Bùi Văn Phú
Nguồn: BBC
'Người dân Mỹ thể hiện tinh thần Độc lập, Tự do qua những việc làm và hành động'
Năm 1976 tôi đón Lễ Độc Lập đầu tiên khi nước Mỹ tròn 200 tuổi. Năm
đó đi coi bắn pháo bông ở sân vận động Candlestick, cuốn theo người mấy
tấm áo dầy mà vẫn cảm thấy cái lạnh mùa hè San Francisco.
Dịp lễ lớn nhất của Mỹ rơi vào mùa hè, mùa của nhiều thú vui chơi, thư giãn nhất trong năm.
Hai tuần trước leo núi Yosemite, nóng như lửa. Tuần này nhiệt độ vẫn trên 100 vì thế kéo nhau xuống biển Santa Cruz.
Ở đây có những trò chơi nhào lộn cao tốc cho trẻ con. Người lớn cắm
dù, dựng lều, đem lò ra nướng thịt, burger, hot dog. Bia chỉ được uống
trên khu vực giải trí, không được mang ra bãi biển. Giới hạn thế, nhưng
giấu bia trong thùng đá, khi uống rót vào ly giấy. Nhâm nhi, lai rai.
Đường ra biển sáng sớm đã đông xe, chạy rất chậm. Lúc ngừng tại một
ngã tư, thấy trên bảng “Welcome to Santa Cruz” có ghi là thành phố kết
nghĩa chị em với nhiều nơi trên thế giới: Nhật, Ý, Tây Ban Nha, Ukraine,
Nicaragua, Venezuela.
Tấm bảng là biểu hiện tinh thần độc lập và tự do của dân Mỹ.
Kết nghĩa chị em với các nước bạn không nói làm gì, nhưng với
Venezuela là điều chú ý vì bao năm nay lãnh đạo nước này hăng hái chống
Mỹ, ra rả chửi Mỹ. Bất kể quan hệ ngoại giao hai nước căng thẳng, Santa
Cruz vẫn đưa bàn tay thân hữu ra kết nghĩa với Puerto La Cruz.
Trong vụ nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ bí mật nghe lén của chính phủ Mỹ, Venezuela sẵn sàng đón nhận cho tị nạn.
Và cư dân Santa Cruz cũng ủng hộ Snowden. Trên đường Beach sáng nay
có vài chục người cầm biểu ngữ xuống đường hoan hô việc làm của Snowden.
Độc lập, Tự do ở Mỹ là thế. Tổng thống chẳng nhắc đến, người dân cũng không, chỉ thể hiện qua những việc làm và hành động.
'Việt Nam sợ hãi và lệ thuộc'
Trong khi đó lãnh đạo Việt Nam lại luôn nhắc đến Độc lập, Tự do, Hạnh
phúc. Nghe riết, trong các phát biểu của quan chức trên VTV4; đọc riết,
trên các báo của nhà nước; và thấy riết trên các giấy tờ, khẩu hiệu và
gần đây là trong các phản hồi của những dư luận viên ăn lương nhà nước.
Có nghe, có đọc nhưng tôi không tin.
Vì sao?
Nhìn vào hiệp ước biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhìn vào
những phản ứng hay cảnh báo của một số người trong nước đối với quan hệ
Việt-Trung và âm mưu của Bắc triều, mà hệ quả là họ bị sách nhiễu hay
phải vào tù.
Nhìn vào đường khoanh lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc, nhìn những lần
tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, nhìn vào những chuyến đi của lãnh
đạo Việt Nam tới Trung Quốc, tất cả cho thấy sự sợ hãi và lệ thuộc của
lãnh đạo Việt Nam vào Trung Quốc là điều có thực.
Lãnh đạo các nước khác trong khu vực như Nam Hàn, Nhật Bản, Malaysia,
hay Thái Lan, Philippines, Myanmar không thường xuyên đi Trung Quốc.
Trong khi đó Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng của Việt Nam lại luân
phiên qua hội họp, bàn bạc với Bắc Kinh.
Vì quan hệ Việt-Trung ở tầm mức cao hơn quan hệ Nhật-Trung hay
Hàn-Trung? Tôi không nghĩ thế. Trung Quốc chỉ có thể bắt nạt được Việt
Nam thôi, với Nhật Bản hay Nam Hàn nào dám.
Vì sao Trung Quốc lại chỉ có thể bắt nạt được Việt Nam. Vì lãnh đạo
Việt Nam đã đánh mất tinh thần độc lập, làm suy yếu tính tự chủ của dân
tộc đã có từ thuở “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”.
Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân thường nhanh chóng bị giới chức giải tán
Quan chức nhà nước hay nói đến Độc lập. Nhưng cả nước không có được
một tờ báo độc lập của tư nhân. Nhắc đến tự do mà các ban ngành phụ
trách thông tin không cho các ý kiến trái với quan điểm của nhà nước
được hiển thị, trong khi trả lương cho cả nghìn dư luận viên để viết
bài, viết phản hồi với mục đích giải thích chính sách của nhà nước Cộng
hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm đánh tan những “tuyên truyền xuyên
tạc” của “bọn phản động” trên các mạng thông tin quốc tế và những blog
lề trái.
Tự do. Ở Việt Nam chỉ gắn liền với bắt bớ, giam tù vì người Việt ngày
nay vẫn chưa có tự do phát biểu, không được biểu tình, không được tự do
ra báo, không được hội họp hay lập hội, không được tự do ứng cử.
Nếu có tự do, ở Việt Nam đã có những tờ báo độc lập, nhiều tổ chức xã
hội, nghề nghiệp, có nhiều cuộc xuống đường rầm rộ phản đối Trung Quốc
lấn chiếm đất biển và mỗi kỳ bầu cử đã nhộn nhịp ứng viên của nhiều đảng
chính trị vận động tranh cử.
Tự do ở Việt Nam, như nhận xét của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện: “Tự do tôi quí thiết tha, mà sao tù ngục hết ra lại vào.”
Lời thơ từ nửa thế kỷ trước mà bây giờ cũng vẫn đúng.
Có thể nhắc đến Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích
Khương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Việt Khang, Cù Huy Hà Vũ,
Trương Duy Nhất, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha… là những người
yêu nước, yêu tự do mà đang bị tù đày.
Hạnh phúc. Điều này khó đong đếm vì hạnh phúc chỉ là khái niệm tương đối, tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá thể.
Hơn ba thập niên trước người Việt ra đi bằng thuyền, bằng con đường
đoàn tụ gia đình ODP, diện HO, diện con lai, diện vượt biển hồi hương,
bằng đường xuất khẩu lao động.
Nay người Việt chọn con đường du học, đường kết hôn với người nước
ngoài. Tìm được lối thoát là họ sẵn sàng rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún.
Ừ, thì bảo vì hoàn cảnh gia đình nghèo quá, họ ra đi để tương lai có khả năng giúp đỡ người còn ở lại.
Nhưng người giầu cũng tìm đường ra đi. Càng giầu càng muốn cho con
cái sớm được ra khỏi nước bằng con đường du học các nước Úc, Anh, Pháp,
Mỹ ngay từ cấp hai.
Nếu ai ra đi và không còn muốn trở về. Điều đó có nghĩa là ở một nơi nào đó họ đã tìm được độc lập, tự do và hạnh phúc.
Tác giả dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco.