Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Ba Lép, người bán vé số biết vượt lên số phận.

Theo blog Non Sông Gấm Vóc

Vừa rồi, nhân chuyến đi về Châu Đốc xe tôi có dừng nghỉ ít phút tại bến phà du lịch An Bình (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Bỗng trên xe có nhiều tiếng xôn xao, có người kín đáo chỉ trỏ. Trên xe nhìn ra tôi thấy một người đàn ông bán vé số có khuôn mặt dị dạng khiến người lớn ngại nhìn, trẻ em có thể khóc thét kinh hãi. 

Một lác sau, khi bước xuống xe định tìm anh để mua giùm anh mấy tờ vé số (dù tôi chẳng mấy khi mua nó) thì gặp ngay anh. Thấy tôi có vẻ tìm kiếm, anh tưởng tôi đi vệ sinh nên vui vẻ chỉ về phía nhà vệ sinh nằm khuất gần ngay đó. Tôi hỏi anh mua mấy tờ vé số, anh khua tay tỏ ý hết rồi. Một người dân địa phương đứng gần đó cho biết anh nặng tai, nói khó khăn nhưng hiểu được ý người khác nói (chắc qua khuôn hình của miệng). Khoảng 20 phút đứng tại bến xe, tôi thấy anh được nhiều người hỏi thăm, cho tiền… Tôi cũng xin được chụp ảnh anh để giới thiệu lên mạng và giúp anh một ít tiền còm của mình.

Ba Lép, người đàn ông bán vé số . ảnh Việt Minh

Hôm nay về nhà, lên mạng tìm hiểu về anh. Tôi được biết thêm về anh, rằng phía sau gương mặt bị trẻ em gọi là "mặt quỷ" lại là người đàn ông lạc quan, yêu đời và cố gắng vươn lên bằng chính sức lực của mình. Anh được người ta gọi tên Ba Lép. Tuy số phận kém may mắn khi phải mang gương mặt dị dạng, nhưng với bản tính hiền lành, ngay thẳng, chàng trai tên Ba Lép luôn lạc quan, biết cách vượt lên số phận.

Qua thông tin trên mạng internet tôi xin giới thiệu anh Ba Lép đến các bạn đọc.
Giữa dòng đời xuôi ngược bộn bề, vẫn còn những người có số phận thật đáng thương. Nếu ghé Vĩnh Long, có dịp qua bến tàu du lịch An Bình, nhớ mua giùm một tờ vé số cho Ba Lép bạn nhé.
                                            *    *
                                               *
Ba Lép tên thật là Lê Hữu Hiền (sinh năm 1976, ngụ 76/76 Lê Thị Hồng Gấm, phường 2, thành phố Vĩnh Long). Mới chào đời, Ba Lép không được khỏe mạnh như nhiều đứa trẻ khác; cơ thể bị dị dạng bất thường. Lên năm tuổi, anh hay té ngã, tai chảy mủ, viêm xoang... bệnh tật liên miên, mẹ anh dứt áo ra đi bỏ lại hai cha con bên mái nhà xơ xác. Để có tiền nuôi con, ông Lê Văn Vui (sinh năm 1944, cha anh Ba Lép) phải đạp xích lô kiếm từng đồng bạc lẻ. Hai cha con nương tựa nhau sống lay lắt qua ngày.

Lên sáu tuổi, Ba Lép tập tành đi học để biết con chữ. Do gương mặt bắt đầu biến dạng nên đi đến đâu anh cũng bị bạn bè chọc ghẹo rồi lánh xa. Tủi cho số phận, anh đành bỏ học dở dang, quanh quẩn ở nhà sống với cha. Bệnh tình ngày càng nặng khiến khuôn mặt anh bị biến dạng hoàn toàn. “Lần đầu gặp tôi, nhiều người lớn ngại ngùng xa lánh còn trẻ con thì khóc ré lên vì sợ sệt” - Ba Lép tâm sự.
 Kém may mắn vì hình hài như vậy nhưng Ba Lép rất hiền, không chọc phá làng xóm, thích trang trí nhà cửa và tự làm đồ chơi cho trẻ con. Ông Lê Văn Vui ngậm ngùi: “Hồi trước tôi tham gia kháng chiến, đi nhiều nơi bị địch rải bom rất ác liệt. Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi lập gia đình sinh ra thằng Ba Lép với hình dạng biến dị”.

Sau nhiều năm nằm nhà “đếm” thời gian, Ba Lép quyết định đi tìm việc. Với thân hình dị dạng, nay ốm mai đau, không ai dám nhận anh vào làm, anh tìm đến những đại lý vé số lấy về bán thử. Để thu hút sự chú ý của “thượng đế”, Ba Lép quyết định “lên đời” chiếc xe đạp thành biển quảng cáo ngộ nghĩnh. Trước xe, anh treo nhiều loại cờ cùng những quả bóng bay đầy màu sắc. Phía sau, anh chở chú gấu bông - là “người bạn” tri kỷ của anh - có dòng chữ: “Ba Lép bán vé số tỉnh Vĩnh Long năm 2012” và quấn băng rôn ngang đầu chú gấu với khẩu hiệu: “Việt Nam chiến thắng”. Với vẻ bề ngoài đặc biệt này, anh đã trở thành trung tâm của sự chú ý trước khách sạn Cửu Long (đường 1/5, phường 1, tỉnh Vĩnh Long) - nơi anh ngồi bán vé số. Người quen thấy thương mua giúp, còn người lạ thấy ngộ nghĩnh mua ủng hộ.

Ông Phan Văn Hiển (làm nghề xe ôm) cho biết: “Những người sống khu vực này ai cũng biết hoàn cảnh của Ba Lép nên rất thương nó. Ai muốn mua bao nhiêu vé số thì lấy rồi đưa tiền chứ nó bị điếc, không nghe được. Muốn nói chuyện phải viết giấy đưa để cho nó đọc. Khi nó đi mua đồ, người ta thương nên bán cái gì cũng cho thêm. Người nào bán không lấy tiền, nó để tiền đó rồi đi. Lần sau nó sẽ nhờ tui đi mua để không phải thiếu nợ. Tuy gương mặt nó không được như người ta nhưng con người nó rất ngay thẳng, tốt bụng”.

Từ ngày đi bán vé số, Ba Lép trở nên vui vẻ, yêu đời hơn. Tiền kiếm được, anh gom góp mua dụng cụ trang trí nhà cửa thành “vườn cổ tích” với rất nhiều lồng đèn, hình ảnh, đồ chơi theo sở thích riêng mình. Trò chuyện với chúng tôi, Ba Lép ngọng nghịu tâm sự: “Tôi muốn bán vé số được nhiều tiền để gửi ngân hàng, khi nào ốm đau còn có cái rút ra mua thuốc men chữa bệnh và chăm sóc ba tôi. Nếu không may tôi qua đời còn có cái để lo hậu sự, ba tôi già cả lại hay đau ốm không biết lấy gì để lo”. Ông Vui sụt sùi: “Lúc trước Hội chữ thập đỏ phường có cho nó quà dành cho những nạn nhân nhiễm chất độc da cam, nhưng bây giờ thì không cho nữa. Những lúc trái gió trở trời, nó lên cơn đau quằn quại, nhưng gia đình tôi nghèo túng nên cũng đành thắt khúc ruột nhìn con vật vã. Có chế độ nào đó ưu tiên dành cho người khuyết tật thì mong cơ quan chức năng quan tâm giúp đỡ con tôi. Bây giờ tôi già cả lại thường xuyên đau ốm không còn sức lao động để nuôi con, nếu tôi không còn nữa thì không biết tương lai của cháu sẽ ra sao”.

Theo Hải Văn - Trung Oanh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"