Nguyễn Hoàng, BBC tiếng Việt, gửi từ Washington
Ít có chuyến công du của nào của lãnh đạo nhà nước Việt Nam được bình luận từ trước như chuyến đi tới Hoa Kỳ vào tuần này của Chủ tịch Trương Tấn Sang, đặc biệt đáng chú ý là từ một số học giả và nhà quan sát nước ngoài.
Jonathan London, công dân Mỹ tự nhận mình là “người bạn thân của Việt Nam”, mới đây viết trên trang blog của mình về điều mà ông gọi là “rõ ràng đây là cơ hội lịch sử” mặc dù cho biết ông “không phải là chuyên gia về quan hệ song phương”.
Theo ông London, thực trạng kinh tế “đặc biệt yếu kém” của Việt Nam, hồ sơ Biển Đông và hợp tác quân sự song phương là những mảng để người đứng đầu nhà nước Việt Nam có thể tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ của Washington.
“Vấn đề cơ bản cho Ba Đình là muốn có những bước đột phá trong hai lĩnh vực quan trọng này, phải có một số thay đổi thực sự mà chưa chắc ĐCSVN có thể làm được”, ông London nhận định.
Vào sáng ngày thứ Tư 24/07, một ngày trước khi Chủ tịch Sang gặp Tổng thống Obama, một nhà báo người Mỹ sẽ đăng bài “Mr. Sang Comes to Washington”.
Ông Greg Rushford, nhà báo chuyên về mảng chính trị trong mậu dịch quốc tế, sẽ đánh giá liệu chính phủ Mỹ có những đề xuất gì có lợi ích thực sự cho ông Sang để ông về “chào hàng” cho Bộ Chính Trị khi trở về Hà Nội.
Tất nhiên nghị trình của cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Việt Mỹ nằm trong bối cảnh quan hệ song phương về cả an ninh và chiến lược.
Bài báo này cũng sẽ đưa ra điều mà ông Rushford gọi là những khúc mắc, nếu không muốn nói là có thể làm bẽ mặt, chẳng hạn như khả năng ông Sang phải giải thích cho người đồng nhiệm ông nghĩ là Việt Nam có lợi ích gì khi xử tù nhiều nhà hoạt động mà “tội” của họ chỉ là thực thi quyền tự do ngôn luận.
Vấn đề của phía Mỹ là những gì họ muốn từ Việt Nam trong hiệp định TPP không may sẽ chỉ mang lại thêm sự e ngại từ Hà Nội, chẳng hạn như chủ đề quyền của người lao động, tức là Hoa Kỳ sẽ ép Việt Nam theo một cơ chế mà chính phủ Mỹ đóng vai trò giám sát như Washington đã từng làm với nhiều nước Mỹ Latinh.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC, ông Rushford nói trong đàm phán TPP, chính quyền Obama gây khó khăn cho Việt Nam tiếp cận thêm thị trường hàng may mặc và giầy da của Hoa Kỳ bằng cách đặt điều kiện theo đó để không bị đánh thuế cao khi xuất hàng vào Mỹ thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải mua vải và sợi từ nhà cung cấp Mỹ.
Nhân quyền và vũ khí
Vào sáng hôm 23/07, bốn dân biểu tiểu bang California trong đó có một “người bạn” của Việt Nam về chủ đề nhân quyền là bà Loretta Sanchez sẽ tổ chức họp báo tại Quốc hội nơi đại diện một số tổ chức nhân quyền và một số nhóm người Mỹ gốc Việt sẽ nêu ra thực trạng nhân quyền tại Việt Nam cũng như nói về việc chính phủ Hoa Kỳ có thể làm gì trong chủ đề này.
Thông cáo có đoạn nói các dân biểu Sanchez, Royce, Lofgren and Lowenthal sẽ biện luận rằng trong khi cuộc gặp của người đứng đầu nhà nước Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tập trung vào mậu dịch, chủ đề nhân quyền phải được coi là một ưu tiên trong quan hệ song phương hiện đang tiếp tục có những thành công.
Nhân quyền, trong đó có quyền thành lập công đoàn độc lập, không chỉ là chủ đề có trong các vòng đàm phán để Việt Nam gia nhập TPP mà còn là rào cản đối với lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
“Sửa chữa vũ khí và quân dụng cũ cho Việt Nam cũng mang lại lợi ích lớn cho Hoa Kỳ nhưng quốc hội Mỹ đã cương quyết từ chối nhiều lần”, bác sỹ Nguyễn Quốc Quân, nhà vận động dân chủ tại Virginia nói với BBC.
“Ở Mỹ nó không như Việt Nam, ông Obama không có quyền quyết định, quyết định tối hậu là quốc hội Mỹ”.
Trong khi đó giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason nói với BBC rằng “thực ra hành pháp có quyền quyết định bán vũ khí cho Việt Nam và không cần phải đi qua Quốc hội nhưng dĩ nhiên hành pháp phải phụ thuộc Quốc hội về ngân sách và phải trả lời các câu hỏi của Quốc hội”
“Việc mua vũ khí có tầm quan trọng chiến lược và ngoại giao rất lớn”, ông nói thêm.