Ngày 23/7/2013, ông Trương Tấn Sang đã lên
đường đi Mỹ. Không biết trong hành trang của ông có hồ sơ của blogger
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hay không?
Vài ngày trước chuyến công du, dư luận trong và ngoài nước đã phẫn
nộ trước việc anh bị biệt giam và thực hiện tuyệt thực đã nhiều ngày.
Báo chí lề phải im lặng tuyệt đối. Không một tờ nào nói gì, dù chỉ là
hình thức đưa tin.
Nhưng chả lẽ hàng ngàn dư luận viên, các chuyên gia, cố vấn không
chuyển thông tin tới ông. Và cả bản thân ông nữa, ông chỉ biết đến tin
tức từ báo lề phải? Còn BBC, RFI, RFA... ?
Tôi tin là trong đống hồ sơ về nhân quyền mà Trương Tấn Sang đối
thoại với Mỹ, thành tích mới mẻ này chắc chắn có. Bởi vì trường hợp của
Blogger Điếu Cày, người được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng
Hellman-Hammett 2009, đã được Tổng thống Barack Obama lưu ý và kêu gọi
"chúng ta không được quên Điếu Cày" trong Ngày Báo chí Tự do Quốc tế mới
tháng 5 năm vừa rồi.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cũng đã lên tiếng lo
ngại về tình trạng sức khoẻ của Điều Cày và kêu gọi trả tự do cho anh.
Nhật báo Washington Post đã đăng tin về sự tuyệt thực của anh và nhắc tới "thành tích mới" này trước chuyến đi Mỹ của chủ tịch Trương Tấn Sang.
Thật là bất tiện và khó ăn nói khi chủ nhà hỏi thăm về tình trạng
của Điếu Cày mà bên khách chỉ ghi nhận xem xét hoặc chống chế bằng cách
nói "trại giam đã làm đúng với pháp luật".
Muốn gì thì muốn, cho dù nhân quyền không phải là chủ đề trọng tâm
trong vấn đề an ninh và hợp tác trên biển Đông nhằm ngăn chặn sự bành
trướng và khiêu khích ngang ngược của Trung Cộng, nhưng nó vẫn là vật
cản, làm tắc nghẹt sự chuẩn thuận của Hạ Viện Mỹ về việc bán vũ khí sát
thuơng cho Việt Nam và tham gia Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương
TPP.
Cho nên, không thể xem nhẹ. Trong tổng hợp toàn bộ các vấn đề, nhân
quyền là sợi xích liên kết và có một sức nặng nhất định. Nhất là khi
Tổng thống Obama vẫn kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền và nhiều dân
biểu quốc hội Mỹ, đặc biệt Trưởng Ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce trong
cuộc họp báo ngày 23/7/13 đã lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền và "muốn
xóa bỏ điều 79, điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự Việt Nam và Chính phủ hãy
để người dân có được tự do nhân quyền". Còn bà dân biểu Loreta Sanchez
cho hay, nếu Việt Nam không thay đổi thì "sẽ không có được trong tay một
thoả thuận thương mại kinh tế nào đáng kể".
Trại giam chỉ là nơi giam giữ người, tuyệt nhiên không thể thay vai
trò của toà án bắt tù nhân nhận tội. Anh Điếu Cày, trước toà án đã
khẳng định mình vô tội, nếu có đó chỉ là tội yêu nước và chống Tàu xâm
lược, và chính vì thế, anh đã nhận bản án hết sức nặng nề, 12 năm và 5
năm quản chế. Do vậy anh không thể nào chấp nhận yêu cầu quái gỡ ấy của
trại giam. Trại giam đã làm trái với luập pháp hiện hành của chính họ,
đã vượt quá thẩm quyền.
Biệt giam anh Điếu Cày để trừng phạt khi anh không nhận tội là một
hành động hèn nhát, độc ác, vô nhân đạo, ỷ thế bạo lực của kẻ mạnh bắt
nạt người thân cô thế cô.
Ý chí bất khuất tranh đấu vì sự công bằng và công lý của anh Điếu
Cày là gương sáng cho tất cả những người yêu chuộng tự do và cho thấy
rằng, không phải trong cái nhà tù lớn Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
nhân quyền bị chà đạp, mà cả trong nhà tù nhỏ, con người đã mất tự do
rồi vẫn tiếp tục bị xúc phạm phẩm giá một cách thô bạo và tàn nhẫn.
Không biết hiện trạng sức khoẻ của anh ra sao, nhưng sự chịu đựng
của cơ thể qua ngày thứ 32 rồi dường như là đã vượt qua giới hạn. Anh
hiên ngang chấp nhận sự rủi ro nhất: cái chết. Chỉ mong rằng điều bất
hạnh và bi kịch này không xảy ra.
Nhưng trường hợp của anh là tiếng chuông cảnh báo, là tín hiệu đỏ
cho giới chức Hoa Kỳ trong cái nhìn về nhân quyền tại Việt Nam. Những
lời ong bướm hứa hẹn của họ chỉ là trò phỉnh, lừa gạt.
Biết đâu chính trường hợp của anh Điếu Cày lại là vật cản khó qua
nhất của dòng chảy đối thoại nhân quyền Việt -Mỹ trong chuyến công du
của chủ tịch Trương Tấn Sang.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog