Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Trong và ngoài luật pháp

Nguyễn Hưng Quốc
Nói cách khác, lãnh đạo nằm ngoài và trên luật pháp. Tội trạng của họ chỉ được xử lý trong nội bộ. Chứ không phải trước tòa án. Mà nội bộ của đảng Cộng sản thì lại… trọng “tình đoàn kết”.
Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc sau hơn hai tuần lễ họp kín đã kết thúc vào chiều ngày 15/10 với một sự thất bại thảm hại.
Ai cũng biết một trong những mục tiêu chính của hội nghị là bàn về việc kỷ luật “một đồng chí ủy viên Bộ chính trị” – Nguyễn Tấn Dũng, đương kim Thủ tướng, người bị xem là tham nhũng và dung dưỡng việc tham nhũng cho thân nhân của mình đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm chính về nạn tham nhũng và từ đó, những vụ vỡ nợ khổng lồ của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước do ông trực tiếp quản lý. Nghe nói đa số ủy viên trong Bộ chính trị đã đồng ý về hình thức kỷ luật đối với ông. Tuy nhiên, sau các cuộc bàn cãi bí mật kéo dài nhiều ngày, Trung ương đảng đã “quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị.”

Sự thất bại của cuộc hội nghị có nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: “Bình thường thì Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam là một cấp lãnh đạo rất có uy tín, và thường thì, nếu Bộ Chính trị đã có quyết định, thì Bộ Chính trị có đủ uy tín, lập luận, sức thuyết phục, để thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương, để thuyết phục thực hiện quyết định mà 100% thành viên Bộ Chính trị đã đồng ý. Việc Bộ Chính trị không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương là điều khiến mọi người ngạc nhiên. Đây là điều mà tôi thấy hiện nay chưa giải thích được, và chưa biết được rằng hệ quả sẽ như thế nào?”
Thứ hai, nó chứng tỏ Ban chấp hành Trung ương đảng không có sự thống nhất trong những vấn đề quan trọng và cấp bách nhất của đất nước. Quyết định không thi hành kỷ luật với cái kẻ mà tội trạng đã quá hiển nhiên có thể xem như một sự thoả hiệp vụng về để kết thúc một màn tranh đấu không có người thắng kẻ bại trong nội bộ đảng Cộng sản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người bại, hơn nữa, bại một cách cay đắng, lại vẫn là dân chúng Việt Nam.
Thứ ba, nó chứng tỏ Ban chấp hành Trung ương đảng không thực sự quyết tâm trong việc bài trừ tham nhũng, trong việc thay đổi cơ cấu để điều hành kinh tế một cách hiệu quả hơn, và trong việc đáp ứng nguyện vọng của dân chúng vốn đã quá bất mãn trước những thất bại liên tục về kinh tế, những thất bại trở thành những gánh nặng đối với họ không những trong hiện tại mà còn cả trong tương lai với những số nợ khủng khiếp đến hàng mấy tỉ đô la do nạn tham nhũng và bất lực gây ra.
Thứ tư, như blogger Thuỳ Linh nhận định trong bài Ma sát: “Hội nghị Trung ương lần thứ 6 vừa qua đã bỏ lỡ mất một vận hội thu phục nhân tâm của đông đảo người dân khi họ nhất loạt ngưỡng vọng về sự thay đổi tốt đẹp. Không một thế lực thù địch nào có thể xúi người dân thả thuốc độc xuống dòng sông mà họ đang dùng. Chính quyền mong muốn ổn định chính trị bao nhiêu thì người dân cũng mong muốn ổn định đời sống bấy nhiêu, nhưng không thể là cách ‘ổn định’ bằng bạo lực và áp chế.”
Thứ năm, như là hệ quả của điểm trên, nó đưa ra một thông điệp: Đừng hy vọng là có bất cứ sự thay đổi quan trọng và cần thiết nào dưới chế độ này!
Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào ý nghĩa thứ sáu này: Nó chứng tỏ, một lần nữa, ở Việt Nam có hai hệ thống pháp luật khác hẳn nhau. Bình thường các vụ tham nhũng, dù nho nhỏ, của dân chúng hay cán bộ cấp thấp, đều được mang ra giải quyết trước tòa án. Với Bộ chính trị hoặc một số ủy viên trong Bộ chính trị, trong các vụ án tham nhũng làm thất thoát tài sản đất nước lên đến hàng tỉ đô la, được giải quyết trong các cuộc họp hay hội nghị đầy bí mật, giữa các “đồng chí” với nhau. Khi các “đồng chí” ấy thỏa hiệp với nhau, kẻ đáng lẽ có tội bỗng dưng trở thành vô tội, hơn nữa, vẫn tiếp tục nắm giữ quyền hành để lại tiếp tục tham nhũng và phá hoại đất nước thêm nhiều năm nữa.
Hai hệ thống pháp luật ấy có thể tóm tắt như sau: Với dân chúng, người ta dùng tòa án và căn cứ vào luật pháp; với cán bộ cao cấp, ở thành phần lãnh đạo, người ta sử dụng các cuộc họp nội bộ và không cần bất cứ một văn bản luật pháp nào cả. Ngay cả khi người ta thừa nhận sai lầm, những sai lầm gây tác hại nghiêm trọng đến kinh tế quốc gia và đời sống của cả hàng chục triệu người, người ta vẫn được tha bổng. Lý do: bảo vệ tình đoàn kết. Vậy thôi.
Nói cách khác, lãnh đạo nằm ngoài và trên luật pháp. Tội trạng của họ chỉ được xử lý trong nội bộ. Chứ không phải trước tòa án. Mà nội bộ của đảng Cộng sản thì lại… trọng “tình đoàn kết”.
Lưng lửng ở giữa là các đảng viên và cán bộ trung cấp: Họ vừa chịu tác động của luật pháp lại vừa không. Phạm tội, có thể họ bị mang ra trước tòa án, nhưng khi xét xử thì họ lại nhận một bản án nhẹ hơn hẳn dân thường.
Chỉ xin nêu một ví dụ:
Mới cách đây hơn một tháng, vào đầu tháng 9, nhà báo Hoàng Khương ở báo Tuổi Trẻ bị đề nghị phát 6-7 năm tù (cuối cùng tòa quyết định 4 năm tù) vì tội đưa 15 triệu đồng (khoảng 750 đô la Mỹ) hối lộ cho cảnh sát giao thông để chuộc lại chiếc xe bị tịch thu. Trước đó, vào đầu năm 2012, trung tá công an Nguyễn Văn Ninh bị mang ra tòa vì tội đánh chết công dân Trịnh Xuân Tùng. Tại phiên tòa, Viện kiểm sát đề nghị mức án là 3-4 năm tù giam; cuối cùng tòa án quyết định xử 4 năm tù.
Chỉ cần so sánh hai bản án ấy, chúng ta thấy ngay sự khác biệt giữa công an và nhà báo, đồng thời giữa cán bộ và nhân dân trước cái gọi là pháp trị ở Việt Nam.
______________________
Nguyễn Hưng Quốc - Dùng dao mổ trâu đập ruồi
Theo dõi trận chiến mà nhà cầm quyền Việt Nam phát động để chống lại một số trang web như Quan làm báo và Dân làm báo trong nước, tôi không thể không nhớ đến câu thành ngữ quen thuộc: dùng dao mổ trâu để đập ruồi.
So với hệ thống truyền thông chính thức và chính thống trong nước với cả gần 800 tờ báo các loại, trong đó có gần 200 tờ báo ngày và báo tuần, 63 tờ báo trung ương và 97 tờ báo địa phương, gần 70 đài phát thanh và truyền hình, hai tờ báo mạng Quan làm báo và Dân làm báo, cũng như tất cả các báo mạng hay blog độc lập khác, chỉ là những con ruồi. So với cả hệ thống chính quyền do đảng Cộng sản nắm giữ với hơn ba triệu đảng viên, hơn nửa triệu bộ đội và hàng mấy trăm ngàn công an cảnh sát, các tờ báo mạng ấy lại càng nhỏ xíu. Ngỡ đâu chỉ vo ve được như muỗi. Chỉ cần một ngón tay, nhà cầm quyền đã có thể làm cho chúng bẹp dí.
Nhưng không. Để chống lại các tờ báo mạng ấy, đích thân ông Thủ tướng phải ra tay. Ông không ra tay một mình. Ông huy động nguyên cả hệ thống truyền thông khổng lồ của ông vào một chiến dịch mang tầm vóc quốc gia để đánh nhau với hai con “ruồi” Quan làm báo và Dân làm báo. Báo in tấn công chúng. Báo nói tấn công chúng. Báo hình tấn công chúng. Báo mạng cũng tấn công chúng. Dường như có bao nhiêu vũ khí, nhà cầm quyền Việt Nam đều tung hết ra trận chiến này. Đủ thấy nó quyết liệt đến độ nào.
Nhưng cũng đủ thấy một số khía cạnh khác: Khi tung ra một chiến dịch rầm rộ như vậy, nhà cầm quyền đang tự nhận mình thua cuộc.
Thứ nhất, thua trên mặt trận tuyên truyền. Khi nhà cầm quyền cho "Những trang mạng đó rất nguy hiểm và có xu hướng lái độc giả theo một hướng khác, cái hướng là bác bỏ đường lối của chúng ta, làm cho người dân không còn tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ và Nhà nước, không còn tin vào những cố gắng, nỗ lực mà chúng ta đang tiến hành hàng ngày để cải thiện mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước, làm cho người dân kém tin vào chủ trương, chính sách đổi mới của chúng ta, kém tin vào chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”, họ gián tiếp thừa nhận là: một, những tờ báo mạng ấy được rất nhiều người đọc; hai, chúng có ảnh hưởng sâu sắc trong quần chúng; và ba, tất cả các tờ báo chính thống đều bất lực trong trận chiến phản tuyên truyền đối với những tờ báo mạng ấy.
Thứ hai, thua trên mặt trận kỹ thuật. Bình thường, với lực lượng an ninh mạng hùng hậu trong tay, trong đó có vô số chuyên viên được đào tạo để làm tin tặc, khi thấy có tờ báo mạng nào nguy hiểm, thủ trưởng chỉ cần búng tay một cái, cả đám sẽ xúm vào đánh cho sập ngay. Chuyện ấy, từ trước đến nhà cầm quyền Việt Nam vẫn làm. Làm một cách đầy tự hào. Vậy tại sao với Quan làm báo và Dân làm báo, họ lại không phá được? Mới đây, tối thứ ba, ngày 9 tháng 10, tin tặc tung một đợt tấn công dữ dội vào Quan làm báo, chiếm được tờ báo này khoảng mấy tiếng. Nhưng sau đó thì sao? Mấy tiếng đồng hồ sau, Quan làm báo lại hoạt động trở lại bình thường.
Thậm chí, số độc giả của nó còn tăng vọt hơn hẳn trước kia: Vụ tấn công của tin tặc trở thành một màn PR cho tờ báo mạng này! Không những không phá được Quan làm báo, nhà cầm quyền Việt Nam còn không biết ai đứng đằng sau nó. Họ cho công an lùng sục khắp nơi. Nhưng càng lùng sục lại càng chứng tỏ mình bất lực. Ít nhất về phương diện kỹ thuật và tình báo.
Thứ ba, thua trên mặt trận nhân tâm. Đối với các nhà báo và blogger độc lập, vốn rất yếu ớt, nhà nước càng hùng hổ và dữ dằn bao nhiêu, càng chứng minh mình độc tài và tàn bạo bấy nhiêu. Dưới mắt nhiều người, thái độ lồng lộn của một số nhà lãnh đạo Việt Nam trước các tờ báo mạng từng lên tiếng chỉ trích họ không khác gì phản ứng của những con thú bị chọc tức.
Thứ tư, thua trên mặt trận quốc tế. Báo chí quốc tế hiếm khi loan tin về Việt Nam. Thế nhưng gần đây, những tin tức về Việt Nam lại xuất hiện khá dồn dập, chủ yếu liên quan đến thái độ hung hãn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với các tờ báo mạng và những bản án khắc nghiệt dành cho ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải. Nhờ những tin tức đó, người ngoại quốc biết đến những trang mạng như Quan làm báo và Dân làm báo, đồng thời, cũng biết thêm mức độ độc tài và tàn ác của nhà cầm quyền Việt Nam. Nhiều bạn bè của tôi, kể cả những người đang dạy về Chính trị học, vẫn băn khoăn không hiểu tại sao chính quyền lại đối xử với các tờ báo mạng như vậy. Một người hỏi tôi: “Họ khùng rồi chăng?”
Vâng, hình ảnh những người cầm búa hay mã tấu giận dữ quơ qua quơ lại để chém mấy con ruồi vo ve không thể không gợi ấn tượng nào khác về một thứ bệnh tâm thần.
Nói đến tâm thần, người ta thường nghĩ đến cá nhân. Người ta thường quên một sự thật: cả chế độ cũng có thể bị tâm thần.
Nhất là những chế độ đang ở đường cùng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"