Nguyễn Trung
Luồng không khí nhẹ nhõm chút ít do Hội nghị Trung ương 4 đem lại tan biến rất nhanh khi nổ ra tiếng “súng hoa cải” của Đoàn Văn Vươn chống lại các hành vi cưỡng đoạt của nhà cầm quyền nhân danh thực hiện “sự cưỡng chế theo Luật” để thu hồi đất đai.
Luồng không khí nhẹ nhõm chút ít do Hội nghị Trung ương 4 đem lại tan biến rất nhanh khi nổ ra tiếng “súng hoa cải” của Đoàn Văn Vươn chống lại các hành vi cưỡng đoạt của nhà cầm quyền nhân danh thực hiện “sự cưỡng chế theo Luật” để thu hồi đất đai.
Khắp nơi trong cả nước đã có nhiều ý kiến phân tích xác đáng sự kiện này.
Có
thể coi sự phản kháng của Đoàn Văn Vươn báo động nấc cao nhất người dân
có thể làm gì và sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Đồng
thời, sự “cưỡng chế theo luật” ở Cống Rộc – Tiên Lãng – như một
mẫu phẩm sinh thiết cắt ra từ cơ thể chính trị của đất nước, tự nó bóc
trần những bất cập, yếu kém và thoái hóa trầm trọng của một cấp chính
quyền địa phương (huyện – tỉnh, thành phố) với tính cách là một bộ phận
cấu thành của hệ thống chính trị nước ta.
Cuộc
sống cho thấy một chế độ chính trị dù là ở quốc gia nào, một khi để cho
nội tình đất nước diễn biến tới mức chỉ còn nói chuyện được với nhau
bằng vũ lực, dù là từ phía người dân hay từ phía chính quyền, chế độ ấy
đang hướng tới giờ cáo chung.
Để bào chữa và bảo vệ cho các việc làm sai trái của nhà chức trách dưới cái tên “cưỡng chế theo luật” như đã xảy ra ở Cống Rộc – Tiên Lãng, có thể tùy tiện khai thác đến vô tận rất nhiều “lỗi”
nằm ngay trong những bất cập và kẽ hở của hệ thống luật pháp nước ta,
nhất là các phần trong Hiến pháp và trong các Luật có liên quan đến vấn
đề đất đai, các văn bản dưới Luật… Nhưng xin đừng quên, các “lỗi”
như thế là tác phẩm của toàn bộ hệ thống chính trị, nghĩa là người dân
chỉ là nạn nhân. Vì vậy, khái niệm “hợp pháp”, hay “phạm pháp” còn phải
được xem xét trong bối cảnh người dân bị dồn ép đến mức có lúc họ phải
lựa chọn phạm pháp làm giải pháp.
Có
thể câu chuyện không liên quan với nhau lắm và mỗi sự việc đều có bối
cảnh riêng, song cứ xem xét thuần túy mệnh đề “hợp pháp” và mệnh đề
“phạm pháp”, chắc chúng ta có thể hiểu được tiếng bom Sa Điện của liệt
sỹ anh hùng Phạm Hồng Thái định ám sát toàn quyền Martial Merlin là
hành động chính nghĩa; và đồng thời chúng ta cũng có thể hiểu được vì
sao chế độ thực dân Pháp coi hành động của Phạm Hồng Thái là “phạm
pháp”; việc chính phủ đô hộ này coi việc kết án ông là “hợp pháp”.
Vì
những lý do sinh tử, đất nước ta đang cần có hòa bình, ổn định, song
hiển nhiên không phải bằng phương thức dùng lực lượng vũ trang “cưỡng chế theo luật”
như đã xảy ra ở Cống Rộc – Tiên Lãng, mà bằng cách gìn giữ lòng tin của
người dân đối với chế độ, bằng cách làm cho chế độ trở thành chỗ dựa
của từng người dân trong mưu sinh và trong mưu cầu hạnh phúc của họ.
Trong
tình hình hệ thống luật pháp còn nhiều “lỗi” của một nhà nước nhận về
mình sứ mạng là nhà nước của dân – do dân – vì dân, lẽ ra các công bộc
của một nhà nước như thế bắt buộc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bổ
khuyết tối đa có thể những gì mà hệ thống pháp luật hiện hành chưa làm
được, để giảm thiểu những bất cập, vả để phục vụ lợi ích của dân. Đặt
vấn đề như thế, lại xuất hiện thêm câu hỏi: Vụ Cống Rộc – Tiên Lãng phải
được xử như thế nào là hợp pháp, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, giữ
được lòng dân, được chế độ chính trị?
Không
thể trốn tránh được sự thật là sự kiện Đoàn Văn Vươn đặt ra một tình
huống khó xử cho quốc gia, cho chế độ chính trị: Không xử nghiêm thì
loạn, nhưng nghiêm thì phải theo chuẩn mực pháp lý nào, đạo đức nào và
đối với đối tượng nào trong thực tế hệ thống chính trị và hệ thống pháp
luật của nước ta có quá nhiều “lỗi” như hiện nay?
Như
vậy, rõ ràng không thể nói đơn giản “cứ xử lý nghiêm theo pháp luật!”
là mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Cuộc sống nhiều quốc gia khác cũng không
thiếu những tình huống khó xử như thế; và không hiếm khi xảy ra tình
trạng cuộc sống đứng ra tự xử theo luật đời, nghĩa là “cùng tắc biến!”.
Cái
“cùng tắc biến” như thế sẽ làm thay những gì mà luật pháp hiện hành ở
đó không làm được; lợi cho bên này hay cho bên kia, đúng hoặc sai, cái
giá phải trả và ai trả? cái kết cục cuối cùng sẽ ra sao? vân vân.., tất
cả tùy thuộc vào tương quan lực lượng của các bên tham gia nằm trong cái
“cùng tắc biến” như thế và sự diễn biến tiếp theo. Chung cuộc của cái
cùng tắc biến như thế, đất nước thường mất nhiều hơn được.
Rồi
đây sự kiện Đoàn Văn Vươn sẽ phải đưa ra xử, và xử những ai, chỉ xử một
bên, hay xử cả hai bên bao gồm phía Đoàn Văn Vươn và phía những người
thực thi “cưỡng chế theo luật”,xử như thế nào… tất cả đều còn đề để ngỏ. Án lệ đồng Nọc Nạn (Bạc Liêu) năm 1928 cho một ví dụ tốt để tham khảo và đối chiếu.
Trong trường hợp đạt được kết quả xử án đúng, nghiêm minh với pháp luật, thấu tình đạt lý, thu phục được nhân tâm, còn
phải thực thi nghiêm túc kết quả xử án mới có khả năng cải thiện được
tình hình, lập lại trật tự và lấy lại lòng tin của dân. Kể cả một
khi làm được như vậy, trước sau vụ án Cống Rộc – Tiên Lãng vẫn còn
nguyên vẹn đối với những người lãnh đạo các cấp và toàn bộ hệ thống
chính trị của đất nước, với nghĩa là từ sự kiện này phải rút ra được
những kết luận gì, phải thực hiện những thay đổi nào khả dĩ phòng ngừa
được các “sự kiện Đoàn Văn Vươn” mới trong tương lai. Chắc chắn sẽ có
nhiều rác rưởi của vụ này phải hót tiếp. Những rác rưởi và những khuyết
tật trong toàn bộ hệ thống chính trị cũng như trong hệ thống luật pháp
có thể phát hiện ra được qua vụ án này sẽ đặt ra nhiều việc phải làm.
Cao xa hơn nữa, giải quyết đúng đắn sự kiện Đoàn Văn Vươn, sẽ tạo ra cho
lãnh đạo Đảng và Nhà nước cơ hội thúc đảy thực hiện Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XI; cơ hội này cần được tận dụng cho khởi xướng cải cách hệ
thống chính trị của đất nước.
Trong
trường hợp sự kiện Đoàn Văn Vươn không được xử lý trọn vẹn như trình
bày trên, sớm muộn sẽ dẫn tới những bùng nổ nguy hiểm mới, lúc nào đó
luật đời sẽ đứng ra tự xử theo cái lẽ “cùng tắc biến”.
Rồi
đây, theo Luật Đất đai, trong cả nước quyền sử dụng ruộng đất được giao
sẽ hết hạn năm 2013. Sự nghiệp phát triển đất nước sẽ còn đòi hỏi rất
nhiều đất đai cho xây dựng kết cấu hạ tầng, xúc tiến đô thị hóa, công
nghiệp hóa… Vân vân và vân vân… Đường lối chính sách và hệ thống chính
trị phải như thế nào để tránh cho đất nước kết cục là tình trạng luật đời sẽ đứng ra tự xử mọi việc.
Một khía cạnh khác:
Cuộc cưỡng chế dân bằng lực lượng vũ trang ở Cống Rộc – Tiên Lãng được một trong những nhân vật điều hành chủ chốt coi là hiệp đồng cực kỳ hay, một trận đánh đẹp, có thể viết thành sách… Một
mình câu nói này tự nó đã cho thấy: Chủ trương trấn áp này đến từ đâu,
cấp nào, quy mô hình thành ra sao, mức độ nghiêm trọng của sự việc trấn
áp… Câu nói này toát lên hơi hướng hay linh hồn của toàn bộ công vụ cưỡng chế theo luật ở
Cống Rộc – Tiên Lãng. Riêng một câu nói này, cùng với sự chấp nhận,
hưởng ứng, tán thành hay biện minh, bao che… của các cộng sự, còn cho
thấy mức độ sa đọa nghiêm trọng về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo
đức và văn hóa của những cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã chỉ đạo
hay đã nhân danh pháp luật trực tiếp thực thi công vụ này. Sự phấn khích
bột phát ra từ câu nói này thật ghê sợ và đáng ngẫm nghĩ.
Không
thể không đặt ra câu hỏi: Phẩm chất đảng viên ĐCSVN như thế nào, đạo
đức cán bộ là công bộc của dân ra sao nằm trong phát ngôn như vậy?
Cứ
coi câu nói ghê sợ đó của đại tá giám đốc công an thành phố Đỗ Hữu Ca
là hiện tượng cá biệt, song nó không phải là sản phẩm của công tác giáo
dục chính trị tư tưởng của Đảng cho đảng viên, nhìn xa hơn nữa là của
nền giáo dục nước nhà, của sự biến đổi khủng khiếp những giá trị về sơn
hà xã tắc đang diễn ra trong nước ta, là sản phẩm trực tiếp của hệ thống
chính trị nước ta hiện nay hay sao? Nếu nhìn từ các hiện tượng xấu
nghiêm trọng khác đã xảy ra trong cả nước trong những năm gần đây, có
thể nói thực trạng tha hóa này lũng đoạn nghiêm trọng đời sống mọi mặt
đất nước ta từ lâu rồi, nhưng nó đang bị che lấp. Câu nói ghê sợ của Đỗ
Hữu Ca tự xé toạc ra sự thật và thách thức lương tri chúng ta.
Nghĩ
như vậy không phải là cố ý bôi đen chế độ hay nghiêm trọng hóa sự việc.
Đơn giản là, cũng như nhiều địa phương khác, Hải Phòng có không ít các
“vụ cưỡng chế theo luật” trong vấn đề đất đai. Xin đừng quên khổ chủ
Đoàn Văn Vươn – bây giờ trở thành bên bị – đã khiếu kiện từ năm 2008,
nhưng nước đổ lá khoai, hoặc chính quyền bất lực không giải quyết được.
Xin đừng quên, Hải Phòng năm 2006 đã có những vụ tham nhũng đất đai động
trời mà tòa án sơ thẩm chỉ xử mức án không có trong Luật Hình sự là
“cảnh cáo”. Ngày nay cái tên gọi “vụ xử án sơ thẩm tham nhũng đất đai ở
Đồ Sơn” trở thành bia miệng người đời. Xin đừng quên, cũng như nhiều nơi
khác, Hải Phòng không thiếu các “con sâu” chỉ bị phê bình, cảnh cáo,
miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì “đã có nhiều cống hiến..”; có dịp, những “con sâu” này vẫn có thể được thuyên chuyển công tác, lên chức, vân vân…
Có
lẽ những sự việc cụ thể như vậy đã xảy ra ở Hải Phòng và trong cả nước
trực tiếp giải thích tại sao mọi nỗ lực chấn chỉnh và đổi mới xây dựng
Đảng 26 năm qua không chặn đứng được xu thế tha hóa trong Đảng. Sự việc
Cống Rộc – Tiên Lãng róng thêm một hồi trống mới: Cải cách hệ thống
chính trị và đổi mới xây dựng Đảng ngày càng trở thành vấn đề sống còn
đối với Đảng.
Cho
dù vụ nổ súng hoa cải và mìn bình ga của Đoàn Văn Vươn rồi đây sẽ được
xử đúng xử sai như thế nào, nạn nhân-tội phạm Đoàn Văn Vươn đã tự khắc
tên mình vào một cột mốc trên chặng đường đau khổ đất nước đang đi hôm
nay, nhắc nhủ lương tri cả nước không được ngủ.