Richard Javad Heydarian | Asia Times Online
Mai Xương Ngọc dịch
Mai Xương Ngọc dịch
MANILA – Đối mặt với một cuộc xung đột có khả năng bùng nổ giữa
Trung Quốc và các thành viên của nhóm, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN) đã nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử
trong khu vực (CoC) nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Sau bãi cạn Scarborough, Hải quân Trung Quốc nhắm đến quyền kiểm soát khu vực Bãi Cỏ Rong/Reed Bank. (Ảnh: Internet)
Thông qua một dấu hiệu đáng chú ý, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM)
được tổ chức tại Brunei từ 30 tháng Sáu đến ngày 2 tháng Bảy áp dụng
cách tiếp cận hoàn toàn khác so với cuộc hợp lần trước được tổ chức tại
Phnom Penh năm ngoái, khi 10 thành viên thuộc khối khu vực này thậm chí
còn không thể thảo luận về tranh chấp Biển Đông.
Lần này, tổ chức khu vực đã thành công cả trong việc thúc đẩy một sự
đồng thuận nội bộ về vấn đề này và lôi kéo được Trung Quốc đồng ý tham
gia đàm phán hướng đến một CoC có tính ràng buộc. Bắc Kinh đã đồng ý tổ
chức cuộc họp quan chức cấp cao để thảo luận về CoC vào tháng Chín năm
nay. Cuộc họp cũng sẽ được hỗ trợ bởi những nỗ lực của “Nhóm Nhân sĩ và
Chuyên gia” để phác thảo một cơ chế pháp lý tiềm năng mới về lĩnh vực
hàng hải.
Dẫn đầu bởi vị chủ tịch tích cực người Brunei, tại Hội nghị thượng
đỉnh ASEAN tháng Tư năm nay, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã thống nhất
đặt các vấn đề tranh chấp lãnh thổ lên hàng đầu trong các cuộc đàm phán
khu vực của tổ chức này. Bế tắc trong tranh chấp đã đe dọa an ninh khu
vực và đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết nội bộ của tổ chức.
Một cuộc gặp gỡ mang tính hàn lâm do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược
châu Á của Ấn Độ và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Thái Lan đồng
phối hợp tổ chức vào đầu năm nay tại Bangkok, đã tập hợp các nhà phân
tích chiến lược nổi bật về khu vực, qua đó, họ nhấn mạnh đến tầm quan
trọng của việc duy trì sự đoàn kết của ASEAN và nhanh chóng tìm cách
thiết lập một CoC có tính ràng buộc.
Kết quả buổi hội nghị nêu bật những nét cơ bản về một cơ chế có tiềm
năng giải quyết tranh chấp khu vực, để sau đó được chuyển đến các chính
quyền địa phương có liên quan và các tổ chức liên chính phủ. Đề xuất
này báo hiệu sự hội tụ giữa các cuội đối thoại của kênh 1 (chính phủ)
với kênh 2 (giới học giả) về việc cả hai bên đều công nhận tính cần
thiết phải giải quyết các tranh chấp bằng con đường ngoại giao trước khi
sự việc này bùng nổ thành một cuộc xung đột toàn diện.
Theo hướng đó, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đã có
chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào cuối tháng Sáu với nỗ lực làm sâu
sắc thêm mối quan hệ chính trị song phương bằng cách tăng cường tần xuất
trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao và thúc đẩy hơn nữa việc thể chế hóa một
Ban chỉ đạo mới trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Trung
Quốc. Theo tin cho biết, trong cuộc họp cả hai bên đều đã nói về vấn đề
tranh chấp hàng hải giữa hai nước, đồng ý với một loạt nguyên tắc song
phương để giải quyết những khác biệt giữa hai nước một cách thân thiện.
Hai bên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một giải pháp dài hạn có
thể chấp nhận được cho cả đôi bên và đồng ý tuân thủ các nguyên tắc của
luật pháp quốc tế cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm
2002 (DoC) trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Ông
Sang cũng tìm kiếm sự phối hợp tốt hơn giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Cả hai bên cũng đã ký một thỏa thuận thiết lập một đường dây nóng để
quản lý các sự cố phát sinh từ những hoạt động trong các khu vực có
tranh chấp. Tuy nhiên, những thỏa thuận này cũng phù hợp với yêu cầu lâu
nay của Bắc Kinh rằng các tranh chấp cần được giải quyết song phương
thay vì đa phương. Lập trường cứng rắn này đã gây ra những nghi ngờ về
việc liệu Trung Quốc có thể nào đồng ý đàm phán một CoC thông qua ASEAN
hay không. (DoC 2002 do ASEAN làm trung gian không có tính ràng buộc về
mặt pháp lý và do đó thiếu các cơ chế thực thi.)
Thỏa thuận của Trung Quốc, ít nhất là về nguyên tắc, cho khởi động
lại các cuộc đàm phán hướng đến một CoC có tính ràng buộc đa phương đã
làm cho nhiều nhà phân tích chiến lược bất ngờ. “Trung Quốc và các nước
ASEAN là láng giềng gần gũi, chúng tôi coi nhau như là thành viên của
một đại gia đình,” Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Vương Nghị cho
biết tại Hội nghị AMM ở Brunei. “Chúng tôi tin rằng một khối ASEAN
thống nhất, thịnh vượng và năng động có thể tìm thấy sức mạnh lớn hơn
thông qua sự đoàn kết cũng nằm trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc.”
Khi còn là đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản (năm 2004-07), ông Vương
có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý khủng hoảng và kiểm soát thiệt
hại về ngoại giao. Đáng chú ý, ông Vương tuyên bố tại Hội nghị AMM rằng
Trung Quốc sẵn sàng loại bỏ mọi “xáo trộn” hoặc “can thiệp” vào việc
phát triển một CoC với các thành viên ASEAN.
Trung Quốc đồng thời khẳng định rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng của
Philippines vào mối quan hệ quân sự đang phục hồi với Mỹ và lời kêu gọi
tăng cường quan hệ với Nhật Bản là một “sai lầm về mặt chiến lược” trên
các phương tiện truyền thông nhà nước. Tuy nhiên, tại Hội nghị AMM, ông
Vương dự kiến một Trung Quốc ôn hòa “sẽ tiếp tục xử lý đúng đắn những
khác biệt cụ thể với một số quốc gia thông qua hội đàm hữu nghị”.
Sau nhiều tháng bận rộn qua lại như con thoi giữa châu Âu và Trung
Đông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ mong muốn của Washington về một
giải pháp ngoại giao nhanh chóng đối với các tranh chấp.
“Chúng tôi quan tâm mạnh mẽ đến cách thức giải quyết các tranh chấp ở
Biển Đông, và cách hành xử của các bên,” ông Kerry nói trong Hội nghị
Bộ trưởng ASEAN – Mỹ được tổ chức song song với Hội nghị AMM tại Brunei.
“Chúng tôi rất hy vọng sẽ nhìn thấy một bộ quy tắc ứng xử thực sự tiến
triển nhanh chóng để giúp đảm bảo sự ổn định trong khu vực quan trọng
này.”
Những tín hiệu lẫn lộn
Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho giới lãnh đạo dân sự
của Trung Quốc rằng họ có ý định hoặc khả năng để kiềm chế Quân đội
Giải phóng Nhân dân và các lực lượng bán quân sự của họ hay không, khi
cả hai lực lượng này đều giữ vai trò then chốt trong các cuộc đối đầu
gần đây ở Biển Đông.
Sau khi giành được bãi cạn Scarborough đang tranh chấp trong đợt
giằng co với các lực lượng Philippines năm ngoái, trong vài tuần qua
Trung Quốc chuyển sang củng cố quyền kiểm soát khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed
Bank) giàu Hydrocarbon ở ngoài khơi phía tây đảo Palawan của
Philippines.
Philippines đã tuyệt vọng tìm kiếm hỗ trợ từ bên ngoài, chủ yếu là
từ Mỹ và Nhật Bản, để tiếp tục duy trì quyền kiểm soát mong manh của
nước này đối với Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), một cửa ngõ quan
trọng để tới Bãi Cỏ Rong đang tranh chấp. Khi Philippines củng cố lực
lượng của họ trong khu vực Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc cảnh báo về khả năng
“phản công” trên phương tiện truyền thông nhà nước vào ngày 29 tháng
Sáu.
Phản ứng lại vào hôm sau, Ngoại trưởng Philippines Albert Del
Rosario cáo buộc Trung Quốc “quân sự hóa” Biển Đông, trong khi Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng Phlippines ông Voltaire Gazmin kêu gọi thành lập các căn
cứ quân sự của Nhật Bản để củng cố sự hiện diện trở lại của quân sự Mỹ
tại Philippines.
Những căng thẳng tái diễn cùng những lời lẽ chói tai làm dấy lên mối
quan tâm đến một CoC có tính ràng buộc. Những người ủng hộ một CoC ở
mức tối thiểu ưu tiên việc tham gia vào một loạt các cuộc đàm phán nhằm
đạt được một tập hợp các liên kết thỏa thuận có tính ràng buộc, chúng sẽ
chi phối cách hành xử của các bên, còn giải pháp đối với tranh chấp
liên quan đến nhiều hơn hai bên có tuyên bố chủ quyền.
Một CoC như vậy sẽ là một phần mở rộng hợp lý của DOC không có tính
ràng buộc 2002, kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp và từ
bỏ việc đe dọa cũng như sử dụng vũ lực để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền.
Việc này cũng sẽ phù hợp với sáng kiến “nguyên tắc sáu điểm” do
Indonesia bảo trợ, trong đó nhấn mạnh việc giải quyết các khiếu nại hàng
hải dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển.
Từ quan điểm của Trung Quốc, một CoC ở mức tối thiểu sẽ có thể cho
phép Bắc Kinh giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương, chỉ liên
quan đến một trong những nước láng giềng Đông Nam Á. Các nhà phân tích
chiến lược mong đợi Bắc Kinh sẽ thúc đẩy chủ đề thấy trước này khi các
cuộc thảo luận được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng Chín.
Mặt khác, những người ủng hộ một CoC ở mức tối đa hướng tới một thỏa
thuận toàn diện hơn, nó sẽ (i) đặt vấn đề với tuyên bố chủ quyền bằng
bản đồ 9 đoạn đứt khúc (đường lưỡi bò) rộng khắp của Trung Quốc ở Biển
Đông, và (ii) tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương có hiệu
lực thi hành, để ngăn chặn việc Trung Quốc áp đặt các nước láng giềng
nhỏ hơn trên cơ sở song phương.
Cho đến nay, có vẻ như các nhà lãnh đạo ASEAN, từ các quốc gia ở
tiền tuyến như Việt Nam cho đến nhà lãnh đạo không chính thức là
Indonesia trong khu vực, đều lựa theo một phiên bản tổi thiểu. Phiên bản
tối thiểu được xem như một cách tiếp cận khả thi hơn, phù hợp với
khuynh hướng xây dựng thể chế từng bước của ASEAN.
Điều này có thể dẫn đến một mức độ chia cắt giữa Philippines và Việt
Nam, hai nước thành viên ASEAN có những tuyên bố mạnh mẽ nhất đối với
Trung Quốc. Trong mối quan hệ cân bằng nước lớn tinh tế của Việt Nam
giữa Trung Quốc và Mỹ, nước này ở một vị trí tốt hơn so với Phlippines
để đồng thời thúc đẩy một bước đột phá đối với các tranh chấp trên cơ sở
hoàn toàn song phương cũng như đối với một CoC cho toàn khu vực.
Đối với Philippines, một CoC tối đa sẽ là cách tiến lên tốt nhất,
cũng bởi vì các kênh liên lạc của nước này với Bắc Kinh đã trở nên căng
thẳng nghiêm trọng sau khi Philippines kêu gọi phục hồi quan hệ an ninh
với cả Nhật Bản và Mỹ. Nhưng trong khi ASEAN đề nghị dàn xếp những quan
niệm khác nhau về một CoC ở Biển Đông, nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu
quân sự cũng đồng thời gia tăng.
[*] Richard Javad Heydarian là một chuyên gia phân tích các vấn
đề đối ngoại có trụ sở tại Manila tập trung vào vấn đề Biển Đông và các
vấn đề an ninh quốc tế. Ông là một giảng viên tại Khoa Chính trị của Đại
học Ateneo De Manila (ADMU), và đồng thời là tác giả của cuốn sách sắp
phát hành “Từ Mùa xuân Ả Rập đến Mùa hè Ả Rập: Các nguyên do kinh tế và
tương lai bấp bênh của các cuộc nổi dậy ở Trung Đông”. Có thể liên lạc
với ông qua địa chỉ email: jrheydarian@gmail.com.
Nguồn: Bởi Richard Javad Heydarian, “Conflicting currents in the South China Sea“, Asia Times, ngày 10 Tháng Bảy 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle