Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Bố mẹ Việt lười chơi với con nhất!

Nguyễn Đức Quang
Ở Nhật 6 năm, ở Pháp 2 năm và Úc 6 tháng, đi nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều bố mẹ nước ngoài, thi thoảng tôi lại giật mình: Bố mẹ Việt chúng ta có lẽ lười chơi với con nhất nhì thế giới!

Đôi lúc tôi giật mình khi thấy bố mẹ Tây chơi với con. Ảnh minh họa: Internet.
Dù làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đề cao giáo dục sớm và dành nhiều thời gian để chơi với con, dạy con, đôi lúc tôi vẫn giật mình khi thấy bố mẹ Tây, bố mẹ Nhật giao tiếp với con họ.
Ở khu đô thị Mỹ Đình-The Mannor gần trường mầm non của tôi, hầu hết chiều nào tôi cũng đưa 2 con đi trượt patin và cũng thấy bố mẹ người Nhật, Hàn đưa con xuống sân chơi. Bọn trẻ con tự do vui đùa, nghịch cát, ngắm cây cối, tự trượt patin, chạy xe scooter với nhau các bà mẹ ngồi xa xa, lúc nào có vấn đề gì con chạy lại hỏi bố mẹ.

Không mấy khi thấy cha mẹ Việt cho con ra chơi. Giờ đó các bà mẹ lo nấu ăn, tắm rửa, các ông bố thì bia bọt và tennis. Thi thoảng thấy một số em bé Việt cũng được giúp việc đưa đi chơi, nhưng cũng thường ngồi yên trên ghế đá hoặc được bón ăn chứ không chơi tự do với các bạn nhỏ khác.
Ngoài khoảng thời gian 5-6h chiều, trẻ con còn lúc nào để chơi một cách tự do với nhau? Buổi tối về nhà, nếu tuổi mầm non thì lại vòng quay sức ép ăn-ăn-uống-uống (vì bố mẹ Việt sẽ mất nhiều thời gian và công sức ép con ăn, con không tự ăn được cùng cả gia đình), các bé lớn hơn thì lại phải cắm đầu vào bài tập, chuẩn bị cho ngày mai đi học.
Một lần khác tôi đưa con đi siêu thị, nhìn thấy một bà mẹ nước ngoài đi cùng con mua một món đồ chơi. Bà mẹ đưa cho đứa con khoảng 3 tuổi cầm tờ 50 nghìn để trà cho cô thu ngân và nhận lại món đồ sau khi quẹt và thanh toán tiền, mẹ chỉ đứng sau im lặng cho con tự làm hết. Chỉ như vậy thôi đứa con cũng có thể hiểu được rằng hàng hóa được mua bằng tiền cũng như qui trình mua bán và xếp hàng tự thanh toán. Bà mẹ rất kiệm lời và cố tình “lười”, khi nào đứa trẻ cần giúp đỡ hoặc có vấn đề gì cần hỏi thì mẹ sẽ kiên trì và nhe nhàng giúp con, giải thích cặn kẽ.
Cha mẹ Việt thì khác. Đa phần bố mẹ là người chọn đồ, cũng là người trả tiền, làm sao cho mau mau chóng chóng để về.
Hay câu chuyện khi gia đình đi nghỉ mát, chúng tôi đang sốt ruột chờ ở sân bay thì thấy ông bố trẻ người Nhật cầm chiếc vé bảo con mình: “Đấy con xem số cửa lên máy bay của con là bao nhiêu?, đã đúng cửa này chưa?, hàng ghế số mấy?, đã đúng tên con chưa?”
Ở bên cạnh, tôi nghĩ trong đầu: “Mình thật đáng trách vì bỏ lỡ cơ hội dạy con những điều bổ ích như ông bố trẻ đó, thay vì sốt ruột đứng đợi một cách vô ích tại sao mình không biến thời gian đó thành những phút thư thái và trò truyện với con như ông bố kia?!"
Một điều đáng nói là hành động của người bố rất tự nhiên, bản năng, không có gì phải cố gắng, và không có gì phải ngại ngùng ngượng nghịu như đa phần các ông bố Việt khi “phải chơi với con”, nhưng rõ ràng đó là những điều nhỏ bé, đơn giản mà một đứa trẻ cần phải học để bước vào đời với cuộc sống độc lập về sau. Thật đơn giản, nhỏ nhẹ và không tốn nhiều công sức nhưng rõ ràng có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Cha mẹ không dạy thì ai dạy đây?
Một lần khác gây ấn tượng sâu sắc trong tôi là khi cho con tới học ngoại khóa ở UNIS, con trai 3 tuổi của tôi hái quả trứng cá ở trong sân trường thì một cậu bé da trắng khoảng 4-5 tuổi tiến tới bảo con tôi bằng tiếng Anh: “Đừng hái những quả xanh, hái quả đó ấy. Nếu hái những quả màu xanh đi, sẽ không thấy quả màu đỏ để mà hái nữa đâu em ạ!” Sợ con tôi không hiểu tiếng Anh, cậu bé chạy nhanh lại nói với tôi: “Chú có phải là bố của em kia không, chú có thể giải thích cho em ấy không ạ?”
Một cậu bé 4-5 tuổi như thế thì bố mẹ nào mà không muốn phấn đấu? Những điều đó, bố mẹ không dạy thì khó mà mong đợi nhà trường có thể dạy hết được? Ở đằng xa xa tôi nhìn thấy mẹ cậu bé ngồi trên tấm bạt và quan sát con mình với ánh mắt đầy tự hào!
Tôi đã nghĩ rằng họ chăm chỉ dạy con biết bao. Khi dạy cho con kiến thức, đồng thời họ đã hình thành cho con kỹ năng giải thích, chỉ đạo, và hướng tới điều tốt đẹp cho cộng đồng xung quanh, với những người khác. Kỹ năng lãnh đạo và chung sống, ý thức và trách nhiệm bảo vệ của công, bảo vệ môi trường thiên nhiên cũng hình thành từ đó.
Rõ ràng, khi một bố mẹ chăm dạy con mình thì những đứa con của họ sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi, những bố mẹ khác và xã hội đều được hưởng lợi theo.
Ở các nước như Nhật, Mỹ, việc chơi với con, dạy con đã ăn sâu vào văn hóa, thói quen, từ đời này sang đời khác. Việc chơi với con dễ dàng hình thành một cách tự nhiên.
Còn ở những nước Tây Á, một số nước còn nghèo hơn cả Việt Nam, nhưng họ theo một số đạo giáo, việc dành thời gian cầu kinh, đọc kinh, các hoạt động tín ngưỡng và hướng thiện cùng con trong gia đình mỗi tối hoặc vào các giờ nhất định trong ngày là điều gần như bắt buộc, được các gia đình tiến hành một cách liên tục.
Ở Việt Nam mình, không có thói quen, cũng chẳng theo quy định, cha mẹ ít chơi với con. Đó là thiệt thòi lớn của trẻ con hiện đại.
Nguyễn Đức Quang / Người Đưa Tin
_____________________

Bận thế, thời gian đâu mà chơi với con?

Trong những ngày qua, bài viết “Bố mẹ Việt lười chơi với con nhất” của TS Nguyễn Đức Quang – hiệu trưởng trường MN Reggio Emilia được yêu thích và chia sẻ trên các diễn đàn làm cha mẹ, tạo cảm hứng chơi với con cho nhiều ông bố, bà mẹ hiện đại và bận rộn.

Đi dạo cùng con và trò chuyện cũng là cách chơi với con đơn giản mà vui. Ảnh minh họa: Bé Mai Khanh - Ngôi Sao Nhí.
Phóng viên Yeutretho tiếp tục phỏng vấn ông bố 2 con làm việc trong lĩnh vực giáo dục này về chủ đề: Làm sao để có thời gian chơi với con!

Chơi với con không mất nhiều thời gian

Cha mẹ hiện đại cho rằng mình không có nhiều thời gian để chơi với con? Anh nghĩ sao về điều đó?
Cha mẹ đổ lỗi cho việc không có thời gian, không có tiền, nhưng thực ra là lười. Thà như cha mẹ ngày xưa, bận rộn thì bận rộn, vứt con ra ngoài sân, ngoài xóm, trẻ con được chơi với nhau, tiếp xúc với thiên nhiên.
Cha mẹ hiện đại nhốt con trong nhà, không những không tạo điều kiện cho con chơi mà còn kìm hãm việc chơi của con. Tất nhiên là cuộc sống ở thành phố và thậm chí ở nhiều vùng nông thôn của Việt Nam hiện nay không an toàn, nhưng việc tìm một nơi an toàn cho các con chơi cùng nhau và chơi cùng bố mẹ không quá khó khăn.
Gia đình anh thì sao?
Buổi chiều tôi và vợ thay nhau cho các con ra ngoài chơi, con trượt patin, vẽ vời, chạy nhảy, con chơi trong khoảng sân của khu đô thị. Con rất thích thú khi nhìn thấy con giun, con dế hay một vạt đất nổi lên những viên tròn tròn là phân giun...
Sở thích của cậu con trai 3 tuổi của tôi là được trượt patin và đứng ở trên hầm xe của tòa nhà và đếm các thương hiệu xe ô tô đi ra đi vào. Bố luôn là người mà cu cậu chia sẻ sự thích thú mỗi khi nhìn thấy các logo xe mới vì chị gái và mẹ không quan tâm đến những điều này lắm.
Khoảng 7h tối thì cả nhà mới về nhà, ăn uống rất đơn giản và thời gian ăn uống thường kết thúc trước 8h30 tối để cả nhà chuyển sang giờ đọc sách cùng nhau, đi ngủ trước 9h30 tối.
Thực ra việc chơi với con không hẳn là mất nhiều thời gian, miễn là chúng ta để ý sắp xếp. Chẳng hạn thay vì ngồi ôm con thì thả con ra, bày trò gì đó bố mẹ và con chơi cùng nhau. Thay vì buổi tối trôi qua với tivi và ipad thì có vài hoạt động thủ công hoặc vận động, đọc sách...

“Tôi ước ngày có thêm 2, 3 tiếng để chơi với con!”

Việc chơi với con mang đến lợi ích gì, từ quá trình nuôi con của anh?
Như tôi đã chia sẻ ở bài viết “Bố mẹ Việt lười chơi với con nhất”, chơi với con và nói chuyện cùng con sẽ dạy con nhiều kỹ năng sống thiết yếu, bồi đắp tâm hồn con, giúp con biết yêu thương, biết chia sẻ và làm gia đình gắn bó.
Chơi với con còn giúp bố mẹ thư giãn. Như hồi tôi ở bên Nhật, con gái lớn của chúng tôi mới sinh vài ba tháng thì bé biết cười. Sáng nào tôi cũng dậy sớm hơn mọi khi 1 tiếng, dành thời gian đó để cười với con, chọc con cười, cho con soi gương, chụp ảnh con cười rồi cho con xem... trước khi đi làm. Mình vừa đáp ứng nhu cầu giao tiếp của con, vừa bắt đầu một ngày vui vẻ, nhẹ nhàng.
Khi con tôi mới sinh, tôi thường ôm con và đung đưa theo các bài hát tiếng Anh cho trẻ em, tất nhiên là song song với các bài hát tiếng Việt. Khi cháu được gần 2 tuổi, khi con biết nói bi bô vài từ tiếng Việt thì cũng là lúc con hát được các bài hát tiếng Anh và việc tiếp cận với tiếng Anh của con rất nhẹ nhàng, tự nhiên như tiếng Việt vậy. Đấy cũng là chơi với con, đâu mất thời gian lắm đâu mà hữu ích vô cùng!
Anh sắp xếp cuộc sống của mình để có thời gian chơi với con?
Đúng là xếp thời gian cũng rất quan trọng. Như tôi chia sẻ trên Facebook, nhiều lúc tôi ước một ngày có thêm 2-3 tiếng nữa để học và chơi với con. Tôi thường rất cố gắng để cân bằng mọi thứ.
Nhờ làm việc trường mầm non nên tôi có thể kết thúc công việc lúc 4h chiều. Con gái lớn đi học về. Con sẽ có khoảng 1h để làm bài tập, hôm nào không có bài tập spelling của cô giáo giao thì tôi cho con tự làm theo sách tôi chọn.
Đến 5 giờ chiều tôi nhất định gấp máy tính lại và đứng lên đưa 2 con đi ra ngoài. Khô mát thì đi trượt patin, mưa và rét thì đi dạo loanh quanh.
Buổi tối sau giờ ăn, cả nhà đọc sách đến khoảng 9h30 đi ngủ. Hai vợ chồng tôi thích nằm trò chuyện với các con trước giờ ngủ.
Để có thời gian cho bản thân, tôi dậy sớm để tập thể dục. Khi có công việc cần làm, tôi đợi các con ngủ xong sẽ dậy, bật máy tính và làm việc của mình.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Hạnh Nguyên

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"