Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

“Bảo đảm an sinh xã hội:” Những hạn chế của mô hình báo chí đảng

Jonathan London
Ngày 4/10/2013, báo Nhân Dân đăng một bài với tựa đề “Bảo đảm an sinh xã hội – điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam”. Tác giả lấy bút danh là “NGUYỄN TRẦN” (Xin hỏi: Đến bao giờ nhà báo Việt Nam sẽ sử dụng tên thật?).
Dù là một người hay một nhóm người, tôi thấy bài viết rất hay về nhiều mặt và liên quan trực tiếp đến những vấn đề tôi đặc biệt quan tâm. Bài nay cũng minh họa rõ những hạn chế cơ bản của mô hình ‘thơ báo đảng’ và văn hóa chính trị ở Việt Nam đến hôm nay.
Bài viết dành nhiều mục nhất để nêu những thành tích và nêu một số vấn đề quan trọng. Bài cũng đã chê một số vấn đề khác mà chúng ta nên chú ý. Dù tôi muốn bình luận về nội dung trong bài, có lẽ quan trọng hơn cả là bài này tạo ra một cơ hội để can thiệp vảo những tranh luận xoay quanh vấn đề nhân quyền ở Việt Nam; Trong đó có vấn đề tự do báo chí và vấn đề tôi gọi là “văn hóa chính trị” của Việt Nam.
“Bảo đảm an sinh xã hội – điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam”
Tôi thấy dù nhiều nội dung của bàì hay, thú vị. Nhưng ấn tượng nhất là về những giả thuyết và những kết luận trong bài… từ mặt này bài có vấn đề. Cụ thể, việc đạt được những thành tích to lớn ở Việt Nam trong 20 năm qua không nên được hiểu là không có những vấn đề bức xúc đối với những thể chế xã hội của Việt Nam. Đồng thời, việc có những người phê bình những chính sách xã hội và nhân quyền chẳng có nghĩa là họ là “những thế lực thù địch” của đất nước.

Dưới đây, tôi sẽ đề cập nội dung của bài để thể hiện một cách suy nghĩ cách về những vấn đề đã được nêu ra và đồng thời phân tích một số đặc điểm của văn hóa chính trị tại Việt Nam nên được xét lại trong thời đại mới. Để cho dễ đọc. tôi sẽ đánh số và trả lời từng đoạn một của bài.
1. Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu và điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân. Vượt qua khó khăn, thách thức, kể cả sự xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được triển khai có hiệu quả, trở thành một điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam…
Vâng, hoàn toàn đồng ý là “bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu và điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân. Vượt qua khó khăn, thách thức…”. NHƯNG, ngay từ đâu tôi hỏi: có thực sự cần thiết khi báo động về “sự xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí”.
Câu tiếp “dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước Việt Nam hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được triển khai có hiệu quả, trở thành một điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam…”. Ngoài việc là một câu quá dài, xin hỏi hai câu. Thứ nhất, tại sao viết “Đảng…Việt Nam”? Tôi chưa thấy một đảng nào có tên đó. Thứ hai, đúng ra những hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam đã phát triển một cách đáng khích lệ trong một số mặt NHƯNG để giả định những hoạt động này là “ngày càng được triển khai có hiệu quả” là một cách viết cảm tính hơn là phân tích khách quan. Tôi quá biết báo Nhân Dân là báo có chức năng định hướng dư luận. Chính vì thế số người đọc báo Nhân Dân ngày càng ít. Tốt nhất là trong những năm tới báo Nhân Dân nên cố gắng chuyển sang một mô hình hiện đại hơn.
2. Con người là trung tâm, động lực và mục tiêu của phát triển. Công nhận các quyền con người về dân sự, chính trị và về kinh tế, xã hội, văn hóa; đặc biệt, quyền có việc làm, thu nhập, nhà ở, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, dùng nước sạch, sống trong môi trường an toàn và mưu cầu hạnh phúc xứng đáng với phẩm giá con người ngày càng trở thành những yêu cầu cơ bản, thiết thực. Bảo đảm quyền con người trở thành lý tưởng chung mà các quốc gia, dân tộc cần đạt tới và là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới. Ðó cũng là Ðiều 25 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của LHQ nhấn mạnh: Mọi người dân và hộ gia đình đều có quyền có mức sống tối thiểu về sức khỏe và các phúc lợi xã hội, bao gồm ăn, mặc, chăm sóc y tế, dịch vụ xã hội thiết yếu và có quyền được an sinh khi có các biến cố về việc làm, ốm đau, tàn tật, góa phụ, tuổi già… hoặc các trường hợp bất khả kháng khác. Theo ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), an sinh xã hội là chỉ sự bảo vệ của xã hội đối với những thành viên của mình bằng một loạt những biện pháp công cộng, chống đỡ sự hẫng hụt về kinh tế và xã hội do bị mất hoặc bị giảm đột ngột nguồn thu nhập vì ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, tàn tật, tuổi già và chết, kể cả sự bảo vệ chăm sóc y tế và trợ cấp gia đình có con nhỏ…
Hay quá, hay quá!!!! Tôi hoàn toàn ủng hộ những giá trị này. Hay ra phết!
3. Là thành viên có trách nhiệm của LHQ và cộng đồng thế giới, Việt Nam luôn chia sẻ, tôn trọng các yêu cầu và cam kết quốc tế về nhân quyền nói trên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Việt Nam coi việc phát triển bảo đảm an sinh xã hội (BÐASXH), bảo đảm chất lượng sống cho người dân ngày càng được an toàn và cải thiện là nội dung, cách thức thiết thực nhất thực hiện các quyền xã hội của mọi người dân; đồng thời, cũng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước. Trải qua mấy chục năm chiến tranh tàn khốc, phải chịu hơn 17 triệu tấn bom đạn, hơn 70 triệu lít hóa chất chứa dioxin, Việt Nam hiện có hơn bốn triệu người khuyết tật, tàn tật do bom đạn, chất độc, cùng hàng triệu người có công, người già và trẻ em không nơi nương tựa, nghèo, cô đơn. Việt Nam còn chịu áp lực mỗi năm thêm hàng triệu người bước vào độ tuổi lao động và hàng chục triệu lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, dễ bị tổn thương… Vì vậy, Việt Nam luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình, ổn định để có điều kiện phát triển cuộc sống của toàn dân, bù đắp cho những người bị thiệt thòi, và cũng vì thế, Việt Nam coi hệ thống BÐASXH đa dạng, có tính chia sẻ và hiệu quả theo chiến lược tổng thể quốc gia là sự nghiệp của toàn hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Thế hà? Trước hết, câu “là thành viên có trách nhiệm của LHQ” mang tính chất chủ động. Hơn nữa, để khẳng định “(nhà nước) Việt Nam luôn chia sẻ, tôn trọng các yêu cầu và cam kết quốc tế về nhân quyền nói trên” thì tôi rất ái ngại cho sức khỏe tâm lý của tác giả. Rõ rằng dù có những tiến bộ đáng mừng về những quyền xã hội, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đối với các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa và ai mà phủ nhận điều đó rõ ràng là có một quan điểm hết sức kỳ lạ.
Câu mà đọc “Việt Nam coi việc phát triển bảo đảm an sinh xã hội (BÐASXH), bảo đảm chất lượng sống cho người dân ngày càng được an toàn và cải thiện là nội dung, cách thức thiết thực nhất thực hiện các quyền xã hội của mọi người dân; đồng thời, cũng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước” dù dài dòng cũng là một câu tôi hoàn toàn ủng hộ. Đọc đến câu “Trải qua mấy chục năm chiến tranh tàn khốc…” thì không có ai phủ nhận. Khi khẳng định “mỗi năm thêm hàng triệu người bước vào độ tuổi lao động” thì quả là phóng đại một chút vì theo tôi hiểu mỗi năm có hơn một triệu chứ (cũng theo ILO). Nhưng việc VN còn có “hàng chục triệu lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, dễ bị tổn thương” là có thật và đáng lo ngại.
Câu cuối cùng trong đoạn này cho rằng: “…vì thế Việt Nam coi hệ thống BÐASXH đa dạng, có tính chia sẻ và hiệu quả theo chiến lược tổng thể quốc gia là sự nghiệp của toàn hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Về câu này tôi không có vấn đề gì hết.
4. Ðối với vấn đề xóa đói, giảm nghèo, Việt Nam coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và quan trọng hàng đầu trong BÐASXH. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa VII chỉ rõ: “Trợ giúp người nghèo chủ yếu bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn. Hình thành quỹ xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương trên cơ sở dân giúp dân, Nhà nước giúp dân và tranh thủ các nguồn tài trợ nhân đạo trong nước và quốc tế. Phấn đấu tăng số hộ giàu, đi đôi với xóa đói, giảm nghèo”. Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng tiếp tục khẳng định: “Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”. Lấy ngày 17-10 hằng năm là “Ngày vì người nghèo” (cùng với ngày “Thế giới chống đói nghèo” do Liên hợp quốc khởi xướng), từ năm 1995 đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều thành lập các ban chỉ đạo, triển khai hàng chục chương trình và chính sách đầu tư, cho vay phát triển hạ tầng, việc làm, hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các hoạt động cộng đồng, tương thân, tương ái, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Tháng 5-2002, Chính phủ chính thức triển khai “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo” phù hợp với mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của LHQ. Từ năm 2003 tới năm 2012, ngân sách Nhà nước chiếm hơn 51% tổng chi cho BÐASXH, bình quân khoảng 6,6% GDP/năm. Riêng giai đoạn 2006 – 2012, Chính phủ đã đầu tư hơn 700 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho gần 3.000 dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục nhằm tăng cường hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; trong đó, riêng các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được ngân sách Nhà nước đầu tư hơn 54.770 tỷ đồng. Hằng năm, Nhà nước chi trợ cấp xã hội thường xuyên tới khoảng 2% dân số, trợ cấp đột xuất khoảng 0,5% – 0,6% GDP cho khắc phục hậu quả các vùng bị thiên tai. Giai đoạn 2010 – 2013, thực hiện Nghị định 41/2010/NÐ-CP về chính sách đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng dư nợ tín dụng cho nông nghiệp đã tăng 2,1 lần (từ 292 nghìn tỷ đồng, lên gần 622 nghìn tỷ đồng). Nhà nước còn thực hiện giao quản lý đất và rừng ổn định; vận động người dân tộc thiểu số sống định canh, định cư và tái định cư ở những địa bàn phù hợp, vì lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường cộng đồng và quốc gia.
Vì đoạn này rất dài chỉ nêu rõ một số vấn đề đáng bàn. Một là, trong câu đầu tiên có ghi “Việt Nam coi…”. Đề nghị nên nói cụ thể là nhà nước Việt Nam thay vì “Việt Nam” (Việt Nam là một đất nước, không phải là một tổ chức chính trị như câu này hàm ý). Tôi cũng biết ít nhiều về những vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam và đã từng tham gia những công trình phục vụ nhà nước Việt Nam. Về những thông tin trên tôi không cần tranh luận. Mục tiêu cơ bản phải là năng cao an sinh xã hội và “an ninh kinh tế” của của người dân Việt Nam. Nêu ra những chỉ số thực sự là không hữu ích chút nào vì chúng ta thiếu thông tin ở đây để đánh giá ý nghĩa của những chỉ số này. Mặt khác, một lần nữa tôi không có vấn đề lớn lắm về những mực tiêu và ý định kể trên, dù e rằng nếu coi nhà nước Việt Nam là một tổ chức nhân đạo vì những khoản tiền mà nhà nước chi tiêu lại đến từ tiền thuế của dân.
5. Khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân ngày càng được cải thiện cũng là một điểm nhấn trong BÐASXH ở Việt Nam. Cuối năm 2012, khoảng 90,7% số người nghèo nhất đã được sử dụng điện lưới; hơn 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có trạm y tế, trong đó 78% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm; 67,5% số xã có công trình thủy lợi nhỏ. Hàng nghìn nhà tình nghĩa và hàng trăm dự án nhà ở xã hội được triển khai trên toàn quốc, góp phần đáp ứng nhu cầu cho hàng triệu người dân thuộc đối tượng chính sách. Từ năm 2010, cả nước đã cơ bản hoàn thành phổ cập THCS với 100% số xã có đủ trường tiểu học, THCS. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học là 97,7% và bậc trung học cơ sở là 87,2%. Mỗi năm, 1,8 triệu lao động được dạy nghề qua hệ thống 10 nghìn trường, trung tâm học tập cộng đồng và gần 700 trung tâm giáo dục thường xuyên. Riêng hai năm 2011 – 2012, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ 11.844 tỷ đồng tiền miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho bốn triệu lượt học sinh con của hộ nghèo, hộ chính sách và trẻ đến 5 tuổi. Theo Quyết định 36/2013/QÐ-TTg, từ ngày 15-3-2013, Nhà nước thực hiện hỗ trợ 15kg gạo/tháng (chín tháng/năm học) cho mỗi học sinh tiểu học và THCS người dân tộc thuộc khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Vâng, “khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân ngày càng được cải thiện cũng là một điểm nhấn trong BÐASXH ở Việt Nam” là điều đáng mừng. Tôi và không ít người khác đang lo là việc có “khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản” rất dễ đánh mất ý nghĩa tích cực nếu dân phải bỏ biết bao nhiêu tiền để đảm bảo chất lượng dịch vụ là trên mức có thể chấp nhận được. Vâng, Việt Nam đã thấy nhiều tiến bộ đối với việc mở rộng các dịch vụ cơ bản là điểm tốt.
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng, Đảng Công Sản Việt Nàm và nhà nước CHXHCNVN lâu nay đã quan tâm đến những vấn đề này. Nhưng vấn đề này đâu có nghĩa là không có vấn đề nghiêm trọng chúng ta phải chú ý đến. Mục đích của bài này là gì? Nêu mãi những chỉ số như trên không có nghĩa lắm.
6. Các loại hình bảo hiểm cho người dân ngày càng mở rộng với sản phẩm ngày càng đa dạng. Ðối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng tăng và được hưởng các chế độ và quyền lợi kịp thời, đầy đủ, an toàn, đúng quy định. Năm 2012, hơn 60,5 triệu người tham gia BHXH, BHYT tăng 5,9% so với năm 2011. Tính đến năm 2011, BHXH bắt buộc đã thu hút được 20% lực lượng lao động và 70% đối tượng liên quan. BHXH tự nguyện thu hút được hơn 0,22% số lao động thuộc diện tham gia. BHTN đã có hơn 8,1 triệu người tham gia. Chỉ riêng hai năm 2011 – 2012, NSNN đã hỗ trợ hơn 22 nghìn tỷ đồng cấp thẻ BHYT miễn phí cho 29 triệu lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ bằng 70% mệnh giá thẻ mua BHYT cho người dân thuộc diện cận nghèo (với mức 3% lương tối thiểu chung). Hơn 90% số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Chênh lệch tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giữa nông thôn và thành thị đã giảm xuống còn 14,3%, so với 20,3% năm 2001. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi, tỷ lệ tử vong mẹ đều thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia có cùng điều kiện kinh tế. Tuổi thọ bình quân của Việt Nam hiện đạt 73-74 tuổi. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước liên tục giảm, chỉ còn gần 9,64% vào cuối năm 2012, so với 22% năm 2006. Tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm từ trung bình 47% năm 2006, xuống còn 28,55% năm 2012 ở vùng Tây Bắc, Ðông Bắc – 17,39%, Tây Nguyên -15,58%, Bắc Trung Bộ – 15,01%. Thu nhập bình quân của hộ nghèo năm 2010 tăng 2,3 lần so với năm 2005; bình quân GDP tăng từ 1.024 USD/người năm 2008 lên 1.540 USD/người năm 2012.
Vâng, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng mừng. Tuy nhiên, chế độ bảo hiểm y tế còn quá nhiều vấn đề. Hy vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết trong tương lai. Đời sống của hàng triệu người đã được cải thiện, nhưng hàng triệu người khác vẫn nghèo và dễ bị rơi vào khủng hoảng vì tình trạng mất ổn định trong nền kinh tế. Hơn nữa, mức sống tối thiểu ở Việt Nam còn quá thấp. Nên chúng ta phải cần thận trọng khi quá lạc quan về tinh hình an sinh xã hội. Nghèo tuyệt đối (absolute poverty) đang giảm chậm hơn so với trước trong khi đó sự nghèo tương đối (relative poverty) đang tăng là những xu hướng đáng lo. Tóm lại, việc Việt Nam đã có nhiều tiến bộ là đáng mừng nhưng cũng phải nhắc đến những vấn đề vẫn còn và nếu không viết như thế này chỉ phản ánh bệnh thành tích vẫn còn ở Viẹt Nam.
7. Với những nỗ lực nói trên, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn tất cả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015 nên đã được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo. Tại Hội nghị cấp cao “Kêu gọi hành động vì sự sống còn của trẻ em” tổ chức ở Hoa Kỳ năm 2012, LHQ và nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam thuộc tám quốc gia đạt tiến độ thực hiện Mục tiêu MDG 4 về giảm tử vong trẻ em; thuộc chín quốc gia đạt tiến độ thực hiện về Mục tiêu MDG 5 về giảm tử vong mẹ; xếp thứ 27 trong số 101 nước đang phát triển về năng lực giảm nghèo của các quốc gia (gọi tắt là CPM), trên cả In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái-lan…
Ở đây, tôi không có bình luận gì.
8. Bằng việc thông qua và triển khai Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, hệ thống BÐASXH sẽ bao phủ toàn dân; đặt trọng tâm vào các mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững; tiếp cận và thụ hưởng công bằng các dịch vụ và các phúc lợi xã hội, các nguồn lực, cơ hội và thành quả phát triển cho người dân, ưu tiên người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, người dân nông thôn, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và sinh viên; tăng cường nhận thức của cộng đồng, trợ giúp pháp lý, năng lực của cơ quan thực thi pháp luật về quyền con người. Những chủ trương, chính sách, kết quả hoạt động thực tế và định hướng, mục tiêu phấn đấu nêu trên khẳng định sự nhất quán và những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác BÐASXH của Việt Nam. Ðó còn là bằng chứng mạnh mẽ bác bỏ luận điệu của những người cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Nhà nước Việt Nam trong công tác BÐASXH. Ðồng thời, những sự thật hiển nhiên này cũng bác bỏ dứt khoát sự vu khống, bịa đặt trắng trợn và suy diễn méo mó của một số kẻ cho rằng, đâu đó trên đất nước Việt Nam còn có hiện tượng kỳ thị dân tộc và bỏ rơi người nghèo, nhất là ở nông thôn, người dân tộc thiểu số, miền núi. BÐASXH tốt hơn, xã hội dân chủ, cởi mở và đồng thuận hơn đã, đang và sẽ góp phần quan trọng để phát triển đất nước, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đoạn cuối không có nhiều vấn đề chưa đề cập đến trước đây và nói chung tôi ủng hộ định hướng (dù có ý kiến khác một chút về cách thực hiện). Mặt khác, câu khẳng định “Ðó còn là bằng chứng mạnh mẽ bác bỏ luận điệu của những người cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Nhà nước Việt Nam trong công tác BÐASXH” thật ngây ngô. Ai là người phủ nhận vai trò của Nhà nước Việt Nam trong công tác BÐASXH? Chắc chắn không phải là tôi hay ai biết nhiều về chính sách xã hội ở Việt Nam. Tôi thích câu cuối cùng: “BÐASXH tốt hơn, xã hội dân chủ, cởi mở và đồng thuận hơn đã, đang và sẽ góp phần quan trọng để phát triển đất nước, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.” Lạc quan quá!
Kết luận gì?
Như vậy, chúng ta có thể kết luận gì về bài viết này? Đối với tôi, một người quan tâm nhiều về những vấn đề xã hội ở Việt Nam và cũng ủng hộ Việt Nam trong quá trình cải cách những thể chế chính trị-xã hội, tôi lo nhất về giọng văn trong bài này.
Nó giả định chỉ có một quan điểm duy nhất mà có giá trị và ai suy nghĩ cách về tình hình ở Việt Nam nói chung và đối với BĐASXH nói riêng là những kẻ thù địch. Chính vì thế tôi thấy trong bài này là một vấn đề ‘văn hóa’ Việt Nam nói chung và cụ thể hơn chính quyền Việt Nam phải chấp nhận.
Ai cũng biết mực đích và chúc năng của báo Nhân Dân chính là để đầy mạnh đường lối của Đảng. Luôn luôn giả dịnh đường lối hiện giờ là đúng, dù là thời kỳ Lê Duẩn hay thời kỳ hiện nay. Nhưng muốn có một Việt Nam tốt đẹp hơn, xã hội dân chủ, cởi mở và đồng thuận hơn phải thực bảo đảm những quyền xã hội, chính trị, dân sự. Phải xóa văn hóa chính trị một chiều. Phải bình thường hóa việc có tranh luận trên báo chí. Phải thực sự cởi mở về những vấn đề quan trọng mà đất nước đang phải đương đầu.
JL

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"