Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Cảm nhận qua một tai nạn giao thông

Người Huế 

Theo Khoahocnet
tainangiaothong-xeganmay
Đêm về khuya trên con đường lớn Vỹ Dạ tương đối vắng vẻ âm u khác hẳn so với ban ngày thường đông xe cộ qua lại. Đang mãi mê bàn luận chuyện nhà tôi bỗng giật mình khi phía trước nhiều ánh đèn xe chụm lại, tiếng người lao xao từ một đám đông tụ tập trên đường vắng. Biết có chuyện chẳng lành, tôi cố lách chiếc xe gắn máy cũ kỹ mượn của người bạn thân vào đám đông đang tụ tập bên lề đường. Trên lòng đường, những bàn chân bao quanh một thân thể đang nằm bất động. Không kịp dựng xe, tôi liền giao nguyên chiếc xe cho vợ tôi rồi chen chúc vào đám đông. Biết tính chồng không thể nào cản được vợ tôi chỉ còn cách nói với theo „Từ từ, cẩn thận nghe“.
Nhìn vào hiện trường tai nạn tôi có thể nhận ra thật nhanh chưa có ai ra tay cấp cứu cô bé tuổi chừng đôi mươi đang nằm bất động, máu tuôn đầy từ phần sau đầu. Máu, chưa bao giờ tôi thấy tận mắt máu nhiều như vậy. Bên cạnh không xa là một người đàn ông to béo nằm bất động, kế cận là hai chiếc xe gắn máy tan nát. Vừa xô dạt đám người bao quanh thân thể cô bé vừa suy nghĩ phải bắt đầu như thế nào đây? Bao nhiêu bài học lý thuyết, những lần thực tập cấp cứu Hô Hấp Nhân Tạo hiện ra trong đầu. Tất cả chỉ là lý thuyết, thực hành Hô Hấp Nhân Tạo chẳng qua cũng chỉ là với thân thể bằng cao su không cảm xúc. Nay mới là thực tế, lần đầu tiên đối diện với máu tanh. Máu chảy ra từ đầu, hộc ra miệng trào ra mũi.
Liệu rằng có thể một hành động không đúng có thể gây nên cái chết cho nạn nhân? Nhưng cái sợ, cái ngại ngùng biến đi thật nhanh khi những điểm cốt lõi của những giờ lý thuyết hiện ra thật nhanh „Làm có thể đúng mà cũng có thể sai, nhưng không làm là hoàn toàn sai“. Tim không đập, Mạch không còn, không thấy hơi thở thì phải làm Hô Hấp Nhân Tạo, nhấn 30 cái bịt mũi thổi hơi vào miệng, miệng trào máu thì bịt miệng thổi hơi vào mũi nhưng trào máu cả mũi lẫn miệng thì làm sao đây? Tay run run dùng giấy quét nhẹ máu trên mũi để cô bé có thể thở dễ dàng hơn (nếu còn thở) tay bắt mạch, mạch vẫn còn hơi thở vẫn còn nhưng hơi yếu. Nhưng liệu mình có hy vọng nhiều quá nên tưởng tượng cô bé vẫn còn mạch? Lại bắt dò thêm lần nữa thì thật đúng mạch vẫn còn đó, cô bé bỗng nhiên hộc lên thở mạnh. Lạy Phật, cô bé vẫn còn sống, tôi yên tâm nhổm dậy hướng qua anh đàn ông. Người bu quanh nhìn thấy biết ý họ liền dạt ra dành chỗ cho tôi nhảy qua vũng máu đến quỳ sát cạnh bên anh ta. Bắt mạch ở cườm tay không thấy, tôi tập trung tinh thần đổi thế bắt mạch ở cổ thì thấy có mạch nhẹ, nhìn ở phần bụng do một mảnh áo văng lên thì thấy bụng thoi thóp. Ấp tay vào bụng thì thấy vẫn còn ấm. Mừng quá, anh ta vẫn còn sống. Cuốn phim những bài học lý thuyết về cấp cứu vẫn chạy tới chạy lui trong đầu: Tắt mạch là phải hô hấp nhân tạo ngay nhưng nay mạch yếu thì phải làm sao? Nếu còn hơi thở thì phải kéo nạn nhân nằm nghiêng về một phía để tránh nạn nhân bị ngạt thở nhưng đây là một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, cần cổ xương sống có thể đã bị tổn thương, kéo không khéo người ta bị chấn thương cột sống, tàn tật ngồi xe lăn suốt đời? Không có huấn luyện viên bên cạnh để xin ý kiến, tôi phải tự quyết định. Đúng hay sai cũng phải quyết định! Tôi để hai nạn nhân nằm yên nhưng tập trung quan sát, liên tục cứ vài ba phút lại bắt mạch, dò hơi thở. Thời gian kéo dài như vô tận nhưng rồi cuối cùng, trong đám âm thanh hỗn độn chung quanh một tiếng hét vang lên và đây cũng là tiếng hét mà tôi đang trông đợi từng phút từng giây „Xe cấp cứu đến rồi“. Tiếng còi hụ vang lên, đèn nhấp nháy tiến đến gần. Để yên tâm bước ra, tránh chỗ cho nhân viên cứu cấp thi hành nhiệm vụ, tôi lại bắt mạch cho cả hai thêm lần cuối. Mạch vẫn còn đó.
Định bước ra ngoài để thở nhưng tôi vẫn còn tò mò xem nhân viên y tế làm gì khi thấy họ kéo hai cái băng ca xuống. Tưởng rằng họ sẽ dò mạch, cho máy thở oxy, cấp cứu để xem có thể di chuyển nạn nhân được hay không thì chỉ thấy họ nhờ người chung quanh kéo hai nạn nhân lên băng ca rồi la lớn „Cho cái đầu vô trước, cho cái đầu vô trước!“ Ngán ngẫm với kỹ năng cấp cứu nhưng thấy người bao quanh chiếc xe, cản đường không đẩy hai nạn nhân lên xe được tôi lại tự nguyện làm „Cảnh Sát Giao Thông“. Cũng may những người dân bao quanh nãy giờ thấy tôi ra dấu họ liền nhanh chóng dạt ra, riêng những người chạy xe gắn máy cố lách xe vào thật gần xe cứu thương để xem liền bị tôi túm áo đuổi „Đi, đi tiếp đi!“. Lần làm „Cảnh Sát Giao Thông“ này tôi không còn cô đơn nữa. Một vài anh thanh niên cũng nhảy ra chận xe gắn máy, dạt xe ô tô ra hai bên đường để có đường cho xe cứu cấp chạy và đặc biệt một tiếng thét của một người phụ nữ thật lớn từ bên lề đường „Có chi mà xem, tránh ra cho người ta làm việc“. Liếc nhìn, một người phụ nữ đẹp tuổi chừng bốn mươi.
Nhác thấy bóng xe Cảnh Sát đến, ngước nhìn vũng máu thêm một lần nữa rồi leo lên xe chạy về Khách Sạn. Vợ tôi ngồi sau vẫn còn sợ, miệng vẫn niệm Phật.
Suốt một đêm không ngủ, mùi máu cộng thêm những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu „không biết cô bé với anh đàn ông sống hay chết?“ „Liệu tôi làm đúng không?“, „Liệu làm vậy có thiếu chi không?“, „Liệu có thể vì tôi làm không đủ nên họ mới chết?“. Chịu không nổi với những dằn vặt, 5g sáng tôi vùng dậy gọi điện thoại cho tên bạn thân BS đang làm trưởng khoa cấp cứu:
-À, tau đây Ch. Mi đang ở Bệnh viện hay ở nhà?
-Tau đang ở nhà, đang ngủ có chuyện chi mà gọi sớm rứa?
-Hồi hôm…. Tau nhờ mi tìm cho tau biết hai đứa nó chết hay là sống.
-Làm sao tìm cho ra? Mỗi đêm trung bình, mi biết tụi tau đón khắp Huế 200 vụ tai nạn giao thông, biết ai mà kiếm.
-Đó là chuyện của mi, mi cho lính của mi tìm một đứa con gái chừng 20 tuổi, người nhỏ nhắn và một tên đàn ông trên 30 người to mập, bị tai nạn xe gắn máy ở trên đường 49, con bé đầu bể phía sau mất nhiều máu còn anh đàn ông thì thở yếu nhưng không thấy thương tích bên ngoài, chở vào bệnh viện chừng lúc 10g đêm. Có chi báo cho tau biết liền nghe.
Chừng 10 phút sau, tiếng điện thoại reo vang, Ch. cho biết
-Tình trạng con bé ổn định, đã đưa sang hồi sức, còn tên đàn ông bị nhẹ thôi, đã tỉnh.
Tôi thở ra nhẹ nhõm:
-Cám ơn mi nhiều! Chiều ni theo chương trình, thầy M. mua bánh bột lọc, khoai sắn, bia bọt tụi mình kéo nhau về Thuận An chơi nghe.
Trên chuyến xe Taxi chiều đi về biển Thuận An cùng bạn bè chạy ngang qua vũng máu đã khô trên đường, tôi liền kể câu chuyện tai nạn hồi hôm. Bạn bè bàn tán xôn xao với nhiều nhận định về lý do người dân không ra tay cứu cấp người gặp nạn (nói chung chứ không chỉ riêng về tai nạn giao thông) nhưng tập trung nhắm vào hai điểm chính:
1. Người dân nay trở nên vô cảm. Họ sống theo chủ thuyết “mackeno”, sống chết mặc bây.
2. Người dân không tiếp tay vì sợ liên lụy, phiền phức với Công An. Cụ thể cho quan điểm này là 2 câu chuyện của hai người bạn.
S. kể cho tôi nghe câu chuyện mà chính hắn ta phải chịu. Số là có một cặp du khách người ngoại quốc bị móc túi mất giấy tờ. S biết chuyện nên đi cùng vào đồn Công An giúp thông dịch. Hắn ta bị giữ đó nguyên ngày, xin về đi đón con đi học về cũng không được với lý do Công an đưa ra “Anh đã thương thì thương cho trót, anh ở lại thông dịch giúp anh em”.
T. một người bạn khác kể là hắn ta đã từng bị giam trong đồn Công An ba ngày vì đưa một người phụ nữ bị xe cán bất tỉnh giữa đường. Mặc dù T. ta đồng ý giao nộp tất cả giấy tờ tùy thân để xin đi về nhà nhưng Công an vẫn một mực bắt giữ để đợi nạn nhân tỉnh lại nhận diện liệu T. ta có phải là người gây ra tai nạn hay không. May mắn là sau 3 ngày người này tỉnh dậy xác nhận không phải hắn ta gây ra tai nạn. Thử hỏi nếu người phụ nữ bị “Cô ma” sáu tháng, một năm thì vợ con hắn lấy gì mà sống?

Thật sự nhóm “bệnh” sợ liên lụy là nhóm bệnh dễ chữa vì đây là những người đã mang sẵn trong người cái tâm tốt, họ sẵn sàng xả thân giúp người nay gặp chuyện hay nghe kể chuyện bị liên lụy, phiền phức họ sinh ra chán nản. Chỉ cần phân tích cho họ thấy rằng, khi cứu cấp người, bị liên lụy phiền phức có thể có mà cũng có thể không xảy ra nhưng người bị nạn cần người cứu giúp là chuyện phải làm không được tránh né. Mạng sống nạn nhân có thể nói lệ thuộc hoàn toàn vào người cứu nạn. Nếu mọi người biết rằng, theo thống kê cho thấy, đối với trường hợp tim ngừng đập, chỉ có 2% sống sót nếu không được cấp cứu nhưng số người sống sót lại lên đến 35% nếu được cấp cứu Hô Hấp Nhân Tạo thì việc sợ liên lụy, bị làm phiền không còn là vấn đề quan trọng nữa.
Nhóm “bệnh” vô cảm mới thực sự đáng lo ngại. Có nhiều nguyên nhân gây nên căn bệnh xã hội vô cảm này. Nhưng nói chung là do giáo dục gia đình và xã hội mà ra. Điểm quan trọng nhất là Tánh Thiện biến mất dần do bị đánh mất niềm tin.
Tuy hoàn toàn đồng ý với hai nhận định chính của các bạn nhưng tôi, do trực tiếp chứng kiến và có tham dự vào nên đưa thêm một nhận định khác. Nói chung, người dân Huế của tôi không vô cảm. Họ đứng đó với khuôn mặt thẫn thờ lo lắng bao quanh nạn nhân không phải chỉ do tò mò mà ra. Chẳng qua lo lắng, muốn làm một cái gì đó để giúp đỡ nạn nhân nhưng không thể vì chẳng bao giờ có ai dạy cho họ phải làm cái gì, muốn giúp nhưng không tự tin, không biết phải làm sao. Lỗi này không phải do họ mà trách nhiệm chính là những người được gọi là lãnh đạo đất nước không có chính sách giáo dục đúng đắn cho người dân. Thay vì dành thì giờ hàng ngày nói về những chuyện rẻ tiền hầu câu khách như “Sao lộ hàng”, “Sao bán dâm”, “Sao ở nhà trăm tỷ” v.v… báo chí và các cơ quan truyền thông phải là nơi thường xuyên giáo dục người dân biết thế nào là lợi ích và quan trọng của việc cấp cứu. Phải cho người dân biết rằng, cấp cứu nạn nhân không phải là nhiệm vụ riêng biệt của bác sĩ và cũng không phải là chỉ có bác sĩ mới làm được việc đó. Mọi người, từ trẻ em đến người gìa lão đều có thể tiếp tay vào việc cấp cứu nạn nhân. Hành động này thể hiện qua việc khi gặp tai nạn, gọi điện thoại đến số cấp cứu, dừng chân giữ an toàn hiện trường, an ủi hỏi han nạn nhân, giữ thân thể cho nạn nhân tránh lạnh hoặc nóng và chỉ cần biết được một vài thao tác Hô Hấp Nhân Tạo đơn giản người ta cũng đã có thể cứu được một mạng người. Người dân tại các nước Tây phương sẵn sàng ra tay cứu giúp người bị nạn không phải họ có tánh Thiện nhiều hơn người dân Huế nhưng chẳng qua họ được giáo dục đầy đủ và có một khung pháp lý hợp lý hơn. Tính chung, trên toàn Âu châu có chừng 20% người dân được đi học những khóa huấn luyện cấp cứu phần lớn do các tổ chức tư nhân phi vụ lợi phụ trách nhưng cũng chỉ có 10% tự tin để thực hiện. Nhờ đó hàng năm có đến 100 000 người được cứu sống trong số 500 000 nạn nhân đã bị tim ngừng đập.
Tôi nhìn thấy tánh Thiện của người dân Huế qua hành động gọi điện gọi xe cấp cứu, qua việc giữ an toàn nơi xảy ra tai nạn, giúp nhân viên y tế, tánh Thiện hiện ra khi sẵn sàng dạt rộng ra khi thấy có người có thể có khả năng đến cứu cấp nạn nhân và nhất là tánh Thiện hiện ra trên những khuôn mặt đầy lo âu, cùng chia sẻ nỗi đau với người bị nạn. Tánh Thiện này phải được phát triển thêm bằng cách hãy cho người dân tôi cơ hội được biết, được thấy, được học những thao tác thật sự rất đơn giản để cấp cứu nạn nhân. Và đây cũng chính là nhiệm vụ của nhà nước và các hội nhóm thiện nguyện độc lập. Tại các nước kỹ nghệ tân tiến, tính trung bình người ta cần 15 phút để chờ xe cấp cứu đến sau khi gọi điện thoại thì tại nước ta hiện nay nạn nhân phải chờ bao lâu? Trong những giây phút sinh tử đó, có gì quan trọng hơn bằng những thao tác Hô Hấp Nhân Tạo đơn giản?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"