Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

“Trần Huỳnh Duy Thức và Con đường nào cho Việt Nam” dưới góc nhìn những người cộng sản cấp tiến

Thanh Hương
Dân Luận
thdthucvaconduongnaochovn.jpg

Cú “sốc”

Ẩn sâu dưới sự yên tĩnh bề mặt của xã hội, tuần vừa qua đã xảy ra một sự kiện bất thường gây bối rối và “sốc” cho chính quyền Việt Nam mà người ngoài ít biết. Lần đầu tiên các quan chức lãnh đạo hàng đầu của Đảng và chính quyền Việt Nam các cấp, từ cấp cao nhất đến 63 tỉnh thành cả nước đồng loạt được “tặng” một tác phẩm đặc biệt. Đó là các đĩa CD chứa quyển sách e-book “Trần Huỳnh Duy Thức và Con đường nào cho Việt Nam” của Phong trào Con đường Việt Nam.
Khác với sự kiện của quyển sách “Bên thắng cuộc” của Huy Đức gây xôn xao dư luận ngay từ khi mới ra đời vì sự phản biện nhiều chiều. Sự kiện ra đời của quyển sách mới nêu trên lại gây “sốc” cho chính quyền bởi cách thức xuất hiện bất ngờ và độc đáo của nó. Đặc biệt hơn là nội dung của sách không gây dư luận trái chiều ngay khi mới ra đời, nhưng nó lại tiềm ẩn một hiệu ứng gây chấn động vượt lên trên quyển sách của Huy Đức. Nó tác động vào lòng người bằng sự đồng thuận, cảm thông, song sẽ gây hết sức khó xử cho chính quyền thời gian sắp tới!?

Con đường nào cho Việt Nam?

Là người nắm được thông tin bên trong, tôi xin chia sẻ với các bạn góc nhìn của những người cộng sản cấp tiến về sự kiện này như sau.
Phần I cuốn sách có nhiều câu chuyện thú vị, hấp dẫn xuyên suốt cuộc đời Trần Huỳnh Duy Thức. Đây là một tấm gương sáng cho toàn thể người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là giới trẻ.
Phần II của cuốn sách đã trích đăng các nội dung chủ yếu trên blog Trần Đông Chấn theo một chuỗi phân tích, diễn giải hết sức logic. Qua đó, chúng ta thấy rõ những gì Trần Huỳnh Duy Thức và nhóm Nghiên cứu Chấn bị buộc tội là sai lầm nghiêm trọng. Ngược lại Thức và các anh em đã bị kết án là những nhân tài yêu nước. Họ đã dũng cảm và sáng suốt cảnh báo trước cho đất nước chính xác những nguy cơ đang diễn ra hiện nay.
Chắc chắn mọi người khi đọc sẽ bị cuốn hút và dâng trào cảm hứng bởi phần I. Những nhà nghiên cứu, các chuyên gia sẽ tìm ra những giá trị to lớn ở phần II. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn tập trung nói đến phần III của cuốn sách: “Con đường Việt Nam – Con đường phát triển đất nước trên nền tảng Quyền Con Người”. Đây là nội dung đột phá và rất mới mà quyển sách mang đến cho chúng ta. Đây cũng là phần quan trọng nhất dành cho mọi giới. Từ những lực lượng đang tiên phong đấu tranh cho dân chủ đến các thành phần lãnh đạo các cấp của đảng cầm quyền hiện nay. Phần này tóm tắt của cuốn sách “Con đường Việt Nam” còn đang được viết dang dở. Tuy vậy, chúng ta sẽ được gợi ý hầu như toàn bộ các giải pháp cho tương lai đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là điều mà giới cầm quyền hiện nay đang bế tắc!
Trước tiên, để tìm ra “Con đường nào cho Việt Nam?”, tác giả đã đưa ra các câu hỏi cần suy xét trước khi nghiên cứu, tìm tòi con đường để chấn hưng và phát triển đất nước. Đây cũng chính là những trăn trở luôn nung nấu trong lòng tác giả suốt 5 năm trước khi quyển sách Con Đường Việt Nam ra đời.
Điểm đặc biệt là tác giả đã đặt những câu hỏi vô cùng thẳng thắn, khách quan và khoa học. Những câu hỏi hoàn toàn không bị vướng bận bởi một sự áp đặt, một chủ thuyết hoặc một định kiến nào.
Đó là những câu như: “Làm sao để Việt Nam phát triển bền vững, nhanh chóng thành một nước dân chủ thịnh vượng? Làm sao lý tưởng “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” trở thành thực tế? Làm sao để Việt Nam không bị biến thành một dạng nô lệ kiểu mới trong thời đại toàn cầu hóa?” v.v…
Tiếp theo, để tìm ra “Con đường nào cho Việt Nam?”, tác giả đã tìm ra và trình bày những nguyên lý vận hành của các qui luật khách quan trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của con người, bao gồm những qui luật đã được thừa nhận rộng rãi, những qui luật được rút ra từ các học thuyết của Mác và cả những qui luật mới được phát hiện trong quá trình nghiên cứu tìm lời giải cho Con Đường Việt Nam… để phát hiện các qui luật khách quan nhằm giải đáp những câu hỏi ở quá khứ và tìm lời giải cho những vấn đề của hiện tại và tương lai.
Và tác giả đã không ngại đưa ra những đánh giá đến những vấn đề góc cạnh, gây “sốc” cho chính quyền hoặc các thành phần khác hiện nay. Điển hình như sau:
“Lịch sử đã cho thấy nhiều ý thức hệ vốn được ra đời bởi thiện chí và lòng tốt của những người khởi xướng, nhưng đã kết thúc bằng những sự tồn tại ngày càng tệ hại, gây tai họa tràn lan cho cả triệu dân. Đó là do lỗi bẩm sinh lúc thiết kế ra chúng không phù hợp với các nguyên lý tự nhiên hoặc do sự chủ quan áp đặt của những người thực hiện chúng vi phạm tính khách quan của các nguyên lý này. Đó chính là trường hợp của chủ nghĩa Mác và sự thực hiện nó của Lê Nin. Do vậy, không thể nói rằng bản chất của chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội là tốt hay xấu…”
Hoặc:
“Trung Quốc và Việt Nam tạo ra một phiên bản khác về sự vi phạm tính toàn vẹn của các quyền con người. Hai nước này đã thừa nhận quyền kinh tế cho người dân nhưng vẫn tước đoạt không khoan nhượng quyền chính trị của họ, gây nên một kiểu tự do què quặt khác. Mặc dù mô hình này có thể tạo nên sự tiến bộ kinh tế và các thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo, nhưng nó cũng đồng thời nuôi dưỡng bất bình và suy thoái xã hội rồi nhốt chúng lại. Khi sự trầm trọng này trở nên mục rỗng thì nó sẽ dẫn tới việc bộ máy chính trị tự dân chủ hóa hoặc sẽ kết thúc trong sụp đổ toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị và một chế độ bị lật nhào.”
Từ đó, để tìm ra “Con đường nào cho Việt Nam?”, tác giả dựa trên các phương pháp khách quan và khoa học kiến nghị một mô hình quản lý nhà nước nhằm tạo ra cách thức quản trị đất nước thuận theo các qui luật khách quan nên sẽ hiệu quả và hợp lòng dân; và rồi lý giải và chứng minh cách thức như vậy tất yếu tạo ra một nền tảng chính trị dân chủ. Tác giả cũng kiến nghị một chiến lược phát triển được theo mô hình quản trị chiến lược thông qua việc xác định hai đích nhắm chiến lược đơn giản nhưng hiệu quả.
“Con đường” tác giả đưa ra hoàn toàn tuân thủ các quy luật khách quan và hết sức khoa học. Hơn thế nữa, giải pháp kiến nghị lại hết sức nhân văn và phù hợp với nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam. Phần này có đoạn viết:
“Nếu Việt Nam có một nền tảng dân chủ dựa trên Quyền con người trong nhà nước pháp quyền và với thực tâm mong muốn lý tưởng “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” của đảng cầm quyền hiện nay, thuận theo quy luật, Việt Nam có thể phát triển tốt đẹp thành những hình thái Dân chủ xã hội như ở Bắc Âu.”
Và giải pháp thực ra lại rất đơn giản, nhưng thực hiện dễ hay khó phụ thuộc vào chúng ta:
“Do vậy, Con Đường Việt Nam hướng đến vận động nhân dân và kêu gọi nhà nước cùng nhau làm cho người dân tin tưởng vào luật pháp để có thể tự tin và có ý thức sử dụng tối đa quyền công dân của mình được Hiến pháp bảo vệ nhằm xây dựng một nền dân chủ thực chất và vững mạnh cho đất nước.”
Tác giả cũng đã đề xuất một chiến lược “Điểm cân bằng” – sứ mạng của dân tộc Lạc Hồng, dựa trên sức mạnh văn hóa dân tộc Việt Nam:
“Một sự cân bằng như vậy sẽ giúp kiến tạo nên nền hòa bình bền vững cho thế giới, tạo môi trường ngày càng dân chủ và công bằng hơn cho nhân loại phát triển thịnh vượng và văn minh hơn. Do vậy một tiến trình tiên phong thuận quy luật như thế của dân tộc Lạc Hồng sẽ được toàn nhân loại yêu hòa bình ủng hộ nên sẽ tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ cho nó từ chính phủ của các nước dân chủ thịnh vượng".
“Hơn thế nữa, dựa theo ý tưởng chiến lược về một sự cân bằng như thế, đất nước ta hoàn toàn có thể chủ động kiến tạo nên các sách lược về kinh tế, giao thoa văn hóa giữa Đông và Tây mà Con Đường Việt Nam gọi là “Điểm cân bằng”. Hãy cùng nhau suy tưởng về điều này để thấy lợi ích của nó mang đến cho đất nước ta to lớn đến thế nào. Con Đường Việt Nam có niềm tin rằng đây là sứ mạng của dân tộc Lạc Hồng để giúp kiến tạo và duy trì nền hòa bình cho thế giới và nhờ vậy mà tạo ra sự thịnh vượng và văn minh cho mình, và do đó chúng ta được tôn trọng.”

Khép lại để khởi đầu

Đọc tác phẩm “Trần Huỳnh Duy Thức và Con đường nào cho Việt Nam” chúng tôi hết sức trăn trở.
Vâng, phải chăng đây chính là con đường tối ưu dành cho đất nước, cho dân tộc; để khép lại quá khứ, hướng đến một tương lai thực sự tươi sáng cho dân tộc Việt Nam?!
Và làm sao để chúng tôi những người cộng sản cấp tiến có thể sửa chữa những sai lầm đã qua?!
Các bạn hãy cùng chúng tôi đọc, suy ngẫm, khám phá ra những bí mật ẩn sâu của cuốn sách đang gây “sốc” cho chính quyền hiện nay. Từ đó, chúng ta sẽ tìm ra lời giải và cùng hành động cho một tương lai huy hoàng của dân tộc Việt Nam.
Để kết thúc bài viết, tôi xin trích đăng phần III, mục “Giải pháp thoát khỏi khủng hoảng – ngõ thoát hẹp duy nhất”:
“Cần có quốc sách cho việc đoàn kết toàn dân tộc. Trước hết cần phải kết thúc tận gốc cuộc chiến đã chấm dứt hơn 30 năm rồi, hãy chăm lo tâm linh cho những người đã ngã xuống bên kia chiến tuyến bằng cách hãy cho phép xây lại các đài tử sĩ của những người lính Việt Nam Cộng hòa. Làm được như vậy ta sẽ xóa bỏ những khoảng cách hằn thù còn lại giữa người Việt trong nước và ngoài nước. Mở rộng đối thoại, thảo luận những vấn đề quan trọng của đất nước trong dân chúng, tôn trọng mọi quan điểm và tư tưởng, lắng nghe và tiếp thu những giải pháp đúng đắn và thích hợp. Mở rộng tự do báo chí để người dân được quyền phát biểu ý kiến của mình, ngược lại truyền thông đến dân chúng những chính sách đúng đắn, minh bạch của nhà nước một cách khách quan.
Cuối cùng là làm sao để quyền lực của dân càng lớn, dân càng giàu đất nước càng mạnh. Hãy để người dân lựa chọn thể chế dân chủ phù hợp nhất với văn hóa, lịch sử và đặc tính dân tộc. Tương lai nền chính trị đất nước thế nào thì hãy để người dân quyết định tự lựa chọn. Chắc chắn rằng sự lựa chọn đó sẽ không phải là một mô hình dân chủ thuần túy kiểu phương tây hay Trung Quốc. Nó sẽ là đặc thù đầy sáng tạo của dân tộc Lạc Hồng hợp với qui luật phát triển của xã hội loài người, hợp với đạo trời.”
Xin cảm ơn ban biên tập Phong trào Con Đường Việt Nam đã tặng cho chúng ta một tác phẩm tuyệt vời. Chúc Phong trào sẽ sớm đón chào sự trở về trong vòng tay yêu thương của nhân dân anh Trần Huỳnh Duy Thức - người khởi xướng đầu tiên của phong trào Con Đường Việt Nam và cũng là tác giả chính của tác phẩm còn đang dang dở “Con đường Việt Nam”.
Thanh Hương, 07/2013

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"