Hạ Đình Nguyên
Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần 1 của Quốc hội đã gây nhiều bàn cãi trong dư luận. Người dân không tán thành về trật tự của từ ngữ, ở mục nói về sự trung thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Quân đội Nhân dân Việt Nam phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân”, vì rằng không thể đặt Đảng lên trước Tổ quốc được. Bản dự thảo lần sau có khác một chút, hoán đổi vị trí, thàmh “…Tổ quốc, Đảng và Nhân dân”. Dân vẫn ở dưới Đảng. Người chịu trách nhiệm bản dự thảo ấy là ông Phan Trung Lý. Người ta không biết đích thực ai đứng đằng sau ông Phan Trung Lý về tư tưởng cốt lõi này? Nhưng nay đã rõ!
Ngày 28/9, tại Thủ đô Hà Nội, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
phát biểu với cử tri, sau đó các phương tiện truyền thông đã loan tải
khắp nơi: Hiến pháp là “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất, sau Cương lĩnh của Đảng”.
Ở thời đại này ít ai có đủ dũng cảm để đưa ra công khai một lời tuyên bố như trên. Nhưng ông Tổng Bí thư thì làm được.
Việt Nam đã có một nền văn hiến lâu đời. Thời
đại mà ta gọi tên là Phong kiến, đã luôn luôn đặt vai trò của người dân
là quan trọng nhất, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi triều đại: “Dân vi
quý, Xã tắc thứ chi, Quân vi khinh”. Ở Miền Nam Việt Nam trước đây, cũng
đã có khẩu hiệu treo ở mỗi nhà dân: “Tổ quốc trên hết”. Chủ tịch Hồ Chí
Minh, cũng đã xác định mối quan hệ là Dân đứng trên Đảng, ông nói: “Cán
bộ là đầy tớ của dân”, chứ không nói “Dân là đầy tớ của cán bộ”, dù
trên thực tế có đảo điên đảo lộn thế nào! Nhân dân, Tổ quốc cao hơn hết
thảy, đó là minh triết đã thấm nhuần trong lòng người dân, từ Bắc chí
Nam, dưới bất cứ chế độ chính trị nào.
Nay không thể không ngạc nhiên về tuyên bố trên của ông Nguyễn Phú
Trọng. Nó khiến cho người dân hoang mang sâu sắc về mặt tư tưởng. Nó thử
thách người dân. Nó chạm vào linh hồn lịch sử. Nó thách thức thời đại.
1- Đáng kinh ngạc về nhận thức của một ông Tổng Bí thư và ê-kíp theo ông, về khái niệm dân chủ.
Thế mà, trong diễn từ khai mạc Hội nghị lần 8, hôm 2-10, ông tuyên bố tình hình có “những biến đổi sâu sắc”. Người ta không biết được ông hiểu như thế nào về “những biến đổi sâu sắc” ấy của thời đại hôm nay?
Điều cốt lõi của thời đại là nhận ra sức mạnh của dân chủ và nhân
quyền mới có thể đưa một đất nước tiến đến phồn vinh; là hòa hơi thở và
nhịp đập của trái tim cùng thế giới mới mong giữ được nền độc lập. Vì
thế mà Việt Nam đã ký kết gia nhập làm thành viên trong các tổ chức Liên
Hiệp Quốc.
Nếu cái Hiến pháp Việt Nam theo ý ông, là một văn kiện hạng hai của
cương lĩnh của Đảng, được mang mỹ từ rất ư lừa mị, là “quan trọng vào
bậc nhất”, mà “sau cương lĩnh”… được thông qua, thì “Hiến pháp”
có còn là Hiến pháp theo nghĩa chính thức của nó không? “Quốc hội” có
còn là Quốc hội không? Đảng là ông chủ của dân, hay dân đã sinh đẻ ra
con của mình là Đảng? Các từ ngữ cũng theo đó mà suy đồi, lệch nghĩa? Từ
đó, các khái niệm mà nhân loại hàng bao thế kỷ đấu tranh mới có được
như: tự do, dân chủ, hạnh phúc, lãnh đạo, quản lý, làm chủ, v.v. đảo lộn
hết và trở thành vô nghĩa, hoặc phải hiểu theo một nghĩa riêng biệt, có
nội dung cực kỳ bệnh hoạn và nguy hiểm!
Dù chưa rõ ràng, nhưng một trận tuyến đã hình thành trong tâm thức
người dân, buộc phải lựa chọn bên này hay bên kia của lằn ranh vô hình
vừa xuất hiện sau câu nói của ông, về cái giá trị của Hiến pháp.
Không đợi đến bây giờ khi ông Tổng Bí thư nói toạc ra, từ lâu người Việt Nam quá biết rằng các Hiến pháp vừa qua, và Hiến pháp đang hiện hành,
thực chất cũng chỉ là văn kiện hạng hai sau cương lĩnh của Đảng Cộng
sản Việt Nam, nhưng vì cuộc chiến tranh vệ quốc, mọi việc đều có thể bỏ
qua. Giá trị nhẫn nhục cùng sự hy sinh lớn lao của dân tộc Việt Nam là ở
chỗ này, mà Đảng Cộng sản Việt Nam chớ nên quên. Xin mượn lời của một
câu thơ, tạm không nhắc tên tác giả của nó: “Rắn quấn bên chân, vẫn bắn thù!”. Là bỏ qua những cái bất toàn, bất hảo để tập trung vào mục tiêu chính.
Nhưng nay tình thế đã khác.
Việt Nam đã độc lập, thống nhất – theo nghĩa là không còn bị chiếm
đóng trực tiếp bới một quốc gia khác – phải chuyển sang một giai đoạn
mới. Phải thực hiện dân chủ, dân quyền. Vì vậy, Hiến pháp cần được thay
đổi, theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam phải trả lại cho dân tộc sự ủy
quyền trong thời chiến tranh cho Đảng, với tất cả sinh mạng trong bốn
cuộc chiến kéo dài 2/3 thế kỷ.
Vả lại, đó cũng chính là giá trị và sứ mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ lúc khởi đầu của nó.
Sự tuyên bố công khai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt Hiến pháp
dưới cương lĩnh của Đảng, là sự hợp thức hóa, công khai hóa một thể chế
toàn trị đã lạc hậu, đã không còn phù hợp nữa với giai đoạn phát triển
đất nước, và đi ngược thời đại. Đó là một “đột phá” phi dân chủ cực kỳ nguy hiểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!
Sau các phát biểu với cử tri Hà nội, lời khai mạc tại Hội nghị 8,
càng cho thấy những ngôn từ có tính “kỹ thuật giàn giáo” nối đuôi nhau
xuất hiện, chẳng chứa đựng một tư tưởng gì đáng kể, dù trước “những biến
đổi sâu sắc”, và dù ông có gom lại thành “4 điểm lớn”, vẫn thấy nó
không lớn. Vẫn từ một “góc nhìn chật hẹp” (từ ngữ mà ông dùng để phê
phán giới văn học nghệ thuật mới đây). Vẫn cùng một “phong cách” phủ đầy
rêu phong, mà cũng không phải là cổ kính, vừa của một thời kỳ trường
Đảng Liên Xô dĩ vãng, lại cũng vừa sặc mùi Thái tử Mao ngày nay!
Chỉ với sự gọi tên nước, là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà ông có thể khẳng định được: “Đấy là một bước tiến, chúng ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội chứ có dừng ở cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đâu”. “Đi lên chủ nghĩa xã hội ”
là câu nói quá quen tai với các thế hệ tuổi 20 máu lửa, trải dài từ hơn
nửa thế kỷ trước, đã là vô nghĩa, nhàm chán đến tận óc. Vì ai ai cũng
biết nó đi lên, dừng lại, đi xuống, hay đi loanh quanh đâu đó,
từ Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, và Việt Nam. Lịch sử đã
bày ra quá rõ, không cần phải khảo sát thêm, dù chỉ một lần cũng đã
thừa!
“Kẻ đói rách vĩ đại” nhất ở đất nước này cũng biết rằng mình đang đi
xà quần ở đâu, và không cần lặp lại sự “chỉ ra” của các Hội nghị 5 - 10
- 15 - 20...
Vì thế, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay chỉ nhún vai, mỉm cười.
Và họ biết phải làm gì!
Có cô gái trẻ, blogger Huỳnh Thục Vy, vừa hỏi hôm kia: “Tại sao chúng ta không đặt cái di sản xã hội chủ nghĩa nặng nề ấy xuống,
để bắt đầu bàn về những chủ đề quan trọng hơn cho đất nước những giá
trị mang tính phổ quát, vượt ra khỏi biên giới hạn hẹp của mọi chủ
nghĩa?”.
Tuổi trẻ rất tỉnh táo và mong muốn thảo luận. Người trẻ ấy cũng đưa
ra nhận xét về/với những trí thức trong Đảng Cộng sản Việt Nam: “Không
phải ngẫu nhiên mà cho đến hôm nay các trí thức cộng sản vẫn gọi các
quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ là các nước “tư bản” chứ không phải là
“dân chủ tự do”. Đó là sự thiển cận xuất phát từ sự đề cao quá đáng (hay cách nhìn lệch lạc?) các định chế kinh tế mà bỏ qua sự hiện diện vô cùng quan trọng của các định chế chính trị, văn hoá...”
Liệu có phải đây là một cái nhìn phổ biến của thế hệ trẻ về sự “biến đổi sâu sắc” mà ông Tổng Bí thư chưa từng nghe thấy?
Ngày xưa, thuở ông Mác còn tại thế từng nói tôn giáo là một loại
thuốc phiện, nay các ông Mác-Lênin đã được ngâm rượu Mao đài, phải chăng
là một loại tân dược tổng hợp thay thế?
Quả thật tuổi trẻ hôm nay đã không quan tâm đến loại sản phẩm độc hại này.
Đến đây những hoài nghi kế tiếp lại xuất hiện:
Có phải thật sự ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Có phải thật sự ông được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thật lòng bầu lên?
Dĩ nhiên đã không phải là do dân chúng. Họ chưa từng biết tên ông bởi bất cứ công trạng nào mà ông thể hiện, cho tới hôm nay, dù ông nắm chức vụ Tổng Bí thư đã nửa nhiệm kỳ.
Lại có phải do một “thế lực thân thiết” nào đó đã đưa ông lên?
Một đối tượng đang làm cho cả thế giới phải e dè cảnh giác, người
dân Việt Nam thì căm ghét vì chủ nghĩa bành trướng của họ, lại được ông
trông ngóng, đợi đón và hồ hởi báo tin mừng: “nếu
không có gì thay đổi, trong tháng 10, lãnh đạo cao cấp Trung Quốc sẽ
sang thăm Việt Nam để tiếp tục tìm cơ chế hợp tác có lợi cho cả đôi bên”.
Chưa có thông tin nào gây phản cảm, bực bội có tầm rộng lớn và ray rứt
trong nhân dân hơn, như tin mừng mà ông đã đích thân loan báo. (Và như
một lời nhắc nhở kín đáo cho ông bạn vàng: Nhớ qua nhé, đừng quên, đang
trông!).
Đảng Cộng sản Việt Nam vào thời kỳ chưa suy thoái, đã từng nghiệm ra
một cách chua chát rằng, với Trung Quốc, cái lợi chưa bao giờ có thể đủ
bù đắp cho cái hại mà họ đem đến cho Việt Nam.
Chúng ta đều biết ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng ông Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng thay phiên nhau, chạy toát mồ hôi hột sang Mỹ, các
nước phương Tây và một số nước châu Á để tìm thế liên kết và cầu viện,
xoay trục về phương Tây, nhằm gỡ thế khó cho Việt Nam trước họa xâm lăng
của Trung Quốc.
Kẻ nào đó đang đứng đâu trong bóng râm đã lộ rõ.
Thế là “chiếc lá nho” cuối cùng đã rơi xuống!
Cái nhận biết về “những biến đổi sâu sắc” theo cách của riêng ông Tổng Bí thư, giờ đây có thể là dấu chỉ của một loại thiên tai sắp đến!
2- Câu hỏi cấp bách
Kịch bản nào sẽ đến với 86 triệu dân Việt Nam, nếu tuyên bố Hiến
pháp là một văn kiện hạng hai, thậm chí là cái biên bản, hay bản ghi nhớ
cũng vậy, chỉ là một bước triển khai cho cương lĩnh của Đảng, được
thông qua bởi “Quốc hội”?
Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Tổng Bí thư cầm đầu, đang đứng trước muôn ngàn khó khăn:
- Đảng của ông đang tham nhũng khủng khiếp, mà ông không làm gì được. Và ông không biết nguyên nhân!
- Đảng của ông đang suy thoái toàn diện: tư tưởng-chính trị-đạo
đức-lối sống, mà ông không thể nào nâng lên được. Và ông cũng không biết
nguyên nhân!
- Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam – mà ông
Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư – đời sống kinh tế, giáo dục, văn hóa,
xã hội đang lao xuống dốc, giặc Bắc Kinh đang đe dọa chủ quyền đất nước
hằng ngày, người dân bất mãn phản ứng, giới hiểu biết thì đề xuất can
ngăn, ông dồn tất cả họ vào một chỗ, gọi là “thế lực thù địch” cho gọn,
quy chụp để che chắn mọi yếu kém của mình.
- Mọi yêu cầu mà nhân dân và các giới đòi cải tiến, ông đều cảnh giác và suy diễn là âm mưu xấu.
Ông không nhận ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đó là tham vọng “độc tài toàn trị”. Ông không nhận ra “những biến đổi sâu sắc” của thời đại là các giá trị phổ quát của nhân loại, là muốn phồn vinh và tồn tại, phải gắn liển với dân chủ và nhân quyền…
Sự mù loà đó chỉ là do lo sợ cho sự tồn vong của Đảng, cái Đảng mà
ông đang ở vị trí cầm đầu, cao nhất, mà ông cũng biết là nó suy thoái.
Suy thoái theo cả chiều sâu và chiều rộng!
Tất cả sự nỗ lực gồng gân của ông sẽ không đem lại một kết quả nào,
như các Hội nghị thứ 6-7 vừa qua, cái thứ 8 này rồi cũng thế.
Trước khi vào Hội nghị 8, ông đã chuẩn bị dư luận bằng một phát biểu
gây ấn tượng. Sự tham nhũng tràn bờ như cơn lũ dài ngày đã gây cho ông
chỉ là cảm giác “khó chịu như ghẻ ngứa” – ông lại không biết rằng, chính sự chống tham nhũng rất trọng đại của ông lại gây chứng ngứa ghẻ cho
toàn dân! Thậm chí, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp có chất lượng như
thuốc bôi ngoài da mà ông đứng cương vị chủ chốt, càng gây ra một loại
cảm giác tương tự, nhưng độ nhức cao hơn gấp nhiều lần.
Tư duy đã suy thoái làm sao chống sự suy thoái của tư duy?
Một cô gái trẻ tuổi, tên Nguyễn Phương Uyên, cố đứng thẳng người lên
và nói với Công An tại đồn Công an về những hành vi văn hóa “thượng
cẳng tay, hạ cẳng chân”, không tôn trọng con người của họ: “Các người hãy đi chết đi!”.
Không phải nói đến cái chết của con người, mà nói đến những loại hành động dẫn dắt bởi một loại tư duy không đáng tồn tại.
Nhẹ nhàng hơn, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một con người đã 50 năm có tấm
lòng vò võ với đất nước, khi nói về sửa đổi Hiến pháp theo cái cách lưu
giữ điều 4, là “chỉ làm mất thì giờ của dân tộc”.
Chính ông Tổng Bí thư đã đưa Đảng Cộng sản Việt Nam vào tình thế bế
tắc, dồn nhân dân vào thế đối nghịch. Bức tranh toàn cảnh quá nhem
nhuốc!
Kịch bản nào sẽ xảy ra cho đất nước, cho 86 triệu dân này? Trước hết
sẽ là chiến trường nội địa giữa “Thế lực thù địch” và “Thế lực thân
thiết” chăng?
Đó là một câu hỏi cấp bách.
Con đường rõ nhất để giữ được độc lập và phát triển là thoát ra khỏi
cái chuồng xã hội chủ nghĩa, một loại chủ nghĩa đã được ngâm rượu Mao
đài quá đát.
4-10-2013
H. Đ. N.