Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Những dân tộc thiểu số thách thức người khổng lồ Trung Quốc (2)

Thụy Mi

Chân dung Đạt Lai Lạt Ma tại chùa Kumbum, Thanh Hải, ngày 06/07/2013.
BÀI 2 : MỘT THOÁNG MỞ CỬA CHO TÂY TẠNG

(Le Monde 11/07/2013) Đó là một loạt những dấu hiệu mơ hồ, gợi lên những hy vọng về một chính sách linh hoạt hơn của Trung Quốc đối với Tây Tạng, và như thế cũng có thể hy vọng cho Tân Cương. Dấu hiệu gần đây nhất là việc cho phép đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Gary Lock cùng với gia đình đến Tây Tạng vào cuối tháng Sáu. Đây là một nhượng bộ, vì người tiền nhiệm của ông Locke đã đến đây vào năm 2010.

Vài ngày trước đó, hôm 20/06/2013, cái tin Rigzin Wangmo, con gái của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 - thủ lĩnh tinh thần số hai của Phật giáo Tây Tạng - thăm đền Jokhang ở Lhassa, đã lan truyền tại thủ phủ Tây Tạng và gây ra một sự xúc động sâu sắc. Rigzin Wangmo sống tại Bắc Kinh. Và người cha của cô, qua đời ở tuổi 51 tại Tây Tạng năm 1989 vẫn là biểu tượng chiến đấu cho danh dự của người Tây Tạng. Ngài đã mất trong các điều kiện mà chính phủ Tây Tạng lưu vong xem là đáng ngờ, sau khi tuyên bố lòng trung thành của mình với Đạt Lai Lạt Ma.

Trong số những dấu hiệu mở cửa dè dặt này, đáng chú ý nhất là cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo Hồng Kông Á châu Tuần san hôm 9/6 của bà Cận Vi (Jin Wei), giám đốc ban Dân tộc và Tôn giáo Trường Đảng Trung ương tại Bắc Kinh. Vẫn trung thành với ý thức hệ chính thống, nhưng bà Cận Vi đưa ra những lý lẽ khác hẳn so với truyền thống tuyên truyền bôi nhọ Đạt Lai Lạt Ma.


Bà khẳng định cần quan tâm đến « tình cảm của hàng triệu người Tây Tạng » đối với lãnh tụ tinh thần của họ, « vị thánh sống của sáu triệu người Tây Tạng ». Bà nói : « Chúng ta không thể đơn thuần coi ông như là một kẻ thù, còn có những phương cách khác hơn là sự thù địch ». Theo nhà nghiên cứu này, thì cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là « đối với cả hai bên, cần phải tiến hành các cuộc thương lượng nghiêm túc, chân thành và mang tính xây dựng ». Có nghĩa là nối lại các cuộc thương thảo giữa các đặc sứ của Đạt Lai Lạt Ma và Bắc Kinh, đã bị bế tắc từ năm 2010. Bà Cận Vi cũng đề nghị để cho Đạt Lai Lạt Ma được đến…Hồng Kông.

Các đề nghị của bà Cận Vi không phải là vô bổ. Chúng được đưa ra trong lúc ê-kíp lãnh đạo mới của Trung Quốc, được chỉ định vào tháng 11/2012, đã hoàn tất việc lập tân chính phủ vào tháng 3/2013. Trong số bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị, người phụ trách hồ sơ Tây Tạng – Tân Cương nay là Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) : báo chí Trung Quốc hồi tháng Sáu tiết lộ, ông là là « trưởng nhóm công tác về Tây Tạng và Tân Cương ».

Bà Cận Vi, mà những phát biểu trên đã gây được tiếng vang rộng rãi trên truyền thông phương Tây và cộng đồng người Tây Tạng, đã được ủy nhiệm để gởi đi một thông điệp thông qua báo chí Hồng Kông ? Có thể lắm. Thái độ bất thường của bà gợi nhớ lại cuộc cách mạng nho nhỏ của giới đại học Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên, với những lời lên án gay gắt - như Đặng Duật Văn (Deng Yuwen), một người có trách nhiệm của tờ báo Trường Đảng Trung ương vào tháng Hai đã kêu gọi « hãy bỏ rơi Bình Nhưỡng ».

Nhà ly khai Hồ Bình (Hu Ping) ở Mỹ, đã bình luận ngày 24/6 trên đài RFA : « Một số viên chức ĐCSTQ và trí thức vẫn chưa hoàn toàn mất hết lương tâm, không thể không quan ngại  trước tình hình hiện nay tại Tây Tạng. Họ cần chứng tỏ cho thấy là họ không đồng ý với chính quyền và hy vọng sẽ có những thay đổi ». Được Le Monde hỏi qua điện thoại, bà Cận Vi trả lời bằng tin nhắn hôm 28/6 là bà không chấp nhận trả lời phỏng vấn, và thêm một câu đầy hàm ý: « Quý vị chắc hẳn phải biết vì sao, nhưng rất tiếc là tôi không thể nói ra », kèm theo là một smiley mặt cười.

Nhà văn nữ Tsering Woeser, tiếng nói độc lập duy nhất của Tây Tạng cất lên từ Trung Quốc, cho biết cảm thấy báo động về phần cuối của bài phỏng vấn bà Cận Vi. Trong phần này nhà nghiên cứu giải thích, điều quan trọng đối với Trung Quốc là đảm bảo rằng « chỉ có một hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma », và « trong nội địa Hoa lục » (Đạt Lai Lạt Ma năm nay 78 tuổi, đã từng tuyên bố là ngài không loại trừ trường hợp sẽ tái sinh ở ngoại quốc). 

Cận Vi nhấn mạnh, đó là nhằm « tránh vụ rắc rối có hai Ban Thiền Lạt Ma ». Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 hiện nay là do Bắc Kinh chọn lựa và bị người Tây Tạng coi là giả danh, còn vị Ban Thiền chính thức của các đặc sứ Đạt Lai Lạt Ma đã mất tích cùng với gia đình, người ta nghi ngờ là bị tình báo Trung Quốc bắt cóc.

Bà Cận Vi hoan nghênh việc một khi vấn đề Đạt Lai Lạt Ma đã được giải quyết, « ám ảnh của phương Tây về Đạt Lai Lạt Ma sẽ phai nhạt đi ». Mục tiêu này của Trung Quốc khiến Tsering Woeser sững sờ. Nhà văn nữ thấy đây chỉ là mánh lới của Bắc Kinh, mưu toan thủ lợi qua việc truyền ngôi của người lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, dù phải nhượng bộ đôi chút.

Một thông tin đáng ngạc nhiên khác, ban đầu do một trang mạng cộng đồng Tây Tạng loan ra, càng làm tăng thêm những nhập nhằng : Trong khuôn khổ chính sách thử nghiệm tại một số vùng ở Thanh Hải và Tứ Xuyên, có những nhà sư được bắn tín hiệu là từ nay họ được phép chưng ảnh chân dung của Đạt Lai Lạt Ma, không yêu cầu họ phải « chỉ trích » ngài nữa. 
Những lời phủ nhận khi các hãng thông tấn phương Tây gọi đến các chùa, rồi cải chính của cơ quan phụ trách tôn giáo Trung Quốc đã làm nguội đi nhiệt tình. Và để lại một sự phân vân lạ thường : liệu đây có phải là tin đồn sai lạc ? Một quả bóng thăm dò ? Một sự khoan dung tạm thời mà tổ chức phi chính phủ  ICT (International Campaign for Tibet) đã từng ghi nhận trong quá khứ, vào thời điểm cận kề sinh nhật Đạt Lai Lạt Ma ngày 6/7 ? Tuy về mặt chính thức thì bị cấm đoán, nhưng trên thực tế chân dung của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng vẫn được treo trong các chùa, và khi bị kiểm tra thì sẽ được giấu đi.

Robert Barnett, nhà Tây Tạng học thuộc trường đại học Columbia nhận định : « Có thể do gây tiếng vang ồn ào nên họ đã thay đổi ý kiến ». Theo ông, điều mới mẻ là có một văn bản yêu cầu không đả kích Giải Nobel hòa bình, vốn thường xuyên bị mô tả là một nhà ly khai và là một « con chó sói khoác lớp da một con cừu ». Ông nói : « Việc cho ngưng lại các chiến dịch tố cáo Đạt Lai Lạt Ma là một sự kiện đầy ý nghĩa, vì đây là điều quan trọng và là trung tâm của chính sách Trung Quốc tại khu tự trị Tây Tạng. Chính quyết định tăng cường tố cáo trong những năm 2000 tại các vùng người Tây Tạng sinh sống gần khu tự trị, cuối cùng đã đẩy những người Tây Tạng ở Tứ Xuyên, Thanh Hải hay Cam Tư phải xuống đường ».

Thời kỳ hậu Đạt Lai Lạt Ma là một câu hỏi lớn trong những năm tới : lời kêu gọi tuyệt vọng về việc để cho ngài trở lại Tây Tạng, vốn là yêu sách chính của cuộc nổi dậy năm 2008, đã nhận được câu trả lời đáng ngờ của chính quyền Trung Quốc, dưới dạng đàn áp dã man. 

Thái độ của một Trung Quốc thời Hồ Cẩm Đào, cựu « đao phủ của Lhassa » (ông ta là Bí thư Lhassa trong thời kỳ thiết quân luật), là sự lần khân : chỉ cần chờ đợi Đạt Lai Lạt Ma qua đời thì những người Tây Tạng, mất đi lãnh tụ, cuối cùng cũng sẽ chấp nhận khái niệm tình hữu nghị giữa các dân tộc theo kiểu Trung Quốc. Một Trung Quốc của Tập Cận Bình nếu xử sự theo cách khác, không có nghĩa là những người Tây Tạng đã đạt đến tận cùng nỗi đau, nhưng dù sao cũng đã là một tiến bộ.

Mời đọc lại:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"