Thanh Tra
Dân Luận
Trong ba nhánh quyền lực ở Việt Nam thì nhánh tư pháp (Tòa án) là
bèo nhất, ít thực quyền và ít bổng lộc. Trong Ban Thường vụ các cấp ủy ở
địa phương hoặc Bộ Chính trị chưa thấy có người của Tòa bao giờ. Sau
này Đảng, Nhà nước VN chủ trương cải cách tư pháp mới cơ cấu cho Tòa một
suất vào Ban Chấp hành Đảng bộ địa phương và Ban chấp hành Trung ương
nhưng vẫn không có vé trong Ban Thường vụ cấp ủy địa phương và Bộ Chính
trị.
Trong đời sống chính trị ở VN thì Tòa án Tối cao chỉ bằng một bộ bèo
bèo của Chính Phủ, còn so với các bộ lớn như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng
thì một trời một vực. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đều
là Ủy viên Bộ Chính trị, là những người quyền sinh, quyền sát đối với
Chánh án Tòa án Tối cao và nhiều vấn đề hệ trọng của Quốc gia.
Ở địa
phương cũng vậy, Chánh án luôn cửa dưới rất xa với trưởng Công an, Chỉ
huy trưởng quân đội, chứ đừng nói đến Chủ tịch UBND hay Bí thư huyện,
tỉnh ủy. Xem việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cho Tòa thì rõ. Khi cần người
giữ chức vụ Chánh án mà không kiếm được người của Tòa, người ta hay cử
công an sang làm. Ở cấp tỉnh cỡ đại tá trưởng phòng hoặc phó giám đốc
công an tỉnh là có thể làm chánh án cùng cấp; còn cấp Trung ương thì
cũng cỡ Thiếu tướng Thứ trưởng Bộ công an là làm Chánh án Tòa án Tối cao
được rồi. Mà những ông nhàng nhàng ở Công an sang làm trưởng Tòa cũng
không vui vẻ hào hứng gì đâu (VD: Trưởng phòng Cảnh sát giao thông,
Trưởng phòng Cảnh sát điều tra,... cho sang làm Chánh án Tòa án là buồn
lắm, bị đì mới phải đi thôi). Ngược lại, cấm thấy ông Tòa nào được bổ
nhiệm sang làm lãnh đạo bên Công an.
Còn nói về chuyện xét xử của Tòa án ở VN nhiều chuyện rất hài hước.
Công an khởi tố vụ án đưa cho Viện Kiểm sát truy tố ra Tòa. Tòa thấy
Công an điều tra sơ sài, chứng cứ không vững chắc, yêu cầu VKS, Công an
điều tra bổ sung. Có nhiều vụ Công an nó không thèm điều tra theo yêu
cầu của Tòa, Trưởng Công an là Ủy viên Ban Thường vụ, nó bắt Chánh án
báo cáo, giải trình rồi chỉ đạo miệng cho Chánh án giải quyết (chứ nó
cũng chẳng thèm chỉ đạo Thẩm phán trực tiếp giải quyết án), không giải
quyết theo chỉ đạo nó cạo đầu. Giải quyết án hành chính còn hài hước
hơn. Dân kiện Chủ tịch (UBND huyện, tỉnh), tay Chánh án phải báo cáo với
Chủ tịch "báo cáo anh, con mẹ (thằng cha) đó nó kiện anh đấy, xin anh
cho hướng giải quyết" vì Chủ tịch UBND cũng là Ủy viên Ban Thường vụ,
phó Bí thư. Tôi chứng kiến có lần một Thẩm phán mới được bổ nhiệm viết
giấy triệu tập Chủ tịch huyện (đúng theo luật) đến Tòa giải quyết án
hành chính. Thế là Chủ tịch gọi điện chửi Chánh án một tăng về tội dám
triệu tập Chủ tịch huyện. Chánh án xin lỗi Chủ tịch rối rít rồi về mắng
Thẩm phán về tội ngu không biết gì.
Đảng và Chính phủ cũng biết muốn có một xã hội dân sự tốt thì phải có
nền tư pháp mạnh. Nghị quyết 08 năm 2002 và Nghị quyết 49 năm 2005 của
Bộ Chính trị ra đời từ lý do này nhưng bàn tới bàn lui, tốn không biết
bao thời gian, giấy mực đến bấy giờ công cuộc cải cách tư pháp của VN
sau hơn 10 năm hô hào đầy quyết tâm, nay có nguy cơ phá sản hoàn toàn do
không dung hòa được giữa tư pháp độc lập với sự lãnh đạo tập trung,
toàn diện của Đảng.