Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Theo Đài RFA
Nhóm “Mở Miệng”: Từ trái sang Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, Nguyễn Quán, ảnh chụp năm 2006. Courtesy PhanNguyenBlog
Trong một bài viết mới nhất đăng trên tờ Quân Đội Nhân Dân có tên
“Một góc nhìn phản văn hóa và phi chính trị” tường thuật lại Hội nghị Lý
luận-Phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức xuất
hiện những bài tham luận chống lại một luận văn thạc sĩ của tác giả Đỗ
Thị Thoan, tức nhà văn Nhã Thuyên có tên “Vị trí của kẻ bên lề: Thực
hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”. Luận văn này được phó
giáo sư TS Nguyễn Thị Hòa Bình, trưởng Khoa Văn trường Đại học Sư Phạm
Hà Nội hướng dẫn.
Luận văn thạc sĩ này thuộc chuyên ngành văn học và có lẽ do đó trong
hội nghị Lý luận-Phê bình của hội nhà văn mới xuất hiện những phê phán
gay gắt, thậm chí ác độc đối với tác giả luận văn và lây sang cả những
cây viết trong nhóm Mở Miệng.
Ba mũi giáp công
Hai người có tham luận và ý kiến trong cuộc kết án này là nhà phê
bình văn học Nguyễn Văn Lưu tức tác giả Chu Giang và Giáo sư Phong Lê,
nhà nghiên cứu phê bình lý luận văn học được cho là có uy tín hiện nay.
Cách đây hai tháng tác giả Chu Giang đã viết nhiều bài trên Văn Nghệ
Thành phố Hồ Chí Minh kết án tác giả luận văn và nhóm Mở Miệng. Trong
một thời gian dài, những bài viết này rơi vào im lặng nhưng chợt sống
lại một cách bất ngờ trong một hội nghị được gọi là Phê Bình lý luận
khiến không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng tác động bức phá của nhóm
Mở Miệng ngày càng lan rộng trong giới sáng tác khiến cho chính hội Nhà
Văn Việt Nam sợ hãi sự bùng nổ sẽ làm tan vụn các định hướng từ bao lâu
nay trong sinh hoạt sáng tác của hội.
Tờ Quân Đội Nhân Dân trích dẫn một đoạn của Nhã Thuyên để cáo buộc
tác giả này đang có ý đồ hướng dẫn người đọc đi theo đường lối phản động
của tác giả:
“Mở Miệng, ở các thực hành thơ, đã là biểu hiện của sự giải phóng,
trong nỗ lực giải phóng của nghệ thuật Việt Nam đương đại. Trong sự so
sánh với truyền thống thơ của Việt Nam, Mở Miệng là một sự chối bỏ quyết
liệt, dù tôi không muốn nhìn nhận họ như một sự đại diện cho thế hệ,
nhưng họ đã lên tiếng đòi phá nốt những thành trì kiên cố của sự chuyên
chế, khi niềm tin vào chế độ và sự tự do đang có đã tan rã…” (tr. 104).
Để rồi bài báo kết luận ngay sau đó:
“Rõ ràng “đây là một bản luận văn trá hình mang nội dung chính
trị phản động”. Nó trá hình ở chỗ mượn cụm từ “góc nhìn văn hóa” để khảo
sát một hiện tượng văn học, nhưng thực chất để tung hô, cổ xúy cho một
“thực hành thơ bên lề” có tư tưởng chống đối cái trung tâm, cái chính
thống, chống lại định hướng, chống lại thiên chức phụng sự Tổ quốc,
phụng sự nhân dân của văn học và nhà văn.”
Thật khó mà nghĩ ra tại sao “chối bỏ quyết liệt, phá nốt thành trì
chuyên chế” lại là phản động? Như vậy không khác gì bêu rếu rằng nhà
nuớc này, nền văn học này đang là thành trì chuyên chế hay sao?
Nhân văn giai phẩm hai?
Nói với chúng tôi nhà phê bình Chu Giang tức Nguyễn Văn Lưu nhận xét về bài luận văn này:
“Thực ra đây là biểu hiện của một khuynh hướng muốn mượn văn thơ
để làm chính trị thôi, tất nhiên không có nghệ thuật nào tách ra khỏi hệ
tư tuởng chính trị cả thế nhưng dù sao cũng phải có cái tương đối của
nó nhưng trong luận văn của cô ấy nó hơi thô thiển không phải là một cái
tư tưởng nghệ thuật.”
Riêng Giáo sư Phong Lê, người mà bài báo mô tả: “hai lần lên diễn
đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý
thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn” trần tình với chúng tôi:
“Sự thật là thế này: điều ấy tôi biết được qua thành viên chủ trì
cuộc họp đó đó là anh Chu Giang. Anh này khảo rất sâu về luận văn đó và
anh sâu ngược lên về nhiều chuyện khác nữa và anh viết trên tờ Văn Nghệ
thành phố Hồ Chí Minh anh đặt vấn đê phải kiềm tra lại khoa văn Đại học
Sư Phạm vì sao lại đào tạo ra cái luận văn như thế. Tôi chưa được đọc
trong nội dung ấy tức nhiên là phức tạp, mỗi người một cách đánh giá
nhưng tôi nói rằng nếu như nội dung ấy đúng như anh nói thì nó phạm phải
một đìêu mà tôi cho là không thể giải thiêng được và xúc phạm đến Hồ
Chí Minh, xúc phạm nhiều chân lý, nhiều điều đáng lẽ phải tôn trọng. Đối
với tôi việc giải thiêng Hồ Chí Minh thì tôi không chấp nhận đựơc và
tôi nói nếu sự thực như thế thì hội nhà văn nên kiến nghị với Bộ Giáo
dục về việc phải xem lại cái nội dung của luận văn đó chứ tôi không bao
giờ nói công an cả. Câu chuyện này tôi biết ở trên họ đã bắt đầu “động”
rồi đấy. Sắp tới báo chí nó sẽ xuất hiện.”
Theo những thông tin mà chúng tôi có thì Giáo sư Phong Lê là một
thành viên trong hội đồng xem xét trường hợp luận văn này và nó sẽ bắt
đầu trong thời gian ngắn sắp tới. Điều mà Giáo sư Phong Lê gọi là “sắp
tới” ấy được nhà báo Phạm Thành diễn giải:
“Thật ra tâm địa của những người chơi nhóm Nhã Thuyên chúng nó
còn xấu xa đểu cáng hơn cả cái thời Nhân Văn. Tình chất của nó y chang
thế thôi bởi vì rõ ràng đây là một lĩnh vực nghiên cứu tác phẩm công bố
trên một phạm vi hẹp thế mà tự nhiên chúng nó la lên mà toàn dùng những
ngôin gnữ mật thám ngôn ngữ chó săn để định tiêu diệt người ta vì vậy
tâm địa và tính chất vụ việc nó cũng na ná như Nhân Văn Giai Phẩm.”
Từ tránh né đến nói dối
Theo bài báo thì sau khi vụ việc xảy ra Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
và Khoa Văn của nhà trường đã họp “rút kinh nghiệm”. Bài báo xác nhận
trên thực tế chưa ai bị xử lý bất kỳ hình thức kỷ luật gì. Thậm chí có
người còn phát biểu trên một số diễn đàn chính thống rằng phê phán bản
luận văn như vậy là kiểu “chụp mũ, quy kết” đã lỗi thời.
Tuy nhiên sự thật lại khác hẳn, Nhã Thuyên không được giảng dạy tại
trường và người hướng dẫn cô cũng bị mất luôn chức trưởng khoa. Ông Chu
Giang nói với chúng tôi:
“Nội bộ trong trường các cô làm với nhau thì ai mà biết được.
Nhưng vừa rồi cái khoa này có mời cô này về để chuẩn bị giảng dạy chính
thức trong trường. Chắc là cũng do hăng hái quá, phát biểu cái quan niệm
của cô quá khích cho nên sinh viên họ phản đối dữ dội thì các cơ quan
pahỉ can thiệp nên sự việc nó bị bùng ra chứ nếu không ai biết được bên
trong nó như thế.”
Nhà Báo Phạm Thành cho biết sự thật là cả hai đang trong tình trạng
rất khó khăn nhưng ông chia sẻ sự khó khăn của ngôi trường Sư phạm này
khi buộc lòng phải có biện pháp với hai người theo lệnh của Tuyên giáo:
“Mình đánh giá cao chỗ này, tức là trường đại học sư phạm nó đã
đồng ý cho Nhã Thuyên làm cái việc này và cử một giảng viên là cô Nguyễn
Thị Hòa Bình ra đề hướng dẫn cho Nhã Thuyên làm luận án tức là họ đã có
cái nhìn khoa học, và hành động cao cả. Còn bây giờ bị sức ép của tuyên
giáo mà buộc phải cho thôi việc Nhã Thuyên, cách chức trưởng khoa của
cô Nguyễn Thị Hòa Bình thì cực chẳng đã phải làm. Mình đánh giá rất cao
trường Sư phạm lúc đầu đã chấp nhận cho làm cái việc này. Họ cũng muốn
đồi mới vì nghiên cứu thì không có vùng cấm.”
Theo Lý Đợi một thành viên của nhóm Mở Miệng cho biết nhóm được hình
thành từ ý tưởng của Bùi Chát, cái tên Mở Miệng lấy từ Thánh kinh:
“Khởi thuỷ là lời”, vào cuối năm 2000, nhóm xuất hiện chính thức từ năm
2001gồm có Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán và Bùi Chát. Lý do chính của
việc thành lập Mở Miệng là phản ứng lại vấn đề kiểm duyệt và cấp phép
xuất bản. Sau đó, thì cả nhóm muốn bình thường hoá việc tự do ngôn luận,
tự do sáng tác và xuất bản.
Bùi Chát kể lại, trong lúc cả bốn người còn rất trẻ (ngoài 20), mới
tốt nghiệp đại học, đầy nhiệt huyết và dự định trong việc cống hiến cho
xã hội, cho nghệ thuật... khao khát Mở Miệng càng thấy rõ sự phi lý, trì
trệ, sự cam chịu đến khó hiểu trong sinh hoạt văn hoá ở Việt Nam. Không
thể nào khác được, những người trẻ này đã phải quyết tâm để Mở Miệng.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức từ Hà Nội có những nhận xét ngắn về nhóm Mở Miệng như sau:
“Nhóm Mở Miệng tôi có thể nói theo cảm quan của tôi, thứ nhất là
họ có phản ứng với tính chất tâm lý. Ở Việt nam chúng ta sống bằng cảm
xúc và tâm lý là nhiều chứ chúng ta không sống bằng lý thuyết. Nhóm Mở
Miệng này phản ứng việc bị o ép, Mở Miệng là bung ra bật cửa bật phéc mơ
tuya đề mở cửa đề cho gió vào nhưgn họ không có một hệ lực trong hệ lý
thuyết. Đối với tôi nhóm Mở Miệng phản ứng một cái hệ trì trệ lâu năm mà
họ bật ra bằng cảm xúc và tâm lý nhưng họ chưa có đủ một lộ trình mỹ
học để thay thế cái cũ.”
Nhà báo Phạm Thành nhận xét:
“Nhóm Mở Miệng họ làm việc đó thật là tuyệt vời nhưng văn hóa
Việt Nam mình không chấp nhận vì đầy một lũ tiều nông, đầy một lũ du hủ
du thực làm văn chương nghhệ thuật cho nên nó cứ phân khu ra chuệyn này
chuyện kia. Nó phân khu ra cái này là văn minh, cái kia là không văn
minh. Nó cũng theo gót bọn hủ nho cậy mình có chữ ba lăng nhăng coi
thường cái nghề chân tay, coi thường người nông chỉ coi chữ nghĩa trên
hết mà thôi.”
Khi Hữu Thỉnh đọc thơ Lý Đợi
Để biết thêm điều gì đã làm cho nhóm Mở Miệng bị xem là phản động và
lấy văn chương kích động người đọc ra sao, mời quý vị nghe bài thơ mang
tên “chúng nói: “sông có thể cạn, núi có thể mòn” của Lý Đợi qua giọng đọc của chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh:
“Chúng nó nói
Chúng nói
Sông có thể cạn
Núi có thể mòn
Chúng nói
Sông có thể cạn
Núi có thề mòn
Và tôi thấy chúng làm:
Chúng đuổi người đi đường
Chúng không cho người dân cất tiếng nói
Chúng bao vây và trấn áp người biểu tình chống xâm lăng
Chúng cho người trà trộn vào đám đông biểu tình để phá thối, gây chia rẽ
Chúng bảo chúng ta bị xúi giục
Chúng coi thường sự hiểu biết của nhân dân
Chúng bảo mất Hoàng Sa – Trường Sa không phải lo.
Hãy về nhà ngủ và tin vào Cộng sản và nhà nước.
(Tin chúng mày để hôm nay thấy Sài Gòn & Hà Nội đầy một lũ tay sai Bắc Kinh à?)
Chúng vu khống những người yêu nước là phản động
Chúng muốn chúng ta vĩnh viễn là nô lệ
Chúng đã lăng mạ lòng tự trọng dân tộc
Chúng đã phỉ nhổ vào lịch sử
Chúng đã đập bàn thờ tổ quốc
Chúng đã ném cứt vào xương máu những người đã chết cho quê hương
Chúng tóm cổ các nhà báo tự do
Chúng đe doạ, đánh đập văn nghệ sĩ
Chúng khủng bố các nhà trí thức
Chúng theo dõi điện thoại, email
Chúng hiếp dâm nhân quyền...
Và chúng nói tiếp, sau khi làm: “song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”
Quý vị vừa nghe ông Hữu Thỉnh đọc bài thơ của Lý Đợi. Dĩ nhiên ông
đọc lên để phê phán và kết án bài thơ này trong hội nghị của Hội Nhà Văn
Việt Nam nhưng có một điều nghịch lý là khi nghe bài thơ qua giọng đọc
hùng hồn của ông, người ta có cảm giác ông đang khen bài thơ, khen một
cách chân thành vì ngôn ngữ bài thơ sống động bất ngờ đã lái cảm xúc của
ông qua một hướng khác, hướng “Mở Miệng” ra để nói những lời chân thật?