Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Một cái nhìn khác về Hun Sen

Thanh Tú
Huỳnh Ngọc Chênh: Sau khi blog nầy đăng lại bài "Tôi rất phục Hun Sen" từ blog Trần Kỳ Trung, thì nhận được bài viết dưới đây của tác giả Thanh Tú với lời nhắn: Hun Sen không có gì đáng khen hết, trước sau y vẫn là một gã độc tài. Xin đăng lại bài viết để rộng đường dư luận.

Tiễn hổ cửa trước, dẫn báo về cửa sau

Pol Pot và các đồng chí của ông để đạt được mục đích tiến đến xã hội Cộng Sản đã không ngần ngại giết chết 1/4 dân số Cambodge chỉ trong hơn 3 năm cai trị. Họ dùng mục đích để biện minh cho phương tiện và buộc người dân trong nước phải đi theo. Họ biến cả đất nước thành những Công-nông trường, mọi người tất thảy phải lao động tay chân, lao động giải phóng con người. Tất thảy trí thức, sư sải nếu không bị giết chết thì cũng bị hành hạ nơi những công-nông trường đó. Không chỉ riêng gì những người Cộng Sản Khmer mà tất thảy những chế độ Cộng Sản khác đều như vậy. Nhưng cho đến thời điểm này, tất thảy chúng ta đều đã nhận ra rằng, chẳng thể nào đưa ra một viễn cảnh tốt đẹp rồi quyết tâm thực hiện bằng một phương tiện độc ác. Đơn giản hơn, chẳng thể coi việc cướp của, giết người giàu rồi mang cho người nghèo là một việc nên làm và ngụy biện cho rằng để tạo ra một xã hội công bằng được.

Cách đây vài tháng trên blog của nhà văn Ngô Minh có cho đăng bài viết “Hun Sen - người Cộng Sản không sợ đa đảng” để khen tụng Hun Sen. Bài viết đó được Blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập dẫn lại. Và hôm nay, thật kỳ lạ là việc khen tụng Hun Sen lại ồ ạt xuất hiện trên các trang mạng, dẫn lại trên facebook với bài viết “Tôi rất phục Hun Sen” của nhà văn Trần Kỳ Trung.

Vì yếu tố nghề nghiệp, các nhà văn của chúng ta thường sử dụng cảm tính nhiều hơn là lý tính. Ở đây, họ đem việc ông Hun Sen là người Cộng Sản nhưng đã dám chấp nhận đa đảng và cho tổ chức một cuộc bầu cử có sự tham gia của nhiều đảng phái rồi từ đó thốt lên “tôi rất phục ông Hun Sen”. Nhưng các ông ấy không biết rằng, Hun Sen là một nhà độc tài, cho dù chấp nhận đa đảng nhưng với quyền lực của một nền độc tài toàn trị mà ông đã thiết lập sau hàng nhiều thế kỷ cai trị, Hun Sen đã biến Cambodge thành một quốc gia dân chủ trá hình.
Các nhà văn trên đang đứng ở Việt Nam và đem Việt Nam độc đảng để so sánh với Cambodge đa đảng. Đem cái chán chường của chế độ độc tài toàn trị để tung hô một nhân vật độc tài khác, rồi từ đó thốt lên “Với tôi, một công dân Việt Nam, tôi rất phục ông Hun Sen và ao ước nước tôi có một lãnh tụ như ông.” Thì chẳng khác nào vừa muốn đuổi Mao Trạch Đông đi lại muốn rước Staline về.
Người ta chẳng thể nào nhớ hết bao nhiêu chính trị gia đối lập đã chết trong khoảng thời gian Hun Sen lãnh đạo Cambodge. Bên cạnh đó, họ cũng không tài nào nhớ hết những nhà báo, lãnh đạo tổ chức bảo vệ người lao động đã bị ám sát trong nhà hay trên đường phố ở quốc gia Chùa Tháp này. Cơn ác mộng cho nhân dân Khmer dường như chưa chấm dứt sau nạn diệt chủng được thực hiện bởi những người Cộng Sản Khmer.
Sau cuộc đảo chính đẫm máu vào năm 1997, Hun Sen cùng đảng CPP của ông từng bước lên nắm trọn quyền lực trên đất nước Cambodge. Người ta tính rằng, có khoảng hơn 100 đối thủ chính trị đã bỏ mạng trong cuộc đảo chính của Hun Sen để hất cẳng Thủ tướng thứ nhất Ranaridh. Rất nhiều người trong đó số phận của họ phải nằm lại trong nhà tù, vĩnh viễn không được thấy mặt trời. Số khác bị kiểm soát bởi cảnh sát hoặc quân đội hoặc trốn khỏi Cambodge trước khi tay chân của Hun Sen tìm thấy. Cuộc đảo chính này đã làm cho ông tổn thất khoảng 76 triệu dollar. Nhưng đó không phải là điều quan trọng, vì mục tiêu của Hun Sen đã hoàn thành. Số tiền mà ông lấy lại trong khoảng thời gian cai trị 28 năm còn nhiều hơn rất nhiều khoản mà ông đã bỏ ra.
Rất nhiều nhà báo cất tiếng nói đối lập, chống lại sự cai trị độc tài của Hun Sen liền sau đó bị những tay chân của ông ra tay sát hại. Không những vậy, những lãnh đạo công đoàn, những người đứng về phía nhân dân bị chính quyền Hun Sen cướp đất cũng bị tay chân của ông thủ tiêu hoặc bị nhốt tù vì bi vu cáo cho những tội trạng mà họ không hề làm.
Ông là người tham quyền cố vị, là một trong những người cai trị đất nước thuộc hàng lâu nhất trên thế giới. Quyền lực của ông được củng cố qua những phiên bầu cử gian lận. Và, sau mỗi cuộc bầu cử, các tổ chức Quốc tế đều lên án sự gian lận này. Song, họ vẫn chẳng thể nào thay đổi được cục diện chính trị tại Cambodge. Chúng ta tất thảy chưa bao giờ nghe Hun Sen nói rằng ông là người Cộng Sản, nhưng ông thiết lập một bộ máy độc tài toàn trị theo mô hình Cộng Sản. Việc kiểm soát bộ máy quân đội, Công an đã tạo cho Hun Sen một quyền lực vô biên. Đến ngay cả Đức vua Sihamoni cũng chỉ là bù nhìn, con rối trong mắt ông mà thôi. Không những thế, Hun Sen kiểm soát hầu như tất thảy các cơ quan truyền thông trong nước, song song với đó là những chiến dịch tuyên truyền mị dân mà ông được học từ thời Cộng Sản đã làm cho những người nông dân ít học mụ mị tin rằng ông là một con người vĩ đại. Kẻ đã cứu nhân dân Cambodge thoát ra khỏi nạn diệt chủng.
Ông là kẻ phản trắc, quyền lực của ông có ngày hôm nay dựa trên xương máu của những người lính tình nguyện Việt Nam. Và, trong lần khi Cambodge là chủ nhà của Hội nghị ASEAN, ông đã công khai ủng hộ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Không những thế, Penn Sovan, người từng là thủ trưỏng của ông trước đây đã bị ông đẩy vào thế đối lập sau khi đã tước hết mọi quyền lực
Trong giai đoạn cai trị của mình, ông đã thao túng cho chính quyền của mình để nó trở thành chính phủ tham nhũng bậc nhất trên thế giới. Đứng trên cả Việt Nam. Người ta thống kê rằng, Cambodge có khoảng hơn 38 ngàn km đường bộ, thế nhưng trong thời gian cai trị của mình, số con đường được tráng nhựa chỉ vỏn vẹn 2977km mà thôi. Điều đáng nực cười hơn nữa là con đường từ Siem Reap đến Poi Pet chỉ dài có 142km nhưng để hoàn thành nó phải mất cả 8 năm.
Thay vì dùng tài nguyên, khoáng sản để tái tạo Cambodge, giúp xóa đói giảm nghèo. Hun Sen đã cho phép các công ty nước ngoài vào khai thác để nhận lại từ các công ty này những phần lại quả rất lớn. Rất nhiều cánh rừng già với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã bị phá bỏ, thay vào đó là cây cao su hoặc café.
Người ta không thể nào thống kê nổi có bao nhiêu cuộc biểu tình của người dân Khmer để lên án việc chính quyền đồng lõa cho các công ty nước ngoài cướp đất của dân. Người dân Khmer cho dù chiến tranh đã trải qua hơn 30 năm nhưng vẫn là Quốc gia nghèo đói phải nhận viện trợ từ nước ngoài. Và đau đớn thay, số tiền viện trợ ấy thường ít được đến tay người dân hoặc đầu tư vào các công trình để giúp an sinh xã hội, mà nó được dùng để Hun Sen mua chuộc các tướng lãnh, nội các để họ trở thành những tay chân đắc lực, những kẻ nịnh bợ ông.
1/3 dân Khmer sống với khoản thu nhập 65 cents một ngày, trong khi một vị quan chức thân cận với Hun Sen sở hữu chiếc xe lên đến 500 ngàn dollar. Và mỗi tháng đi hưởng thụ ở những khu resort đắt tiền ít nhất là một lần. Bất kỳ du khách nào khi đi đến Cambodge, cái ập vào mắt của họ là cảnh nghèo khổ của những người dân Khmer. Họ sinh tồn trong những căn nhà ọp ẹp hoặc sống trong những căn lều tạm bợ ở thủ đô Phnom Penh. Đời sống của người dân Cambodge dưới mức trung bình. Và điều đó vẫn không được thay đổi trong thời gian trị vì gần 30 năm của Hun Sen, cho đến hiện nay nó được báo động hơn bao giờ hết khi liên tiếp nổ ra những cuộc biểu tình lớn của người dân bị cướp đất ở khắp nơi. Điều này dường như không khó hiểu một khi tài nguyên hay khoáng sản khai thác một hồi sẽ cạn kiệt. Lúc đó chính quyền lại quay sang đất đai bằng cách cưỡng chế người dân, dùng đất đó bán cho các công ty nước ngoài rồi chia chác một khoản lợi nhuận với các công ty này.
Hun Sen muốn đế chế của mình còn trải dài thêm nhiều năm nữa và nó được truyền từ đời này sang đời khác. Giống như thời phong kiến cha truyền, con nối vậy. Hoặc theo chế độ gia đình trị. Điều này dễ được nhìn thấy trong việc các con của ông từ từ nắm dần những chức vụ trọng yếu trong bộ máy chính quyền từ Bộ Quốc Phòng, cơ quan tình báo, cơ quan cải cách ruộng đất và nhà ở. Không những vậy những người phụ nữ trong gia đình ông cũng chiếm những vị trí tối cao trong các đài truyền hình ăn khách nhất xứ Chùa Tháp.
Cũng nên nhắc thêm về “chiến công” của Hun Sen, đó là vào năm 1987, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đã liệt chính phủ của Hun Sen vào loại tàn bạo nhất trên thế giới với những cáo buộc như tra tấn tàn ác các tù nhân chính trị.
Người ta sẽ đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao một lãnh đạo kém như Hun Sen lại có thể tiếp tục là thủ tướng ở Cambodge? Đơn giản bởi vì ông ta là một nhà độc tài cũng như bao tên độc tài khác, Gaddafi, Hosni Mubarak, Saddan Hussein…
Và, cực kỳ đáng buồn cho Việt Nam là rất nhiều người lại đem lòng khâm phục Hun Sen và muốn ông trở thành thủ tướng của Việt Nam. Hoặc có nhiều người nhầm tưởng Hun Sen là người Cộng sản nhưng không sợ đa đảng. Hun Sen nào có sợ đa đảng, vì đảng CPP của ông đã kiểm soát toàn bộ quyền lực, cũng như đa đảng ở Trung Quốc chỉ là hình thức, và Cộng Sản Trung Quốc vẫn cai trị quốc gia bằng sự độc tài. Muôn Hun Sen trở thành thủ tướng của Việt Nam nó chẳng khác nào “tiễn hổ cửa trước, dẫn báo về cửa sau” vậy.
Thanh Tú, bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tham khảo:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"