Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Đảng ơi, chống tham nhũng không khó đâu!

Ngô Minh
Theo blog Ngô Minh

Bây giờ thì lãnh đạo các cấp từ chủ tịch xã, phường đến Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng bí thư Đảng đều nói về “kiên quyết”, “quyết tâm”, “ra sức”… chống tham nhũng. Đó là “mốt” mà. Không ăn theo nói leo thế hóa ra mình là thằng tham nhũng à! Cũng như một thời ta nói “đổi mới tư duy”. Rồi “hội thảo khoa học về chống tham nhũng”, “giải báo chí, văn chương về chống tham nhũng”, thậm chí có bài văn mẫu cô giáo ra cho học trò cấp 2, cấp 3 nói về chống tham nhũng… Tất cả như màn diễn xôm trò. Những tưởng hô hào lớn thế thì tham những sẽ co vòi lại, nhưng không nó càng vươn vòi bạch tuộc ra khắp các xó xỉnh của nền kinh tế xã hội. Cả bộ máy sống bằng tham nhũng. Tham những chỉ huy toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Đến nỗi tại Hội nghị 6, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị kỷ luật một đồng chí trong bộ chính trị mà không được, vì cả BCH TW đứng về đồng chí X. TBT đưa ông Nguyễn Bá Thanh từ Đà Nẵng ra Hà Nội làm Trưởng Ban nội chính để chống tham nhũng, nhưng khi Hội nghị BCH TW 7 bầu vô Bộ Chính trị thì ông Thanh rớt. Phải chăng chống tham nhũng tức là chống chính mình, chống đồng chí mình nên ai cũng e ngại, không ủng hộ TBT?

Chưa bao giờ quan chức giàu có như bây giờ. Nhà cửa, ”ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Họ đã thành một giai cấp giàu có, khác với công nhân, nông dân, trí thức nghèo quanh năm “kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi”. Người dân vô cùng căm ghét bọn nhờ có chức quyền tham nhũng mà giàu có. Ngành giáo dục thì tham nhũng trong tuyển sinh, bán luận văn tiến sĩ, thạc sĩ, dạy thêm, ăn tiền phụ huynh chạy trường cho con em, tiền chạy lên Trường Đại học, chạy chỉ tiêu tuyển sinh… Ngành tổ chức cán bộ thì ăn tiền lót tay chạy công chức, biên chế, chạy thuyên chuyển vùng, chạy lên chức, chạy lên thành phố loại I, loại II… Ngành y tế thì ăn phong bì, mặc cả từng ca mổ, ăn giá thuốc, ăn cả rác bệnh viện. Ngành nông nghiệp thì ăn dự án, ăn vào từng cân thóc mồ hôi nước ăn của nông dân bằng giá gạo tạm trữ, giá gạo xuất khẩu. Ngành lâm nghiệp thì ăn gỗ, ăn đất rừng… Ngành quản lý thì ăn đất, ăn sông, ăn biển, ăn tài nguyên, khoáng sản. Đặc biệt là “ăn thủy điện”. Mỗi tỉnh có vài chục dự án thủy điện, vì đây là lĩnh vực dễ “ăn” nhất. Ngành thuế thì làm tiền doanh nghiệp. Ngành ngân hàng thì ăn chênh lệch tỷ giá vay và cho vay trên trời, liên kết với doanh nghiệp để ăn phần trăm vốn đầu tư dự án, gây nên hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu. Ngành công an thì ăn mồ hôi lái xe, ăn các vụ án hình sự, ăn xương các phạm nhân chạy giảm án tù… Ngành giao thông vận tải thì ăn đường, ăn cầu, làm cho đường chưa đi đã hư v.v và v.v...
Ngày xưa, thời bao cấp, có ông thầy đồ xứ Nghệ căm ghét bọn “quan ăn”, liền lặng lẽ cắt các hình ảnh “ăn” ở trong các họa báo dán khắp trong nhà, ngoài sân. Ăn một người, ăn hai người, ăn tập thể, ăn nhồm nhoàm, ăn rón rén, ăn ngấu nghiếm, ăn sồn sột, ăn trong bóng tối, ăn giữa ban ngày, vừa ăn vừa cười, vừa ăn vừa hôn hít… Hàng ngàn kiểu ăn. Nhưng bây giờ mà ông thầy đồ xứ Nghệ mà sống lại thì cũng không đủ họa báo để cắt dán, tố cáo cái sự ăn đã thành quốc sách đối với một hệ thống và thành quốc nạn đối với đất nước. Có tham nhũng mới có tiền để xây nhà cao cửa rộng ba bốn cái từ Hà Nội đến Đà Lạt, Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh, rồi sắm xe con xịn cho mình cho con cái, gửi con đi học Ha-vớt, Sóc-bon. Bỏ tiền ra đút lót để được cái chức thì cũng phải tìm mọi cách để “lấy lại vốn” và có lời chứ. Đó là mục đích sống của hầu hết quan chức nước ta hiện nay, chứ chẳng “cách mạng” hay “vì dân vì nước” gì hết trọi.
Nhà nước, đảng có Ban kiểm tra Đảng, Thanh tra, kiểm toán, nhưng chỉ thanh tra trên sổ sách đã được sắp xếp, cả năm trời chỉ phát hiện được mấy vụ tham nhũng bé tí tẹo, xử lý hành chính bằng kỷ kuật phê bình, cảnh cáo. Cứ như vuốt đuôi hổ. Vì Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về địa phương được bao ăn bao ở, bao quà cáp hậu hĩ thì làm sao thanh tra ra được gì. Cái bộ KH-ĐT, tức là bộ dự án, bộ xương sống nền kinh tế, bộ có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất, mà từ năm 2009 đến 4-2013 chỉ phát hiện ra 37 tỷ đồng vi phạm về kinh tế, xử lý hành chính 25 trường hợp với số tiền phạt 125 triệu đồng, không ai bị xử lý hình sự, là chuyện khôi hài. Quy mô tham nhũng ngày càng lớn. Bọn tham nhũng có xu hướng liên kết với nhau tạo thành những “nhóm lợi ích”, chúng điều khiển cả chính sách quốc gia theo hướng có lợi cho chúng. Nên các ngành chức năng phải kêu lên: ”Khó phát hiện vì người tham nhũng có chức vụ”.
Tham những đã thành quốc nạn. Nghĩa là bọn tham nhũng là giặc. Chống giặc là một cuộc chiến sinh tử, một mất một còn, như chống Pháp, chống Mỹ. Đã đánh giặc thì không có phê bình, cảnh cáo, mà chỉ có sống chết một lần thôi. Chống giặc thì phải điều nghiên, dàn trận, phải tuyển mộ chiến sĩ tinh nhuệ, phải dùng phương thức chiến tranh nhân dân để lôi từng đứa ra vành móng ngựa, chứ không phải cứ đi hội thảo, tuyên truyền bảo chúng “hãy bớt tham nhũng đi”, “hãy không tham những nữa”… thì là chuyện không tưởng. Vậy thì chống tham những có khó không? Theo thiển ý của chúng tôi thì chống tham những không khó, với hai điều kiện sau đây:
- Phải coi bọn tham nhũng, bất kể đảng viên ở chức vụ lớn đến mức nào, đều là kẻ thù của nhân dân, đất nước. Chúng đang làm mục ruỗng xương cốt đất nước. Muốn thế phải bỏ quan niệm ”Đảng là không xấu”. TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định: ”một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái”. Có nhất quán như vậy mới thẳng tay trừng trị bọn tham nhũng. Phát hiện ra là bắt ngay, chứ không phải xin ý kiến của cấp ủy, cấp iếc gì hết. Để chống tham nhũng thành công, Bộ Chính trị phải ra một nghị quyết công khai “tuyên chiến với bọn tham nhũng”, kêu gọi toàn dân, toàn quân và giới báo chí đồng lòng cùng Đảng chống tham nhũng. Tuyên bố coi bọn tham nhũng là kẻ thù, phải trừ diệt trừ tận gốc, dù người đó là ai. Có tuyên bố như vậy thì nhân dân mới đồng thuận chống tham nhũng
- Phải có một đội quân chuyên nghiệp chống tham nhũng dưới sự chỉ huy của một “Bao Thanh Thiên” đích thực. Bao Thanh Thiên đó có toàn quyền tổ chức điều tra, xét hỏi bọn tội phạm tham nhũng và ra lệnh bắt giam ngay lập tức, mà không thông qua cấp ủy hay cấp trên nào. Nghĩa là tổ chức chống tham nhũng không thể thành lập theo kiểu hành chính ba cấp hiện nay như Ủy Ban chống tham nhũng Trung ương, tỉnh, huyện hay Ban nội chính Trung ương, tỉnh, huyện. Đó thực chất là những “ban bảo vệ tham nhũng”, chứ không phải chống. Cơ chế tổ chức bộ máy Đảng-Chính quyền của ta hiện nay đang là môi trường cho tham nhũng phát triển. Không tam quyền phân lập tham nhũng càng có cơ lộng hành vì đa số lãnh đạo “vừa cầm quyền vừa cầm tiền”, lúc ấy chỉ có ngu mới không tham nhũng. Vì các Ban này phải chịu sự quản lý toản diện của tỉnh ủy và UBND tỉnh hay Trung ương. Khi chính các vị chức quyền đầu ngành ấy là tham nhũng thì làm sao? Tất nhiên Bao Thanh Thiên phải đủ tư chất để chịu trách nhiệm trước nhân dân và đất nước về việc “đánh giặc“ của mình. Vị tướng đánh giặc tham nhũng ấy, và đội quân của ông được Nhà nước cho phép và tạo mọi điều kiện để hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào bộ, ngành hay chính quyền các cấp nào cả. Đó là hai điều kiện tiên quyết để chống tham nhũng thành công.
Sau khi đã có hai điều kiện ấy, đội quân chống tham nhũng sẽ tổ chức hòm thư mật (điện thoại nóng, email, thùng thư bí mật) để nhân dân tố cáo bọn tham nhũng. Phải về tận nơi bọn tham nhũng sinh hoạt với gia đình ở phường, xã để trinh sát. Nội dung tố cáo là mức độ giàu có (nhà lầu, xe hơi, đất đai đứng tên con vợ, tiền trong tài khoản ngân hàng trong và ngoài nước, thú ăn chơi, con đi học nước ngoài, quan hệ với những kẻ xấu trong xã hội, những công ty, tập đoàn kinh doanh do chúng thành lập đứng tên con vợ, cuộc sống hoàn cảnh của ông cha trong quá khứ…) và sự liên kết “làm ăn” của chúng với nhau. Dù tố cáo có danh hay nặc danh đều được ghi chép cẩn thận để tiến hành điều tra. Cùng với tố cáo của người dân, phải ủng hộ các báo, các phóng viên viết bài in bài, tin chống tham nhũng trên các báo để tạo nên áp lực dư luận. Tất cả bọn tham nhũng lớn được phát hiện từ trước đến nay đều do nhân dân và báo chỉ. Đây chính là đội quân chống tham nhũng, chứ không phải các Ban kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Tất cả các tín hiệu về bọn tham nhũng đều được lưu trữ và xử lý cẩn thận, không để lộ cho bất cứ ai biết.
Sau khi có đơn thư tố cáo, tin tức báo chí, Đội quân chống tham nhũng tổ chức phân công bí mật điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ cụ thể. Những người điều tra này giống như tình báo, có thẻ tùy thân, có thể đóng vai một người làm nghề tự do gì đó đến địa bàn, hoạt động dựa vào dân, bí mật danh tính, chức quyền, có đủ phương tiện như ghi âm, ghi hình tinh vi nhất để thực hiện nhiệm vụ. Nhân dân yêu nước sẽ cung cấp đầy đủ chứng cứ về những tên tham nhũng với Bao Thanh Thiên. Khi thu thập đủ chứng cơ thì về báo cáo với Bao Thanh Thiên. Bao Thanh Thiên sẽ ra lệnh bắt giam và xét hỏi. Sau đó xử án nghiêm minh.
Ngoài tội danh do Bao Thanh Thiên tuyên án (tử hình, tù bao nhiêu năm, tịch thu tài sản…), để răn dạy bọn tham những đang còn chưa bị lộ, phải tiến hành một nghi thức là dùng xe mui trần đưa những tên tham nhũng ra phố, ra đường cái quan, gắn biển trước ngực để nhân dân nhìn rõ mặt chúng xấu xa như thế nào.
Đảng ơi, chống tham nhũng không khó đâu, nếu làm đúng quy trình như kẻ tiểu tốt này đã đề nghị. Nếu Đảng thành lập một đội quân trừ diệt tham nhũng như thế, “tôi xin đi trong hàng ngũ tiên phong”(Phùng Quán)


Dân Luận: Giải pháp của bác Ngô Minh đưa ra nghe không ổn. Thành công của nó dựa vào 2 điều kiện khó đạt được: Thứ nhất là sự tồn tại của một Bao Thanh Thiên có đủ tư chất (trong sạch, thanh liêm, pháp bất vị thân v.v...) để lãnh đạo đội quân chống tham nhũng. Bao Thanh Thiên là một nhân vật hư cấu trên màn ảnh, ngoài đời thực biết kiếm đâu một con người như vậy? Lấy gì để đảm bảo một người thanh liêm, trong sạch, đạo đức khi có quyền lực trong tay không bị thoái hoá, biến chất trở thành kẻ bảo kê cho tham nhũng?
Thứ hai, điều kiện này còn khó thành sự thực hơn cả điều kiện thứ nhất, đó là Đảng và Nhà nước này chấp nhận một tổ chức chống tham nhũng độc lập, có quyền lực, do Bao Thanh Thiên cầm đầu để kiểm soát mình. Bài học không ai dám kỷ luật đồng chí X và đánh rớt Nguyễn Bá Thanh, người hùng hồn tuyên bố ra Trung ương sẽ "hốt hết", khỏi Bộ Chính Trị là minh chứng hùng hồn cho việc tập thể lãnh đạo Đảng và Nhà nước này thực tâm chống tham nhũng như thế nào.
Chống tham nhũng không khó, các nước tiên tiến họ đã và đang làm rồi, chỉ cần học theo họ. Đó là dân chủ hoá, kiểm soát quyền lực bằng đa đảng, tam quyền phân lập, một nhà nước công khai và minh bạch, một xã hội đảm bảo quyền con người trong đó có tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do lập hội v.v... Chỉ khi quyền của người dân được đảm bảo, còn quyền lực của nhà nước bị hạn chế và kiểm soát chặt chẽ thì mới mong giảm thiểu được tham nhũng. Muốn đạt được điều này thì các trí thức như bác Ngô Minh cần phải thay đổi tư duy, thoát khỏi những hình ảnh Bao Thanh Thiên mị dân của văn hoá Khổng Giáo, để quay sang học hỏi và thực hành khoa học chính trị - khoa học xã hội của phương Tây.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"