Bà Catharin Dalpino, người từng là phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, được xem như một chuyên gia về an ninh ở khu vực Ðông Nam Á, mới khẳng định như thế với BBC.
|
Huấn
luyện quân nhân của quân đội Hoa Kỳ. Việt Nam xem việc bãi bỏ lệnh cấm
bán vũ khí là một phần của bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
(Hình: BBC)
|
Bà Dapilno nói thêm rằng, chính giới Hoa Kỳ không ủng hộ việc bán vũ khí cho Việt Nam và nhân quyền chắc chắn sẽ là một chủ đề trong cuộc hội đàm giữa tổng thống Hoa Kỳ với chủ tịch Nhà nước Việt Nam.
Hai chủ đề còn lại là việc Việt Nam tham gia Hiệp định Ðối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hoạt động của Trung Quốc trên biển Ðông.
Cách nay ít ngày, trả lời phỏng vấn của AP về lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Hoa Kỳ cho Việt Nam, chủ tịch Nhà nước Việt Nam cho rằng, bây giờ là lúc để bình thường hóa quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Ông Sang thừa nhận “có khác biệt” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về nhân quyền, song ông Sang cho rằng đó là điều “hoàn toàn bình thường.”
Bà Dalpino không nghĩ như vậy. Bà giải thích chuyện bán vũ khí của Hoa Kỳ là vấn đề phụ thuộc vào cả chính phủ lẫn Quốc Hội Hoa Kỳ. Quyết định bán vũ khí thường được gắn với nhân quyền.
Thời gian vừa qua, nhiều chính khách Hoa Kỳ ở cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện công khai bày tỏ sự bất bình, khi Việt Nam liên tục thực hiện nhiều hành vi xâm hại nhân quyền. Hạ Viện Hoa Kỳ liên tục tổ chức các buổi điều trần về tình trạng nhân quyền được xem là càng ngày càng tồi tệ tại Việt Nam, trong hai tháng 5 và 6.
Trong cuộc điều trần diễn ra hồi tháng 6, Dân Biểu Chris Smith, thành viên Ủy Ban Ðối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ, từng chỉ trích: “Có vẻ như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã để những toan tính chính trị lấn át thực tế và sự bạo tàn trong vấn đề đàn áp tôn giáo của Chính phủ Việt Nam.”
Trước sự chỉ trích của nhiều thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế, ông Daniel Baer, phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã lên tiếng phân biện. Ông cho rằng, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một quan hệ năng động, song Hoa Kỳ vẫn quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, vì dân chúng Việt Nam không được hưởng những quyền tự do cơ bản mà cộng đồng quốc tế công nhận. Cũng theo ông Baer, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến mọi phương diện trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hối thúc Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Mới đây, Dân Biểu Ed Royce, chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ, nhận định, chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang là cơ hội có một không hai để ông Obama lên tiếng hậu thuẫn nguyện vọng được hưởng các quyền tự do của dân chúng Việt Nam. Ông Royce hối thúc ông Obama tận dụng cơ hội này để bênh vực nhân quyền.
Ngay vào ngày ông Trương Tấn Sang lên đường sang thăm Hoa Kỳ, Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch - HRW) phát hành một thông cáo, kêu gọi cần đặt vấn đề Việt Nam gia tăng đàn áp là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Ông John Sifton, thành viên Ban Á Châu của HRW, cho rằng: Nếu phê phán chính quyền Việt Nam là một tội, thì Tổng Thống Obama nên thể hiện tình đoàn kết với những người bất đồng chính kiến bằng cách tự mình phạm tội ấy. Ông Sifton kêu gọi: Ông Sang không thể biện minh cho chính sách đàn áp của chính phủ Việt Nam trước dư luận toàn thế giới và nên nhân cơ hội này chấm dứt việc đó.
HRW đề nghị Hoa Kỳ nêu chính kiến về các trường hợp đặc biệt như: Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (blogger Ðiếu Cày), Lê Quốc Quân và nhắc thêm nhiều trường hợp khác như: Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha, Ðinh Nhật Uy... (G.Ð)