trong một thiên đường. Câu chuyện này có thể tìm thấy bằng chứng ở Liên Xô và Trung Quốc. Chế độ xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lê nin đã thật sự chọc mù con mắt, làm thủng lỗ tai con người, biến con người thành con cừu.
- Về xã hội: thực hiện chuyên chính vô sản, ai không nghe thì bỏ tù, khủng bố tinh thần gia đình. Người dân bị quản lý thông qua chế độ hộ khẩu và lý lịch. Xã hội vận hành trên nghị quyết đảng, đảng nắm hết tam quyền và đệ tứ quyền, không có tam quyền phân lập ở đây. Một chỉ thị miệng như tịch thu nhà, tống giam người dân như Z30 vẫn được thực hiện, không cần bàn cãi. Hệ thống làm cho con người sống trong tâm trạng lo sợ và trở nên hèn hạ. (ở Liên Xô, sau khi gây ra thảm kịch làm 7 triệu dân Ukraina chết đói nhưng ngay cả một ủy viên bộ chính trị lúc đó cũng ngậm miệng không dám nói vì sợ).
- Về quan hệ quốc tế: các nước trong khối CS có thể viện trợ nhau tối đa mà không bị nhân dân hay quốc hội nước đó đặt câu hỏi hay cản trở. Câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông là có thể hy sinh nửa số dân TQ (tầm 300 triệu người) để xây dựng CNXH trên toàn thế giới.
Đó là những nét chấm phá của hệ thống nhà nước theo chủ nghĩa Mac lenin. Trong hệ thống đó, mọi tầng lớp nhân dân từ bình dân đến tinh hoa trí thức, văn nghệ sĩ như những con cừu chỉ biết tuân theo cây gậy chỉ hy của nhà cầm quyền. Mỗi cá nhân như con ốc vít, hoàn toàn không có quyền công dân, thậm chí nhiều trường hợp việc kết hôn, cưới xin nhiều khi còn do chi bộ Đảng ủy quyết định.
Tôi không phủ nhận rằng, nhiều người tham gia chiến tranh vì yêu nước nhưng có một sự thực là rất nhiều người trong số họ không có thông tin đầy đủ. Thực tế cho thấy, yêu nước thiếu thông tin là loại yêu nước mù quáng và hồ đồ. Nữ văn sĩ Dương Thu Hương khi vào Sài Gòn đã phải thốt lên “Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ... nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ”. Người nghệ sĩ, người trí thức yêu nước cuồng si cũng vì bị bịt mắt.
Trong bộ máy ấy, ngoài hình ảnh người dân ra chiến trường vui như đi hội vì bị nhồi sọ, bị bưng bít thông tin, họ còn phải ra chiến trường vì kế sinh nhai. Nhiều người, trong đó có ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện từng nói “người ta đi lính đơn giản vì vào đó còn có cái ăn và không vào thì cả nhà chết đói”.
Nếu ai ý thức được sự tàn bạo của hệ thống mà lên tiếng thì số phận rất bi thảm. Cuộc đời các vị: Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Chí Thiện, Trần Dần,… là minh chứng.
Trong cái hệ thống nghiệt ngã đó, từ văn nghệ sĩ, trí thức, người có lương tâm cũng phải trở nên hèn đi và sống giả dối. Họ không còn lựa chọn khác ngoài việc dùng tài năng, gắng sức ngày đêm để nặn ra tác phẩm ca ngợi lãnh tụ và động viên nhân dân ra chiến trường.
"Mậu thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi! Tôi, người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi lúc xung phong
"
(Chế Lan Viên)
Trên chiến trường, phóng viên phía bên kia có thể tự do đưa tin nên dân chúng có thể thấy được sự khủng khiếp của chiến tranh, thấy được sự hy sinh mất mát mà lên tiếng phản đối, vãn hồi chiến tranh (Nếu không có tự do báo chí và sự tự do của phóng viên chiến trường VNCH thì mãi mãi chúng ta gồm cả người VN và người Mỹ không thể biết điều gì thực sự đang xảy ra trên chiến trường). Còn với phe cộng sản, tin tức được đưa theo định hướng, chỉ có chiến thắng, sự thật có bao nhiêu tổn thất, bao nhiêu người chết, dân miền Bắc không bao giờ được biết. Ông Hồ Chí Minh từng nói với người Pháp "các ông giết 10 người chúng tôi, chúng tôi chỉ giết 1 người các ông, nhưng rốt cuộc các ông sẽ chán nản bỏ cuộc trước". Đây là tư tưởng xuyên suốt trong chiến tranh từ đánh Pháp, đánh Mỹ rồi đánh Campuchia, đánh TQ. Hệ quả là khắp dải đất nhỏ hẹp Việt Nam, không có xã nào là không có nghĩa trang liệt sĩ với bạt ngàn mộ trắng.
image003_17.jpg
Người thì liên tục sinh nở, 17 năm sau thì có thể cầm súng ra chiến trường (rất nhiều quân nhân miền bắc thậm chí tầm 15-16 tuổi), hết lớp này chết thì bổ sung lớp khác. Súng đạn thì đồng minh viện trợ không thiếu. Lương thực thì thì đồng minh chở sang (rất nhiều quân lương dùng trong chiến tranh là do người TQ viện trợ).
Người cầm quyền chỉ nắm chặt truyền thông và dạ dày dân chúng là có thể vận hành được hệ thống theo ý mình. Trong hệ thống được kết cấu như vậy thì kẻ thù nào cũng đánh thắng. Và cũng không cần người tài giỏi vận hành mới chiến thắng.
Chủ nghĩa Mác-Lênin thật sự vô địch nhưng nó vô địch trong chiến tranh chứ không phải trong hòa bình, mang lại cơm no áo ấm cho mọi người! Đó là lý do vì sao chúng ta vô địch trong chiến tranh và lụn bại trong hòa bình.
Nguyễn Văn Thạnh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"