Nguyễn Duy Vinh
(cựu học sinh Nguyễn Trãi, Sài Gòn)
BoxitVN
Tôi được sinh ra và lớn lên ở Xuân Lộc. Bố mẹ tôi là dân di cư, còn
được gọi là Bắc Kỳ “chín nút” (1945). Gia đình bố tôi ngoài Bắc (xin
tạm giấu tên làng quê của bố tôi) trước kia giàu lắm, có đồng ruộng cò
bay thẳng cánh. Vì có hai ông em theo kháng chiến, bố tôi biết trước sau
Việt Minh cũng sẽ thắng và vì là con cả trong gia đình (lúc đó ông bà
nội tôi đã qua đời), bố tôi đem cả ruộng vườn nhà cửa tổ tiên ra bán và
ông đem gia đình xuôi Nam. Nhờ nói được tiếng Pháp thông thạo, ông tìm
được việc tốt (làm thông dịch viên) cho quân đội viễn chinh Pháp và thế
là gia đình tôi dọn về Xuân Lộc, nơi có một sư đoàn lính Pháp đóng và
cũng là nơi có đồn điền cao su Pháp lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. Và
ở đây tôi đã ra chào đời trong khung cảnh loạn lạc và trong những tháng
năm sôi động nhất của chiến trường Đông Dương.
Lúc đó quân đội Pháp đã trở lại Đông Dương với ý định lập lại nền đô
hộ tại ba nước Việt Miên Lào, sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh và rút
khỏi Việt Nam năm 1945. Không có tuần nào mà không có trận đánh nhỏ
giữa Việt Minh và Pháp, xảy ra khi thì ngoài quận Xuân Lộc khi thì ngay
trong lòng quận. Chính nhà của bố mẹ tôi cũng cháy tan tành năm 1947 sau
một đêm khi Việt Minh xâm nhập vào Xuân Lộc và đốt phá khắp nơi.
Tuy nhiên, những kỷ niệm về Xuân Lộc của tôi không chỉ là những kỷ
niệm buồn. Mặc dù loạn lạc, tôi cũng đã được hưởng những ngày tháng an
lành và được sống những giây phút hồn nhiên tại thành phố Xuân Lộc bé
nhỏ xinh xinh. Và tôi xin phép được nói thêm một tí về bố tôi. Ông mà
còn sống chắc sau 1975 đã được vinh danh là anh hùng với nhà cầm quyền
hiện nay. Vì ông đã cứu rất nhiều binh lính và sĩ quan Việt Minh bằng
cách nói (chắc chắn là nói dối) với vị đại úy Pháp chỉ huy lúc đó, rằng
những người Việt Minh bị Pháp bắt sau những trận đánh đó đã bị bắt nhầm,
họ chỉ là dân quê! Sau này có lúc mẹ tôi ốm nặng, Việt Minh đã gửi vài
nữ cán bộ từ chiến khu D về làm công việc nhà tôi như nấu ăn giặt giũ để
phụ giúp bố tôi vì họ muốn trả ơn những gì bố tôi làm (có thể trong
những người được Pháp thả có một hay vài sĩ quan cao cấp của Việt Minh,
điều này tôi không kiểm chứng được mà chỉ nghe mẹ tôi kể lại sau này).
Cho đến năm 1954, khi quân đội Pháp thua trận và sửa soạn rời Việt Nam
là lúc bố tôi mất việc và cũng là lúc gia đình tôi dọn về Sài Gòn. Từ đó
tôi không quay lại Xuân Lộc nữa và tính lại như thế đã hơn 50 năm.
Trong ký ức tôi vẫn còn ghi lại hình ảnh những đêm trăng sáng đi rước
đèn Trung Thu với bọn trẻ con trong xóm, những ngày đi học tại trường
tiểu học Xuân Lộc với vị thầy khả kính tên là thầy Đô, những hôm rượt
chạy trong ruộng bắp cạnh trường với đám học sinh, những hôm lang thang
la cà hết hàng ăn này đến hàng ăn khác trong chợ Xuân Lộc bé nhỏ dễ
thương. Và dĩ nhiên tôi cũng không quên được cảnh những người lính Lê
Dương tra tấn những tù binh Việt Minh trong doanh trại quân đội Pháp,
trong đó có một số tù binh đã được bố tôi xin ông đại úy Pháp trả tự do
vì ông đã tin vào những lời cam đoan của bố tôi. Một cách tra tấn của
quân đội Pháp là họ dùng nước mía và nước đường tưới lên người các tù
binh Việt Minh rồi họ bỏ mặc những tù binh này bị cột ngoài bãi sân nắng
gắt để kiến lửa tha hồ tìm đường ngọt bò cắn khắp thân thể những tù
binh. Ai nhìn cảnh đó cũng động lòng thương, và dĩ nhiên trong đó có bố
tôi.
Thoáng đi hơn 50 năm, tôi đã gần như quên đi hai chữ Xuân Lộc…cho đến tuần vừa qua…
Tuần vừa qua tôi đọc được tin tức nổi dậy của tù nhân trại tù Z30A
tại Xuân Lộc. Hai chữ Xuân Lộc đủ để tôi tò mò đọc thêm. Sau đó tôi lại
đọc được bài của ông Trần Văn Huỳnh trên mạng tả lại cặn kẽ hoàn cảnh
ông đi tìm con là anh Trần Huỳnh Duy Thức (con ông là tù nhân chính trị
bị giam ở trại Z30A và sau đó bị dời về trại Xuyên Mộc, ngay sau cuộc
nổi dậy, mà gia đình ông không được nhà nước thông báo). Ông tả lại cách
hành xử hống hách không chút tình người của những cán bộ và những vị sĩ
quan công an quản trại. Tôi rất xúc động khi đọc những hàng chữ của ông
Trần Văn Huỳnh. Tôi không ngờ ngày nay công an Việt Nam hành xử cũng ác
không thua gì lính Lê Dương thuở trước. Lính Lê Dương hành hạ người
khác giống thì có thể còn hiểu được mặc dù lúc đó lòng mình rất căm
phẫn, còn đây công an Việt Nam, là những người cùng chung dòng máu Việt
Nam, sao họ có thể nhẫn tâm như vậy. Dù sao những tù chính trị, và ngay
cả những tù hình sự, họ cũng là con người, và là người Việt Nam.
Bài của ông Trần Văn Huỳnh nói lên cách hành xử không tình người và
thiếu văn hóa của một số công an Việt Nam. Cách hành xử này đã có vẻ
thành thông lệ từ Nam ra Bắc nếu các bạn chịu khó theo dõi tin tức trong
nước. Gần đây nhất có một tấm hình làm tôi mủi lòng. Tấm hình chụp ba
người đàn bà can đảm, một bà là vợ cũ của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn
Hải (đang bị tù), còn hai bà kia là mẹ của Đinh Nguyên Kha và mẹ của
Nguyễn Phương Uyên, hình chụp trước ngày Kha và Uyên bị tòa án Long An
xét xử. Tôi xin “dán” lại đây tấm hình tiêu biểu này để các bạn cùng
xem:
Những cặp mắt tuy có chút xót xa, nhưng cũng đầy dũng lực và cho thấy
một ý chí, một quyết tâm không lùi bước trước bất công, một niềm hy
vọng đòi hỏi công lý cho đứa con mình, cho chồng mình, những Đinh Nguyên
Kha, những Nguyễn Phương Uyên, những Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, những Tạ
Phong Tần, những Đỗ Thị Minh Hạnh, những Cù Huy Hà Vũ và những Trần
Huỳnh Duy Thức…
Công an Việt Nam phải chứng tỏ mình làm khá hơn các người lính Lê
Dương. Xin đừng hành hạ những người cùng dòng máu. Đại tướng Trần Đại
Quang, nếu ông còn trái tim biết thương người, xin ông ra lệnh các đội
ngũ công an triệt để phải nghe lời ông và sửa đổi cách hành xử tàn bạo
với người dân.
Người dân trong nước phải trải qua bao khó nhọc trước những tình
huống éo le khi con, khi vợ, khi cha, hoặc khi chồng mình đã có những
trăn trở, những bài viết, những lời nói và những cử chỉ chống lại sự đàn
áp và xâm lăng của Trung Quốc ngoài Biển Đông. Tại sao nhà nước lại đàn
áp những người yêu nước này? Nhà nước đã đem những luật hình số 88, số
79 hoặc số 258 để kết tội những thanh niên yêu nước đó. Những phiên tòa
gán tội này ai cũng biết là thiếu tính cách pháp lý và thật sự là những
phiên tòa cả vú lấp miệng em. Luật sư trong nước dù cho cãi hay cách
mấy, hay dù cho có những bằng chứng hùng hồn nhất cũng không làm thay
đổi được tình thế vì nhà nước đã khẳng định như thế. Và những vụ cãi
trước tòa chỉ là những chiếc áo hình thức khoác ngoài che giấu cho những
bản án đã được quyết định từ trước và được ban xuống từ Bộ Chính trị
(BCT).
BCT gồm cả thảy 14 ông trong đó có các ông Chủ tịch nước, Tổng Bí thư
ĐCSVN, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Công an. Xin các
bạn cùng tôi nhìn ngắm tấm hình của năm ông chụp năm ngoái, lúc các ông
cùng đi bộ vào thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi họp Ban Chấp
hành Trung ương.
Ông nào cũng đẹp cũng oai phong. Riêng ông Thủ tướng Việt Nam thì ông
cười rất tươi như trong tấm hình dưới đây. Một nụ cười thật đắc chí bên
cạnh những vẻ mặt đăm chiêu của các đồng chí trong BCT. Ai cũng mặc
đẹp. Ai cũng có cờ hiệu trên áo. Họ rất hãnh diện là những người chỉ huy
và lãnh đạo quốc gia. Tương phản với bức hình có nụ cười rạng rỡ của
ông Nguyễn Tấn Dũng là một bức hình tiêu biểu với những cái nhìn ngỡ
ngàng xót xa và buồn tủi của những bà mẹ và cô gái Việt Nam đi đòi công
lý cho chồng, cho con và cho cha mình. Nhìn bức hình này, tôi thoáng
nghĩ đến một bài hát của Trịnh Công Sơn trước 1975 mà tôi cho là vẫn còn
rất hiện đại:
đêm nay hòa bình sao mắt mẹ [Việt Nam vẫn] chưa vui.
N. D. V.