Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Vì sao Mông Cổ bỏ tượng Lenin


BBC 

Tin về chuyện thủ đô Ulan-Bator của Mông Cổ gỡ bỏ tượng đồng cuối cùng của Vladimir Lenin hôm Chủ Nhật 14/10/2012 để đem đi bán đấu giá được báo chí khu vực và quốc tế quan tâm.



Tượng Lenin bị kéo đổ hôm 14/10 tại thủ đô Mông Cổ

Nhưng dù thị trưởng Bat-Uul Erdene nêu lý do chính trị – lịch sử để cho bỏ tượng Lenin đi, và gọi lãnh tụ của phong trào cộng sản là "kẻ sát nhân", câu hỏi là vì sao sau khi giải tán chế độ cộng sản năm 2000, đến nay Mông Cổ mới xóa đi biểu tượng cuối cùng của chế độ cũ.


Cân bằng các mối quan hệ

Câu trả lời có thể tìm thấy trong tinh thần dân tộc của người Mông Cổ, quốc gia chỉ có 2,8 triệu dân nhưng ngay từ khi bỏ chủ nghĩa cộng sản cũng đã không rơi vào quỹ đạo Trung Quốc mà tìm cách cân bằng các mối quan hệ quốc tế.

Tuy thế, lý do đầu tiên cho vụ bỏ tượng Lenin, theo lời thị trưởng Bat-Uul Erdene nói trong buổi lễ hạ tượng, chính là để đem lại công lý cho chừng 30 nghìn nạn nhân bị đàn áp khi Mông Cổ trực thuộc sự chỉ đạo của Moscow.


Nói một cách chính xác, đây là những nạn nhân Mông Cổ bị trấn áp thời Stalin, và Lenin, như một số báo Nga viết, chính là người đã “trao trả độc lập cho Mông Cổ” năm 1921.


Trang Voice of Russia cũng nhắc rằng Liên Xô là quốc gia duy nhất công nhận Mông Cổ cho tới Thế chiến thứ 2.


Nhưng với người Mông Cổ thời nay, nhắc đến Stalin thì đã quá xa và kéo đổ tượng Lenin là hành động biểu tượng cuối cùng họ làm.


Theo BBC Monitoring, kể từ khi cuộc biểu tình năm 1990 buộc Bộ Chính trị của đảng cộng sản phải từ nhiệm tập thể, Mông Cổ dần chuyển sang chế độ dân chủ đại nghị.


Các cuộc bầu cử tổng thống, nghị viện diễn ra tương đối công bằng và lãnh đạo Mông Cổ đã duy trì và tăng cường các mối quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn và Liên hiệp châu Âu, bên cạnh hai đối tác thương mại truyền thống lớn nhất là Nga và Trung Quốc.


Dù cho Trung Quốc vào khai thác khoáng sản, Mông Cổ vẫn tỏ ra độc lập về ngoại giao.


Theo BBC Monitoring, năm 2002, dù Trung Quốc phản đối và cảnh cáo lãnh đạo Mông Cổ, nước này vẫn đón Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, dân tộc chia sẻ tín ngưỡng Phật giáo Mật tông với người Mông Cổ.


Hồi tháng 7/2012, báo chí quốc tế đưa tin Nghị viện Mông Cổ thông qua một luật để khiến cho việc đầu tư của các công ty Trung Quốc khó khăn hơn.


Riêng với Nga, Mông Cổ vừa xóa dần các biểu tượng của thời Xô Viết và phục hồi đạo Phật, chữ viết truyền thống, giảm tiếng Nga trong sinh hoạt văn hóa, vừa tham vấn với Nga về các vấn đề Trung Á và Trung Đông.


Thành Cát Tư Hãn nay được Mông Cổ đề cao và quảng bá ra cả nước ngoài như tượng tại London này.

Năm 2004, Nga đồng ý xóa đi nhiều khoản nợ mà Ulan-Bator vay từ thời Liên Xô.

Trả lời BBC hồi 2010, một khảo sát ở Mông Cổ về lịch sử quan hệ Mông Cổ với Nga và Trung Quốc cho rằng quan hệ này "vô cùng phức tạp".


Nhưng Giáo sư Munkhbat, một trong những người đồng chủ trì cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh rằng "các thời kỳ Mông Cổ mất độc lập là đều liên quan tới hai nước lớn láng giềng này cả".


Quá trình phục hồi văn hóa và bản sắc truyền thống tại Mông Cổ được thực hiện qua việc đề cao di sản của Thành Cát Tư Hãn.


Trước trụ sở nghị viện mới xây tại Ulan-Bator có tượng vị Đại Hãn đã thống nhất các bộ lạc du mục để lập ra đế chế Nguyên Mông hùng mạnh trong thế kỷ 13, chiếm cả Trung Quốc và nhiều khu vực Trung Á.


Nhưng cổ vũ cho tinh thần dân tộc cũng có mặt trái của nó.


Gần đây, báo chí nói nhiều tới hiện tượng tân phát xít trong xã hội Mông Cổ như Dayar Mongol, một nhóm dân tộc chủ nghĩa.


Các nhà xã hội học ước tính trên cả nước Mông Cổ có tới trên một chục phong trào và tổ chức tương tự như Dayar Mongol, tập trung hàng trăm thành viên với nghị trình bài ngoại và cực hữu.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"