Phạm Thị Hoài
Trong phỏng vấn của tạp chí Mốt & Cuộc sống tuần vừa rồi, hoa hậu Lại Hương Thảo cho biết
trên người mình toàn đồ Trung Quốc, hàng nhái, từ Chanel đến Hermès. Cô
tin vào chính con người mình hơn vào đống hàng hiệu và ý thức rõ là ăn
mặc phải phù hợp với hoàn cảnh và mục đích.
Không lâu sau cô phải xin lỗi về phát ngôn bị coi là ngô nghê “trong tình hình chính trị nhạy cảm này”. Một hoa hậu khác coi phát ngôn đó là “vừa vô tình cổ vũ xài hàng fake, lại vừa vô tình chạm đến lòng tự ái dân tộc”.
Đeo túi Hermès thật, trị giá vài năm thu nhập của một người lao động
bình thường, thì lòng tự ái dân tộc còn nguyên. Đi giày Trung Quốc nhái
Hermès trị giá 250.000 ngàn đồng thì tự ái dân tộc bỗng bị chạm đến. Đó
là chưa kể Hermès thật cũng made in China như Hermès giả. Dân
tộc ta quả là có một lòng tự ái rối rắm. Nhưng dù sao, đây là lần đầu
tiên chuyện trang phục của một hoa hậu Việt Nam được xem xét từ góc độ
“tình hình chính trị nhạy cảm”. Tôi còn nhớ, giữa những năm bảy mươi
tình hình cũng nhạy cảm tới mức đọc Tam Quốc là một hành vi tự sát nhưng
xe đạp Phượng Hoàng vẫn đáng ước mơ hơn xe đạp Thống Nhất. Lòng tự hào
dân tộc của chúng ta cũng đi những lối thật lắt léo.
*
Cũng trong bài phỏng vấn ấy,
hoa hậu Lại Hương Thảo còn tiết lộ một việc khác: cô bị bố đánh mỗi khi
có lỗi, đánh rất nhiều, bằng dây điện chập bốn, lỗi nặng bao nhiêu vụt
bấy nhiêu, trên người cô còn vết sẹo lồi do bố đánh chảy máu.
Một tiết lộ như thế, nếu ở Đức, sẽ ngay lập tức kéo theo một làn sóng
công phẫn của dư luận và các nhà chức trách sẽ vào cuộc. Một ông bố
dùng dây điện chập bốn đánh con đến chảy máu đương nhiên phải bị truy tố
hình sự. Dư luận Việt Nam không chấp nhận hoa hậu khoe hàng nhái, nhưng
chấp nhận hoa hậu khoe bị đánh. Đúng là khoe, không thể dùng một từ
khác. Cô Lại Hương Thảo đầy lòng biết ơn với roi vọt của bố. Vết sẹo
nhắc nhở cô “cần phải sống tốt hơn nữa”. Cô chân thành coi cha là ân
nhân và thần tượng.
Một sự thật thà rất Việt Nam.
© 2012 pro&contra