Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Tự xử?!

Trần Kỳ Trung 

Không biết câu “ tự xử” ra đời từ lúc nào? Nguyên nhân vì đâu? Nhưng, theo tôi, câu “ tự xử” được dùng phổ biến nhất, có lẽ, trong thời gian gần đây.
         Giả như, cậy chức to, quyền lớn, kẻ đó với lòng tham vô đáy, gây ra những vụ tham nhũng cực lớn gây tổn thất vô cùng tệ hại cho tài sản nhà nước.
Nếu công khai minh bạch, cho nhân dân biết, sử dụng công cụ luật pháp thật nghiêm minh,  cho báo chí, đài, ti vi… đưa tin một cách trung thực, rõ ràng… thì những kẻ đó phải chịu những bản án nghiêm khắc nhất, sự ổn định xã hội sẽ được khôi phục, củng cố lòng tin của người dân vào cơ quan công quyền. Tất nhiên, lúc đó, với sự nghiêm minh của pháp luật, những vụ án tham nhũng lớn được xử công khai sẽ là sự cảnh tỉnh cho những kẻ có chức lớn, quyền to chuẩn bị tham nhũng.

      Nhưng không, ngay ở cấp cao nhất, hình như chuyện đó không có mà họ tiến hành …tự xử. Họp trung ương có nội dung bàn chuyện chống tham nhũng thì kín như bưng, báo chí, đài, ti vi, các cơ quan truyền thông khác,  nhân dân không hề biết nội dung sẽ thảo luận vấn đề gì? Ý kiến của mọi người ra sao? Kẻ bị kiểm điểm thái độ, trách nhiệm như thế nào? Tất cả mọi người chỉ biết báo cáo phiên khai mạc, tổng kết phiên bế mạc với những dòng chữ chung chung: “…Nghiêm túc trong kiểm điểm…” “ …thành khẩn nhận thiếu sót…”, “…trong công tác điều hành còn chủ quan duy ý chí…”…v.v… và v. v… Rồi cuối cùng, hòa cả làng. Kinh tế suy sụp chưa thấy lối ra, xã hội bất ổn, lòng dân không yên… ai cũng có thể thấy rõ nguyên nhân, nhìn thấy rõ những kẻ gây ra thảm cảnh đó. Thế nhưng, do “ tự xử” trong những cuộc “hội nghị kín” nên không thể đưa những thủ phạm chính ra trước vành móng ngựa, hay nhẹ hơn cách chức những kẻ đó. Đáng buồn hơn, giải thích cho dân biết về chuyện “tự xử” này mà cũng không dám nói rõ tên người bị kiểm điểm đó là ai??? Cứ “đồng chí X , đồng chí Y” để dân muốn hiểu thế nào thì hiểu.

        Rõ ràng chính  “tự xử” trong những kỳ họp trung ương vừa rồi, người dân có quyền nghi ngờ đến tính chất nghiêm minh, trung thực của đảng, nhà nước.

Kẻ ăn cắp cho bị dân " tự xử" cho chết
Nhiều vụ án tham nhũng lớn mang ra xét xử, tưởng là “ công khai” ,nhưng …mọi người đều biết gần như đã có “ tự xử” từ trước rồi. Làm thất thoát, tham ô đến cả mấy chục ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân, tiền nhà nước vay nợ nước ngoài mà kẻ cầm đầu chỉ có tù hai chục năm như vụ Vinashin… Kẻ đưa ra chủ trương để Vinashin thực hiện không bị làm sao!!!
       Cách xử án mà thực chất là “tự xử” như vậy, không hề mang lại yếu tố tích cực cho xã hội , ngược lại, chỉ càng đẩy xã hội vào chỗ người dân không tin vào luật pháp, chính quyền.

         Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính để  người dân không tin vào luật pháp nữa, dẫn đến cách  “ tự xử” riêng.

          Ví như: Kẻ  trộm chó, không cần  công an dẫn giải, không cần luật pháp nghiêm trị, nhân dân tự động dùng gậy gộc…đập chết kẻ đó. Hay như, chỉ vì chuyện tranh giành nhà đất, lẽ ra đưa ra cơ quan pháp luật xử lý nhưng nhiều trường hợp, không có chuyện đó mà “ tự xử”, trong gia đình, họ hàng  đâm chém nhau, gây ra bao nhiêu thảm cảnh người chết, người bị thương. Ra đường, chỉ cần va chạm, xích mích nhỏ thế nào cũng có chuyện  “ tự xử” đánh nhau dẫn đến chết người còn hơn cả phim hành động. Ngỏ lời yêu, không được đáp trả, điên tiết “ tự xử” lấy mấy lít xăng, đổ vào người kia rồi châm lửa đốt. Nghiêm trọng hơn, mang danh trí thức, có hiểu biết mà một ông tổng biên tập một tờ báo lớn ở Hà Nội bị tố cáo có hành vi tiêu cực, liền trả thù bằng cách “ tự xử” cho thôi việc người tố cáo ông ta, bất chấp sự phản đối của tập thể, công luận. Đó là chưa kể nhiều hình ảnh của học sinh, sinh viên Việt Nam “tự xử” bằng cách chửi nhau, đánh nhau dã man ngay giữa lớp, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người… không ngày nào trên các trang mạng như Youtube, facebook… là không có…

         Còn nhiều chuyện “ tự xử” nữa, tôi không nêu ra đây, bạn đọc có khi còn biết nhiều hơn tôi.

        Một đất nước có luật pháp, có chính quyền,  có công cụ bảo vệ an ninh xã hội, bảo vệ luật pháp mà tại sao vẫn tồn tại những  kiểu “ tự xử” từ trên xuống dưới vô luật pháp!!!

          Chung quy lại cũng do cách “tự xử” của những người lãnh đạo lãnh đạo trong đảng và nhà nước. Trên, đứng trên  luật pháp, coi thường dư luận, nhất là coi thường ý nguyện của nhân dân thì bên dưới, tất yếu sẽ nảy nòi ra hình ảnh “tự xử” đau lòng trên!

             Một chế độ còn tồn tại kiểu “tự xử” như thế làm sao có thể gọi là “văn minh, tiến bộ, được nhân dân tin tưởng”Và cứ kiểu  “ tự xử” như mấy hội nghị trung ương vừa rồi, đảng có thể có đủ uy tín để đảm bảo vai trò lãnh đạo độc tôn của mình không?
Theo blog Trần Kỳ Trung

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"