Đào Trung Đạo
Tôi muốn mượn tựa đề truyện ‘Vụ Xử’ của
Kafka để nói đến tính chất mông muội vây bủa quanh vụ truy sát Nhã
Thuyên, một nữ giảng viên đại học và một cây viết trẻ có bản lãnh đang
được giới trẻ quan tâm tới văn học nghệ thuật tìm đọc. Vụ việc đã xảy ra
ngót nghét tháng nay, khởi đầu bùng lên với phát biểu báo động và chỉ
điểm của Chu Giang Nguyễn văn Lưu vào ngày chót của hội nghị Lý luận Phê
bình Toàn quốc do đảng tổ chức ở Tam Đảo. Với những người để ý theo dõi
‘hành tung’ của ‘vệ binh’ Chu Giang thì tuyên bố chỉ điểm này ở Tam Đảo
không có gì lạ, hơn thế nữa: thôi đành chặc lưỡi ‘miễn bàn’. Vì Chu
Giang cũng chính là ‘cây bút phê bình’ (sic) đã dai dẳng truy sát Nguyễn
Huy Thiệp bằng những bài báo ‘luận chiến’ đăng trên Tuần báo Văn nghệ
Tp HCM năm ngoái nhưng không đem lại kết quả nào. Tiếp theo Chu Giang,
báo đảng xông lên với nào là Cẩm Khê trên tờ Nhân Dân, Tuyên Hóa trên tờ
Quân Đội Nhân Dân, và mới đây nhất là ‘nhà phê bình’ Nguyễn Văn Dân
trên VanVn.net. Về những tiếng nói phản biện chúng ta có bài ‘Cú giẫy
cuối cùng của nền phê bình chính huấn’ của Phạm Thị Hoài trên mạng
Pro/Contra, và mới nhất là bài ‘Phê bình kiểm dịch’ của Gs Trần Đình Sử.
Qua bài viết của mình vị giáo sư này cho thấy ông có sự trong sáng trí
thức (probité intellectuelle), tuy không trực tiếp đề cập tới án xử Nhã
Thuyên nhưng trên một diện rộng gián tiếp báo động giới làm văn học nghệ
thuật về sự trỗi dậy của những ‘phê bình gia kiểm dịch’ trong hiện tình
văn học nghệ thuật hiện tại, và đồng thời cũng có ý đánh thức lương
năng của những nhà phê bình kiểm dịch với giả thuyết họ còn lương năng.
Thông tin về hậu quả tức thời của án xử Nhã Thuyên đã được các trang
mạng lề dân loan tải: Nhã Thuyên bị cho thôi việc ở Đại học Sư phạm Hà
nội, PGS TS Nguyễn Thị Hòa Bình, người bảo trợ cho luận văn thạc sĩ của
Nhã Thuyên sẽ ‘nghỉ hưu non’.
Nhưng vì câu hỏi của giới bình luận gần đây được nêu lên nhân vụ việc này là: ‘Phải chăng một vụ án dập khuôn Vụ án Nhân văn Giai phẩm (NVGP) một lần nữa lại tái diễn?’ nên chúng tôi thiết nghĩ để tìm được câu trả lời cho câu hỏi này trước hết chúng ta thử nêu câu hỏi: Trong tình thế hiện nay Tuyên giáo TW tính toán ra sao? Chúng tôi đặt câu hỏi này ra và thử đưa ra những dự đoán.
Ta hãy quay lại vụ án NVGP. Trước hết là điểm mặt những nhà phê bình kiểm dịch thời xảy ra vụ án này. Nhà văn Phạm Thi Hoài đã liệt kê khá đầy đủ:
Nhưng vì câu hỏi của giới bình luận gần đây được nêu lên nhân vụ việc này là: ‘Phải chăng một vụ án dập khuôn Vụ án Nhân văn Giai phẩm (NVGP) một lần nữa lại tái diễn?’ nên chúng tôi thiết nghĩ để tìm được câu trả lời cho câu hỏi này trước hết chúng ta thử nêu câu hỏi: Trong tình thế hiện nay Tuyên giáo TW tính toán ra sao? Chúng tôi đặt câu hỏi này ra và thử đưa ra những dự đoán.
Ta hãy quay lại vụ án NVGP. Trước hết là điểm mặt những nhà phê bình kiểm dịch thời xảy ra vụ án này. Nhà văn Phạm Thi Hoài đã liệt kê khá đầy đủ:
“Trong cuộc truy sát Nhân văn-Giai
phẩm, ít ra chúng ta biết: Người “vạch trần bộ mặt thật” “trụy lạc phản
động” của Trần Dần là nhạc sĩ Đỗ Nhuận; người hô hào cả nước “phải chặn
lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư tưởng phản động,
những tác phong đồi bại” là nhà phê bình Hoài Thanh, cũng chính là người
xác định tính chất “xuyên tạc”, “vu khống”, “phản động” của bài thơ
“Nhất định thắng” của Trần Dần; người tố giác cả một “hệ thống những sai
lầm xấu xa”, những “dụng ý rất đen tối” của Tử Phác là nhạc sĩ Lương
Ngọc Trác; người lột “cái mặt gian xảo” của Lê Đạt như “một kẻ ẩn núp,
tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản
chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn một” là nhà thơ Xuân Diệu, cũng
chính là người phát hiện Văn Cao “gài mìn chống phá Đảng và nhân dân”;
người quyết “vạch rõ tội lỗi của Phan Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai
cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, huyễn hoặc, lừa bịp, đầu độc nhân dân
để kiếm bát cơm, manh áo”, “chống Đảng, chống cách mạng, phản nhân dân,
phản Tổ quốc”, “từ bé đến già bóc lột của nông dân, ăn cướp của nhân
dân” là nhà văn Nguyễn Công Hoan; người gọi tác phẩm của Trần Duy là cái
thứ “văn nghệ vô nhân đạo của thần chết”, là “những thứ cỏ độc, mà
chúng ta phải nhổ sạch, quét sạch, để vứt vào rác, hoặc làm một thứ phân
bón cho những bông hoa chân chính trong vườn văn nghệ của ta” là nhà
phê bình Vũ Đức Phúc…; chưa kể hàng trăm văn nghệ sĩ không kém danh
tiếng khác – từ Thế Lữ, Bửu Tiến, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Đoàn Giỏi,
Tú Mỡ, Đoàn Văn Cừ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuân…, đến Nguyễn Đổng Chi,
Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm, Đào Vũ, Bùi Huy Phồn… – hăng hái góp đinh
cho những chiếc búa tạ nêu trên chốt quan tài những đồng nghiệp “nổi
loạn” của họ.
(Trích Pro/Contra).
Thôi thì đủ mặt ‘anh hào’ lưu xú danh hậu thế.
Câu hỏi: với ‘Vụ Xử’ Nhã Thuyên trong
tình thế hiện nay liệu Tuyên huấn TW có khả năng huy động được con số
đông đảo những tay phê bình kiểm dịch như thời trước không?
Dự đoán của chúng tôi là: Không. Củng cố cho dự đoán này là những lý do sau.
Thứ nhất, chính quyền hiện tại không
còn có quyền năng tuyệt đối như ở những năm cuối thập niên 50 đầu thập
niên 60 thế kỷ trước. Tình thế nay đã khác, điều này hẳn những vị lãnh
đạo Tuyên giáo TW phải hiểu rõ hơn ai hết. Trong giới làm văn học nghệ
thuật hiện nay, việc áp lực đông đảo giới này làm theo lệnh Tuyên giáo
TW là bất khả. Thế nên, khi những đội trưởng truy sát như Phong Lê, Phan
Trọng Thương, tốt đen Chu Giang, Cẩm Kê, Tuyên Hóa, và Nguyễn văn Dân
(chỉ cần đọc sơ bài ‘Văn học nhìn từ lý thuyết trung tâm – ngoại vi’ của
vị GSTS này cũng thấy ngay tiến sĩ (sic) của chúng ta đã “lạc đề”,
“gượng gạo”, “viết /nói về hùa đánh hôi” như thế nào) có xếp hàng sẵn
sàng ra tay chờ chỉ thị thì Tuyên giáo TW – nhìn quanh quất chỉ thấy lèo
tèo vài vệ binh - quá lắm cũng chỉ đành liếc mắt bảo “các chú mày để từ
từ”, và vì vụ việc đã loan truyền rộng rãi cả trong lẫn ngoài nước nên
chẳng đặng đừng đành phải xử lý hành chính cô giáo Nhã Thuyên Đỗ Thị
Thoan và giáo sư Nguyễn Thị Hòa Bình. Và rất có thể hồ sơ vụ xử này sẽ
tạm thời được khép lại ở thời điểm này. Để củng cố cho hành xử răn đe
này (nói theo kiểu TBT Nguyễn Phú Trọng về hiệu quả việc chỉnh đốn đảng
vừa qua là cũng khiến “khối anh run đấy!”. Một kết luận mượn cách đùa
cợt nhẹ nhàng để che dấu sự bất lực và thất bại. Nhưng câu nói nửa đùa
nửa thật này của TBT NPT không phải là không có phần đúng) là Lớp tập
huấn “Quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật và hoạt động phê bình
văn học, nghệ thuật năm 2013″ diễn ra khắp các tỉnh thành trong nước.
Chúng tôi đánh giá đây là những động thái chỉ có mục đích răn đe, chỉnh
đốn mà thôi. Về hình thức xử lý hành chính đối với giảng viên Đỗ Thi
Thoan, chúng tôi nghĩ hiệu quả không đáng kể vì chức vụ giảng viên không
còn có cái danh giá và quyền lợi như trước đây nên hiện nay chẳng đáng
quan tâm (vì mới chỉ nhận chức vụ giảng viên trên dưới một năm nên việc
bảo vệ ‘sổ lương’ dĩ nhiên là không thành vấn đề đối với Nhã Thuyên Đỗ
Thị Thoan). Còn với Gs Nguyễn Thị Hòa Bình chúng tôi nghĩ ‘hưu non’ là
giải pháp tối hảo để cho lương tâm được bình yên, trong sáng trí tuệ và
thanh danh được bảo toàn. Vả lại thời nay kinh tế thị trường việc “thắt
bao tử”, trù dập vây bủa kinh tế không còn hữu hiệu: Gs Nguyễn Thi Hòa
Bình và giảng viên Đỗ Thị thoan hẳn không đến nỗi phải về quê đập đá mưu
sinh như thi sĩ Hữu Loan trước đây! Ngoài ra cũng phải kể đến hậu quả
ngược của vụ xử: đối với giới trẻ, nhất là những sinh viên ở đại học sư
phạm Hà Nội, rất có thể họ không đồng tình, và khinh bỉ, cách ứng xử của
Tuyên giáo TW và các quản lý giáo dục, sự bày tỏ này sẽ lan rộng, có
tác động tiêu cực trong xã hội. Xa hơn nữa, từ không đồng tình, khinh bỉ
đến phản kháng, con đường dẫn đến bày tỏ thái độ phản biện bấy lâu chưa
hiện rõ để được trung thành với bản thân và lương tâm trong sáng của
giới trẻ sẽ không xa.
Thứ nhì, vì những vấn đề Tuyên giáo TW
cấp thiết, sinh tử, phải ứng phó như những vụ bắt nhốt những blogger như
Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào…, những việc khuấy động dư luận xã hội
như vụ tuyệt thực của Cù Huy Hà vũ, Điếu cày Nguyễn văn Hải, vụ xét xử
Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Khang cũng như nhiều vụ án chính trị
khác trong mấy tháng nay, và làm sao bịt miệng được những tiếng nói phản
biện ‘không trung thành’ ngày càng mạnh dạn lên tiếng nhắm vào tử
huyệt, triệt hủy tính chính danh của đảng về toàn vẹn lãnh thổ và biển
đảo. Cũng phải kể ngay đến nan đề thành tích nhân quyền tệ hại của chính
quyền VN đang bị đặt dưới áp lực ngày càng đè nặng từ những nước phương
Tây, nhất là từ quốc hội và chính quyền Mỹ vào thời điểm xảy ra chuyến
công du Mỹ để gặp tổng thống Obama của chủ tịch nước Trương Tấn Sang
v.v… Đấy là chưa kể đến một yếu tố ‘ngầm’ quan trọng hơn cả: trong cơn
lốc xoay chiều chính trị đang diễn ra, những vị trong Tuyên giáo TW rất
có thể nếu không ‘nín thở chờ thời’ thì cũng càng ‘bất động’ được bao
nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Do đó không khó nhận ra nhóm các ‘phê bình gia
kiểm dịch’ đã tính toán sai lầm về thời điểm (timing) để đưa ra ‘án
xử’. Vào thời điểm này “chuyện lý luận (ný niếc) phê bình (phê biếc) hãy
tạm thời dẹp sang một bên! Sao các chú rách việc quá!” [Các chú phải
biết thân biết phận, các chú có hiểu địa vị của các chú chỉ ở bậc gần
như thấp nhất trong các bậc thang quyền lực không?] Đó là sách lược
tưởng như khó hiểu của người cộng sản với bản chất muôn thuở của anh du
kích chuyên trị ‘đối phó’ để tồn tại. Do đó khả năng thất bại của mưu
toan truy sát của những vệ binh đỏ bảo vệ đường lối chính thống này
nhiều phần đang lộ rõ.
Lý do sau chót: nhóm Mở Miệng – nhất là
thành viên Bùi Chát – hiện đang trong tầm ngắm của chính quyền, nhất là
sau vụ việc Bùi Chát cùng hai người bạn học lập nhóm chủ trương trang
mạng kêu gọi hậu thuẫn xã hội cho “tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn,” và
tiếp đó là công khai thách thức những người lãnh đạo của đại học Luật
TP HCM công khai tranh luận về việc phỉ báng và vi phạm pháp luật khi
công bố nhân thân cũng như thành tích học tập của nhóm này. Việc lãnh
đạo TP HCM và đại học Luật của thành phố này “ngậm tăm” không có nghĩa
Bùi Chát và hai bạn học cũng như Mở Miệng đã ra khỏi tầm ngắm trả thù.
Để kết luận chúng tôi cũng nhân ‘án xử’
Nhã Thuyên không thể không đặt câu hỏi: Không kể “nền” phê bình văn học
tản mạn cảm tính của những Hoài Thanh, Hoài Chân, Đặng Thái Mai, Vũ
Ngọc Phan… tụt hậu so với thế giới cả thế kỷ ở thời điểm của nền phê
bình này xuất hiện, nhận định nói ra tuy đau lòng nhưng là sự thực: rằng
từ 1955 đến nay không những không hề có lý thuyết và phê bình văn học
đích thực, vậy đến bao giờ lý thuyết và phê bình văn học nước ta mới
thoát khỏi thảm họa do sự ngu xuẩn mông muội đã vây bủa hơn nửa thế kỷ
nay để mở ra một sinh khí, một tinh thần mới?
Nguồn Blog Đào Trung Đạo/RFA