Dân luận
Phản hồi bài viết Nguyễn Gia Kiểng - Phản xạ Tổng thống
Sự phân biệt giữa hai hình thức thức tổ chức quyền lực chính trị nêu
trên có lẽ không xa lạ với những người Việt lớn tuổi, nhưng chắc là
không mấy quen thuộc với một số không ít các bạn trẻ hiện nay ở trong
Nước. Ở đây chỉ xin làm một tóm lược những điểm căn bản nhất của hai
hình thức tổ chức rất phổ biến đó, nhằm góp phần gợi mở để các bạn trẻ
ấy tự tìm hiểu thêm.
Có nhiều sự khác biệt quan trọng giữa Tổng Thống Chế (TTC)(
Presidential system) và Nghị Viện Chế (NVC, hay còn gọi là Đại Nghị
Chế)(Parliamentary system), nhưng tiêu chuẩn chính yếu để phân biệt là
mức độ phân chia giữa hai quyền, hay hai ngành, LẬP PHÁP và HÀNH PHÁP
(Executive and Legislative branches): Trong TTC hai ngành Lập pháp và
Hành pháp hoàn toàn biệt lập và độc lập với nhau; Quốc Hội, hay Nghị
viện, nắm quyền lập pháp, làm ra luật (laws); Tổng Thống, người được cử
tri trực tiếp bầu, nắm quyền hành pháp, tức là thi hành và áp dụng luật.
Còn trong NVC thì hai quyền này tập trung vào trong tay Quốc Hội hay
Nghị viện, là cơ quan bầu chọn ra vị Thủ Tướng, người nắm quyền hành
pháp.
Trong TTC, mọi dự luật (bills) là do quốc hội soạn thảo, biểu quyết,
xong rồi chuyển qua cho TT để ký thành luật (laws). TT có quyền phủ
quyết (veto), nghiã là không chấp nhận , trả dự luật về lại cho quốc
hội. Quốc hội có thể vô hiệu hoá quyền phủ quyết đó của TT bằng cách tái
biểu quyết dự luật với đa số 2/3 để dự luật trở thành luật. Ngoài quyền
phủ quyết, TT có quyền đề nghị dự luật và gởi qua cho quốc hội thảo
luận, biểu quyết. TT cũng có thể xử dụng quyền hành pháp của mình để ban
hành, trong phạm vi hiến định, các chỉ thị (directives), điều lệ
(regulations), hay luật hành chánh (administrative laws) để điều hành
guồng máy chính quyền của mình. Quyền thẩm định một đạo luật, chỉ thị,
điều lệ hay luật hành chánh có phù hợp với hiến pháp hay không thuộc về
Tối Cao Pháp viện, toà án cao nhất, đứng đầu ngành tư pháp, độc lập hoàn
toàn với hai ngành kia.
Nói rằng trong NVC hai quyền Lập pháp và Hành pháp tập trung vào tay
quốc hội, hay nghị viện là vì người đứng đầu ngành hành pháp trong chế
độ đó, thường là thủ tướng, là một thành viên của quốc hội, được chính
đảng, hoặc liên minh chính đảng, chiếm đa số trong quốc hội đó chọn bầu
ra. Vị thủ tướng này sẽ thành lập chính phủ (cabinet) gồm các bộ trưởng
chọn trong chính đảng hay liên minh của mình. Vì thuộc về và do quốc hội
bầu chọn, vị thủ tưởng của NVC chỉ chịu trách nhiệm trước quốc hội, có
thể bị quốc hội bãi nhiệm bằng phiếu bất tín nhiệm, nhưng cũng có thể
được quốc hội lưu nhiệm bao lâu đảng hay liên minh của ông vẫn còn chiếm
đa số. Nghiã là vị thủ tướng trong NVC, trong nhiều trường hợp có thể
giữ được ghế của mình khá lâu, không bị ràng buộc về nhiệm kỳ như tổng
thống trong TTC.
Ngoài khác biệt căn bản trên, các biến dạng về sau này của TTC chỉ đặt trọng tâm trên mức độ phân chia quyền hành pháp, mà không hề thay đổi nét chính yếu của TTC là sự phân quyền rõ rệt giữa hành pháp và lập pháp.
Ngoài khác biệt căn bản trên, các biến dạng về sau này của TTC chỉ đặt trọng tâm trên mức độ phân chia quyền hành pháp, mà không hề thay đổi nét chính yếu của TTC là sự phân quyền rõ rệt giữa hành pháp và lập pháp.
Nhân đây cũng xin lưu ý đến sự phân biệt giữa Phân quyền và Tản
quyền. Phân quyền (separation of power) là sự phân chia quyền lực chính
trị theo chiều ngang thành 3 ngành chính: Lập pháp (làm luật); Hành pháp
( thi hành và áp dụng luật); và Tư pháp ( phân xử hay tài phán). John
Locke, một người Anh, khoảng cuối thế kỷ 17 đã viết trong quyển Two
Treatises of Government về nguyên tắc phân quyền. Mục đích chính của sự
phân quyền là để tránh sự độc quyền, nhất là độc quyền của chế độ quân
chủ. Về sau trong việc lập quốc, người Mỹ đã hiện thực hoá chủ trương
phân quyền đó của John Locke, đưa vào trong hiến pháp của mình.
Còn tản quyền là sự phân chia quyền lực theo chiều dọc, từ trung ương
ra các địa phương (decentralization). Việc tản quyền có khác nhau tuỳ
theo quốc gia thuộc quy chế liên bang hay hay đơn nhất. Nếu là quốc gia
theo chế độ liên bang (federation) thì sự phân chia quyền thường bao gồm
cả phân quyền hàng ngang, tuy ở quy mô nhỏ hơn. Nghĩa là mỗi ở mỗi tiểu
bang vẫn chia ra lập pháp (quốc hội), hành pháp ( thống đốc), và tư
pháp. Trong khi đó thì ở quốc gia theo quy chế đơn nhất (unitary
country), sự tản quyền, một cách căn bản chỉ là sự phân chia quyền lực
hành chánh từ trên xuống, từ trung ương ra địa phương, không bao hàm sự
phân quyền ra ba ngành như trong quy chế liên bang. Ngoại lệ ở đây là có
những quốc gia, tuy theo quy chế đơn nhất, lại có những vùng tự trị (
autonomic regions). Những vùng tự trị đó đôi khi có cơ quan lập pháp
riêng của mình.
Trở lại sự so sánh về TTC và NVC. Từ lâu rồi đã có nhiều tác gỉa nêu
ra những ưu và khuyết điểm của hai hình thái tổ chức quyền lực chính trị
đó. Mỗi hình thái đều có đủ hai phe; phe thì cho rằng hình thái này tốt
hơn hình thái kia, phe thì nói ngược lại. Nghĩa là sự đánh giá của các
tác gỉa chưa đạt được sự phân thắng bại cuối cùng rằng hình thái nào là
tốt nhất, đáng đem ra áp dụng một cách rộng rãi, đồng nhất cho mọi quốc
gia. Theo thiển ý thì sỡ dĩ có tình trạnh bất phân thắng bại như vậy là
vì đa số các tác giả đã lượng định sự hay dỡ của mỗi hình thái đó một
cách trừu tượng, không gắn liền sự đánh giá các hình thái đó với đặc
điểm cụ thể của từng quốc gia về các mặt: văn hoá, địa lý, lịch sử, xã
hội, kinh tế, v.v...
Chẳng hạn về văn hoá, có thể lấy Mỹ và Canada làm ví dụ. Hai quốc gia
này chia chung biên giới với nhau, cùng có gốc gác từ Anh Quốc và Âu
Châu, nhưng Mỹ theo TTC, còn Canada theo NVC. Cả hai quốc gia này đều
thành công, đều phát triển tốt, đạt các chỉ số về phát triển nhân sinh (
Human Development Index), về Tự do kinh tế ( Index of Economic
Freedom), và về Dân quyền ( Freedom House) cao nhất thế giới. Vậy vì sao
hai quốc gia đó lại chọn hai hình thái tổ chức quyền lực khác nhau?
Nhiều tác giả, như Alan Draper , Ansil Ramsay, hay Huntington chẳng hạn,
đã cho rằng yếu tố chính dẫn đến sự chọn lựa hình thái quyền lực khác
nhau giữa Mỹ và Canada là văn hoá. Nét khác nhau về văn hoá thể hiện ra ở
việc người Canadians tôn trọng chính quyền hơn, ít đề cao cá nhân chủ
nghĩa, quan tâm hơn đến lợi ích cộng đồng, và không quá đề cao business;
trong lúc người Mỹ thì ngược lại.
Những yếu tố khác như lịch sử chẳng hạn cũng tác động mạnh đến sự lựa
chọn và sự thành công của một trong hai hình thái quyền lực. Anh Quốc
vốn đã có truyền thống lâu đời về nghị viện, các chính khách ở đó đã
thừa hưởng nhiều đời kinh nghiệm về NVC. Rõ ràng lịch sử là yếu tố chính
chi phối sự lựa chọn và thành công của người Anh đối với chế độ chính
trị như vậy.
Các yếu tố thực tiễn khác cũng rất quan trọng trong sự lựa chọn giữa
TTC và NVC. Đó là yếu tố địa lý và xã hội. Mỹ là một trường hợp đáng lấy
làm ví dụ cho hai yếu tố quan trọng đó. Là một quốc gia rộng lớn với
địa hình biến thiên đa dạng, cộng thêm vào đó là có nhiều sắc dân với
bối cảnh văn hoá rất khác biệt. Trong điều kiện như vậy, sự thành công
của nước Mỹ trong hơn 200 năm qua cho thấy rằng sự lựa chọn TTC song
hành với quy chế liên bang là một sự lựa chọn rất đúng đắn. Giả dụ nếu
lựa chọn khác đi, nghĩa là áp dụng hình thái NVC, thì Mỹ có lẽ đã không
tồn tại và đứng ở tư thế quốc tế như hiện nay. Điểm quan trọng khác
trong yếu tố xã hội là vấn đề giai cấp. Sẽ tuỳ theo giai cấp nào là mạnh
nhất và cơ cấu của tầng lớp ưu tú trong xã hội của một quốc gia mà sự
lựa chọn TTC hay NVC sẽ phát huy tối đa ưu điểm của mỗi hình thái tổ
chức và đưa đến thành công.
Vắn tắt, theo thiển ý thì việc đánh giá hay chọn lựa hình thái tổ
chức quyền lực chính trị nào, trong hai hình thái thông dụng hiện nay là
TTC và NVC, là tốt hơn và phù hợp nhất cho mỗi quốc gia nên được thực
hiện một cách thực tế, trong khung cảnh văn hoá, lịch sử, điạ lý, chính
trị, xã hội và kinh tế của quốc gia đó. Mọi sự lượng định, hay lựa chọn
trừu tượng khác, thiếu lưu tâm đến các đặc điểm vừa nêu e rằng sẽ không
mang lại được bao nhiêu lợi ích, dù chỉ là những lợi ích nghị luận.
TRƯƠNG Đ. TRUNG