Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Blog “xin lỗi ông” của một học giả Mỹ


Jonathan D. London
Jonathan D.London
Anh là người Mỹ, sinh ra từ thành phố Boston – bang Massachusetts, thành phố lớn ở phía Đông Bắc Hoa Kỳ nổi tiếng về các khu công nghiệp cấp cao và các trung tâm đại học hàng đầu nứơc Mỹ.
Anh tên là Jonathan D. London, sinh năm 1969, năm nay 44 tuổi.
Anh sang Việt Nam khi còn là sinh viên, lúc 20 tuổi, và từ đó Việt Nam hấp dẫn anh một cách đặc biệt, với tất cả trí tuệ và tình cảm của một trí thức trẻ, dù 2 nước cách xa nhau, Việt Nam bên bờ Tây của Thái Bình Dương, còn Boston quê anh ở bên bờ Tây của Đại Tây Dương.
Sau khi tốt nghiệp đại học và trên đại học, Ts JL – như anh thường ký tắt các bài báo của mình, quay trở lại hàng năm ở Việt Nam, nghiên cứu sâu các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa ở Việt Nam, học đọc, viết và nói tiếng Việt như một người Việt. Anh trả lời phỏng vấn của phóng viên trong và ngoài nước Việt Nam bằng tiếng Việt, với gịong Hà Nội hẳn hoi, đi vào ngóc ngách ngữ nghĩa của các ngôn từ, từ dân dã đến chuyên môn.

Suốt hơn 20 năm nay, anh gắn bó với khu vực Đông Nam Á, đi lại Hông Kông – Singapour – Hà Nội – Bang Kok, nay cư trú ở Hông Kông, làm giáo sư và nhà nghiên cứu cốt cán của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á – Southeast Asia Research Center (SEARC) của Viện Đại Học Hông Kông. Anh là cộng tác viên của báo tiếng Anh South China Morning Post – Nam Hoa Tảo Báo. Anh còn viết những cuốn sách rất có giá trị, phân tích sâu sắc tình hình Việt Nam, như « Chế độ phúc lợi xã hội ở Việt Nam », « Mối quan hệ giữa đảng, nhà nước và chính quyền », « Toàn cầu hóa, bất bình đẳng và bảo vệ cuộc sống xã hội » (xem vắn tắt tiểu sử Jonathan London trên Google). Anh có vài chục bài báo ngắn, gọn, sát thực tế, nói rõ chính kiến về mọi vấn đề của Việt Nam như về nền giáo dục chậm tiến, nền y tế thô sơ thiếu lòng nhân, nạn tham nhũng buông lỏng, thiếu vắng nhân tài cầm cương lãnh đạo và cai trị có hiệu quả, phần lớn trên South China Morning Post..
Giáo sư Tiến sỹ JL đang ở tuổi 44, sung mãn trong tư duy nghiên cứu và khả năng đề xuất những giải pháp, với lương tâm trong sáng của một học giả có năng khiếu ngiên cứu sâu, có lòng nhân ái đối với con người nói chung, đối với nhân dân Việt Nam ta nói riêng.
Với tình thương yêu người Việt, dân Việt, tuổi trẻ Việt đến mức mê say đặc biệt, ông mở blog riêng mang tên « Xin lỗi ông », rất được tìm đọc trên mạng mang tên ngộ nghĩnh như thế. Đó là những góp ý xây dựng, những nhận xét thâm thúy, chia sẻ thành tâm, thành ý, chỉ mong sao dân Việt ta hưởng được cả 3 điều là : độc lập vẹn toàn, tự do thật sự và hạnh phúc cao quý đúng nghĩa.
Nếu như các nhà lãnh đạo quốc gia hiện nay của Việt Nam có thiện chí và tinh ý mời Giáo sư JL làm cố vấn, chuyên gia, tận dụng trí tuệ và nhiệt huyết của những người bạn tuyệt vời của nhân dân ta như tiến sỹ JL, thì thật là may mắn cho nước ta.
Thế nhưng đó chỉ là mong ước xa vời. Bộ chính trị hiện tại vẫn còn mê mẩn và mê muội, vì lợi ích riêng tư, phe nhóm, kiên định đến cùng chế độ toàn trị, độc đảng, kiên định đến cùng chủ nghĩa Mác Lênin đã thất bại trong cuộc thử nghiệm khủng khiếp với hơn 100 triệu nhân mạng bị tiêu ma, kiên định đến cùng cái chủ nghĩa xã hội mác xít mơ hồ hão huyền.
Có điều lý thú là chính kiến của giáo sư JL trùng hợp với chính kiến của nhóm trí thức phản biện về khai thác quặng bô – xít, của nhóm 72 về sửa đổi hiến pháp, cũng như của khối 14.785 công dân ký tên bác bỏ dứt khoát với lập luận chặt chẽ bản dự thảo được quốc hội thông qua. Các nhận thức đúng đắn, các trí tuệ trong sáng gặp nhau, hỗ trợ cho nhau.
Mời các bạn nghe vài lập luận gần đây của Ts JL. Khi sự kiện bi thảm ở Thái Bình nổ ra, trên số báo South China Morning Post ngày 15/9 vừa qua Ts JL cho rằng « Hiện tượng bi thảm ở Thái Bình tái diễn là triệu chứng của căn bệnh trầm kha kéo dài ở nông thôn Việt nam do chính sách ruộng đất của đảng phủ định quyền tư hữu đa dạng lâu đời ».
Ts JL cũng từng ca ngợi sáng kiến đẹp, có hiệu quả của bạn trẻ Việt Nam in to đẹp tài liệu Nhân Quyền tán phát, làm đề tài trao đổi trong các cuộc dã ngoại – picnics – thân thiện, ôn hòa không thể cấm đoán, đàn áp được.
Mới đây, ts JL tỏ ra nghi ngờ khả năng của Việt Nam được vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc khóa 2014-2015 vì hạnh kiểm về nhân quyền bị tụt điểm, cũng như trở ngại khó vượt qua để được gia nhập khối kinh tế tự do Xuyên Thái Bình Dương TPP; anh tiếc thay cho nước ta lại bỏ qua một cơ hội hiếm để phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới. Anh đặt ra câu hỏi nghiêm khắc : « tầng lớp chính trị cao cấp của Việt Nam có đơn giản chỉ là vì vụ lợi và bất tài không ? hay vì cái gì khác ? những thách thức căn bản không vượt qua nổi phải chăng do căn nguyên ở các định chế cai trị yếu kém ? ». Các ý kiến này đều đăng công khai trên báo South China Morning Post trong tháng 9 vừa qua.
Ts Jonathan London nhiều lần chỉ ra con đường cai trị hiệu quả chỉ có thể là nền dân chủ đa nguyên. Ông lập luận không phải cứ đa nguyên đa đảng là mọi sự tốt đẹp, nhưng độc đảng toàn trị là bế tắc dứt khoát, không một nền toàn trị độc đảng nào mang lại độc lập, tự do, bình đẳng và phát triển phồn vinh. Đa nguyên, đa đảng như phần đại đa số nước trên thế giới lựa chọn mở ra khả năng xây dựng một xã hội công khai, minh bạch, từ đó mới có một nền cai trị trong sạch, đi đến một xã hội dân sự tự do, cởi mở, hài hòa ổn định, đáng sống cho con người.
Về biển Đông, khi dự cuộc hội thảo về biển Đông,JL cho rằng việc thay đổi thể chế từ độc đảng sang đa đảng ở VN sẽ tạo nên thuận lợi để giữ vững chủ quyền trên biển Đông (South China Morning Post 4/8/2013).
Xin giới thiệu với bà con ta trong và ngoài nước một học giả Mỹ yêu thương dân Việt ta hết lòng, học và nói rất sõi tiếng Việt, nghiên cứu sâu tình hình nước ta, có những kiến nghị uyên bác mà đơn giản, có một blog « xin lỗi ông », như muốn tiếp xúc, làm quen, tâm sự với mỗi người Việt.
Cám ơn JL, chúc JL luôn vui khỏe, trẻ trong tư duy. Tin rằng Việt Nam đang cựa mình, và do có nhiều bè bạn tốt khắp nơi như anh JL, sẽ sớm vĩnh biệt chế độ độc đảng tệ hại, vĩnh biệt chủ nghĩa cộng sản đã thuộc về quá khứ, và sớm gia nhập các nước tự do dân chủ và phát triển theo đúng nghĩa. Lúc ấy, JL – xin lỗi ông – sẽ vui, vui lắm, vui không thể tả được.
Ngay sau khi tôi viết xong bài này thì anh Jonathan London ghé Paris, thật là có duyên với nhau, không hẹn mà nên. Anh tìm ghé qua nơi tôi ở, nhờ một anh bạn người Việt dẫn đường và phỏng vấn tôi gần 2 giờ. Thế rồi ngay tối 23/9 anh trở về Hông Kông, nơi vừa bị cơn bão lớn tràn qua, nơi vợ anh và 2 con nhỏ đang chờ. Tạm biết J.London ! một người bạn tốt thân thiết với nhân dân ta.
Blog Bùi Tín (VOA)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"